Ký: Nỗi lòng mùa Covid

23/04/2020 09:06

Tác giả: Hồng Ngọc

ADQuảng cáo

Nhà tôi có bảy chị em gái, mẹ đặt tên cho chúng tôi “Châu, Báu, Ngọc, Ngà, Lung, Linh, Sáng”. Thực ra tên lần lượt theo thứ tự của chị em tôi là “Châu, Báu, Ngọc, Lung, Linh, Ngà, Sáng” nhưng mọi người quen gọi như trên hơn bởi nó dễ nhớ.

Minh họa: Ngọc Tâm

Chị Châu năm nay là sinh viên năm cuối, tuy chưa ra trường nhưng với thành tích học tập rất tốt nên chị được nhiều công ty mời đến làm. Chị còn là người đầu tiên trong xã thi đậu trường chuyên của tỉnh. Nhiều năm liền chị đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, học sinh giỏi của tỉnh, của quốc gia. Việc học tập khiến chị luôn căng thẳng, nay thêm việc ở công ty làm chị càng áp lực và bận bịu hơn. Đến nay, bốn đứa em sau chúng tôi vẫn chưa phá được kỉ lục của chị. Chị Báu hơn tôi một tuổi, chị học lớp 12. Trước chị thi vào chuyên lý, điểm chị cũng thuộc top cao nhưng không đủ để đậu, sau cùng chị học ở một ngôi trường cũng nổi tiếng xếp thứ hai trong thành phố. Năm thi vào cấp 3, tôi đăng kí chuyên văn như chị Châu, chỉ tiếc thiếu nửa điểm nữa là đậu. Mẹ và bà ngoại cũng động viên bảo tôi lên phố cùng học với chị Báu, nhưng sau mình còn đến bốn đứa em nhỏ nên tôi xin được học ở trường làng. Mẹ biết tôi suy nghĩ cho các em nên cứ ôm tôi khóc rưng rức, mẹ không ngừng xin lỗi vì để tôi phải chịu thiệt thòi. Dù có chút buồn nhưng tôi thấy như thế là đỡ được gánh nặng cho gia đình biết bao nhiêu. Sau tôi là hai em sinh đôi Lung và Linh, hai đứa cũng thi không đậu nên về học lớp 10 cùng trường với tôi. Vậy là hi vọng được học trường chuyên của tỉnh chỉ còn em Ngà và út Sáng có thể thực hiện được.

Lo cho bảy đứa con đủ điều kiện ăn học là nỗi vất vả lớn của gia đình tôi. Nhà tôi vốn không có nhiều đất đai, ngày trước bố mẹ chỉ quanh quẩn làm vài ô ruộng, trồng mấy trăm cây cà phê, lúc rỗi việc thì đi làm thuê làm mướn cho nhà người ta. Ông bà ngoại thì mở hàng quán nhỏ, sáng bán bánh mì, chiều bán bún đỏ. Tiền kiếm được chỉ đủ chi tiêu, không dư ra đồng nào. Đã vậy vụ mùa thì ngày một thất thu nên bố mẹ tôi bàn tính với nhau lên Sài Gòn làm công ty cho một người quen và gửi lại 5 chị em tôi cho ông bà. Hai người đi chưa được bao lâu thì ông ngoại gặp tai biến dẫn đến liệt hai chân, bà phải bỏ cả việc buôn bán để ở nhà lo cho ông khi chúng tôi đi học. Thế là từ ấy chúng tôi phải tự lo cho bản thân của mình nhiều hơn.

Cuộc sống của những ngày bình thường trôi qua rất êm đềm, từ lâu tôi đã hằng quen nó. Bố mẹ và hai chị Châu Báu đi làm, đi học xa chỉ dịp tết hay ngày lễ mới về. Ở nhà chỉ có ông bà và 5 chị em tôi. Dưới trường làng học sinh chỉ cần học một buổi trên ngày, học phụ đạo trái buổi được tổ chức nhưng không bắt buộc nên chúng tôi không đăng kí học thêm. Tôi và em Ngà học sáng, Lung Linh học chiều, tối đến mấy chị em lặng lẽ vào trong phòng học bài nên chẳng mấy khi cãi nhau. Cặp sinh đôi thì hay gây gổ nhưng ở mãi trong phòng nên cũng không ảnh hưởng tới sinh hoạt riêng của mọi người. Còn út học mẫu giáo gửi cả ngày, tối về được xem tivi một lúc rồi đi ngủ nên em cũng không quậy phá là bao.

Nhưng mấy tuần qua gia đình tôi cứ đảo lộn hết cả lên do dịch Covid-19 bùng phát. Thời Covid không chỉ làm người lớn thất nghiệp mà trẻ con chúng tôi cũng bị tạm dừng việc học ở trường. Nhận lệnh của Chính phủ, công ty bố mẹ tôi đang làm phải tạm ngừng hoạt động cho công nhân nghỉ làm không lương vô thời hạn, chúng tôi cũng phải nghỉ học mà không biết bao giờ mới đến trường trở lại. Thế là bố mẹ từ Sài Gòn về, chị Báu từ phố về, chỉ mỗi chị Châu vẫn không được nghỉ làm. Căn nhà nhỏ bây giờ nhộn nhịp hơn xưa. Mười người cùng ra vào, đi đâu cũng thấy bóng người, ở trong nhà, dưới bếp hay ngoài sân lúc nào cũng vang tiếng nói chuyện, tiếng cãi vã gắt gỏng, ầm ĩ. Đã thế bây giờ là tháng 4, là mùa mà người nông dân cần nước để tưới mát cho cây cà phê, hồ tiêu của họ. Nước trở thành thứ khan hiếm và được săn lùng nhiều nhất ở vùng quê này. Nhà tôi vốn có một cái giếng đào khá sâu đủ để dùng nhưng năm nay là năm đầu tiên cạn nước đến thế. Những thửa ruộng trở nên khô cằn, những cái giếng cũng vơi nước dần dần trong sự mong mỏi của con người. Sinh hoạt của gia đình hạn chế hơn hẳn. Chúng tôi phải mang quần áo ra suối giặt giũ, nước tắm và nước ăn cũng phải dùng tiết kiệm, mỗi lần bơm chỉ căn đúng hai phút là vội tắt vì sợ lần sau nước không lên lại được nữa.

Bố mẹ tôi thì suốt ngày gây gổ. Ngày trẻ bố hằng mong mẹ sẽ sinh được cả con trai lẫn gái, con gái tên Châu con trai tên Báu, con gái tên Ngọc con trai tên Ngà và rất nhiều cái tên hay nữa bố tự nghĩ ra. Nhưng mẹ lại một lượt sinh 7 cô công chúa. Đi làm xa thì không sao, ở nhà không có gì làm bố lại hay uống rượu cùng mấy người bạn. Uống say thì lại nhớ đến lời kích bác của họ, về nhà thấy chúng tôi bố lại quát: “Chúng mày là "vịt giời" ăn hại!”. Rồi mẹ với bố lại cãi nhau, người này đổ lỗi người kia.

Chúng tôi cũng chẳng khá hơn. Tôi với chị Báu thì tranh nhau cái máy tính để học, chị viện lý do học cuối cấp nên nhiều bài quan trọng nhưng tôi cũng đã lớp 11 rồi, mà tôi chỉ học ở một làng quê nghèo khổ, không được học nhiều kiến thức bằng ngôi trường chị học thì chẳng phải tôi mới là người thiệt thòi hơn sao? Lung Linh là ầm ĩ nhất nhà, hai đứa nó cãi nhau từ những điều nhỏ nhặt nhất. Tối, sáng nào đánh răng hai đứa cũng so đo ai dùng nhiều nước hơn ai, lúc mang quần áo đi giặt tụi nó cũng phải soi xem đồ ai bẩn làm tốn nhiều xà bông hơn. Ngay cả học bài hai đứa cũng cãi vã, dạo gần đây tôi hay thấy tụi nó mang sách Văn ra giữa nhà đọc to bài “Bình Ngô Đại cáo”. Lung đọc to thì Linh cố đọc to hơn, thấy em đọc to hơn mình thì chị lại gào ầm hơn nữa. Hai chị em học bài mà cứ như cãi nhau, tôi hỏi:

-Chị thấy hai đứa thuộc làu làu rồi sao vẫn cứ học thế?

-Thầy bảo ai học thuộc hết cả bài và đọc to thì cuối kì thầy cho 8 điểm.

-Hai đứa đọc đều to rồi mà?

-Nhưng chỉ một bạn đọc hay nhất mới được điểm thôi chị ạ!

Tôi “À” lên một tiếng ra vẻ đã hiểu, năm ngoái tôi là học sinh duy nhất của khối trả bài mà thầy ưng ý. Nhưng ngày ấy ra tết đã phải trả bài vậy mà giờ đây Lung Linh vẫn đang học, thắc mắc nên tôi hỏi, hai em trả lời:

-Qua tết đến giờ mới đi học được có vài buổi, bài học về nhà cũng chưa có bao nhiêu, nay lại nghỉ nên thầy chưa kịp kiểm tra chị ạ.

ADQuảng cáo

Tôi lại “À” thêm một lần nữa. Ừ thì Covid đã làm mọi thứ thay đổi.

Em Ngà giống tính bà và mẹ nhất, em kĩ tính, luôn tiết kiệm. Tuy mới học lớp 8 nhưng em đã biết suy nghĩ cho gia đình, biết đang mùa hạn hán nên em luôn chờ nước lên để bơm ra các thùng lấy nước sạch sinh hoạt. Em cũng chăm chỉ học hành, sau chị Châu, em là tia hi vọng nhất của cả nhà. Út là nỗi lo lớn nhất của gia đình. Út sinh cuối năm, mẫu giáo 4 tuổi em đã không được đi học vì lớp quá đông người, giáo viên chỉ dám nhận các bé từ tháng 6 trở xuống. Năm nay đủ 5 tuổi nhưng em mới chỉ lên trường được nửa học kì, tôi chẳng biết bao giờ dịch mới hết để nhóc có thể học hết một năm mẫu giáo trọn vẹn như 6 người chị của em trước đây. Ở nhà ngày nào mọi người cũng phải thay phiên nhau gọi út về ăn cơm, tắm rửa. Mỗi lần tôi đi tìm út lại thấy út rúc từ trong bụi cây ra, cỏ may dính đầy cạp quần, người ngợm nhuộm màu đỏ đặc trưng của đất bazan Tây Nguyên. Theo tôi về út cứ bước thấp bước cao, lê cái chân đất trên mọi cung đường, tay túm cái đai quần mất chun, trán thì vã vựa mồ hôi. Mấy bác hàng xóm đi đón con đón cháu cũng bàn tán xôn xao về dịch Covid, rồi nhìn lũ nhóc nghỉ học ở nhà ngày nào cũng bới đất nghịch cát từ đầu ngõ đến cuối ngõ... Dịch Covid mang lại thật nhiều nỗi lo!

Tôi cứ vừa đi vừa suy nghĩ, vừa về đến cửa đã thấy mẹ cầm điện thoại thở dài. Mẹ nhìn tôi với ánh mắt đượm buồn:

-Chị Châu lại vừa gọi cho mẹ.

-Chị lại khóc à mẹ?

Mẹ tôi không nói gì chỉ thở dài, không cần mẹ nói tôi cũng biết rõ cuộc điện thoại giữa hai người. Một lúc sau mẹ dáo mắt tìm kiếm mấy chị em nhưng không thấy ai ngoài tôi, mẹ hỏi:

-Báu đâu rồi?

-Chị Báu đang học bài mẹ ạ.

-Thế Lung Linh đâu?

-Hai đứa tụi nó lại cãi nhau trong nhà.

-Còn em Ngà?

-Dạ em đang canh vòi nước.

-Rồi Sáng đâu?

-Út vừa về với con nhưng về đến ngõ con quay lại thì không thấy út đâu, chắc em lại đi lang thang rồi!

Ngày nào tôi và mẹ cũng chỉ trò chuyện vài câu đơn thuần như vậy. Cái vòng tuần hoàn ấy cứ lặp đi lặp lại không thôi. Tôi mong cho dịch Covid -19 qua đi nhanh chứ cứ như thế này mãi thì có lẽ gia đình tôi còn phải đối mặt với nhiều nỗi lo khác dài dài!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký: Nỗi lòng mùa Covid
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO