Truyện ký: Lão Tặng

Hoàng Ninh| 12/12/2013 10:26

Nhà lão Tặng ở đỉnh dốc Cao. Ai cũng gọi là “lão’’ vì lão già trước tuổi, ốm nhom, ốm nhách, lộ hết cả hai rẻ xương sườn rõ mồn một. Ngày nào lão cũng đánh trần cắt cỏ theo lô cao su, cây nào cây nấy đã to bằng bắp chân.

ADQuảng cáo

Lão kể với tôi khá dài về cuộc đời của mình. Tóm tắt là lão sinh năm 1954, quê quán ở tỉnh Hải Dương, năm 18 tuổi lão xung phong đi bộ đội, 19 tuổi đã vào chiến trường miền Nam, mới đánh nhau ở Quảng Trị đâu có dăm trận thì lão bị bắt, bị giam ở Đà Nẵng rồi vào nhà lao Sài Gòn và đưa đi Côn Đảo. Sau Hiệp định Pa ri thì lão được trao trả, nhưng chỉ mấy tháng sau lão tiếp tục vào chiến trường miền Nam. Một năm sau ngày giải phóng lão mới xuất ngũ, về quê lấy vợ. Năm 1986 lão xung phong đi xây dựng kinh tế mới ở huyện Chư Jút (Đắk Nông).

Hồi mới vào ở tận ngoài xã Trúc Sơn, cạnh Quốc lộ 14, mỗi hộ được nhà nước làm cho căn nhà và cho 5 sào đất, đất thì nhiều đấy nhưng xấu lắm vừa trắng phè, vừa pha cát; trồng lúa thì bông ngắn ngủn, trồng bắp chỉ to bằng nửa cùm tay nên quanh năm thiếu đói. Ấy vậy mà lão Tặng cũng ở đến 10 năm vì họ bầu lão làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã ngay từ khi mới vào. Sau đó lão mới đi tìm để mua thêm đất vì trong túi cũng còn mấy chỉ vàng dành dụm được. Cũng mất cả tháng thăm dò mới tìm vào được đến đây, người ta bảo bán hai quả đồi với giá 5 chỉ, sướng quá nhưng lão Tặng cò kè trả 4 chỉ thôi, nào dè họ gật đầu ngay...

Lão bảo, hồi đó có con đường cộ bò của đám “lâm tặc” mở để bò kéo xe vào vận chuyển gỗ nên đi lại, ra vào vẫn được, thế nhưng suốt chặng đường dài cả 7-8 cây số chẳng có lấy một ngôi nhà. Phía trong nhà lão khoảng 4-5 cây có một bản của người Thái quê tỉnh Thanh Hóa ở trước đó một thời gian, như vậy rừng núi bạt ngàn mà xung quanh có mỗi căn nhà của lão cất tận trên đồi cao. Nhà cất xong, hai vợ chồng lão bắt tay vào nhổ cỏ tranh, lại gặp dịp đúng vào đầu mùa mưa nên sạch cỏ đến đâu lão cho thả bắp giống đến đó, hết mùa mưa thì lão đã có gần cả hec-ta đất trống, nhưng mới chỉ có khoảng 3 sào bắp cho thu và 3 sào mới đâm cờ.

Mặc dù đất mới và chẳng có phân tro gì song bắp cứ to nầng nẫng, mỗi sào có ít cũng 5-7 tạ hột, bắp trắng thì phơi thật kĩ để dành ăn, bắp đỏ gùi ra Quốc lộ 14 bán mua gạo, muối, cá khô cho mấy đứa con ở nhờ nhà người bà con ngoài ấy học và một ít mang về, hễ ăn chán bắp hầm thì nấu cơm. Cứ thế, suốt 3 năm vợ chồng lão khai phá được tới 5 hec-ta đất đồi tranh. Mỗi tuần lão đến ủy ban xã giao ban một lần, thời gian còn lại làm bất kể chết. Thường cứ thức dậy từ tờ mờ sáng và vác cuốc ra rẫy, vợ ở nhà nấu chín cơm thì kêu vô ăn, buông đũa uống vội ngụm nước là hai vợ chồng tiếp tục làm đến tận 5-6 giờ chiều mới vào ăn bữa thứ hai trong ngày; nếu gặp sáng trăng thì làm cả ban đêm, khi nào quá mệt vợ chồng mới nghỉ.

Ngoài việc trồng bắp cho đủ ăn, lão Tặng trồng mía vì ngoài huyện có nhà máy đường đặt mua, được 5-6 năm thì lão bỏ nghề mía vì giá mía đã rẻ, nhà máy lại bắt dân chở mía ra chứ họ không cho xe vào chở như trước nữa, nên lão quay sang trồng cây bạch đàn vì đồi cao không có nước, không thể trồng được cà phê. Năm 2000, xã Chư K'nia được thành lập do tách từ xã Trúc Sơn ra, người ta định đưa lão qua làm cán bộ bên ủy ban, lão bảo: "Làm Chủ tịch Hội CCB thì làm, còn không thì nghỉ chứ không làm thêm chức gì khác’’, xã buộc phải đồng ý cho lão giữ nguyên chức.

ADQuảng cáo

Năm 2004, lão Tặng phát hiện những vùng đất thấp bên dưới đồi bạch đàn nước đến nửa mùa khô mới cạn, lão nghĩ "như vậy là do bạch đàn lớn lên giữ được nước’’, nên ngay sau khi được xã cử đi học lớp tập huấn mở rộng cây trồng trên vùng đất hoang hóa, lão về trồng ngay cây cao su. Nói cho đúng ra thì hồi còn ở ngoài vùng kinh tế mới, năm nào lão Tặng cũng đi cuốc mướn hố và trồng cao su rồi nên lão biết sơ sơ về kỹ thuật, một năm sau lão vừa mướn thêm người đào hố để trồng cây giống được tới 4 hec-ta. Mùa khô năm 2008, lão phát hiện cái giếng nhà lão đào ở nửa đỉnh đồi luôn có nhiều nước, trong khi đó các mùa khô trước đó năm nào giếng cũng phải đào thêm hoặc vét lại mới đủ nước ăn. Sướng quá, lão mua cái máy nổ và cái bơm nhỏ về để bơm nước sinh hoạt và tưới cây khi thấy hạn lâu.

Từ đó, mỗi lần họp hội CCB xã hay tham dự các cuộc sinh hoạt của Chi hội các thôn, lão đều phát động anh em trồng cây xanh trên đất trống và những quả đồi kém màu mỡ. Thật sự thì hồi chưa đi bộ đội, lão mới chỉ học hết lớp 7, cũng chưa hiểu nhiều về môi trường đâu, nhưng có thấy thực tế rồi mới biết. Lão là người đầu tiên trồng bạch đàn và cao su trong xã. Lão nói với tôi: Bác nhìn ra xa một chút sẽ thấy, những chỗ dốc quá không trồng được cao su em cũng đưa các loại cây rừng khác vào trồng. Chỗ đám rừng rậm kia là cây dầu, cây bằng lăng vợ chồng em trồng đó chứ không phải là rừng đâu, cứ tối tối chim cò về trú ngụ nhiều lắm. Không biết nó có giá trị kinh tế sau này hay không, nhưng khi lớn nó sẽ cân bằng được sinh thái trong khu vực.

Để chứng minh, lão Tặng dẫn tôi ra thăm 3 cái ao, cái rộng cũng tới 3 sào, cái nhỏ cũng một sào và bảo: Trước kia nó chỉ là cái vực, trước năm hai nghìn (2000) em cũng đã đắp bờ định biến thành ao, nhưng chỉ sau mùa khô khoảng một tháng là cạn đến nứt nẻ đáy. Năm, sáu năm nay nước vẫn còn cho đến mùa mưa chứ không cái nào cạn, chứng tỏ cây xanh giữ được nước rất tốt. Nhìn vậy đấy, bác ở chơi em quăng chài có thể bắt được cá to đến vài ký để đãi bác.

Do công việc mà tôi phải cáo từ, trước khi về tôi xin lão chụp vài tấm ảnh. Lão lắc đầu nguầy nguậy.

Tôi năn nỉ một chặp lão mới gật đầu đồng ý và vào nhà mặc quần áo ra ngay đám cao su trước căn nhà cho tôi chụp. Xong rồi lão còn dặn: "Có viết thì viết đúng thôi nhé, đừng viết thêm mà thiên hạ họ cười cho đáy".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ký: Lão Tặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO