Tạp bút: Nếp nhà của mẹ

18/06/2021 07:50

Tác giả: Y Nguyên

ADQuảng cáo

Cái nếp đầu tiên mẹ dạy các con là sống biết tiết kiệm, biết tính toán căn cơ. Lớn chút, mẹ giảng giải thêm cho các con về mục đích xa hơn của tiết kiệm. Ấy là để có chút ít dôi dư tích lũy phòng khi bệnh tật hoặc những chuyện bất ngờ cần tiền không phải lúng túng mượn vay. Mẹ bảo, đời mẹ ghét nhất chuyện vay mượn. Mẹ nghèo nhưng hầu như cả đời chưa bao giờ phải mượn vay ai là nhờ biết lo xa, tiết kiệm.

Ảnh tư liệu

ADQuảng cáo

Cái nếp thứ hai mẹ dạy con là sống biết kính trên nhường dưới, đặc biệt đối với ông bà mẹ cha. Ấy là nói cho văn vẻ theo ngôn ngữ của tôi chứ mẹ thì dân dã hơn: thờ cha kính mẹ, lớn nói nhỏ nghe, nhỏ không được hỗn. Không phải nói suông, mẹ dạy con bằng chính hành động của mẹ. Mồ côi cha từ nhỏ, bà ngoại đi bước nữa bỏ mẹ lại cho bà cố nuôi. Lớn, có gia đình riêng; mặc dù bươn chải vất vả với cảnh nhà nghèo đông con nhưng mẹ vẫn thu xếp đi về thăm hỏi cố. Những ngày cuối đời cố, già cả đau yếu neo đơn mẹ đi về chăm sóc, phụng dưỡng cố thường xuyên hơn. Mẹ về là lăn lưng vào dọn dẹp, giặt giũ. Quần áo dơ cố bỏ mẹ vẫn không nề hà ôm đi giặt. Thấy tôi bịt mũi kêu hôi, mẹ lừ mắt, quát khẽ khiến tôi im re. Ai trông thấy cũng khen: Cháu mà chăm bà còn hơn con chăm mẹ.

Với bà ngoại, mẹ vẫn một dạ quan tâm, không mảy may oán hờn chuyện bị ngoại “bỏ rơi” hồi nhỏ. Với những người anh em con đời sau của ngoại cũng vậy, mẹ quan tâm hết lòng mỗi khi có việc. Anh em tôi nhiều lúc bực dọc muốn nổi xung:  Bà ngoại có nuôi mẹ đâu? Các cậu dì có ai quan tâm tới mẹ đâu mà mẹ lo? Mẹ dịu giọng: Không hẳn vậy đâu con. Ngoại ngày xưa có cái khó của ngoại nên mới phải lìa mẹ. Còn các cậu dì đời sau ít nhiều cũng mặc cảm chuyện đã “giành” mất tình thương của ngoại nên tránh né. Nhưng… nửa dòng máu cũng vẫn là ruột thịt. Máu chảy ruột mềm, anh em sao bỏ được, huống chi mẹ còn là “chị Hai”. Có thể những lời giảng giải của mẹ bằng cách nào đó đã lọt được đến tai các cậu, dì. Cũng có thể cách cư xử rất “chị Hai” của mẹ lâu dần đã khiến các cậu, dì cảm động. Chị em từ đó thành gần gũi, tương thân tương ái, sống bảo bọc nhau khiến ai cũng trầm trồ…

Tôi lớn lên, bước chân ra đời thành người có học. Ỷ lại với cái tri thức của mình nên nhiều lúc hành xử chủ quan, quên mất “nếp nhà” mẹ dạy. Kì thay, mỗi lần "quên" là mỗi lần phải trả giá. May mà trả giá xong, tôi còn kịp nhớ để sửa sai. Về thăm, kể chuyện mẹ nghe, mẹ cười móm mém: Mẹ nói mà bây có tin đâu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạp bút: Nếp nhà của mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO