Một ánh hào quang

23/03/2018 10:01

Ký của TRƯƠNG THANH LIÊM

ADQuảng cáo

Cái xóm nhỏ Tân Thông Hội mấy ngày nay không có được một tiếng cười. Bầu không khí tang thương bao trùm lên tất cả mọi nhà, mọi người; trên những cánh đồng, dòng sông, vườn tược. Đâu đâu cũng thấy những đôi mắt đỏ hoe hoe. Đâu đâu cũng thấy tiếng khóc đi kèm với những lời kể về ông với một sự kính trọng, ngưỡng mộ, tôn vinh. Có lẽ họ đã quá quen với cái tên thân mật “Bác Sáu xe đạp điện” hơn là ông Thủ tướng bởi ngày nào họ cũng thấy ông đi xe đến đình thần để uống trà với những người bạn thuở còn thơ ấu; bàn chuyện xây dựng nông thôn mới rồi lại đi thăm các cháu học sinh nghèo với đôi mắt ưu tư sau cặp kiếng đã nhạt nhòa.

- Tui nhớ Bác Sáu quá. Mới tháng trước, bác còn tới tiệm tui để hớt tóc. Hồi đó… hồi đó…, nói đến đó, anh Tân - người hớt tóc đầu xóm bật khóc nức nở rồi ôm chặt tấm ảnh đã được anh phóng to, trong đó có hình Bác Sáu Khải đang ngồi hớt tóc tại cái tiệm hớt tóc bình dân của mình.

- Hồi đó sao? Đang kể sao mầy im ru bà rù vậy. Kể tiếp để tụi tao nghe coi. Tiếng ông Bảy đờn cò thúc giục.

- Hồi đó, tui đâu có biết “ổng” là ai, mần tới cái chức gì đâu. “Ổng” tới tiệm tui hớt tóc, bữa đó khách đông quá nên tui biểu “ổng” ngồi đợi. “Ổng” cười khà khà rồi nói đồng ý. May mà…

- May mà sao?

- May mà có anh Tám trưởng ấp tình cờ chạy xe đạp ngang qua thấy vậy lật đật kêu tui ra ngoài nói nhỏ “mầy biết cái ông già ngồi đó là ai hôn? Ông Thủ tướng Phan Văn Khải đó”. Nghe tới đó tui muốn hơi sợ. Ai mà biết.

- Rồi sao nữa?

- Lúc đó hồn vía tui lên mây xanh hết nên tới xin lỗi “ổng” thông cảm bỏ qua.

- Rồi Bác Sáu nói sao?

- “Ổng” cười hề hề thiệt dễ thương rồi nói: Tao chờ được mà. Mình tới sau thì hớt sau. Vậy mới công bằng chớ. Nè bây cứ hớt bình thường như những người khác.

- Lúc đó mầy nghĩ sao ?

- Nghỉ, nghiêm gì nữa, tui run cầm cái tông đơ mà muốn rớt lên, rớt xuống. Nhưng lúc đó tui chợt nghĩ ra một chuyện “kiếm ăn” ngọt xớt.

- Kiếm ăn chuyện gì vậy?

ADQuảng cáo

- Tui xin chụp một ‘bô” hình với “ổng” làm kỷ niệm, “ổng” đồng ý liền rồi còn nói: Tao già rồi xấu trai lắm nghe, bây còn trẻ, chụp chung xấu lây ráng mà chịu.

Kể tới đó, anh Tân lại ôm chặt tấm ảnh quý giá đó rồi khóc ngon lành khiến nhiều người dự đám tang cũng bật khóc theo.

Anh Nguyễn Thanh Phong, người thợ cắt tóc ở ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) luôn trân trọng tấm ảnh chụp chung với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Đâu chỉ có anh Tân mà hàng ngàn, hàng chục ngàn người dân đất Tân Thông Hội đã quá quen thuộc hình ảnh một cụ già dung dị, giản đơn, giản đơn đến mức không còn giản đơn hơn được nữa mỗi ngày trên chiếc xe đạp điện rong ruổi trên các nẻo đường làng với nụ cười nhân hậu. Khi thì ông dừng lại đăm chiêu bên những bến nước, cây cầu; khi lại dừng xe thăm hỏi, xoa đầu mấy đứa học trò đang trên đường đến lớp với lời dặn: Cố học thiệt giỏi để xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Khi khác ông lại tới ủy ban xã để thăm hỏi, dặn dò cán bộ: Mình là dân Củ Chi đất thép anh hùng, bà con mình đã chịu nhiều bom đạn chiến tranh giờ tụi bây phải hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân để bù đắp cho họ.

Đám tang thiệt đông người, khách đến viếng đông nườm nượp. Ngoài Bắc, miền Trung, trong Nam đều có hết. Ai tới đốt nhang cũng bật khóc khi nhìn thấy đôi mắt trầm tư và nụ cười độ lượng của ông sau cặp kiếng “lão” trong di ảnh đang như nhắn nhủ rất nhiều điều với người đang sống. Nhiều cặp mắt bất ngờ đổ dồn về một người đàn ông đi lại rất khó khăn phải có người dìu đỡ đến đốt nhang với khuôn mặt nhạt nhòa nước mắt. Đó là ông Tám Khỏe, người bạn của Bác Sáu thuở còn thơ.

- Khải ơi! sao mầy đi sớm bỏ tao vậy Khải. Mới tuần trước mầy còn nói với bạn bè sẽ tổ chức chuyến đi thăm những đứa bạn nghèo đang gặp khó khăn, rồi coi giúp dùm mấy đứa “sanh viên” xứ mình ra trường mà chưa xin được “chiện” làm. Vậy mà mầy có kịp đi đâu. Ông bật khóc rồi ngồi bệt xuống trước bàn thờ khiến ai cũng nao lòng.

- Hồi sắp mất, Bác Sáu có nói gì với Bác "hôn"?

- Có. Nó nói con người ta ai mà hổng chết. Hổng ai lột vỏ sống hoài. Cái quan trọng là sống sao cho đàng hoàng để dân chúng thương, không mắc cỡ với người đã “hy sanh”. Nó còn dặn tao, nếu nó mất thì đừng làm đám ma lùm xùm tốn kém tiền bạc, lãng phí. Ai thương nó thì tới đốt cho nó một cây nhang là nó vui rồi. Ông lại khóc.

Đám tang lại đổ dồn bao cặp mắt về một người đàn ông khác đang lê những bước chân khó nhọc, nặng nề tiến về phía linh cửu. Ông Bảy trưởng ban tế tự đình thần Tân Thông Hội. Người đã từng có nhiều kỷ niệm với Bác Sáu Khải lúc sinh thời, người mỗi ngày may mắn được “tiếp trà quạo” với ông Thủ tướng quá đỗi bình dân trên cái xã nầy.

- Anh Sáu ơi! Anh có sống khôn, thác thiêng xin về đây chứng giám lòng thành kính tri ơn của bà con Tân Thông Hội, anh nhớ "dìa" đây phò hộ cho bà con mình trúng mùa, làm ăn tấn tới, sức khỏe dồi dào, mấy đứa nhỏ học hành giỏi giang như ý anh hằng mong ước. Còn mấy chậu mai kiểng, tổ đình chưa kịp tặng anh, bữa nay tui đem tới cho anh. Anh Sáu ơi ! Cả đời anh chỉ biết hy sanh là cách mạng, chỉ biết lo cho dân, cho nước. Tụi tui thấy mình có lỗi với anh nhiều quá vì chưa kịp thực hiện nhiều “hiện” đã hứa với anh, mong anh tha thứ. Tụi tui hứa sẽ tiếp tục làm để anh mỉm cười nơi chín suối. Ông khóc nghẹn ngào.

Trong các vòng hoa đến viếng đám tang bác Sáu Khải – ông Thủ tướng Khải – có một vòng hoa rất đặc biệt với dòng chữ “Chúng con, toàn thể học sinh xã Tân Thông Hội vô cùng thương tiếc ông Sáu”. Ngoài sân nhà, hàng trăm thầy cô giáo, học sinh nước mắt đầm đìa vì thương tiếc bởi mới tuần trước đây, tất cả còn thấy “ông Bụt” của học sinh nghèo lặn lội tới thăm những giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn với lời thăm hỏi chân tình đầy cảm xúc. Mới đây trên giường bệnh trước phút lâm chung, ông “Bụt” ấy còn cố gượng dậy dặn dò thầy lẫn trò phải cố gắng dạy tốt, học tốt, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Vậy mà hôm nay ông không còn nữa trên cõi đời này.

Khóc nhiều nhất có lẽ là những hộ vốn là “hàng xóm” với bác Sáu Khải bởi trước đây có chuyện gì không hiểu, không rõ cần giúp đỡ, họ đều đến để nhờ Bác hướng dẫn, tư vấn. Ai có khó khăn gì đều gặp Bác giải quyết lẹ làng. Nhà Bác Sáu luôn mở cửa để mọi người có thể ghé thăm hay nhờ hỗ trợ bất cứ điều gì bức xúc. Thương Bác, ai có món gì ngon cũng thường mang sang tặng Bác ăn “lấy thảo”. Từ nải chuối già hương chín “bói” tới mớ khoai lang tím Nhật; còn cá lóc đồng hay mớ rau tập tàng xanh tốt sau vườn…Vậy mà từ nay họ đã không còn nhìn thấy Bác nữa. Vậy là từ nay cánh cửa nhà Bác sẽ không còn mở rộng đón khách như xưa. Nghĩ đến đó họ khóc ngon lành như chưa bao giờ được khóc.

Những con sông như đang ngừng chảy; những đám mây như đang ngừng trôi, những tiếng chim cứ vang lên thảng thốt nghe buồn thê lương não nuột. Những tiếng khóc cứ nối tiếp nhau lúc lớn, lúc nhỏ tạo thành bản nhạc tang thương đau xót.

Khúc tang lễ tháng 3 như dài vô tận. Một ánh hào quang đã mãi mãi đi vào cõi vĩnh hằng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một ánh hào quang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO