Tản văn: Đôi dép tổ ong của bố

13/06/2019 09:08

Tác giả: Thu Đình

ADQuảng cáo

Ảnh minh họa

Bố tôi là nông dân. Bố thích đội mũ cối, mặc quần áo bộ đội. Và đặc biệt, ấn tượng lớn nhất trong tôi là đôi dép tổ ong bố vẫn thường đi. Đôi dép dọc dài theo bố suốt tháng năm, là vật dụng, là người bạn, là cái gì chân chất, mộc mạc như chính con người của bố!

Gọi là dép tổ ong, bởi quai trên của dép có vô số những lỗ tròn chẳng khác gì tổ ong. Dép được thiết kế khá đơn giản, chỉ có một quai to phía trên vắt qua thành vòm, dường như chẳng có hoa văn gì và thường làm bằng nhựa màu trắng. Đôi nào nhựa càng dẻo, càng tinh, càng đặc thì càng bền và sẽ đắt tiền hơn so với những đôi nhựa pha nhiều tạp chất khác. Biết vậy, nhưng tôi thấy bố cũng chỉ đi đôi dép tổ ong thường thường bậc trung, chắc là để đỡ tốn tiền!

 Đôi dép tổ ong bố đi thường là dép cỡ to. Phần vì, đi cỡ to cho nó rộng rãi, thoải mái. Nhưng chủ yếu là do đôi bàn chân của bố. Đôi bàn chân to bản, bạnh ra, lại còn cong cong vì phải khuân vác nặng nhiều. Bởi thế, dường như chẳng có đôi dép tổ ong nào có thể vừa khít đôi chân của bố. Và lần nào mẹ mua, mẹ cũng chọn cho bố đôi có cỡ khá rộng.

ADQuảng cáo

Tính bố cẩn thận, lại ưa sạch sẽ. Bởi vậy, đôi dép tổ ong được bố giữ gìn, quan tâm chẳng khác gì con cái. Dăm ba bữa, chỉ cần thấy dép có màu ố vàng hay đen đúa là bố lại mang nó ra bờ ao hay bờ giếng, lấy bàn chải giặt đồ nhúng nước bột giặt chà qua chà lại cho đến khi sạch tinh rồi gác nó lên thành sân hong nắng cho khô. Bố còn dành riêng một chiếc giẻ mềm giắt dưới mái hiên nhà chỉ để lau chùi cho đôi dép mỗi khi nó bụi bẩn. Nhớ mỗi lần cùng bố đi thăm ruộng, khi lội qua chỗ bùn, nước, kiểu gì bố cũng bỏ đôi dép tổ ong ra cầm nó trên tay. Đợi khi lên được bờ trục lớn hoặc về đến con mương gần nhà, bố mới rửa chân, đi dép vào. Có lần, tôi hỏi: Chỉ là đôi dép thôi, sao bố phải cẩn thận thế? Bố mỉm cười, xoa đầu tôi, nói: Của bền tại người...

Hồi nhỏ, tôi từng ngồi chăm chú hàng giờ để xem bố hàn dép! Đôi dép tổ ong còn mới mà đã đứt quai là được bố hàn lại ngay. Bố cắt một miếng nhựa dẻo cùng màu với dép, vừa với đoạn quai bị đứt rồi nung cái liềm cũ vào bếp củi. Đợi khi thấy đầu liềm đỏ lên, bố cầm cán liềm rút ra khỏi bếp, áp mặt liềm đang đỏ lửa dọc theo chỗ quai dép đứt và lên cả miếng nhựa hàn, sau đó dán miếng nhựa hàn lên chỗ đứt của quai dép. Để cho chỗ hàn của dép dính chặt, bố còn cẩn thận lấy miếng gỗ hoặc cái chày gõ đều lên miếng hàn. Vì quý đôi dép quá mà tôi nhớ có lần mấy con cún con trong nhà nghịch ngợm hay ngứa răng cắn dép của bố, thế là bị bố cho mấy roi, con nào con nấy chạy quanh, la ăng ẳng khắp nhà.

Nhớ lần được bố dẫn đi mua dép mới, tôi nói: Đôi dép tổ ong của bố đã mòn đế, cong lên như cái ván trượt rồi sao bố không mua một đôi mới mà đi! Nghe vậy, bố lại lẳng lặng nhìn tôi, cười: Dép bố còn đi được mà! Khi đôi dép quai đã đứt lia chia, đế dép nứt nẻ, ngấm nước tòe ra, mòn sát gót, bố mới chịu để mẹ bán nhôm nhựa. Đã thế, lúc cô thu mua nhôm nhựa lồng hai chiếc dép vào nhau cho gọn rồi bỏ vào chiếc bao, bố còn nhìn theo đôi dép với vẻ tiếc rẻ.

Cũng chỉ với đôi dép nhựa tổ ong đơn sơ mà bố đã bế bồng, dắt tôi đi dạo quanh khắp đường làng ngõ xóm; cho tôi biết đến vẻ đẹp của bờ đê cong cong ôm lấy ngôi làng nhỏ và cả cánh đồng làng trước nhà mùa nối mùa xanh tươi mướt mát. Cũng với đôi dép ấy năm nào, bố đã đồng hành đưa tôi từ mảnh đất gió Lào cát trắng vào tận trong Nam đi thi đại học, và rồi tự hào dắt tôi bước vào được cổng trường đại học mà mình hằng ao ước.

Bố là thế! Cả đời chỉ gắn bó với vườn tược, ruộng đồng, với những công việc mướt mồ hôi. Cả đời chỉ sống đơn giản, tiện tằn, mộc mạc như đất đai, rơm rạ quê nhà. Giờ không còn khó khổ như xưa nhưng bố vẫn thích đi những đôi dép tổ ong như thế. Để rồi mỗi lần nhìn thấy đôi dép ấy, tôi lại càng thêm yêu thương bố thật nhiều!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tản văn: Đôi dép tổ ong của bố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO