Bút ký: Đoàn viên

25/01/2019 09:11

Tác giả: Lê Champa

ADQuảng cáo

Minh họa: Minh Thùy

Những ngày giáp tết, nắng cao nguyên gầy, hanh hao buông tỏa đại ngàn xanh, xa dài tít tắp, lô nhô những đồi cà phê hoa nở trắng xóa như chiếc bát úp ngược bồng bềnh trên nền trời trong vắt. Không gian tĩnh lặng, trầm mặc, dịu thơm mùi hương hoa cà phê da diết, quyến rũ len lỏi trong gió sớm mùa xuân, mấy đứa cháu sau một hồi nô giỡn lăn ra ngủ làm ngôi nhà giữa bạt ngàn cà phê vốn đã tĩnh lặng càng tĩnh lặng hơn.

Gần 30 năm gắn bó với Đắk Mil, gắn bó với cây cà phê, gắn bó với nếp sống của đồng bào M’nông đã làm cuộc sống của vợ chồng ông bà An thay đổi nhiều. Nuôi con lớn khôn, học hết đại học, mỗi đứa đều đã đi làm, lập gia đình, ra ở riêng. Đứa ở gần thì đã gửi con về nhà ông bà nghỉ tết, đứa ở xa thì bảo phải nhang khói, đèn hương với ông bà tổ tiên ở bên nội chắc phải đến mùng ba mới về tết bố mẹ được. Bà chỉ mong tết là gặp gỡ đoàn viên, tết là đủ đầy, tết là nụ cười, tết là hạnh phúc. Đang miên man suy nghĩ chợt có tiếng ngoài đầu ngõ:

- Năm nay em lên ăn tết với anh chị đây!

Ai vậy? Thôi đúng rồi! cậu Tâm, em ruột bà từ Kiên Giang lên. Bà An và ông Tâm là máu mủ, là ruột già, là muối mặn, gừng cay nhưng phải đi đến phía cuối cuộc đời, đây mới là cái tết đoàn viên đầu tiên giữa hai chị em.

Chuyện ấy xa lắm rồi, xa từ hồi năm 1954 chia cắt đất nước khi bà An còn là một đứa bé đỏ hỏn khóc oe oe. Xa vì sự ly tán của chiến tranh, vì nỗi đau của cả một thế hệ phải gồng mình chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Năm ấy, vì hoàn cảnh, cả gia đình di cư vào Nam, bà An còn nhỏ quá phải ở lại vùng đất chiêm trũng, ngập mặn miền quê lúa với vợ chồng hàng xóm hiếm muộn. Cuộc đời vẫn hoang lạnh hơn mong muốn của mỗi người. Hai mươi năm lửa đạn, bà An lớn lên với đồng lúa quê hương cay đắng ngọt bùi. Đôi chân cứng, đôi tay dẻo, ý chí con người vượt lên khó khăn, vượt lên hoàn cảnh, vượt lên số phận. Rồi đất nước thống nhất mà lòng người vẫn còn mãi những chia ly. Lá thư đi nhưng chẳng bao giờ đến được nơi cần đến.

Ông Tâm được sinh ra sau khi bố mẹ ông chọn Kiên Giang làm nơi định cư mới. Lớn lên với khí chất của người Nam bộ, ông hào phóng, hiên ngang, nghĩa tình. Nghe cha mẹ kể lại về người chị được sinh ra ở quê không thể đi theo bố mẹ được, ông cũng đã viết rất nhiều thư gửi về quê tìm chị nhưng rồi những lá thư ấy hoặc là thất lạc trên đường đi, hoặc là không tìm đúng đến địa chỉ. Vì vậy mãi gần 10 năm sau những người trong cùng một gia đình ấy mới tìm được nhau. Lúc đó, bà An đã theo chồng vào Đắk Mil lập nghiệp. Và vì vậy mặc dù là chị em ruột nhưng cả hai người chưa bao giờ được đón tết cùng nhau.

Quẳng túi hành lý mang theo, ông Tâm bỗ bã hỏi lớn:

- Anh đi đâu chị? Nhà mình chuẩn bị tết đến đâu rồi?

- Cậu yên tâm! Quanh vườn có đủ rồi. Lợn trong chuồng, gà ngoài rẫy cà phê, còn lá dong chỗ nào cũng có. Tối nay anh chị mới gói bánh chưng. Mùa tưới cà phê, anh còn ở trên rẫy, gần tối mới về.

Cơ chế sinh học của cây cà phê vốn có tính đặc thù. Sau khi thu hái, người ta bỏ mặc những cành lá khẳng khiu, trơ trọi với gió chướng. Mặc cho cây cà phê cứ khô khát, héo úa, cong keo lầm lũi như những bức tượng nhà mồ của người Ê đê. Nhưng thật kỳ lạ, cây cà phê không chết mà ngược lại trong khô khát ấy những nụ hoa bé xinh lại hình thành giữa đọt lá chỉ chờ nước về là bung tỏa, trắng xóa như những bông tuyết báo hiệu mùa xuân sang. Vì vậy khi nụ hoa đào rung rinh trước ngưỡng cửa mùa xuân, khi chim én lượn khắp Tây Nguyên đại ngàn thì cũng là mùa của hoa cà phê thơm da diết, xao xuyến, khiến đôi chân mỏi muốn dừng lại mà thưởng thức, mà hít hà, mà tan vào không gian ăm ắp nắng đầy để lòng người ngưng nghỉ, để tâm hồn trẻ lại tan vào hư vô, quên đi phiền muộn, quên đi cơ cực, quên cả ai oán, hận thù. Chỉ còn lại tình người thắm thiết, bền chặt, son sắc, thủy chung. Hoa chờ nước, nước chờ bàn tay chuyên cần của mỗi nông dân cà phê. Vì thế, cứ mùa tưới là cả Tây Nguyên rộn ràng tiếng máy nổ. Nước từ sông, từ suối, từ ao, từ hồ được bơm lên hết công suất. Hoa nở rộ, trắng xóa cả chân trời. Khi những đồi cà phê từ màu xanh chuyển sang màu trắng toát như chiếc bát úp ngược khắp trên Tây Nguyên huyền thoại thì tết sẽ về, tết là mùa của đoàn viên, mùa của sum họp, mùa của hạnh phúc, mùa của đồng bào người Kinh cũng như người Ê đê, M’nông mở lễ hội ăn mừng, nhảy múa, hát ca.

ADQuảng cáo

Ông Sinh, chồng bà An về sớm. Để mặc ống tưới, máy bơm ở lại rẫy, tết mà. Nghỉ thôi, nghỉ sớm một chút cũng được, qua tết tưới thêm chứ vội gì? Thế là chú heo mọi hơn chục ký được chọc tiết kêu eng éc. Chú gà trống lai giữa gà nhà và gà rừng mào trắng, mỏ đen chân chì cũng được giết thịt để cúng tất niên và mừng năm mới. Vừa làm ông Sinh vừa kể:

- Chẳng chỗ nào không có gà cậu Tâm nhé! Nhưng cậu cứ ăn thịt gà Đắk Mil rồi sẽ thấy. Thứ nhất nó có nguồn gốc hoang dã nên thịt thơm, giòn, ngọt hơn hẳn thứ gà nuôi công nghiệp. Thứ hai, nó lại có không gian rộng lớn, tung tăng đi bộ khắp rẫy nên thịt ít mỡ, ăn được nhiều mà không ngán.

- Còn con heo. Anh chị nuôi lâu chưa mà bé xíu như vậy? Ông Tâm hỏi lại.

- À, khoảng gần một năm cậu ạ! Từ sau mùa tưới năm trước.

- Ô! Sao lại lâu như vậy?

- À! Thời đói kém qua đi rồi. Ngày tớ lấy bà ấy, nhà thịt con heo béo mà mỡ của nó dày đến nửa gang tay, hồi ấy như vậy là ngon. Nhưng bây giờ khác rồi, thực phẩm là cứ phải quay lại cái tự nhiên mới ngon được. Con heo này tớ mua của người đồng bào ở đây nhưng không cho ăn cám, không cho ăn bột, chỉ có rau, củ, quả và cơm thừa canh cặn nên nó lâu lớn. Nhưng thịt của nó thì khác hẳn với thứ thịt mua ngoài chợ

- Ô, thế người Tây Nguyên sướng nhỉ. Cái gì cũng là tự nhiên, cái gì cũng sạch, cũng ngon.

- Cậu uống rượu cần chôn đất nhé! Anh đào lên.

Ông Tâm hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Anh rể vốn hoài cổ nhưng không thích uống rượu. Vậy mà...

Vừa bê ché rượu cần vào trong, ông Sinh vừa giải thích:

- Rượu nguyên gốc của đồng bào M’nông Tây Nguyên hầu như không còn cậu ạ! Rễ cây, là cây rừng làm men phải rất vất vả mới lấy được. Vì vậy hiện nay để có thể ủ rượu bán ra thị trường người ta phải dùng phương pháp khác. Vì thế khi uống mùi men cứ nồng lên, đắng ngắt và rất dễ say. Muốn giữ lại hương vị của nó thơm, ngon và đượm hương rừng như rượu nguyên gốc tôi phải chôn xuống đất khoảng 1 năm.

Đêm ba mươi ấy, người ta thấy bên bếp lửa nồng, canh nồi bánh chưng là hai chị em, hai mái đầu bạc, hai con người lưu lạc ngay từ khi sinh ra để rồi đi gần hết cả cuộc đời họ mới được đón tết cùng nhau ở một phương trời xa lạ, không hẳn là quê hương nhưng đượm nghĩa tình. Không hẳn là nơi chôn rau cắt rốn nhưng ở đó có cuộc sống trọn vẹn cho hôm qua và vươn mãi đến ngày mai. Trong đêm giao thừa se lạnh, ngọn gió xuân đưa hương hoa cà phê da diết, bịn rịn hai chị em lại mới có dịp tâm tình với nhau về quãng đời đã qua. Không có gừng cay muối mặn nhưng là khúc ruột nghĩa tình. Không có tuổi thơ được nô đùa hồn nhiên cùng nhau nhưng có một khao khát đoàn viên giữa mùa hoa cà phê bung nở trắng trời.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bút ký: Đoàn viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO