Bút kí: Người đặc biệt

24/10/2019 15:16

Tác giả: Lê Champa

ADQuảng cáo

Gã biết kiếm tiền lúc chơi và chơi lúc kiếm tiền. Tôi gọi gã là người đặc biệt chính vì khả năng dị thường như vậy. Ai cũng muốn kiếm tiền để tận hưởng cuộc sống thì gã tìm cách thương mại hóa những trò chơi để kiếm tiền. Vào Đắk Nông, tôi đãi rượu cần chôn đất, chưa hút hết cần đầu tiên, gã đã hạ xuống hỏi:

- Ông có nhiều bình rượu như thế này để bán không?

Gã nhìn thấy lợi nhuận ngay trong lúc tận hưởng cuộc sống, nhìn thấy tiềm năng, thế mạnh và góc khuất của thị trường, nơi mà ít người nhìn ra. Rượu cần không thiếu, chỗ nào cũng có bán nhưng mua về chôn xuống đất cỡ một năm mới đào lên uống thì rất ít người có kiên nhẫn làm việc đó. Và vì vậy để có thể thưởng thức một bình rượu cần thơm nồng, ngọt lịm, dịu nhẹ, say ngây ngất, gần với rượu nguyên gốc của người Tây Nguyên bản địa thì rất khó. Ấy vậy mà con người đặc biệt dường như sinh ra để nhận ra những điều đặc biệt và biết cách thương mại hóa điều đặc biệt vào mục đích kiếm tiền.

Minh họa: Ngọc Tâm

***

Tôi và Sơn ngồi cạnh nhau suốt ba năm thời học phổ thông. Vào đại học, gã học Điện tử viễn thông Bách Khoa Hà Nội nhưng chỉ dùng kiến thức học được để kiếm tiền lúc tôi và rất nhiều những người bạn còn mài đít quần trên giảng đường. Khác với bạn bè cùng trang lứa, Sơn trưởng thành sớm, biết kiếm tiền ngay từ những năm đầu tiên là sinh viên. Khi mà tôi và những người bạn cùng khóa chưa biết gì về tin học văn phòng thì gã đã là giáo viên dạy thứ đó ở một trung tâm tin học. Khi mà chúng tôi biết một chút về tin học văn phòng thì gã đã là người thợ chuyên sửa máy vi tính. Những cỗ máy thời đó to kềnh càng, kêu như máy xay xát nhưng lại là cả một gia sản lớn ở nhiều gia đình. Vì vậy nghề sửa máy vi tính lúc đó hái ra tiền. Nhiều lần chứng kiến gã làm việc; lỗi phần mềm, cài lại; nhiễm vi rút, quét vi rút; không nhận ổ cứng, cắt bad, phân chia lại vùng dữ liệu… Đôi lúc chỉ hút ẩm hoặc vệ sinh máy tính đã có tiền, tôi thắc mắc thì gã mắng:

- Chi phí học bằng cả tấn gạo mới biết được chỗ hỏng nhưng sửa nó thì chỉ cần như vậy thôi.

Lúc mà tôi và mấy đứa học cùng lớp thời phổ thông chuẩn bị tốt nghiệp ra trường thì Sơn đã viết được phần mềm để bán. Vì thế gã sống ổn và là một trong những số ít sinh viên có thể tự trang trải để học, để vào đời một cách nghiêm túc.

Tháng đầu tiên nhận lương ở VTC, ầm ĩ gọi bạn bè đến liên hoan, gã tuyên bố là một trong những người Việt Nam đầu tiên sang nước ngoài để nhập công nghệ truyền hình kỹ thuật số. Những tưởng cuộc đời người bạn thân thiết ấy sẽ gắn bó lâu dài với truyền hình thì Sơn thay đổi nhanh hơn những gì mà mỗi người xung quanh có thể tưởng tượng ra. Lúc mà truyền hình kỹ thuật số chưa kịp phổ biến và bị thay thế bởi nhiều công nghệ khác thì gã đã trở thành “tay chơi chuyên nghiệp”. Dốc toàn lực về tài chính để đầu tư một sân tập golf ở trung tâm Hà Nội. Gã thì thào:

- Thiên hạ kiếm tiền để đi chơi, mình không tổ chức cho người ta chơi là phụ lòng mong mỏi của rất nhiều người bạn ạ! Mà mình không làm thì người khác cũng làm thôi.

Và bắt đầu từ đó gã bỏ hết những sơ đồ hình khối, những thuật toán không một, những vi mạch điện tử, những công nghệ lập trình, những giải mã truyền hình để bước chân vào lĩnh vực mới, dạy cho nhiều đại gia tập golf và tập golf để thu hút những kẻ có tiền. Golf là sân chơi, là nơi thư giãn, là nơi tận hưởng cuộc sống nhưng Sơn lại biết cách kiếm tiền ở chỗ ấy. Gã đặc biệt như chính cuộc đời bươn chải, vượt khó, vượt khổ, vượt qua những thử thách, khắc nghiệt, vượt qua rất nhiều những thói quen hàng ngày để làm mới mình, làm mới công việc và cuộc sống của chính mình. Cuộc đời gã phiêu lưu, mạo hiểm, đầy chông gai nhưng cũng vô cùng thú vị và luôn luôn tươi trẻ. Sơn lào khào mỗi khi nhậu say:

- Mọi thứ với tớ luôn mới, chỉ có vợ là lâu dài và không bao giờ mới.

Dạy golf và tập golf nhưng golf không phải là thứ duy nhất sinh ra tiền, thứ mang lại thu nhập chính cho gia đình người bạn thân nhất của tôi lại chính là... “thương hiệu”. Gã nhận làm đại sứ thương hiệu cho một ngân hàng lớn… Vì vậy gã tiếp tục đi chơi để kiếm tiền và kiếm tiền lúc đi chơi. Giới nhà giàu và siêu giàu ở Việt Nam và cả thị trường quốc tế chọn sân golf để chơi, để đàm đạo công việc, để giao lưu và đôi khi ký những hợp đồng kinh tế lớn ở đó. Thành thử việc bỏ làm truyền hình sang “tổ chức sân chơi cho người giàu” của gã thành công mỹ mãn.

***

Vào Đắk Nông, biết tôi là người trong giới cầm bút, Sơn làu bàu hỏi:

- Ông biết tại sao giới văn nghệ sỹ các ông không riêng ở Đắk Nông mà phần lớn ở nước ta đều có thu nhập thấp, đói như ngan ấp không?

ADQuảng cáo

- Vì nhuận bút thấp.

- Tại sao nhuận bút lại thấp?

- Vì bạn đọc ít.

- Tại sao bạn đọc ít? Vì các ông chỉ mới sáng tác ra những gì các ông có chứ chưa sáng tác ra những gì bạn đọc cần.

Gã đặt câu hỏi và trả lời khiến những người cầm bút chuyên nghiệp như tôi không khỏi áy náy. Vâng! chúng tôi mới chỉ viết bằng đáy lòng, bằng gan ruột, bằng những gì mình thấy, mình cảm nhận, mình trăn trở chứ chưa thấy được vùng đất, con người quanh mình đang muốn gì và cần gì, thành thử “văn học nghệ thuật” mới là “chính phẩm” chứ chưa thể là “sản phẩm” bán được thành tiền và buộc phải mua bằng tiền.

- Đắk Nông có gì khác biệt với Tây Nguyên? Gã tiếp tục đặt ra những câu hỏi dị thường.

- Đắk Nông tôi có trái bơ là đặc sản. Người ta đang có ý định đưa sản xuất bơ thành vùng trọng điểm ở Tây Nguyên. Tôi trả lời gã không chút đắn đo.

- Thế thì văn nghệ sỹ các bạn phải sống trong đất, thổi hồn vào đất, thổi hồn vào những đặc điểm riêng biệt của mình. Và chính những thứ ấy sẽ trả lại tiền cho bạn dưới dạng nhuận bút nhưng cao hơn nhuận bút rất nhiều.

- Tôi chưa hiểu?

- Đúng! Bạn chưa hiểu được nếu bạn không biết cách “liên kết” để văn học nghệ thuật nâng tầm sản vật tại Đắk Nông. Người Việt Nam nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung không chỉ mua sản phẩm của các bạn để ăn mà còn để thưởng thức, để cảm nhận văn hóa. Quá trình đó tạo ra sự lan tỏa làm trái bơ bán được đến nhiều người hơn và có giá trị hơn.

- Nghĩa là phải xây dựng “văn hóa cho sản phẩm đặc thù của Đắk Nông” phải không?

- Chính xác! Người Hàn Quốc phải mất vài chục năm để xây dựng văn hóa tiêu dùng và bán các sản phẩm của họ ra thị trường quốc tế. Đắk Nông rất cần làm như vậy.

Gã đặc biệt ấy đưa ra những lập luận hết sức quái dị nhưng cũng rất tinh tế. Tây Nguyên hùng vĩ, giàu bản sắc, giàu huyền thoại nhưng những nét văn hóa truyền thống ấy chưa thể biến thành tiền, thành sản phẩm, thành những giá trị bồi đắp cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Sơn đặt ra câu hỏi và mong được trả lời, được thấy văn hóa của người M’nông, người Ê đê, người Mạ và nhiều dân tộc khác đang cư trú và sinh sống tại mảnh đất Nam Tây Nguyên phổ biến đến với khắp đất nước. Người đặc biệt đã cảm nhận được những giá trị rất riêng biệt khi mới đặt chân đến Đắk Nông. Một lần nữa tôi cảm phục người bạn của mình, gã không chỉ thân thiện với tôi mà còn thân thiện với vùng đất nơi tôi đang sống.

Chia tay gã vào một sáng tinh sương, hồ Tây Đắk Mil cuộn sóng, sương mai trắng xóa ướt vai người ra đi, đẫm mi mắt người ở lại. Tây Nguyên se lạnh, ấp vào lòng bàn tay ly cà phê nóng đặc sản của Đắk Mil, Sơn nói khẽ:

Tây Nguyên hùng vĩ và thơ mộng! Đắk Nông có rất nhiều điều thú vị. Tôi cảm nhận được bạn đang có một kho tàng văn hóa của đồng bào nơi đây. Tôi hy vọng một ngày gần nhất kho tàng văn hóa ấy sẽ được đánh thức, sẽ được phổ biến đến đông đảo người Việt Nam bạn ạ! Đắk Nông sẽ không chỉ nổi tiếng vì cà phê, vì bơ, vì những đặc sản của núi rừng. Đắk Nông sẽ giàu, sẽ đẹp, sẽ là nơi tô điểm văn hóa mấy nghìn năm của đất nước ta.

Tôi xin đặt tên cho gã là “Người đặc biệt”. Gã thân thiết đặc biệt với tôi, đặc biệt với tình bạn của tôi. Không chỉ có những vui buồn, có những đắng cay, vinh nhục, chia ngọt sẻ bùi mà tôi và Sơn đã có những cảm nhận rất giống nhau về Đắk Nông, về vùng đất của huyền thoại, của sử thi, của khát vọng, nơi đỉnh núi Nâm Nung cao vút hướng về phía Mặt trời.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bút kí: Người đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO