Truyện ký: Cô Tư Sài Gòn

Thương Hà| 29/04/2014 06:23

Cũng chỉ là ngẫu nhiên, tôi gặp người phụ nữ ấy, với cái tên gọi: Cô Tư Sài Gòn. Thế mà thi thoảng tôi vẫn nhớ và tự hỏi: Không biết bây giờ, cô ấy ở đâu?

ADQuảng cáo

Cuối năm 2006, trong dịp về tập huấn nghiệp vụ ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm chúng tôi chọn ở trong một nhà nghỉ bình dân; còn ăn thì “đặt“ luôn ngày ba bữa cho một quán cơm bình dân gần đó. Quán nhỏ, có 3 người, bà chủ cũng đã trung trung tuổi, người đẫy đà, phúc hậu; một cháu gái mới lớn làm công việc dọn dẹp và một thiếu phụ vừa là đầu bếp vừa phụ bưng bê phục vụ khách. Việc đặt trước số lượng người ăn, số tiền ăn hàng ngày dường như cũng tạo sự thuận tiện cho quán nên từ bà chủ đến người phục vụ có vẻ thích; nhất là người đầu bếp. Vì thế, mỗi sáng, sau bữa điểm tâm, người thiếu phụ ấy thường hỏi chúng tôi xem trưa nay, tối nay… thích ăn món gì. Tôi là người lớn nhất trong nhóm nên anh em bảo: Chị cứ hỏi bác này, ý nói hỏi tôi. Khi được hỏi thì lúc đầu tôi cũng nói: Tiền như thế, cô cho ăn món gì cũng được, nhưng sau thì cũng gợi ý cho một vài món miền Bắc như rau luộc, canh cua, dưa chua, cá kho, trứng tráng… vừa dễ làm, vừa rẻ, vừa ngon. Chính vì thế, tôi và những người ở quán này, nhất là người thiếu phụ kia thường có dịp trò chuyện cùng, nên chỉ mấy ngày sau là đã có vẻ thân tình với nhau. Có bữa, tôi hỏi tên, người thiếu phụ đã nói tên, nhưng lại bảo: Em thứ tư, mọi người gọi em là cô Tư, nên anh cứ gọi thế cũng được. Tôi đùa: Bà xã anh cũng bằng tuổi cô, ở nhà cũng gọi cô Tư, cô Tư Đắk Nông. Thế thì phải gọi cô là cô Tư Sài Gòn để phân biệt nhé. Hình như cái tên này chạm vào sâu thẳm cảm xúc của người thiếu phụ này bởi ngay sau đó, tôi chợt thấy sắc thái trên gương mặt có chút thay đổi, dường như đỏ hồng lên, ánh mắt thì long lanh hơn. Cô lí nhí đáp: Dạ…

Minh họa: Ngọc Tâm

Một bữa, gần cuối khóa học, tối cuối tuần, không phải họp nhóm nên cơm nước xong, tôi thả bộ qua mấy tuyến phố, ghé vào siêu thị dạo xem hàng hóa… Khi về, qua quán thấy đã hết khách, ngưng bán. Trước cửa, cô Tư kê cái ghế ra hẳn ngoài vỉa hè để ngồi hóng mát. Thấy tôi, cô Tư mau mả: Anh đi dạo về hà! Không bận thì mời anh ghé chơi… Thực tình, tôi cũng chỉ chờ có thế nên nhận lời ngay, ghé lại. Cô Tư vào quán lấy thêm chiếc ghế cho tôi ngồi. Chuyện trò một hồi, cuộc đời người thiếu phụ này hiện dần lên qua lời kể của cô cho tôi nghe.

…Ba, má em làm công chức thời chế độ cũ. Nhà có ba anh em thì hai anh đi lính quân dịch. Năm bảy lăm, em mới mười sáu, còn đang học trung học, cũng có nghe chút ít về chiến sự, nhưng không hiểu gì nhiều lắm. Em nhớ, một bữa khoảng gần cuối tháng tư,  đi học về thấy mọi người trong nhà cứ chộn rộn chuẩn bị sắp xếp hành trang. Em hỏi: Ba, má và các anh đi đâu vậy? Ba em nói giọng buồn buồn: Việt cộng sắp vào đến đây rồi, nhà mình không thể ở lại đây được… Hôm sau, đi học về,  thấy trong nhà không còn ai, mấy cái va ly chứa đồ đoàn cũng không còn. Thế là ba, mẹ và các anh của em đã đi thật. Họ để em lại một mình. Lúc này em mới thấy thật cô đơn. Em chỉ biết òa lên khóc…

Mấy ngày sau là Sài Gòn được giải phóng. Chỉ có một mình, em không dám về nhà, nên tìm đến nhà một người bạn cùng học để ở tạm. Căn nhà của gia đình em được Ủy ban quân quản trưng dụng để cho bộ đội giải phóng ở tạm. Thi thoảng em cùng mấy bạn có về thăm nhà, được gặp các anh bộ đội, nghe các ảnh nói chuyện thấy vui lắm. Trong số các anh bộ đội ấy có một anh người Bắc, còn trẻ làm cần vụ cho chú lãnh đạo cứ gọi em là bé Tư Sài Gòn. Ảnh nói ảnh đang học thì đi bộ đội; bây giờ đánh giặc xong rồi, lại quay về học tiếp. Ảnh khuyên em rằng đất nước đã sang trang rồi, em cũng phải tiếp tục đi học để làm chủ cuộc đời… Nghe thế, nhưng lúc ấy em còn thơ dại quá, còn nửa tin, nửa ngờ, đã biết thế nào là đất nước sang trang đâu… Vào khoảng cuối năm, khi các anh bộ đội giải phóng không ở nữa thì các bác, các chú ở Ủy ban quân quản gọi em về, giao lại nhà. Cuộc sống sau ngày giải phóng đối với em thật khó khăn. Không còn ai chu cấp nên em phải bỏ học và tìm việc kiếm sống. Nhưng mà biết tìm việc gì bây giờ?  Giữa lúc ấy thì em gặp được một người vốn là bạn cùng đơn vị quân dịch với anh Hai em. Ảnh nói cũng cùng với những người trong nhà em ra tàu đi di tản, nhưng đông quá, không lên tàu được nên rớt lại. Ba, mẹ em có nhắn với lại là ráng tìm gặp em rồi thì anh em tìm cách đi sau. Đang như sắp chết đuối vớ được cọc, em đã tin tưởng vào anh ấy như bị thôi miên. Chúng em đưa nhau về nhà ở chung trong nhà, nhưng tình cảm thì cũng như anh em thôi. Ảnh cũng giữ mình vì còn mơ ước lớn là tìm cách vượt biên ra nước ngoài. Nghe theo ảnh nên năm bảy bảy, sẵn có đủ giấy tờ ba, má để lại, em bán nhà, lấy tiền để tìm hướng … vượt biên. Tám lần vượt biên không thành, hơn hai trăm cây vàng có được từ bán nhà đã mất toi vì những cuộc phiêu lưu không mục đích. Lần thứ tám, cả bọn mới ra khơi được vài cây số thì bị bắt, ảnh bị phạt tù vì là người đứng ra tổ chức, còn em thì bị đưa đi cải tạo lao động mấy tháng. Chính trong thời gian cải tạo lao động ấy, em mới nhận ra rằng nhận thức và hành động của mình là quá dại khờ. Nhất là sau này, khi nhận được tin ba, má, các anh, chị của em cũng sống vất vưởng nơi xứ người thì lại càng tiếc cho số tài sản mà em đã “đánh rơi”.

Hết thời hạn cải tạo, em được Trại giới thiệu đến làm việc ở một cửa hàng ăn uống giải khát của Hợp tác xã mua bán phường. Công việc lúc đầu cũng tạm ổn, nhưng sau thì khó dần nên nhiều người bỏ việc, ra làm ngoài. Mãn hạn tù, ảnh ra tìm em và chúng em trở thành vợ chồng, hành nghề buôn bán kiếm tiền nuôi nhau. Ảnh cũng có thay đổi nên hai chúng em không còn tư tưởng vượt biên nữa mà chí thú làm ăn. Khoảng từ sau năm tám lăm thì việc buôn bán cũng thuận lợi, nên đời sống cũng tạm ổn. Bất hạnh cho em là vào năm chín mốt, khi con gái của chúng em mới được hai tuổi thì ảnh mất vì bệnh lao phổi. Sau này, chị Tâm, chủ quán đây, người đã từng làm ở cửa hàng ăn uống của Hợp tác xã phường trước đây kêu về chung nhau mở quán. Chị Tâm người Nam Định, ảnh người Sài Gòn theo ba má ra Bắc tập kết. Anh chị gặp nhau, nên vợ, nên chồng ở ngoải; sau giải phóng, mới chuyển vào. Chị Tâm là người tốt lắm, coi em như em gái. Có lúc chị bảo, mày vẫn còn đẹp thế này, khi nào có dịp, tao làm mai cho một “thằng trai miền Bắc”. Tao người Bắc, lấy chồng Nam, còn mày người Nam phải lấy chồng Bắc cho “hòa hợp dân tộc”. Nhiều lúc em cũng nghĩ chẳng biết khi nào em mới gặp cái người ấy; bây giờ, chỉ biết lo làm ăn, nuôi con thôi. Quán nhỏ, nhưng thu nhập hàng ngày cũng khá, chị Tâm trả công cho em cũng đủ hai mẹ con nuôi nhau và cho cháu đi học. Em vẫn nhớ cái anh bộ đội người Bắc năm nào đã khuyên em phải đi học. Em thì đã lỡ rồi, nhưng con em thì em phải cho nó đi học đến nơi, đến chốn. Năm nay cháu học lớp mười một rồi…

Chuyện trò lan man một hồi rồi cũng cắt được mạch. Tôi hỏi:

- Thế bây giờ cô Tư có còn thích ra nước ngoài nữa không?

Không nghĩ ngợi, cô Tư trả lời ráo hoảnh:

ADQuảng cáo

- Không đâu anh ạ. Không sống ở đâu tốt bằng sống ở đất nước mình. Ba, má em mất ở bển rồi. Trước khi “đi”, ổng, bả cũng nhắn về thế. Bữa trước, anh Hai em có về thăm, nói ở bển cũng khổ nhục lắm, làm ra tiền nhiều đấy, nhưng tiêu cũng nhiều và người Việt mình bị coi rẻ rúng lắm. Ảnh ân hận về chuyện đã vượt biên năm trước; sau này có điều kiện, chắc cũng quay về.

Kể cho tôi nghe về cuộc đời mình, cô Tư cũng hỏi thăm tôi về công việc, đời sống, nhất là điều kiện sống ở Đắk Nông. Tôi thành thật kể về mình và không quên “quảng bá” về vùng đất nơi tôi cũng vừa “chân ướt, chân ráo” đến được vài năm, còn nhiều khó khăn nhưng cũng sáng sủa về sự phát triển trong tương lai. Nghe tôi nói, chẳng biết là cô Tư có tin hay không, nhưng cũng nói:

- Em có nghe mấy người bạn nói về Đắk Nông quê anh rồi. Họ bảo trên ấy đất đai rộng, khí hậu mát mẻ, cũng dễ làm ăn lắm. Em còn thuộc bài hát Hoàng hôn màu lá của ông Thanh Tùng đấy nha. "Đắk Nông còn nhớ không, bát ngát lâm trường..." cơ mà. Gặp và được quen anh đây, em nói thật, hôm nào em lên đấy, anh tìm việc cho em nhé.

Tôi đùa:

- Tìm việc thôi à! Sẵn sàng. Thế cô có nhờ tôi tìm “thằng trai miền Bắc” cho không? Trên ấy nhiều người miền Bắc lắm.

Cô Tư cũng hóm hỉnh:

- Có chứ! Nhưng mà anh không tìm được thì em bắt anh phải đền đấy…

Tôi có vẽ đường đi về Đắk Nông, nhưng cô Tư không lên. Sau này tôi được biết, khu vực tôi ở trọ năm nào đã có một dự án bất động sản lớn đầu tư vào đấy nên chị Tâm, cô Tư Sài Gòn… đã chuyển đến một nơi ở mới và điều kiện kinh doanh của họ đã mở rộng hơn trước nhiều.

Mấy lần có dịp về công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã dò hỏi, nhưng chưa tìm ra nơi ấy. Không sao, tôi nghĩ rằng nếu có duyên thế nào cũng sẽ tìm gặp được nhau. Trái đất tròn mà.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ký: Cô Tư Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO