Ký: Tiếng đàn đá

02/04/2021 07:40

Tác giả: Đinh Thành Trung

ADQuảng cáo

1. Những lúc mệt mỏi nơi xô bồ thành phố, tôi đi một chuyến đến Tây Nguyên. Vậy mà cũng vài năm, tôi không được sống trong không khí hào hùng đó rồi. Âm thanh lạ lẫm lại vang lên trong đầu, nhưng sao nghe thân thương đến vậy? Tiếng đàn đá!

Đàn đá của người M'nông

Vang vọng, không cao vút cũng không trầm đục, đàn đá có âm thanh như thế! Đó là bộ gõ độc đáo của người Tây Nguyên. Khi ấy, văn hóa của đồng bào M’nông hút hồn tôi. Về sau, tôi mới ngộ ra tiếng lòng của người dân Tây Nguyên gửi vào đó. Thật dung dị! Thật bình yên!
Tiếng đàn đá tôi đã nghe ở Đắk Nông giống như tiếng suối kêu róc rách. Đó là dòng suối nhỏ, cứ từ từ, tự nhiên chảy vào lòng người nghe. Đoàn chúng tôi ai cũng chăm chú. Tiếng đàn ấy như hiểu rõ tâm tư con người, biết ai vui, ai buồn, ai bâng khuâng ngần ngại.

2. Rời khỏi thành phố, tạm xa miền xuôi để khám phá nền văn hóa Đắk Nông đặc sắc, tôi nhớ câu chuyện kể về chiếc đàn đá đầu tiên. Văn hóa có vẻ xa lạ nhưng lại là một phần không thể thiếu của nền văn hóa Việt Nam. Ba ngàn năm rồi đó, sự tích về người đánh cá ở suối Đắk Kar tìm được 3 thanh đá gõ vào có âm thanh rất hay. Chuyện về chế tác ra thứ nhạc cụ đặc trưng của miền Tây Nguyên, người xưa nghiên cứu ra đã thấm nước, bị ăn mòn, tạo ra tiếng gõ hòa nhịp với núi rừng. Tất cả tạo cho du khách ngạc nhiên và thích thú trước pho sử hào hùng của đồng bào nơi đây.

Đến cao nguyên, uống một ly cà phê đặc sản, ngồi nghe tiếng gõ hiền hòa giữa cây và núi. Còn gì tuyệt vời hơn? Đàn đá ở Đắk Nông không chỉ có một hai loại. Đàn đá do thiên nhiên tạo thành và bàn tay con người gia chế, không có âm thanh nào hoàn toàn giống nhau. Đó chính là sự phong phú của tự nhiên, của trí tuệ và nghệ thuật con người, thở cùng một nhịp với đại ngàn kỳ vĩ. Bên bờ suối, mỗi khi làm nương làm rẫy, bà con bén duyên với những phiến đá kỳ lạ. Đó là cái duyên định mệnh khiến đàn đá trở nên đặc biệt. Tôi lưu lại xứ này, được nghe tiếng lòng, tiếng núi đó, biết là mình vô cùng may mắn. Nghe nói, đàn đá có lịch sử rất lâu đời, trong đó có nhiều bộ đàn cổ được tìm thấy ở suối Đắk Kar. Những phiến đá không bị vùi lấp bởi thời gian mãi mãi, nay lại một lần nữa phục vụ con người. Rồi từ đó, đàn đá được lưu giữ lan tỏa, truyền lại cho thế hệ sau. Cộng đồng nơi đây lấy niềm vui từ tiếng gõ âm vang. Tuyệt làm sao khi được đắm mình trong tâm trạng vui tươi khi được mùa, niềm hy vọng được sung túc thổ lộ ra với đất trời. Cũng cảm nhận được một phần nét văn hóa thần linh, về sự nhìn nhận của đồng bào với quá khứ và tương lai. Cũng hiểu được một chút truyền thống và lòng tự hào của con người bản địa. Tiếng đàn đá vang khắp bon, như tạm dừng nhịp sống, để tâm trí tạm chu du theo bữa tiệc của âm thanh rừng núi.

ADQuảng cáo

3. Nhà trưng bày đàn đá của công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đi vào hoạt động là một bước tiến mới trong việc lan tỏa văn hóa của Tây Nguyên đến muôn nơi. Bản thân đàn đá cũng thể hiện sự giao hòa với thiên nhiên, với cộng đồng. Đàn là vật vô tri nhưng vô cùng sống động qua bàn tay con người. Nếu không để hình ảnh đó đến với mọi người thì lịch sử sẽ chỉ nằm yên một chỗ.

Từ khi bộ đàn đá đầu tiên được phát hiện ở suối Đắk Kar thuộc xã Quảng Tín, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông, đã qua nhiều năm, chúng ta lan tỏa hình ảnh và văn hóa của các địa phương ra cả nước và bạn bè quốc tế. Năm 2014, khi bộ đàn đá thứ hai được phát hiện ở thôn Đắk Sơn, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, lúc ấy tỉnh Đắk Nông cũng đã qua mấy năm thành lập. Đó là một quãng đường chưa dài để xây dựng nên một thương hiệu du lịch nhưng cũng không quá ngắn để hình thành bản sắc văn hóa của mình.

Đắk Nông đã có thế mạnh, có bản sắc của mình. Một trong những điều gây ngạc nhiên, gây tò mò, thích thú, khơi gợi cảm hứng khám phá cho du khách trong năm 2021 vẫn chính là đàn đá truyền thống nơi đây. Đó là nét văn hóa độc đáo, riêng có, là chất xúc tác cho cả chuyến du lịch trải nghiệm của du khách dù đến từ trong nước hay quốc tế.

4. Nhớ lần đến Đắk Nông vừa qua, tôi nghe thấy vài ý kiến khá hay để phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa của tỉnh bay cao, bay xa. Đó là quảng bá một cách chi tiết hơn, phong phú hơn những nét đặc sắc của văn hóa bản địa. Đàn đá là ví dụ điển hình như vậy. Thay vì chỉ cung cấp cho du khách những thông tin, chúng ta nên để họ trải nghiệm nhiều hơn về lịch sử, văn hóa, trải nghiệm trực tiếp trên các phiên bản thương mại của các sản phẩm du lịch. Tất nhiên, các phiên bản đó chỉ làm để du khách mua về như một món đồ lưu niệm.

Một chi tiết nhỏ để lan tỏa văn hóa đàn đá đặc sắc chính là những quyển sách và thông tin trên internet. Tôi biết có những du khách quốc tế rất muốn có thông tin và đọc các câu chuyện về lịch sử, văn hóa của từng đồ vật hay từng món ăn. Nếu không, họ cũng mong muốn được biết các thông tin đó trên internet, bởi khi đã lên internet thì ít nhiều họ cũng sử dụng được công cụ dịch tự động. Qua đó, một nền văn hóa xa lạ nhưng đặc sắc và phong phú sẽ hiện lên một cách chân thực. Tất nhiên, một khi đã ở trong sự ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, chúng ta sẽ không thể đầu tư quá nhiều vào mảng này, nhưng khi dịch đi qua, đó là điều nên quan tâm.

Đến Đắk Nông, nghe đàn đá vang vọng sẽ là thú vui, là đam mê tìm hiểu, khám phá. Đó là mong mỏi trong tôi, trong những người yêu mến vùng đất tuyệt vời này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký: Tiếng đàn đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO