Tản văn: Trân trọng hòa bình

29/04/2020 09:40

Tác giả: Đào Thu Hà

ADQuảng cáo

Khi tôi còn nhỏ, sống ở quê, cạnh nhà tôi có một bà cụ là mẹ liệt sĩ, theo vai vế họ hàng, tôi gọi bà là bà cố. Bà cố đã già lắm, thời gian đã bào mòn ánh nhìn của bà, điểm lên da bà những đốm đồi mồi và xô vào vầng trán những nếp nhăn không dứt. Chiều chiều, bà ngồi tựa cổng, nhìn ra ngõ. Ai đi qua, bà đều níu lại hỏi “mặt trận phía Nam” là ở đâu, đi xe bao nhiêu ngày thì tới, tiền vé xe có đắt không? Bà ngồi tựa cổng, hai đầu gối nhô quá đầu, im lặng như một bức tượng. Nhưng có tiếng người đi qua, bà vụt trở nên nhanh nhẹn. Khi không nhận được câu trả lời, bà lại trở về tư lự, lặng im. Mỗi khi trong làng có người nhà ai đi làm ăn xa ở miền Nam về thăm nhà, bà đều đến hỏi thăm. Bố tôi bảo, con trai của bà đi B rồi hy sinh, không biết mộ ở đâu để gia đình bà cố đón về nghĩa trang liệt sĩ của xã. Những năm cuối đời, bà cố bị lẫn, bà nhớ nhớ, quên quên mọi thứ, nhưng chiều nào bà cũng chống gậy ra cổng để ngóng. Bà không hỏi “mặt trận phía Nam” là ở đâu nữa. Bà chỉ lẩm bẩm một mình, khuôn mặt lộ rõ vẻ sốt ruột, mong ngóng người con trai út sao chưa về, hết chiến tranh rồi sao chưa về thăm mẹ. Ngày ấy còn nhỏ, tôi nào đã hiểu chiến tranh, mất mát là gì, nhưng không hiểu sao nhìn dáng bà cố tựa vào cánh cổng tre cũ trong những buổi chiều ấy, trong lòng thấy dâng lên một nỗi buồn khó tả. Ngày bà cố mất, mọi người kể bà nhắm mắt mà trên môi phảng phất nụ cười. Chắc rằng bà đã gặp người con trai út mà bao năm bà thương đứt ruột.

Ảnh tư liệu

ADQuảng cáo

Lớn lên đi học, tôi được biết đến những mất mát do chiến tranh gây nên qua sách vở, phim ảnh. Thú thật, đọc những số liệu khô khan, những diễn biến của mỗi một trận đánh, những thiệt hại do bom đạn gây nên được thống kê cũng chỉ đủ khiến lũ học sinh chúng tôi ngày ấy mường tượng một chút về chiến tranh và những hậu quả khủng khiếp nó mang lại. Chỉ khi có dịp được đến thăm những nghĩa trang liệt sĩ, những di tích lịch sử còn in hằn dấu vết bom đạn chiến tranh, tôi mới hiểu hết cái giá của hòa bình, mới thấy được để có nền tự do, biết bao người đã nằm xuống mãi mãi.

Mỗi khi đi viếng nghĩa trang liệt sĩ, tôi thường đứng lặng rất lâu trước những hàng bia mộ. Những người đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ đã từng là những chàng trai, cô gái căng tràn nhựa sống tuổi đôi mươi, từng có bao nhiêu hoài bão, lý tưởng, có người là sinh viên ưu tú giờ lạnh lùng những dòng chữ đề tên tuổi, quê quán, ngày nhập ngũ, hy sinh. Nhiều người chỉ đơn sơ dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”. Tôi nhớ, năm cuối đại học nhà trường tổ chức cho lớp tôi đi thăm tỉnh Quảng Trị. Viếng nghĩa trang Trường Sơn một chiều gần cuối năm, trong cái lạnh lẽo, âm u của rừng núi và của tiết trời mùa đông, trong bàng bạc khói hương, cả lớp tôi không kìm được nước mắt. Hàng chục cây số mộ liệt sĩ quy tụ liệt sĩ từ khắp mọi miền đất nước, gần như tỉnh nào cũng có một khu riêng. Các anh nằm quây quần bên nhau trong tình đồng đội, đồng hương chắc hẳn cũng cảm thấy ấm lòng như được nằm giữa lòng đất quê nhà. Rồi khi thăm thành cổ Quảng Trị, chẳng ai bảo ai mà chúng tôi đều bước rất khẽ bởi sợ làm động giấc ngủ của các liệt sĩ. Chúng tôi đã nghe kể rằng, dưới mỗi tấc đất Thành cổ đều thấm đẫm máu của các liệt sĩ, ai dám nói rằng dưới cỏ không còn di hài các liệt sĩ. Ai cũng trầm lặng khi nhìn các bức ảnh ghi lại các chiến sĩ thành cổ với nụ cười tươi như thể không có bom đạn ngày đêm cày xới, những nụ cười tràn đầy lạc quan, vui vẻ dù đối mặt với sự sống và cái chết chỉ cách nhau một gang tấc. Chưa bao giờ chúng tôi hiểu rõ cái giá của hòa bình như thế, hiểu rõ quá khứ hào hùng và bi thương của dân tộc mình như thế. Chưa bao giờ chúng tôi hiểu rõ câu nói “Để có những ngày hòa bình hôm nay hàng triệu những người con ưu tú nhất của đất nước đã ngã xuống” như thế…

Thế hệ của như tôi lớn lên khi đất nước đã hòa bình và bước vào giai đoạn đổi mới. Không còn cảnh đội mũ rơm đi học, không còn cảnh ngồi trong những căn hầm trú ẩn, không còn nỗi lo “tem phiếu”. Sau 45 năm giải phóng miền Nam, đời sống đã khấm khá hơn, bớt nhọc nhằn hơn. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ quên cái giá của chiến tranh đắt thế nào để thêm trân trọng hai tiếng “hòa bình” thiêng liêng mà biết bao người đã đánh đổi cả máu xương để giành lấy.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tản văn: Trân trọng hòa bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO