Gió chiều tàn thu

07/06/2019 08:34

Truyện ngắn của Đào Thu Hà

ADQuảng cáo

- Cô ấy mất lâu chưa hả bố?

 - Sắp được 100 ngày rồi con ạ. Tội nghiệp, đến giây phút cuối cuộc đời cũng chẳng có ai bên cạnh. Bà ấy đi từ đêm hôm trước, sáng hôm sau bố mang cho bà ấy tô cháo mới biết…

Bố ngập ngừng như định nói thêm điều gì nữa rồi lại thôi khiến câu trả lời buông lửng như một tiếng thở dài cố nén lại, tức tưởi trong lồng ngực. Ông ngồi bên ấm trà đã nguội ngắt từ lúc nào, nhìn sang căn nhà đối diện. Căn nhà không còn người ở, dù chỉ là một thời gian ngắn thôi cũng trở nên tiêu điều, hoang vắng. Cô len lén nhìn bố. Hình như trong mắt ông đầy những nuối tiếc. Trong thoáng chốc, cô còn như thấy cặp mắt đã bắt đầu phủ sương vì tuổi tác của ông như có nước. Cô đứng dậy, khẽ bảo:

- Để con sang thắp cho cô ấy nén nhang.

Bố cô lập cập đứng dậy lấy chìa khóa. Dường như ông còn chưa hết xúc động. Ông đưa chìa khóa mà không nhìn cô:

- Ừ. Con sang thắp cho bà ấy nén nhang. Lúc còn sống, bà ấy vẫn cứ nhắc con suốt.

Minh họa: Ngọc Tâm

Cô đưa tay đẩy chiếc cổng tre được buộc một cách sơ sài, khép lại cho có lệ. Những thanh tre còn mới, chứng tỏ mới được dựng lại cách đây không lâu. Chắc là bố cô dựng để ngăn trâu bò vào phá. Cô có cảm giác hơi xót xa. Bố đã già thật rồi, những mối buộc không còn chắc như trước. Ông vốn là người cẩn thận, làm đâu ra đấy. Có lẽ sức khỏe của ông đã yếu đi nhiều, ông có muốn buộc chặt, buộc chắc như ngày trẻ cũng không được nữa. Mà cũng đúng! Thời gian chẳng bỏ qua bất cứ ai. Người phụ nữ hàng xóm lúc cô đi mái tóc cũng mới chỉ đốm bạc giờ cũng đã thành người thiên cổ.

Cô mở khóa. Ánh sáng ùa vào căn nhà nhỏ, xua bớt không khí lạnh lẽo đầy ám ảnh của căn nhà không có người ở. Cô châm nhang. Mùi nhang trầm tỏa không nhà gợi lên những nôn nao sâu kín khó nói thành lời. Người phụ nữ trong ảnh nhìn cô hiền từ giống như ánh nhìn bà dành cho cô ngày cô còn thơ bé. Cô nhìn khắp căn nhà. Những nét vẽ nguệch ngoạc bằng than, bằng gạch non của cô lên bức tường quét vôi trắng đã ngả vàng vẫn được giữ nguyên, chỉ mờ đi đôi chút. Cô đã từng gắn bó với căn nhà này suốt những ngày thơ ấu. Vậy mà bao nhiêu năm rồi, kể từ khi cô bắt đầu lớn cho đến khi cô lập nghiệp ở xa, cô đã không bước chân qua khoảng sân, lên bậc thềm, vào trong ngôi nhà đã in bao dấu vết của cô, cô cũng không nhớ nổi nữa.

Cô mất mẹ từ nhỏ. Nhà nghèo, bố cô là thương binh, mang trong mình những di chứng của chiến tranh nên không thể làm việc nặng nhọc. Ông chỉ có thể làm những việc nhẹ nhàng, đan thêm cái rổ, cái rá bằng tre để mẹ đem ra chợ bán kiếm thêm ít tiền trang trải. Nhưng rồi những đồ dùng bằng tre ít người ưa chuộng. Mẹ cô vì gánh nặng mưu sinh đè nặng, làm việc quá sức dẫn đến lao lực rồi qua đời. Từ đấy, trong thế giới của cô chỉ còn có bố.

Người phụ nữ hàng xóm cũng sống cô quạnh một mình. Sau này lớn lên, cô nghe bố cô kể rằng hồi trẻ bà đi thanh niên xung phong, hết chiến tranh trở về thì đã quá lứa lỡ thì. Bố mẹ bà đã qua đời hết, chẳng còn ai thân thích. Biết mình không còn khả năng làm mẹ do những năm tháng sống nơi rừng thiêng nước độc, bà ở vậy. Bà sống trong căn nhà nhỏ đối diện với bố con cô. Không có con nên tình thương của bà dành cho cô chẳng khác gì một người mẹ.

Cô vẫn nhớ những buổi trưa nóng bức, cô lê la sang vườn nhà. Bà mắc chiếc võng dưới bóng cây râm mát, vừa quạt vừa hát ru cô ngủ. Trong giấc ngủ chập chờn nửa mơ nửa tỉnh, thỉnh thoảng cô cứ ngỡ bà là mẹ mình. Nghe tiếng cô ú ớ gọi, bà dừng quạt, vỗ nhè nhẹ vào lưng cô, dỗ dành cô. Bà kể chuyện cổ tích cho cô nghe, mua cho cô những chiếc áo mới để cô không thấy tủi thân với bạn. Có đêm, cô ngủ lại nhà bà, vòng tay ôm bà, hít hà mùi tóc dìu dịu mùi sả, mùi lá chanh. Chưa bao giờ bà đi chợ về mà không có quà cho cô. Bà chưa bao giờ la mắng hay trách phạt cô, dù có lần cô rủ mấy đứa trẻ hàng xóm qua nhà, lấy than, gạch non vẽ chằng chịt lên tường, lên sàn nhà. Bà ngắm nghía những bức vẽ nguệch ngoạc ấy, cười thật hiền:

- Phải lưu giữ mấy “bức tranh” này, mai mốt lớn lên làm họa sĩ nổi tiếng rồi tha hồ mà đắt nhé.

Cứ tưởng bà nói vui, ai ngờ bao nhiêu năm qua đi, những bức vẽ ấy vẫn nằm nguyên trên tường, chỉ bị thời gian làm mờ đi đôi chút.

Cô đã từng yêu quý bà như thế, từng thân thiết với bà như thế mà cuối cùng cũng chính cô làm bà tổn thương.

Nhang đã gần tàn, bố cô cũng sang từ lúc nào. Giọng ông khàn khàn:

ADQuảng cáo

- Lúc bà ấy ốm sắp mất, bà ấy cứ hỏi thăm con mãi.

Cô im lặng, không đáp lời bố. Ký ức lại ùa về, bỏng rát.

Khi cô lớn hơn một chút, bắt đầu nhận thức được thì những lời trêu chọc của mọi người khiến cô trở nên ghét người phụ nữ từng yêu thương, chăm sóc mình. Người ta nói bà sẽ lấy bố cô, sẽ trở thành dì ghẻ của cô. Cô không thích bố lấy vợ hai, dù người ấy từng là người cô quý mến. Cô không sợ cảnh dì ghẻ con chồng như trong truyện cổ tích vì cô biết người phụ nữ ấy yêu mến cô. Cô không thích vì cô luôn nghĩ rằng, mẹ vất vả vì bố con cô mà mất. Bởi vậy, việc bố chung thủy suốt đời với mẹ là điều đương nhiên. Cô không chạy sang mảnh vườn nhà đối diện, cũng không ăn những thức quà bà đưa nữa. Trước con mắt ngạc nhiên của bà, cô chỉ giải thích gọn lỏn:

- Cháu lớn rồi.

Cô bỏ nhà đi nguyên một ngày khi nhìn thấy bố ngồi bên cạnh người hàng xóm, cười nói vui vẻ. Có lúc, bố còn cầm tay bà. Cô chạy ra cánh đồng, tìm đến mộ mẹ ngồi khóc. Cánh đồng buổi tối hoang vắng, gió rít ào ào từng cơn, chưa bao giờ cô dám đi một mình mà tối hôm ấy, sự tủi thân cùng nỗi tức giận khiến cô không còn cảm giác sợ. Lạnh và đói, khi bố tìm thấy cô thì cô đã mệt lả. Vậy mà trước khi đồng ý theo bố về, cô đã bắt bố phải đứng trước mộ mẹ mà hứa không bao giờ lấy vợ nữa. Người phụ nữ hàng xóm chạy theo bố đi tìm cô lúc ấy như đứng hóa đá bên cạnh. Nhưng cô không quan tâm và cho rằng mình không cần thiết phải quan tâm. Cô chỉ cần giữ bố cho mẹ, cho cô là đủ.

Lên đại học, cô chọn theo mỹ thuật. Bố buồn. Cô biết, ông muốn cô theo sư phạm, sau này dạy học gần nhà. Nhưng tuổi trẻ hiếu thắng, cô nghĩ mình là kẻ có tài, cô muốn nổi tiếng, muốn tất cả mọi người biết đến tài năng của mình. Không ngăn cản được cô, bố đành im lặng chấp nhận.

Việc theo học ngành mỹ thuật không đơn giản như cô tưởng. Thêm một khó khăn nữa là vấn đề tiền học phí và sinh hoạt. Cô được miễn giảm một phần học phí nhưng còn tiền đi thực tế, tiền giấy, tiền màu. Những năm đầu, cô còn có thời gian đi làm thêm. Năm cuối, cô không thể sắp xếp nổi một kẽ hở nào giữa những tiết học căng thẳng. Cô chia sẻ với bố. Ông ngập ngừng rồi dứt khoát:

- Con cứ yên tâm học. Bố lo được.

Đều đặn hàng tháng, ông gửi tiền cho cô. Có những khoản đột xuất, cũng chỉ bài ngày sau khi thông báo là cô nhận được. Có lần, cô thắc mắc hỏi ông lấy tiền ở đâu, ông chỉ ậm ừ đánh trống lảng:

- Thì bố để dành từ tiền nọ tiền kia, người ta cũng thăm hỏi…

Không thỏa mãn với câu trả lời của bố, nhưng những bận rộn khiến cô không còn tâm trí để nghĩ đến nữa.

Ra trường, cô mải miết chạy theo những giấc mơ của mình. Cô chuyển đến một thành phố lớn, ồn ào, náo nhiệt và nhiều cơ hội. Thi thoảng gọi về cho bố, nghe bố nhắc người phụ nữ hàng xóm hỏi thăm, cô chỉ ậm ờ cho qua chuyện. Từ ngày bắt bố hứa trước mộ mẹ, cô không bước chân qua căn nhà ấy nữa. Thi thoảng về thăm nhà, cô cũng tránh. Đôi khi cô chợt nghĩ, nếu như ngày ấy cô đồng ý thì có lẽ tuổi già của bố cũng bớt nỗi lo âu, bố có người chăm sóc. Nhưng rồi cô gạt nhanh suy nghĩ ấy. Cô giữ bố không phải vì cô mà là vì mẹ.

Bố gọi điện, giọng ông đau đớn báo tin bà mất. Ông xót xa dự cảm về tuổi già của mình. Cô chợt giật mình nhìn lại. Cô cứ mải mê lao theo ước mơ của mình mà quên mất rằng thời gian vô tình, rằng mình còn có cha già nơi quê nhà. Những ước mơ phù phiếm cứ cuốn cô đi mãi, ngoảnh đầu nhìn lại đã thấy mình bỏ quên quá nhiều thứ phía sau.

Nhang đã tàn, trời cũng đã về chiều. Bố mở cánh cửa tủ, run run đưa cho cô cuốn sổ nhỏ. Người phụ nữ hàng xóm để lại căn nhà có những nét vẽ nguệch ngoạc đầu tiên của cô lại cho cô. Bố nghẹn ngào:

- Những khoản tiền năm cuối cho con cũng là tiền của bà ấy. Sợ con không nhận, bố phải giấu.

Cô cầm cuốn sổ, không thốt nên lời. Gió chiều tàn thu thốc từng đám lá vàng lên không trung. Có giọt nước mắt rơi qua môi cô mằn mặn vị của những nuối tiếc muộn màng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gió chiều tàn thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO