Ngày cuối năm

03/01/2020 08:47

Ký của Tấn Nguyễn

ADQuảng cáo

Cuối năm là khoảng thời gian con người ta thường có những hoài niệm, những kí ức để nhớ, để chiêm nghiệm lại quãng thời gian đã qua. Ðắk Nông hôm nay đã có nhiều thay đổi, cuộc sống của nguời dân thuận tiện hơn với điện, đường, trường, trạm hầu như đã phủ khắp các bon làng. Tôi gắn bó với mảnh đất này từ ngày vẫn còn tiếng súng, cán bộ, người dân còn vất vả khi vừa làm vừa phải đối phó với kẻ thù. Những ngày cuối năm ấy có những giây phút thật khó quên.

Chiếc xe đò màu xanh lá mạ đã ngả màu bạc phếch theo thời gian tấp vào lề trước phòng giáo dục nơi tôi đã hẹn ngày hôm trước. Tôi vội vàng bê những bao hàng lên xe, may nhờ anh phụ giúp một tay nên đã hoàn tất một cách nhanh gọn. Bác tài và anh phụ đối với tôi quá thân thiện vì tháng nào ít nhất cũng có một chuyến đi trên xe, nhờ vậy trở thành quen thân. Xe không có số ghế, ai đến trước ngồi trước, chỉ có hai băng dài áp sát thành, còn lại là sàn để chở hàng, nhiều khi hành khách phải ngồi trên những bao hàng. Không sao, miễn có xe đi là tốt lắm rồi! ai cũng cùng một suy nghĩ như vậy! Khi lên xe, hai băng ghế đã kín người. Tôi phải ngồi trên bao hàng của mình, xe lắc lư trên đường về Buôn Ma Thuột. Người ngồi đối diện nãy giờ như tỏ ra thăm dò quan sát tôi, qua ánh nhìn tôi đoán biết. Ngược lại tôi cũng tỏ ra thiện cảm ngay khi mới gặp vì anh có nụ cười dễ mến luôn nở trên môi. Lại nữa, chiếc răng vàng óng ánh khóe bên khi anh cười thể như làm cho người đối diện phải chú ý đến mình. Anh mặc bộ âu phục tuy hơi cũ nhưng cũng còn khá tươm tất, được tác phong nghiêm chỉnh, chân mang dép nhựa tiền phong, và chiếc ba lô con cóc anh mãi ôm trên người hình như sợ bẩn. Mái tóc xoăn hơi vàng, chẻ ngôi một bên rất rành mạch. Ðôi mắt đen đậm trên khuôn mặt sáng sủa với sóng mũi cao thể hiện sự lanh lợi và thông minh. Nước da bánh mật, nên khó đoán chính xác độ tuổi. Chỉ biết chắc anh là cán bộ của nhà nước, qua cách ăn mặc và cung cách giao tiếp, tôi xởi lởi gợi chuyện làm quen:

- Xin lỗi, anh về Buôn Ma Thuột?

- Dạ không, mình chỉ về cầu Hai Mươi!

Nghe vậy tôi mừng thầm trong lòng vì đã có bạn đường, nhưng tôi lại không vội vàng, không vồ vập, ghìm lòng để tìm hiểu thêm vì sự e dè lấn chiếm trong tôi, rồi tôi lại tiếp:

- Anh đi công tác à?

- Không, mình là giáo viên, được điều về giảng dạy tại trường của xã.

Sự bất ngờ tiếp lại đến với tôi. Lúc này tôi không còn dè dặt:

- Chúc mừng anh! Tôi đưa tay về phía anh và chúng tôi siết chặt tay nhau, một đỗi thật lâu, anh thốt lên:

- Anh cũng công tác ở Ðắk N’Drung à?

- Vâng, mình cũng là giáo viên của trường, và là thư ký công đoàn nhà trường. Cuối năm mình đi mua hàng tết cho các thầy cô trong trường.

Minh họa: Ngọc Tâm

Chiếc xe mãi chòng chành lắc lư bò tới như đang đi trên chiếc thuyền gặp ngày biển động. Và chúng tôi cứ mải mê nói chuyện. Khi đến trạm, nói đúng hơn là một chốt của lực lượng quân sự, xe dừng lại cho anh em lực lượng vũ trang lên mui để bảo vệ qua đoạn đường nguy hiểm, đoạn đường mà bọn Fulro thường mai phục để đánh phá cướp của. Ðoạn đường này đã xảy ra nhiều vụ đánh nhau với chúng, nên các bác lãnh đạo đã quyết định dù là xe đò cũng phải có lực lượng vũ trang bảo vệ, nhất là những ngày giáp tết. Nên trên xe đò thường xuyên có lực lượng vũ trang đi kèm bảo vệ.

Xe lại tiếp tục chạy, tôi có cảm giác như xe rộng ra, tôi phóng mắt qua ô cửa nhìn bên ngoài, xa kia rừng xanh bạt ngàn bao phủ, bên những thảm cỏ nhấp nhô xanh thẫm mịn màng như lụa. Duy chỉ có con đường quanh co, ngoằn ngoèo, đá trơ lởm chởm, khói bụi tung cuộn lên, màu vàng ối bỏ lại phía sau. Giờ thì mọi người trên xe ai cũng phấn khởi thể hiện trên từng khuôn mặt từ khi có anh em lực lượng ngồi trên nóc, ai cũng huyên thuyên chuyện trò, vì đã có anh em lực lượng trên xe bảo vệ, chống đỡ mỗi khi có sự cố nên khá vững tâm.

Và anh bạn đồng hành xoay người rời băng ghế ngồi trên bao hàng sát tôi để được nói chuyện rõ hơn. Anh lấy giọng, nở nụ cười có phần như gợi chuyện, tôi thầm đoán, rồi anh khẽ hỏi:

- Xin lỗi, thầy tên gì? - anh chuyển đổi cách xưng hô.

Anh vừa nói thế, lòng tôi thấy lâng lâng dâng niềm cảm động, không phải anh tôn vinh gọi tôi bằng thầy mà tôi cảm động, mà cảm động bởi thấy tự hào cho ngành giáo dục, dẫu đồng lương có phần ít ỏi, mỗi khi chi tiêu phải cân nhắc, hơn nữa là sự tôn vinh của toàn xã hội trong sự nghiệp trồng người. Nghĩ đến đây tôi thấy trách nhiệm càng lớn lao trong việc giáo dục con em, nhất là trong thời buổi chiến tranh vừa chấm dứt, đất nước còn muôn vàn khó khăn, các em cần phải được học hành đến nơi đến chốn, các em là chủ nhân của tương lai đất nước, nhất là các em vùng đồng bào dân tộc như nơi tôi đang lên lớp hàng ngày. Và rồi tôi nói:

- Mình là Nguyên, giáo viên tăng cường, quê mình ở miền Bắc, theo sự điều động, mình cùng một số giáo viên chi viện cho Ðắk Lắk, và được điều động về đây giảng dạy nay mới hết học kỳ. Trường còn đơn sơ vì nơi đây mới được chuyển về, cuộc sống của bà con chưa ổn định, các em nhiều khi phải nghỉ học để phụ giúp gia đình, cải thiện bữa ăn. Thầy cô phải xuống tận bon, buôn, từng hộ gia đình để động viên các em đến lớp.

ADQuảng cáo

Anh bạn tôi chăm chú lắng nghe như đồng cảm chia sẻ, thỉnh thoảng anh gật đầu, như khích lệ, như động viên muốn tôi nói tiếp, và rồi tôi lại nói tiếp theo ý nghĩ của mình:

- Hôm họp hội đồng nhà trường, mình có nghe thầy hiệu trưởng thông báo sắp tới nhà trường sẽ được tăng cường thêm giáo viên, mình nghe vậy rất mừng vì tính theo tỷ lệ cho phép, trường còn thiếu giáo viên. Sáng nay mình có ghé vào phòng giáo dục, có nghe quý thầy ở phòng thông báo nhưng lại không thấy thầy.

- À mình đi mua mấy thứ linh tinh và đến bến xe. Nhưng mà quý danh của thầy là gì vậy? thầy quê ở đâu?

- Mình hả, mình là Y’Brah, mình là người địa phương mà! Mình được Ðảng, Nhà nước nuôi dạy, nay mình được làm thầy giáo đem cái chữ của Bác Hồ về dạy lại cho con em của mình ở buôn làng, mình thích lắm! Mình vui lắm đó thầy Nguyên ơi! Theo phân công của lãnh đạo phòng, đợt này mình về Ðắk N’Drung.

Tôi chen vào:

- Về nơi xa xôi thầy Y’Brah thấy thế nào? buồn không?

- Mình thích chớ! buồn sao được! Mình là người của Ðảng mà! Hơn nữa, được về sống với bà con buôn làng mình càng thích, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con là mình lại càng thích chớ!

Chiếc xe đò được sang số mạnh để lấy đà lên dốc, khựng lại và từ trong hộp số phát ra tiếng kêu ren rét. Rồi xe rù rù leo dốc, con dốc vừa cao vừa quanh co. Nhưng không làm cho chúng tôi mệt mỏi, ngược lại chúng tôi cảm thấy phấn khởi vì bên tôi có thêm đồng nghiệp, có nhiều ước vọng cho buôn làng, cho quê hương. Tôi chợt nghĩ: “Trường mình đỡ lo lắng việc học sinh nghỉ học, chắc các em sẽ đi học đều đặn, và học tốt hơn, vì có Brah giúp thuyết phục bon làng, bố mẹ các em, sẽ nói cho các em nghe bằng tiếng địa phương, hiểu rõ ích lợi của việc học, tương lai tươi sáng khi các em đến trường, cuộc đời sẽ đổi thay khi các em có học vấn. Và các em sẽ là chủ nhân của tương lai.”

Chiếc xe đò dừng lại, cắt ngang ý nghĩ của tôi. Ðã đến cầu Hai Mươi, chúng tôi xuống xe, những bao hàng cũng được chuyển xuống. Các thầy cô của trường mỗi người một chiếc gùi đã chờ sẵn để gùi hàng về trường. Hàng tết được phân phối khá phong phú. Thầy cô phấn khởi khi nghe tôi giới thiệu có thầy giáo mới, họ chen nhau bắt tay với Brah.

Không khí ấm áp như đón người thân đi xa lâu ngày trở về, niềm thương yêu dâng trào như anh em ruột thịt dẫu mỗi chúng tôi mỗi người một phương hợp lại.

Chúng tôi mỗi người một phần hàng được chia sẻ cho nhau, nhưng ai cũng giành phần nặng hơn để gánh vác sự nhọc nhằn giúp bạn. Tôi trân trọng sự hy sinh đầy ý nghĩa của anh em, song tôi chủ động phân công, các thầy phải gánh vác phần hơn cho các cô giáo, có thế mới gọi là công bằng. Phần tôi, tôi giành phần nặng nhất để thể hiện trách nhiệm được giao. Tôi để ý, ai ai cũng cảm động…

Ðường từ cầu Hai Mươi về trường xa lắc, phải đi bộ hơn tám cây số, đường đất được san ủi chưa lâu, lưa thưa còn vươn lên những rễ cây to tướng với những gốc cây cổ thụ trơ trọi nằm bên lề đường, sắp ngang sắp dọc, thỉnh thoảng lũ thú rừng nào thỏ, cheo, nhím, heo rừng xuất hiện, chúng hiên ngang đùa giỡn như một cõi riêng biệt của mình.

Chúng tôi đi hàng dọc, tôi gùi hàng tay cầm AK lên đạn sẵn đi trước. Brah đi sau và tiếp theo là các thầy cô, ai cũng mang trên lưng một gùi hàng hoặc một ba lô nặng, cách nhau vài khoảng năm bước, như bộ đội hành quân. Trường tôi, được xã đội trang bị cho hai khẩu AK để tự vệ, trấn áp kẻ thù. Và được huấn luyện cách sử dụng súng đạn một cách an toàn. Tôi thong thả nói với Brah:

Ðất nước tuy hòa bình thống nhất nhưng kẻ thù đâu phải là hết. Ðiều này chúng ta đã rõ và được tiếp thu trong các bài giảng tại các đợt bồi dưỡng chính trị hè hàng năm; hơn nữa chúng ta là những giáo viên được tiếp cận nhiều sách vở và trên các phương tiện thông tin đại chúng nên biết khá rõ những âm mưu thâm độc của kẻ thù. Từ đó, chúng ta phải ra sức cùng Nhân dân và chính quyền các cấp bảo vệ Ðảng, bảo vệ buôn làng góp phần xây dựng đời sống mới, giữ vững nền độc lập tự do mà bao thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để đánh đổi. Nay, thầy Brah về trường công tác mình mừng lắm vì thầy là người địa phương, các em học sinh sẽ noi gương theo thầy mà học tập, mà phấn đấu, bởi lẽ thầy là con em của buôn làng mà!

Chúng tôi vừa đi đường vừa nói chuyện, Brah chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng trả lời:

Mình biết chớ!

Xa xa, đâu đó có tiếng súng nổ đì đùng vọng lại, như nhắc nhở anh em chúng tôi phải cảnh giác cho sự an toàn một cách cao độ, không cho phép một phút lơ là. Ði sau cùng là thầy Hùng, cũng như tôi luôn cầm trên tay khẩu súng AK sẵn sàng tư thế nhả đạn.

Ði được nửa đường chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi giải lao, uống nước, tranh thủ hái rau rừng ngay bên vệ đường, lại nô đùa quên đi sự mệt nhọc, vất vả.

Ðến đầu buôn, từ đồi bên này nhìn sang đồi bên kia, thấy rất rõ ngôi trường, mái lợp tôn, vách ván do xã huy động sự đóng góp của Nhân dân và chính tay của các bác trong đội thợ mộc của hợp tác xã dựng lên, nền chưa láng xi, còn đơn sơ, trước sân trường cột cờ thẳng tắp bằng cây rừng, lá cờ đỏ sao vàng bay phất phới trong nắng hồng, học trò tung tăng trong giờ tan học nghe rộn ràng, nhộn nhịp tạo nên cảnh thanh bình yên ả với một ngày mai rộng mở.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO