Trái tim người lính

24/07/2020 07:50

Truyện ngắn của ĐÀO THU HÀ

ADQuảng cáo

Biết tôi có chuyến công tác dài ngày ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, mẹ dặn:

- Mày vào trong đấy nhớ ghé nghĩa trang các tỉnh thắp hương, biết đâu trời run rủi lại tìm thấy mộ của cậu. Để mẹ ghi cho mày tên tuổi, nơi hy sinh của cậu.

Nói rồi, mẹ đứng dậy đi lấy giấy bút, bệnh xương khớp hành hạ khiến những bước chân của bà tập tễnh. Tôi định ngăn mẹ lại. Nghĩa trang mênh mông thế, biết cậu tôi nằm đâu giữa bao nhiêu tấm bia kề nhau, trong số những tấm bia ấy, có tấm ghi dòng chữ đầy khắc khoải “Mộ liệt sĩ chưa biết tên”. Mà cũng chẳng cần mẹ ghi, những dòng thông tin về cậu tôi đã thuộc làu làu. Bao năm cùng bố mẹ đi tìm cậu, bao nhiêu chuyến công tác ở miền trong, chuyến nào mẹ cũng ghi thông tin của cậu để tôi mang theo. Nhưng nhìn niềm hy vọng trong ánh mắt mẹ, tôi không nỡ. Tôi khẽ đáp một tiếng “vâng”, trong đầu “rà” lại lịch trình xem có thể sắp xếp những khoảng trống nào đi viếng nghĩa trang. Dẫu không tìm được cậu thì biết đâu, một trong những ngôi mộ ấy là cậu tôi nằm. Hoặc là dẫu không phải thì nén nhang thơm bày tỏ tấm lòng với những người đã hy sinh, những người từng một thời là đồng đội của cậu tôi cũng là điều nên làm.

Minh họa: Ngọc Tâm

Mẹ tôi thương cậu tôi bằng tình thương của một người mẹ. Ông tôi là liệt sĩ, hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ khi cậu chưa tròn tuổi, lúc ấy mẹ tôi lên năm. Rồi bà ngoại mất khi cậu mười tuổi. Hai chị em côi cút nương tựa vào nhau, lớn lên bằng sự đùm bọc của họ hàng, của xón làng. Mẹ tôi kể, cậu học giỏi lắm. Năm lớp 5, cậu đi thi được giải nhì môn Văn học sinh giỏi toàn miền Bắc. Nhà tôi không có tấm ảnh nào của cậu, tấm ảnh thờ cũng là mẹ dựa theo trí nhớ nhờ một người họa sĩ truyền thần vẽ lại. Nhưng nghe mẹ tôi kể, tôi có thể nhắm mắt lại và mường tượng khuôn mặt của cậu. Cậu có đôi mắt sáng, đôi lông mày rậm. “Mày thừa hưởng được ở cậu đôi lông mày rậm ấy” - mẹ tôi thường nói như thế mỗi khi tôi hỏi trông cậu như thế nào. Mặt cậu vuông, rắn rỏi và nam tính. Cậu có nụ cười giống mẹ, nụ cười hiền lành có vẻ hơi bẽn lẽn. Cậu khỏe mạnh, xốc vác, khéo tay, cái gì cũng biết làm từ đồ mộc đến xây tường, sửa mái nhà. Nhưng cậu hay đỏ mặt, nhất là khi đứng trước con gái. Vậy mà cậu con trai hay bẽn lẽn ấy đã giấu chị viết đơn xin nhập ngũ khi còn đang ngồi trên giảng đường Đại học. Đến tận khi có giấy báo, cậu mới tranh thủ về quê báo cho mẹ. Mẹ khóc vì lo cho cậu. Nhà chỉ có hai chị em nương tựa vào nhau. Giờ cậu xông pha vào nơi hòn tên mũi đạn, nhỡ có mệnh hệ nào, mẹ làm sao chịu đựng nổi. Nhưng mẹ tự hào vì cậu tỏ rõ ý chí, quyết tâm của mình, không hèn nhát, trốn tránh dù cậu là diện được ưu tiên. Đêm trước khi lên đường, cậu bảo mẹ ở nhà có ai ưng thì cưới, xây dựng hạnh phúc riêng cho mình. Cậu đã lớn rồi, khi nào về, cậu sẽ lấy vợ.

Mẹ bảo cậu đẹp trai, học giỏi lại tốt tính, hiền lành nên con gái trong làng nhiều cô mê cậu. Cậu yêu cô Thủy ở xóm trên. Nhắc đến đấy, mẹ hay thở dài:

- Giá ngày đấy trước khi lên đường, cậu nghe lời mẹ làm đám cưới với cô Thủy thì biết đâu…

Cô Thủy học chung trường với cậu từ bé. Lớn lên cô học sư phạm. Hai người đã hẹn ước ngày thống nhất cậu trở về, hai người sẽ cưới nhau. Rồi cậu sẽ tiếp tục chặng đường học tập còn dang dở. Cậu viết đơn xung phong nhập ngũ khi mới học năm 2 đại học, vào những ngày tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Nghe mẹ thở dài, tôi hỏi:

- Sao ngày ấy trước khi lên đường cậu với cô Thủy không làm đám cưới hả mẹ.

- Cậu bảo hai người còn trẻ, cô Thủy còn đang đi học tiếp. Rồi chiến tranh không biết trước thế nào, nhỡ ra lại làm lỡ mất đời một người con gái. Cái thằng, trước khi lên đường lại nói khôn nói dại, ai ngờ đâu…

Mẹ đưa tay lau nước mắt. Cô Thủy vẫn chờ đợi cậu kể cả khi biết tin cậu đã hy sinh. Có lẽ cô cũng như mẹ, luôn hy vọng vào một sự nhầm lẫn. Biết đâu trùng tên, biết đâu cậu chỉ bị thương rồi lạc đơn vị. Rồi giải phóng mấy năm vẫn không thấy cậu về. Cô xung phong lên Tây Bắc, rồi lấy chồng, sinh con, lập nghiệp luôn ở đấy. Năm nào vào dịp tháng 7, cô cũng về quê, qua nhà thắp hương cho cậu. Chỉ hai năm nay, cô yếu hơn, sức khỏe không cho phép nên không về được.

ADQuảng cáo

Cậu đã hy sinh nhưng cậu vẫn luôn hiện diện, đồng hành cùng cuộc sống của gia đình tôi. Bố tôi là đồng đội cũ của cậu. Sau ngày giải phóng, bố về tìm đến nhà. Khi nhìn thấy một “chú bộ đội” gương mặt sạm đen, cụt mất một cánh tay đứng ở đầu ngõ, mẹ đã ùa ra vì tưởng em trai mình trở về. Mẹ mời bố vào nhà, hỏi chuyện. Bố là người ở huyện bên, chung một đơn vị với cậu. Bố nhập ngũ trước cậu mấy năm. Là đồng hương lại hợp tính nên bố và cậu thân thiết như anh em ruột thịt. Cả hai đã hẹn với nhau nếu được trở về, nhất định sẽ đến nhà nhau, cho cậu được nhận bố mẹ anh làm bố mẹ nuôi. Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, đơn vị của bố và cậu chia làm hai cánh. Bố theo đoàn quân giải phóng Gia Nghĩa sau đó tiến về Sài Gòn. Còn cậu theo đơn vị thần tốc hành quân tiêu diệt địch trên đường số 7. Bố đâu ngờ, lần chia tay ấy cũng là lần cuối cùng. Cậu nằm lại mãi còn bố cũng gửi lại một phần máu thịt nơi chiến trường. Bố trao lại cho mẹ cuốn sổ tay chép những bài thơ của cậu. Bố bảo cậu biết bố thích đọc thơ nên đã tặng lại bố. Bây giờ bố gửi lại mẹ. Mẹ ôm cuốn sổ tay ghi đầy những nét chữ của cậu, òa khóc.

Từ mối gắn kết nhờ cậu, bố và mẹ nên duyên. Cậu đã không thể thực hiện mong ước ngày trở về nhận ông bà nội tôi là bố mẹ nuôi thì mẹ tôi – người chị gái của cậu lại trở thành con dâu của ông bà. Bố tôi vẫn nói, cậu là một người có trách nhiệm nên chắc cậu đã phù hộ, run rủi để bố mẹ tôi được nên duyên. Kết hôn xong, bố mẹ sống trong căn nhà cũ của ông bà ngoại, nơi mẹ và cậu đã nương tựa vào nhau để sống, để lớn lên. Mấy năm một lần, mẹ lại gom góp tiền để bố đi tìm mộ của cậu. Nhưng đến giờ vẫn chẳng biết cậu nằm lại ở đâu giữa trập trùng đồi núi và bạt ngàn sắc xanh của mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió.

Buổi chiều, tôi xin phép đoàn được tách riêng một tiếng để ra viếng nghĩa trang liệt sĩ. Chiều tháng bảy, đã vào mùa mưa. Cũng may, mưa không lớn lắm mà chỉ lất phất. Tôi đứng lặng trước những hàng bia trắng kề bên nhau, thẳng hàng như đội ngũ. Khói hương bảng lảng. Tôi chắp tay khấn. Xong, tôi ngồi dưới một tán cây. Tán cây khá rộng, ngày ngày tỏa bóng che mát cho những ngôi mộ. Tôi chú ý đến một thanh niên còn khá trẻ đang dìu một người bị mất một bên chân, chống nạng tập tễnh. Hai người thắp hương, khấn vái thầm thì. Tôi thấy người đàn ông bị mất một chân đưa tay lau nước mắt. Tôi đứng dậy, giúp đỡ cậu thanh niên dìu người đàn ông vào ngồi dưới tán cây, bắt chuyện:

- Chắc chú là thương binh ạ? Chú có người nhà nằm ở đây?

Người đàn ông thoáng đỏ mặt, xua tay:

- Tôi không phải là thương binh đâu cậu ạ. Tôi…

Một thoáng nghẹn ngào, lúng túng, rồi người đàn ông thở dài:

- Thôi chẳng giấu gì cậu, tôi là lính của chế độ cũ. Năm ấy tôi cũng mới mười chín, đôi mươi, trạc tuổi đứa cháu nội tôi bây giờ - ông đưa tay chỉ cậu thanh niên ngồi bên cạnh. Bị bắt đi lính, đưa lên Tây Nguyên. Năm đấy bộ đội tiến về giải phóng thị xã, tôi bỏ chạy rồi bị bắt làm tù binh. Trên đường rút chạy, quân ngụy ném pháo cố vớt vát lại thế trận, anh bộ đội dẫn giải tôi đã lấy thân che cho tôi. Trước lúc mất, anh ấy chỉ kịp dặn “cố sống để chuộc tội, để làm lại cuộc đời”. Anh ấy bảo tôi trẻ quá, nhìn chỉ như đứa em nhỏ ở nhà, vì chiến tranh mà…

Người đàn ông giọng nghẹn đi vì xúc động. Mãi một lúc lâu sau mới tiếp tục:

- Cả nhà tôi ơn anh ấy. Tôi là con trai duy nhất trong nhà. Sau khi đi cải tạo về, năm nào tôi cũng dành dụm một chút, nhờ người thân, con cháu đưa lên đây thắp nhang. Năm nay tôi cũng yếu nhiều rồi, nhưng còn sống ngày nào, tôi còn đi ngày đó. Tôi dặn con cháu sau này thay tôi làm tiếp công việc này. Không có người lính ấy thì tôi không còn, cũng không có chúng nó…

Bóng chiều đã loang kín nghĩa trang. Hai ông cháu người đàn ông chào tôi rồi dìu nhau ra về. Tôi nhớ bố tôi, nhớ cậu tôi dù tôi chưa từng được gặp cậu một lần. Tôi hình dung về người lính trong câu chuyện người đàn ông từng ở phía bên kia đã kể lại. Có lẽ trái tim cậu tôi, trái tim những người lính của một thời bom đạn chiến tranh đã cùng nhau đập chung những nhịp đập yêu đời tha thiết, yêu quê hương, xứ sở cháy bỏng. Bởi vậy họ đã sống, đã chiến đấu và dâng hiến không tiếc đời mình. Có lẽ ở đâu đó trên mảnh đất này, cậu tôi đã hòa vào đất, vào trời, vào sông, vào suối, vào mỗi nhành cây, ngọn cỏ cho đất mẹ mãi xanh.

Tôi chắp tay, thầm thì những lời tri ân từ tận đáy lòng mình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trái tim người lính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO