Truyện ngắn: Tiếng gọi sâu thẳm

Đào Thu Hà| 06/10/2017 09:44

Đêm! Tiếng gió dội vi vút trên những tán cây, xoáy tròn trên mái nhà nằm ở lưng chừng con dốc cộng hưởng với tiếng âm u, huyền bí của rừng già vọng về tạo thành những âm thanh khiến thằng Táu hoảng sợ.

ADQuảng cáo

Nó nằm nép sát vào tấm lưng to kềnh càng của bố, cố gắng để cổ họng không phát ra những tiếng thở mạnh lo lắng, hoảng hốt. Thằng Táu nhắm tịt mắt, khẽ lúc lắc, ngọ nguậy cái đầu để xua đi những hình ảnh đáng sợ, đang lởn vởn. Hàng ngày, nó vẫn vào rừng lượm củi giúp bố. Từ khi nó chập chững biết đi, đứng từ mảnh sân con của ngôi nhà nằm chênh vênh ở lưng chừng con dốc, ngước mắt nhìn lên đã thấy rừng, một khoảng mênh mông xa xanh ngút tầm mắt. Rừng đã trở thành người bạn thân của nó từ lúc ấy. Nhưng đó là vạt rừng thân thiện, lý thú của ban ngày. Còn ban đêm, đối với nó rừng khoác lên mình một tấm áo đen sệt, đặc quánh những âm u, huyền bí. Những tán cây trong đêm tối nghều ngào vươn ra các nhánh khẳng khiu, uốn éo thành hình thù kỳ dị, ma quái. Thằng Táu vòng tay ôm tấm lưng to bè của bố để trấn áp cơn sợ hãi. Một hồi lâu, nó rón rén áp khuôn mặt tròn tròn, đen đúa vào tấm lưng chua chua mùi mồ hôi, thiếp đi trong mối an tâm rằng dù rừng đêm có đáng sợ thế nào đi nữa thì cũng đã có bố, trong tiếng mưa bắt đầu tí tách những giọt đầu tiên trên mái ngói, u u reo trên những vách núi và những vòm cây cổ thụ xòe tán lá rộng che kín lớp lá rụng thành thảm dày, lao xao dưới bước chân.

Minh họa: Ngọc Tâm

Táu tỉnh dậy khi mặt trời lấp lánh những tia nắng ngạo nghễ đầu tiên chiếu xuống mặt đất. Nó đứng ở sân, nheo mắt nhìn về phía rừng. Sau một cơn mưa đêm, cái khoảng xanh mênh mông ngút tầm mắt ánh lên nõn nà như được dát ngọc. Mặt trời quét đuôi nắng đến đâu, cái màu xanh óng ánh theo đến đấy. Bố đã đứng sau lưng nó từ lúc nào, hắng giọng:

- Tao xuống làng lấy ít gạo. Mày coi nhà nhé Táu.

Nó quay lại, nhìn bố:

- Hôm nay cánh thằng Sinh, cái Hoa vào rừng lượm củi. Con đi theo chúng nó bố nhé.

Bố ngạc nhiên:

- Hôm qua mưa, chắc gì hôm nay chúng nó đã đi?

Thằng Táu cười hì hì:

- Mưa bé tí thế thì nhằm nhò gì hả bố. Làm sao mà xuyên qua lớp lá dày ken ấy được.

Bố cầm theo chiếc bao, gấp gọn gàng, kẹp dưới nách, đủng đỉnh bước xuống dốc vào làng:

- Vậy mày nhớ dặn chúng nó chỉ nhặt củi rơi dưới đất, đừng bẻ cành nhé.

Thằng Táu đáp một tiếng “vâng” gọn lỏn. Bố nó nhắc vậy cho yên tâm. Còn nó cũng đáp lại cho bố yên tâm chứ cả hai bố con nó đều biết, cả cái làng này, có ai dám hái một chiếc lá, bẻ một cành cây của rừng đâu.

Lớn lên vài tuổi, bắt đầu nhận thức được, thằng Táu đã thấy rừng trước mặt. Đồng thời, nó cũng được căn dặn về sự linh thiêng của cánh rừng. Trẻ con lít nhít vừa biết phân biệt một chút đã nghe người lớn dặn dò muốn vào rừng nhặt củi phải xin phép thần rừng bằng cách khấn hòn đá đặt ở bìa rừng. Tuyệt nhiên không được phép ngắt dù chỉ là một cọng lá, bẻ dù là một cành cây. Nếu không sẽ bị thần rừng trừng phạt. Những lời thì thào bí ẩn về các câu chuyện của những tai nạn, chết chóc tăng thêm giá trị cho lời dặn dò, khiến lũ trẻ sợ xanh mét mặt mũi mà ghi nhớ. Có lẽ cũng bởi những lời đồn thổi, những bí ẩn chưa có lời giải đáp ấy mà cánh rừng của làng mới được bảo vệ nguyên vẹn.

Mặt trời đã chan hòa ánh nắng khắp mảnh sân con. Táu sốt ruột đi đi lại lại. Một lát, mới thấy hai cái đầu với hai chỏm tóc cháy nắng khét lẹt của thằng Sinh, con Hoa ló lên từ cuối con dốc. Nhìn thấy khuôn mặt trông đợi của nó, con Hoa nhoẻn miệng cười:

- Thằng Sinh cứ bảo hôm qua trời mưa nên không biết có đi hay không. Tao nói mãi. Với lại bố mày vào làng lấy gạo, bảo mày đang đợi nó mới đi đấy.

Thằng Sinh gãi đầu ra chiều bối rối, ngượng nghịu cười hề hề:

- Thôi bọn mình đi mau không muộn.

Ba đứa kéo nhau đi ngược lên con dốc. Tới bìa rừng, chúng đứng trước một hòn đá xanh, trơn nhẵn vì bị thời gian mưa nắng bào mòn, cúi đầu cầu xin một cách kính cẩn rồi mới bước chân vào khu rừng.

Đối với Táu, khu rừng ban ngày bình yên và đầy niềm vui trong trẻo. Nó ngước nhìn những con sóc chuyền cành, nghe tiếng thảm lá lạo xạo dưới chân, dang tay ôm những thân cây cổ thụ xù xì, thô ráp phải mấy vòng tay người lớn mới xuể, chăm chú một cách đầy say mê với những con vật nhút nhát, bò nhanh, giấu mình dưới lớp lá mục. Rừng đối với Táu có mối liên hệ tha thiết, thiêng liêng như tình cảm của nó đối với bố.

Táu không phải con ruột của bố. Nghe bố kể lại thì một sáng sớm, bố tìm thấy nó đang khóc ngằn ngặt ở bìa rừng, tím tái vì lạnh và đói. Bố bảo, chắc chắn nó là con của thần rừng mang đến cho bố. Nếu không, trời lạnh, cộng thêm với không khí âm u gần rừng và các con vật hoang dã, nó đã bị bắt đi mất. Bởi vậy, bố đặt tên nó là Táu với mong muốn nó lớn lên khỏe mạnh, vững vàng như cây lim, cây táu trong rừng.

Bố nó dựng nhà ở lưng chừng dốc, gần rừng mới cứu kịp nó chứ nếu không thì nó cũng không thể sống được cho đến hôm nay. Mà lý do bố nó tách ra khỏi làng cũng li kỳ lắm. Trước đó, bố nó cũng có vợ, có con. Nhưng người con đó tự nhiên mắc bệnh chết. Người vợ của bố nó cũng vì quá đau buồn mà tự tử theo con. Hai nỗi đau ập đến trong thời gian ngắn khiến bố nó như phát điên. Giỗ đầu vợ con xong, bố nó bỏ căn nhà cũ trong làng, dựng một căn nhà nhỏ tách biệt hẳn ra để sống. Người ta cũng bảo, tại ông đắc tội với Thần Rừng nên bị trừng phạt, phải dựng nhà ở gần rừng mới sống yên ổn. Kệ người ta xì xầm, thằng Táu vẫn tin lời bố. Nó tin nó là con của rừng mang đến cho bố. Còn bố dựng nhà gần rừng để ở là vì muốn yên tĩnh và vì con trai đã chết của bố hồi bé cũng thích rừng như Táu bây giờ vậy.

Lượm được một bó củi to, Táu cùng thằng Sinh, con Hoa ngồi nghỉ dưới một tán cây cổ thụ. Thằng Sinh đưa bầu nước mang theo lên miệng tu ừng ực cho đã khát rồi “Khà!” một tiếng thoải mái. Nó hỏi Táu:

- Hết hè này, mày có đi học tiếp không Táu?

Cả ba đứa mới học hết lớp năm. Nhưng muốn đi học hơn nữa thì phải xuống huyện. Mà huyện thì cách làng xa lắm. Mấy hôm trước, bố cũng hỏi Táu có muốn đi học nữa không để bố chuẩn bị, nhờ mấy người bạn ở huyện cho nó ở trọ đi học. Nó cũng muốn đi học, nhưng học xa thế, bố ở nhà thui thủi một mình. Nó cũng không muốn xa cánh rừng tẹo nào cả. Nó ngắc ngứ:

ADQuảng cáo

- Tao cũng không biết.

Con Hoa cúi đầu giọng buồn buồn:

- Còn tao thì phải nghỉ thôi. Nhà tao đông em. Tao đi học xa không có ai trông em cho bố mẹ tao đi làm. Với lại bố mẹ tao cũng không có tiền.

Thằng Sinh trầm ngâm như ông cụ:

- Nhà tao cũng vậy. Nó đứng vụt dậy, xốc bó củi lên vai - Thôi! Bọn mình về đi. Chắc cũng trưa rồi đấy.
Ba đứa lầm lũi bước ra khỏi cánh rừng, đi im lặng bên nhau. Bóng nắng rọi thẳng xuống con dốc. Nắng gay gắt.

Bước vào đến sân, thằng Táu ngạc nhiên khi có tiếng nói chuyện. Nó ngạc nhiên lắm. Bình thường nhà nó chỉ có mấy đứa bạn nó lên chơi. Số lần lên chơi cũng ít ỏi vì chúng nó còn bận trông nhà, trông em, kiếm củi. Còn khách ghé thăm thì chưa bao giờ có. Nó bước vào. Bố nó đang nói chuyện với một người phụ nữ nhìn đẹp đẽ, sang trọng. Thấy nó, bố khẽ bảo:

- Nó đấy!

Người phụ nữ nhào lại, ôm chầm lấy nó, khóc nức nở. Từ cơ thể bà tỏa ra thứ mùi xa lạ làm nó khó chịu. Nó đưa mắt nhìn sang bố như ngầm hỏi nhưng bố chỉ cúi đầu, ánh mắt đăm đăm như muốn nhìn xuyên vào lòng đất.

Tối muộn rồi mà hai bố con nó chẳng ai buồn ăn cơm. Bố nó bảo mệt đi nằm. Nó quên cả sợ hãi, ngồi tựa cửa nhìn về phía rừng đêm huyền bí. Người phụ nữ lúc trưa là mẹ nó. Mẹ nó bảo vì hoàn cảnh phải bỏ lại nó ở bìa rừng, nay đã có điều kiện muốn đón nó xuống tỉnh cho nó đi học. Mẹ đã bỏ rơi nó, nhưng nó không giận mẹ. Bố bảo nó rằng mẹ có nỗi khổ của mẹ. Bố và rừng cũng đã dạy cho nó, là một người đàn ông phải bao dung, rộng lượng.

Mẹ cho nó bao nhiêu là đồ chơi, quần áo đẹp. Toàn những thứ nó chưa thấy bao giờ: Ô tô hú còi, siêu nhân xếp hình, máy chơi điện tử... Xuống tỉnh, nó theo bố một lần rồi. Ở đấy toàn nhà cao tầng, xe ô tô, xe máy đi lại nườm nượp. Buổi tối cũng có điện sáng trưng. Ở tỉnh, những đứa trẻ đi học mặc quần áo đẹp, đeo cặp sách mới và đi những đôi giày mà Táu chưa được xỏ thử bao giờ. Nghe mẹ nói, nó cũng háo hức lắm. Nó muốn mặc đẹp, muốn sung sướng như bọn trẻ con ở tỉnh. Nhưng nó sợ bố buồn.

Bố gọi nó vào nhà, đeo lên cổ nó cái dây chuyền bạc có vuốt hổ. Bố không xưng “mày - tao” như mọi khi nữa mà căn dặn nó:

- Bố không có gì, có cái này cho con đeo để con luôn mạnh khỏe, may mắn thôi.

Táu không dám nhìn thẳng vào mắt bố. Nó lí nhí:

- Bố để con đi à?

Bố khẽ thở dài:

- Về với mẹ, con sẽ được học hành, có cuộc sống tốt hơn.

Nó cúi đầu không nói. Bố cũng nằm xuống, quay mặt vào tường. Một hồi lâu, Táu mới dám vòng tay ôm tấm lưng to bè của bố, úp mặt vào đó, lặng lẽ chảy nước mắt. Bố luôn dặn nó rằng con trai phải cứng cỏi, không được khóc. Nhưng hình như nó thấy lưng bố run run. Nó không biết, nước mắt bố cũng đang chảy. Bố nhớ lại những ngày đầu tiên nuôi nó. Nó bé bỏng như một con mèo con. Ngày nào bố cũng ôm nó vào làng xin sữa cho nó. Rồi lúc nó tập bò, tập đi, tập nói. Một người đàn ông đơn thân nuôi một đứa trẻ con không dễ dàng gì. Nhưng chứng kiến nó lớn lên từng ngày, trái tim chai sạn vì những nỗi đau khổ dồn dập của bố nó đã mềm đi. Ngày đầu tiên nó cất tiếng gọi ngọng nghịu “Bố ơi...”, bố nó khóc sau bao nhiêu năm nước mắt lặn ngược vào trong. Bố muốn giữ nó lại nhưng cũng muốn nó có cuộc sống đầy đủ hơn. Dù rằng rời xa nó, trái tim của bố lại thấy nhức nhối thêm một lần nữa...

Đúng một tuần thì mẹ quay lại đón nó. Nó xách túi quần áo theo mẹ. Đồ chơi mẹ cho lần trước nó chia hết cho cánh thằng Sinh, cái Hoa rồi. Hôm qua tiễn nó, cái Hoa khóc còn mặt thằng Sinh méo xẹo. Chúng nó bảo:

- Mày sướng nhất đấy, được lên tỉnh. Chắc mày quên bọn tao mất.

Táu lắc đầu:

- Tao không quên đâu. Tao sẽ về mà.

Bố không tiễn nó. Bố đứng ở cửa nhìn theo bóng nó loắt choắt theo mẹ xuống dốc. Mắt bố thăm thẳm như rừng đêm.

Đi xuống hết con dốc, nó ngoái lại. Căn nhà nhỏ chênh vênh lưng chừng dốc sao cô độc thế. Nó chưa bao giờ đứng từ cuối dốc nhìn lên như thế này bao giờ. Bóng bố tựa cửa như một chấm đen xuyên qua tâm hồn non nớt của nó. Phía sau nữa là vạt rừng xanh nhạt nhòa, trầm lặng của rừng. Nó cứ đứng bất động, trong đầu những suy nghĩ lộn xộn, rối ren nảy lên. Bố có mỗi mình nó. Mẹ đã lấy chồng khác, có con khác rồi. Không có nó, mẹ còn gia đình riêng của mẹ. Không có nó, bố chỉ có một mình. Nó là con mà rừng đã gửi tới cho bố.

Thằng Táu quay ngoắt lại, chạy thục mạng lên con dốc, bỏ lại sau lưng cái nhìn sững sờ ngơ ngác của mẹ. Mẹ nó đứng lặng nhìn theo. Sau một phút định thần, mẹ nó mới vội vã chạy đuổi theo nó...

Vạt rừng xanh nhạt nhòa dần rõ nét. Cả cái chấm đen của bố tựa cửa trong căn nhà cô độc cũng dần hiện ra to lớn hơn trong mắt nó. Táu thấy trong mắt, cả ngôi nhà của bố ở lưng chừng dốc và vạt rừng thân quen đều trở nên rực rỡ, tinh khôi và yên bình quá. Tất cả như sáng rực lên dưới ánh mặt trời ban sớm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Tiếng gọi sâu thẳm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO