Truyện ký: Dưới tán bồ đề

Thương Hà| 16/05/2014 09:41

Tôi gặp lại anh qua đám cưới của Ngọc. Học với nhau một lớp, ra trường, tôi may mắn được nhận công tác ở thành phố biển; Ngọc thì đến một thị xã nhỏ trên cao nguyên. Nghe Ngọc báo tin cưới vợ, dù cách nhau gần hai trăm cây số, nhưng so với các bạn khác ở khắp mọi miền đất nước thì tôi vẫn là gần, nên xin “sếp” cho nghỉ mấy ngày lên chung vui với bạn.

ADQuảng cáo

Ngày ấy, số cán bộ trẻ được tăng cường từ ngoài Bắc vào đều ở nhà tập thể. Ngọc cũng vậy. Ở chung với Ngọc là anh.

Khi tôi đến, trong phòng chỉ có mình anh đang hý hoáy với một mớ giấy màu, chắc là chuẩn bị cho việc trang trí hôn trường. Nghe tôi chào, anh ngẩng lên. Tôi bất ngờ vì trước mắt tôi là khuôn mặt quen quen, dường như đã gặp ở đâu đó. Anh có vẻ cũng vậy, một thoáng bối rối. Sau rồi, anh nhỏ nhẹ hỏi: “Em có phải là Thu?”. Tôi: “Vâng ạ!”. Anh:"Tôi là Đức, bạn của Ngọc. Tôi đã nghe Ngọc nói là Thu sẽ lên…”. Anh dừng tay, lấy nước uống cho tôi, hỏi thăm đôi điều về việc đi lại, sức khỏe, công việc… rồi lại quay về với việc đang dở dang của mình. Tôi hỏi: “Có việc cho em làm giúp với”. Anh cười: “Bạn cứ nghỉ ngơi đi, chiều sẽ có việc để bạn làm cho vui”.

Chiều, anh dẫn tôi lên hội trường. Ở đây, các bạn thanh niên trong Chi đoàn cơ quan Ngọc đã tề tựu để quét dọn, kê bàn ghế. Anh bảo tôi nhặt những mẩu giấy màu đã cắt, bôi chút hồ để anh dán lên tấm phông căng trên bức tường chính và ba bức tường xung quanh. Chỉ vài chục phút sau, tôi thấy trên phông hiện lên một bức tranh có hình bụi trúc, đèn lồng, ông trăng tròn, cây cau, dây trầu, đôi chim bồ câu, trái tim có hai chữ lồng trên nền chữ “song hỷ”… Còn ở trên ba bức tường là vô số  những hình tượng cây, hoa, chim, thú ngộ nghĩnh cũng bằng giấy màu dán lên. Căn phòng vốn là nơi hội họp trang nghiệm, bỗng chốc trở thành “hôn trường” rực rỡ sắc màu và lãng mạn. Tôi tấm tắc khen thì được một bạn thanh niên mách nhỏ như một lời quảng cáo và tán đồng: “Nghề của chàng mà…”. Phụ giúp anh và các bạn, nhưng tâm trí tôi cứ xoay quanh câu hỏi: Anh là ai? Tôi cứ chú ý nghe cá bạn trẻ thi thoảng nói về anh để hình dung ra con người này; nhưng chịu.

Đám cưới “đời sống mới” chỉ có tiệc trà nhưng vui và khi xong việc thì ai cũng mệt lả. Thế nhưng tôi không thể ngủ được. Trằn trọc mãi, tôi “lục” hết ký ức của mình để nhớ lại xem đã gặp cái người này ở đâu. À, tôi nhớ ra anh rồi… Năm năm trước, khi ấy, tôi là sinh viên năm thứ hai của Trường Đại học, đóng ở Hải Phòng. Gần trường có Chùa Vẽ, một di tích lịch sử cấp quốc gia. Ở đây có những công trình kiến trúc cổ và đẹp; có vườn rộng với nhiều cây cối. Nhóm nữ sinh chúng tôi vẫn thường vào đấy chơi, ôn bài và xin quả. Một sáng chủ nhật, chỉ có mình tôi tới chùa định tranh thủ ôn bài chuẩn bị cho đợt kiểm tra học kỳ. Khi tôi vừa mới ngồi dưới bóng cây bồ đề thì có một nhóm nam thanh niên, sau này tôi biết là công nhân xây dựng công trình Cảng gần đấy cũng vào chơi. Thấy tôi có một mình, họ tán tỉnh, trêu chọc, rồi quấy rầy thái quá ... làm tôi ức đến phát khóc. Vừa lúc ấy, có một thanh niên lạ tới. Sau khi hiểu được sự tình, vừa tế nhị, vừa kiên quyết, anh đã “mời” được nhóm thanh niên đi nơi khác. Lúc đầu, nhóm người kia cũng không vừa, muốn gây sự với anh; nhưng sau đó, nghe anh nói gì đó, họ lảng dần... Khi đã hoàn hồn, tôi cảm ơn anh, nhưng anh bảo việc anh làm cũng là bình thường thôi; thấy người khác thân cô, thế cô gặp hoạn nạn thì phải giúp. Anh bảo sinh viên tìm chỗ yên tĩnh như vườn chùa để ôn bài là thích hợp, học bài sẽ “nhập tâm” hơn; nhưng lần sau thì nên đi theo nhóm… Tôi có cho anh địa chỉ của tôi, anh cũng cho biết anh đang công tác ở đơn vị bảo đảm hàng hải gần cảng Đình Vũ; như thế, chúng tôi chỉ cách nhau vài cây số. Một lần anh tới thăm tôi, thì đúng vào hôm tôi đang thi, nên không ra gặp được. Sau kỳ thi, tôi và mấy bạn đến đơn vị anh, thì nghe người ta bảo anh đã nhận quyết định điều động tăng cường cho một tỉnh phía Nam…

Hôm sau, đúng vào ngày chủ nhật, Ngọc nhờ anh đưa tôi đi chơi. Thị xã nhỏ bé, nên dạo qua chợ, qua mấy của hàng tổng hợp… là hết. Gần trưa, anh dẫn tôi vào một khu vườn của một ngôi chùa. Đang ở nơi ồn ào, nóng nực của phố thị, khi bước vào đây, dưới bóng mát của những cây cổ thụ, trong không gian yên tĩnh… tôi cảm thấy thư thái hơn. Chúng tôi ngồi trên chiếc ghế đá dưới tán cây bồ đề, bóng của cây trùm che hết một khoảng sân. Tôi hỏi: “Anh theo Phật à?” Anh: “Không! Tôi hay tới đây vì ở đây yên tĩnh”. Anh kể làng anh cũng có một ngôi chùa đẹp lắm. Thời thơ ấu, anh đã hay đến chơi chùa; được sư trụ trì cho oản, chuối, thi thoảng còn cho vào vườn sau chùa để hái thị, hái ổi. Sau này lớn lên, đi thoát ly, đến đâu, thấy có đền, chùa, anh cũng thường ghé thăm. Anh cũng kể đã có thời gian công tác ở Đình Vũ, Hải Phòng, có biết và đã vài lần đến chơi tại Chùa Vẽ. Tôi không dám kể về kỷ niệm xưa vì sợ anh cho là nhận nhầm; nhưng tôi chắc người thanh niên đã “cứu” tôi năm ấy là anh…Tôi thầm cảm ơn và tự nhiên mong có điều kiện để được gần, hiểu và thân thiết với anh… Lấy cớ Ngọc đã có vợ, trao đổi thư từ nhiều không tiện, tôi đề nghị anh và tôi sẽ liên lạc với nhau qua thư để tôi có thể thường xuyên biết tình hình của Ngọc. Ngày ấy, thư là phương tiện trao đổi thông tin cá nhân thông dụng nhất. Anh đồng ý. Hôm sau, tôi về, anh ra tận bến xe tiễn…

Như đã giao ước, mỗi tuần, tôi viết cho anh một lá thư. Anh cũng vậy, thư trả lời đều đặn. Chỉ mấy tháng mà xấp thư tôi nhận của anh đã dày. Trong thư gửi anh, ngoài chuyện hỏi thăm anh, thăm gia đình  Ngọc, tôi cũng giãi bày tâm sự của mình là ngưỡng mộ và mến anh; nhất là chuyện anh đã hết lòng giúp Ngọc trong công việc, trong chuyện cưới hỏi… Có những thư, tôi đã mạnh bạo "vẽ” ra người “bạn đời” của tôi mang bóng dáng của anh; thậm chí còn khuyên anh nên chuyển về nơi tôi đang ở và công tác vì ở đây điều kiện thuận lợi hơn trên ấy nhiều. Thư anh, lúc đầu cũng kể về tình hình đời sống của gia đình Ngọc là nhiều; nhưng sau thì cũng ít dần. Thay vào đó là những chuyện kể về công việc, về miền đất mới nơi anh công tác… Thấy tôi nhận được nhiều thư, mấy đứa bạn gái cùng khu tập thể kháo nhau: “Chị Thu có “bồ” rồi”. Chúng còn “thọc mạch” rằng “ảnh” thế này, thế kia… Nghe chúng nói, tôi cứ lặng thinh; nhiều lúc tôi cũng thầm nghĩ: Giá chuyện chúng nó nói là thật…

ADQuảng cáo

Anh đi công tác ở ngoài Khu, rồi tranh thủ ghé qua thăm tôi. Thành phố biển khá nhiều nơi thăm thú và hấp dẫn; nhưng biết ý anh, tôi vẫn đưa anh tới chùa Long Sơn. Đó là một ngôi chùa có qui mô lớn, xây dựng dưới chân núi; trên đỉnh núi có tượng Phật Thích Ca nhìn ra biển. Đi dạo một vòng từ trong các Phật đường đến leo lên đỉnh núi thăm viếng tượng Phật; dường như đến chỗ nào anh cũng tỏ vẻ thích thú, muốn tìm hiểu kỹ lưỡng như hỏi những người trông coi ở đây xem chùa đã được xây dựng từ khi nào, những công trình kiến trúc nơi đây do thợ ở đâu làm; hoặc tấm tắc khen người xưa đã kỳ công đưa vật liệu lên tận đỉnh núi để đúc tượng Phật lớn như vậy…

Dạo hết một vòng, chúng tôi dừng lại, ngồi trên chiếc ghế đá, dưới tán cây bồ đề trong vườn chùa ở thành phố biển. Bên anh, tôi thích thú nghĩ về những cuộc gặp của tôi và anh năm xưa ở Hải Phòng, năm trước ở trên cao nguyên và hôm nay thì ở thành phố biển này. Sao không hẹn mà các cuộc gặp gỡ lại đều có khung cảnh tương tự. Đó là trong khu vườn chùa tịch mịch, dưới tán lá cây bồ đề, trên ghế đá có đôi trai gái ngồi bên nhau… Lặng yên một hồi, anh nói: “Thu ạ! Anh cảm ơn em vì thời gian qua, anh biết em đã quan tâm nhiều đến anh. Anh cũng rất mến em và hiểu ý em. Nhưng anh không thể chuyển về đây được. Dù trên miền đất cao nguyên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; nhưng anh đã coi đó là quê hương thứ hai rồi…”. Anh trở lại cao nguyên hai ngày thì tôi nhận được thư anh. Cuối thư, anh viết: “Thu ơi! Ngay từ hôm gặp em ở đám cưới Ngọc, anh đã ngờ ngợ rồi ra em chính là cô nữ sinh anh đã gặp ở vườn Chùa Vẽ năm xưa. Anh biết  em cũng đã nhận ra anh nhưng cả hai đứa mình đều không nói ra. Đó là một kỷ niệm đẹp trong đời anh vì hôm ấy, anh cũng chỉ có một mình, lúc đầu anh cũng… sợ lắm. Nhưng có lẽ khi “có lý, có tình” hay là có Trời, Phật phù hộ nên vẫn được việc. Và anh nghĩ những kỷ niệm đẹp sẽ luôn là nguồn lực giúp người ta yêu đời hơn. Anh luôn nhớ kỷ niệm xưa ấy, nhưng bây giờ cũng phải nỗ lực để thích ứng với điều kiện mới. Thông cảm cho anh nhé. Cầu Trời, khấn Phật phù hộ, độ trì cho em luôn được may mắn, hạnh phúc.”. Đọc thư, tôi hiểu anh nói gì…

Đã mấy chục năm qua rồi, mỗi khi có dịp vãn cảnh chùa, nhất là ngồi dưới bóng bồ đề, tôi không khỏi xốn xang nhớ về những kỷ niệm xưa…

(Phật Đản Phật lịch 2558 – tháng 5 năm 2014)

Ảnh: Báo Đắk Nông

test

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ký: Dưới tán bồ đề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO