Khúc tráng ca của mùa thu cách mạng

Lê Thành Văn| 17/08/2018 14:52

Đến với bài thơ hay của Tố Hữu. Lời bình: lê Thành Văn

ADQuảng cáo

Vui bất tuyệt

Vui quá đêm nay

Ta nhảy ta bay

Trong lòng Hà Nội

Biển sống trào lên thành đại hội

Muôn màu vũ trụ kết hoa đăng

Xôn xao mặt đất, trăng là trăng

Chảy xiết ngân hà, muôn sao vàng rực

Màu trời đỏ huyền kỳ mọc lên, ôi náo nức

Nhạc nhân gian cuồn cuộn bốc hồng trần

Ta đi đây là trăm vạn thiên thần

Chiều chiến thắng phá tan quân quỷ sứ

Ta đi dưới bốn ngàn năm lịch sử

Đêm nay tràn hoa đỏ nhụy vàng tươi

Ta đi đây của thế kỷ hai mươi

Mạch suối trẻ trong lòng người vô địch

Ta đi tới, biết đâu là tuyệt đích?

Người cuốn lôi ta, ta cuốn lôi người

Đi đi hoài, đi mãi anh em ơi

Đây cuối đất cùng trời hay chẳng biết

Ta hát suốt đêm nay vui bất tuyệt

Trống rung tim ta đập nhịp bồn chồn

Đầu ta qua lớp lớp khải hoàn môn

Hồn ta chạy sáng ngời trên ngọn đuốc

Lòng ta múa lồng lên theo đám rước

Ta xông lên trời với pháo thăng thiên

Bay bay lên hỡi đôi cánh thần tiên

Đôi cánh mở của đất trời giải phóng.

*

Ảnh tư liệu

Lời bình:

Tố Hữu là nhà thơ lớn của văn học cách mạng Việt Nam. Ông được mệnh danh là cánh chim đầu đàn của nền thơ ca khai sinh từ ngày lập quốc. Mỗi dấu mốc lịch sử của đất nước, mỗi chặng đường vẻ vang của dân tộc, tiếng thơ Tố Hữu lại cất lên trong sáng và hào hùng những bài ca bất tận. Vui bất tuyệt là thi phẩm ra đời sau một năm nước nhà giành được độc lập, tự do từ cuộc Cách mạng tháng Tám thành công. Bài thơ là tiếng reo vui, thể hiện niềm tự hào ngập tràn trong trái tim người chiến sĩ cộng sản "say thần thánh" từ khi được "mặt trời chân lý chói qua tim".

ADQuảng cáo

Trước hết là nói về cái náo nức của giọng thơ trong Vui bất tuyệt. Phải nói rằng, đọc thơ Tố Hữu, thường người đọc bắt gặp một thể thơ cố định tác giả sử dụng xuyên suốt bài thơ: 7 chữ, 5 chữ, hay lục bát như trong Bác ơi, Lượm, Kính gửi cụ Nguyễn Du... Song ở đây, chính thể thơ tự do có tính bứt phá của các dòng thơ đầu đã tạo nên chất giọng vui tươi, phơi phới và tràn đầy mê say trong thi phẩm này. Sau một năm đất nước được độc lập, vào ngày 2/9/1946, Tố Hữu viết bài thơ này như một tiếng reo vui ngấm từ huyết quản nên đã không kìm nén được lòng mình, thơ cứ thế trào dâng như mưa ngàn sóng bể, đắm say đến bất tận:

Vui quá đêm nay

Ta nhảy ta bay

Trong lòng Hà Nội

Biển sống trào lên thành đại hội

Muôn màu vũ trụ kết hoa đăng

Xôn xao mặt đất, trăng là trăng

Chảy xiết ngân hà, muôn sao vàng rực

Màu trời đỏ huyền kỳ mọc lên, ôi náo nức

Nhạc nhân gian cuồn cuộn bốc hồng trần

Ba câu thơ đầu mỗi câu bốn chữ, ngắn và chắc như những bước nhảy vui sướng, tự hào để mừng chiến thắng, sau đó số lượng chữ trong các câu thơ về sau tăng dần, từ bảy đến chín chữ cứ như niềm vui ngày một dâng cao, lan rộng trong tâm hồn tác giả. Giọng thơ nhờ thế ngân lên phóng đạt, náo nức. Các hình ảnh thơ cũng rất đẹp như thêu dệt một bức tranh sống động ở cõi nhân gian. Hình ảnh thơ đẫm chất lãng mạn nhưng cũng hoành tráng mang màu sắc sử thi. Từ ánh trăng, muôn sao, ánh "mặt trời đỏ huyền kỳ" cho đến âm nhạc nhân gian cuồn cuộn bốc lên bốn phương tám hướng. Niềm vui đan xen niềm vui, tự hào nối kết tự hào thông qua hàng loạt động từ gối lên nhau liên tục: nhảy, bay, trào lên, kết, chảy xiết, mọc, xôn xao, cuồn cuộn...

Từ niềm vui sướng vô biên sau cuộc Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945, nhân dân ta đã thực sự có được một nền độc lập, tự do và thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp. Tố Hữu, với tâm hồn nhạy bén của một nhà thơ cách mạng, ông đã hoan ca cái chất men say thần thánh của người cộng sản vừa giành được độc lập. Vạm vỡ trong vóc dáng, thiên thần trong tư thế, Tố Hữu mê say hát tràn bài ca của tự do sau bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đó là tiếng ca của đất nước và con người Việt Nam sau màn đêm dài nô lệ giờ được hiện lên xinh đẹp như một thiên thần của thế kỷ hai mươi: Đau thương mà bất khuất, hi sinh nhưng rất đỗi tự hào:

Ta đi đây là trăm vạn thiên thần

Chiều chiến thắng phá tan quân quỷ sứ

Ta đi dưới bốn ngàn năm lịch sử

Đêm nay tràn hoa đỏ nhụy vàng tươi

Ta đi đây của thế kỷ hai mươi

Mạch suối trẻ trong lòng người vô địch

Mạch thơ cứ thế tuôn trào, nối tiếp nhau đắm say, náo nức. Người đọc dường như không thấy thơ đâu nữa mà chỉ còn nghe tiếng nhạc, tiếng nhạc bay ra níu kéo, kết thành từng mảng, từng lớp xô cuốn, đẩy đưa khiến cho những bước chân người không thể nào cưỡng nổi. Quả thật, phải đến Tố Hữu, thơ ca cách mạng Việt Nam mới có chất say người đến vậy, chí ít là ở những câu thơ đầy ma lực này:

Ta đi tới, biết đâu là tuyệt đích?

Người cuốn lôi ta, ta cuốn lôi người

Đi đi hoài, đi mãi anh em ơi

Đây cuối đất cùng trời hay chẳng biết

Ta hát suốt đêm nay vui bất tuyệt

Trống rung tim ta đập nhịp bồn chồn

Đầu ta qua lớp lớp khải hoàn môn

Hồn ta chạy sáng ngời trên ngọn đuốc

Lòng ta múa lồng lên theo đám rước

Ta xông lên trời với pháo thăng thiên...

Bài thơ kết thúc trong tư thế của đôi cánh thần tiên bay lên giữa bầu trời tự do bát ngát. Nước nhà được giải phóng, đôi cánh của khát vọng và ước mơ mà nhân dân ta đã dốc lòng dốc sức cho công cuộc giành lấy độc lập nay đã thành hiện thực. Hai từ "bay" được lặp lại tiếp nhau như một tiếng hô vang vỡ òa sung sướng, tưởng chừng như ánh mắt nhà thơ đang dõi nhìn theo, lòng chấp chới một niềm vui và tin yêu mãn nguyện.

Bay bay lên hỡi đôi cánh thần tiên

Đôi cánh mở của đất trời giải phóng.

Ra đời cách đây đã 73 năm, song Vui bất tuyệt của Tố Hữu vẫn mãi còn say lòng người đọc. Bài thơ đâu chỉ là tiếng lòng của người thi sĩ - chiến sĩ cách mạng say khúc tráng ca với niềm tin mãnh liệt vào tiền đồ sáng tươi của đất nước, đó cũng là bản hòa ca ngập tràn trong tâm hồn tất cả chúng ta - những người dân Việt Nam của hôm nay và mai sau hưởng được cuộc sống thanh bình, yên vui và đang cất đôi cánh tự do reo ca giữa niềm "vui bất tuyệt".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khúc tráng ca của mùa thu cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO