Truyện ngắn: Nụ cười hoa hướng dương

Lê Thị Xuyên| 25/08/2017 08:18

Không biết từ bao giờ, Hoài lại yêu hoa hướng dương đến thế.

ADQuảng cáo

Có phải vì loài hoa giống như mặt trời tỏa nắng ấy tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, mãnh liệt và niềm tin vào tương lai? Có phải vì nụ cười của chị rạng rỡ như đóa hướng dương buổi sáng sớm? Hay chậu hướng dương trước nhà mỗi khi mùa đến lại vàng tươi màu nắng đầy sức sống khiến chị rung động?

Minh họa: Ngọc Tâm

Ngồi bên bàn làm việc, mắt chăm chú vào từng dòng chữ nắn nót, yêu thương của các cô cậu học trò, Hoài thấy lòng mình ấm áp lạ thường. Mỗi ngày, được miệt mài bên trang giáo án trước giờ lên lớp, được đứng trên bục giảng, cùng học trò khám phá cuộc sống qua những trang văn, được chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với những mảnh đời cơ cực, đáng thương,... khiến Hoài như được tiếp thêm động lực để sống lạc quan hơn.
Mấy nhóc học trò Hoài chủ nhiệm mỗi khi thấy cô giáo của chúng cười thì đứa nào đứa nấy lại xúm xít bàn luận:

- Tao thấy nụ cười của cô tinh khiết như con suối đại ngàn miên man chảy vậy. Nụ cười với đôi má lúm duyên dáng của cô, lần đầu tao gặp. Ôi! Cô mình đẹp như một thiên thần vậy.

- Mà này, mọi người gần nhà tao bảo, cô bị ung thư gì đó gần cả chục năm nay rồi, nhưng nhờ uống thuốc nam mà khỏi bệnh hẳn đó!

- Kì diệu thật chúng mày nhỉ? Tao nghĩ cô lúc nào cũng cười lạc quan nên bệnh tự nhiên mà khỏi chứ chẳng phải thuốc thang gì đâu. Lũ học trò đang mải mê ý kiến thì Hoài đã đứng phía sau từ lúc nào.

- Mấy trò đang bàn luận gì mà sôi nổi vậy hả? Trống vào lớp rồi kìa! Giật mình ngoảnh lại, thấy Hoài, chúng nhìn nhau lém lỉnh, vòng tay chào cô rồi chạy một mạch vào lớp, bỏ lại sau lưng nụ cười thánh thiện cùng cái lắc đầu thương thương của cô giáo chủ nhiệm. Nét nổi bật của Hoài là nụ cười. Ai cũng bảo vậy.

Năm Hoài còn là học sinh lớp 12, sau những cơn đau bụng âm ỉ không rõ nguyên nhân, ba mẹ đưa cô đến bệnh viện khám. Trải qua ca phẫu thuật sinh thiết, ba Hoài mặt mũi tái xanh, mẹ cô ngất lịm khi hay tin cô bị ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối, thời gian sống chẳng được bao lâu nữa. Thế mà Hoài chẳng rơi một giọt nước mắt. Nằm trên giường bệnh, cô bé tuổi 18 đã tự an ủi ba mẹ: Bệnh tật, sống chết đều có số cả. Ba mẹ đừng buồn, đứng khóc làm gì. Và Hoài bắt đầu chống chọi với hung tin ấy bằng nụ cười an nhiên.

Thấy con gái vẫn ngày đêm cặm cụi lo bài vở chuẩn bị cho kì thi đại học, thương con, chị Mơ rủ rỉ:

- Thôi, con đừng ôn bài nữa, dành thời gian nghỉ ngơi đi con. Dù biết nói vậy, con gái sẽ buồn, mặc cảm và có lẽ sẽ càng chán chường nhưng chị vẫn nuốt nước mắt vào tim để an ủi con.

ADQuảng cáo

- Con ước mơ được trở thành cô giáo dạy văn mẹ à. Con muốn được đứng trên bục giảng, được vui đùa cùng các em học sinh mỗi ngày, được đem kiến thức mình học truyền lại cho các em, được làm nhiều điều ý nghĩa... Nghe con nói, tim chị đau nhói.

- Nhưng...

- Con hiểu suy nghĩ của mẹ! Mẹ cho con đi thi nghe mẹ! Con sẽ cố gắng! Hoài ngồi lại gần mẹ, cầm lấy đôi tay xanh xao, gầy guộc của mẹ, nước mắt chực trào lăn dài xuống hai hõm má, năn nỉ. Chị Mơ chẳng thể kìm lòng. Gạt đi hai hàng nước mắt, chị ôm lấy con rồi gượng cười đắng đót. Ước gì người bị bệnh không phải là con bé mà là chị? Chị sẵn sàng đánh đổi vì con. Kể từ ngày phát hiện con bị ung thư, chưa đêm nào chị tròn giấc. Đêm nào chị cũng cầu trời, khấn Phật phù hộ cho con gái, mong có phép màu nhiệm sẽ đến với con. Ngày nào cũng vậy, chị dậy thật sớm để sắc thuốc nam cho con uống. Nhìn dáng mẹ gầy rạc, đôi mắt thâm quầng, nhìn ba mỗi khi ngồi một mình đăm chiêu, buồn bã, Hoài chỉ biết tự an ủi mình càng phải cố gắng để thi đậu đại học, để đem đến niềm lạc quan cho ba mẹ, người mà cô dành tất cả tình thương quý nhất.

- Ba mẹ ơi! Con đậu đại học rồi! Cầm tờ giấy báo trúng tuyển trên tay, Hoài chạy ù vào nhà khoe với ba mẹ, hạnh phúc vỡ òa trong ngôi nhà nhỏ nơi xóm núi. Chung niềm vui với con, vợ chồng chị Mơ cũng chộn rộn chuẩn bị hành lí để con gái xuống trường nhập học. Với Hoài, nụ cười lạc quan và niềm tin đã giúp cô có được tấm vé trở thành tân sinh viên khoa Ngữ văn của một trường đại học có tiếng ở miền Trung, ngôi trường cô ao ước được đến học bấy lâu nay.

Bốn năm đại học, Hoài là cô bé năng động, hoạt bát và yêu đời. Căn bệnh quái ác vẫn hàng ngày túc trực chờ cơ hội để đánh bại khát khao sống mãnh liệt của cô gái bé nhỏ. Nhưng dường như ý chí của cô gái lớn hơn nhiều sức mạnh của lưỡi hái tử thần ấy. Đặc biệt vẫn là nụ cười tươi rói bên đôi má lúm đồng tiền. Mỗi ngày, Hoài đều thức dậy sớm để sắc thuốc uống trước khi lên giảng đường học. Hết thuốc, hoặc cô bắt chuyến xe đi cả trăm cây số về nhà lấy, hoặc mẹ cô sẽ gửi thuốc xuống tận nhà trọ để con gái uống đều đặn. Hoài chỉ biết uống thuốc, chứ cô chẳng bao giờ nghĩ rằng khi nào mình sẽ chết. Hoài không muốn nhận lại từ bạn bè, thầy cô lòng thương hại, vậy nên cô giấu kín chuyện mình có bệnh suốt bốn năm đại học. Mọi người nhìn vào, cũng chẳng ai đoán biết rằng cô có bệnh. Hoài vẫn sinh hoạt, vẫn học tập, vẫn vui vẻ như những người bạn bình thường. Chỉ có điều, Hoài không dám yêu, không dám nhận lời yêu của bất cứ chàng trai nào, dù bên cạnh Hoài, có rất nhiều người muốn che chở cho cô. Niềm vui của cô sinh viên khoa văn ấy chỉ là hàng ngày chăm chỉ lên lớp, lên thư viện đọc sách, cùng bạn bè tham gia các hoạt động ngoại khóa, phong trào của khoa, của lớp. Tính cách sôi nổi, hòa đồng,

đặc biệt là nụ cười thân thiện của Hoài chẳng làm mất lòng ai bao giờ. Ngoài học, Hoài còn gửi gắm tâm sự, niềm vui sống bằng những vần thơ làm kỉ niệm. Hoài là cô gái giàu cảm xúc. Thơ của Hoài có gợn chút ưu tư, hoang hoải nhưng trên hết là tấm lòng khát sống đến cháy bỏng. Hoài sống bằng niềm lạc quan, yêu đời và tươi mới chứ chẳng phải bằng nước mắt như những người mang trọng bệnh khác. Có lẽ thế nên khi đứng bên bờ vực của cõi chết, Hoài vẫn mang trong mình niềm tin yêu bất diệt.

Ra trường với tấm bằng loại khá, mấy năm đầu chưa xin được việc, Hoài dạy kèm vài đứa trẻ trong xóm. Chúng thích thú bên cô giáo trẻ dạy văn vừa xinh xắn, dễ thương, vui vẻ lại vừa dẫn chúng khám phá nhiều bài học bổ ích từ những tác phẩm quen thuộc. Hoài dạy chúng vì lòng yêu nghề, mến trẻ, vì không muốn kiến thức mình học được từ thầy cô để uổng phí. Đám trẻ, đứa nhà có điều kiện thì hàng tháng đóng tiền học trăm, hai trăm ngàn; đứa nhà nghèo thì Hoài dạy miễn phí. Thi thoảng, chúng còn đem đến biếu cô giáo mớ rau, chùm quả trong vườn. Với Hoài, chỉ thế thôi cũng thấy ấm lòng rồi.

Hoài vẫn uống thuốc nam suốt 8 năm nay và cô vẫn chống chọi được với căn bệnh quái ác ấy. Phải chăng tinh thần của con người mới là điều quan trọng. Hoài cho là thế. Ba mẹ Hoài cũng nghĩ thế. Nhớ mấy hôm trước mẹ chở Hoài đi khám lại ở bệnh viện tuyến Trung ương, mấy bác sĩ nhìn Hoài mà không tin được rằng cô còn có thể sống được đến ngày hôm nay. Họ cho đó là một điều kì diệu, bởi trước đó, họ chưa từng gặp trường hợp nào như thế bao giờ. Cô bé tuổi 25 với nụ cười tươi sáng, sức khỏe ổn định vẫn say mê với ước mơ, khát vọng được làm cô giáo dạy trẻ khiến ai nấy đều cảm phục, ngưỡng mộ.

Niềm vui đến với Hoài sau một thời gian dài chờ đợi. Cô thi đậu biên chế vào một trường cấp 2 gần nhà. Hàng ngày, bên trang giáo án lên lớp, bên các em học trò tinh nghịch, đáng yêu, khát khao sống và cống hiến cho đời trong Hoài càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Có ai đó hỏi lí do khiến Hoài chiến thắng được bệnh tật, Hoài chỉ cười. Có lẽ nụ cười lạc quan ấy đã chuyển hóa thành sức mạnh phi thường giúp cô vượt qua tất cả.

- Cô ơi, chúng em tặng cô này!

Đưa tay đón nhận bông hướng dương rực rỡ từ học trò, Hoài vô cùng xúc động. Đáp lại lũ học trò là nụ cười rạng rỡ trên đôi môi cô gái đương tuổi thanh xuân đẹp như đóa hướng dương trong nắng sớm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Nụ cười hoa hướng dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO