Truyện ngắn: Cô học trò đặc biệt

15/01/2021 08:26

Tác giả: Lê Thị Xuyên

ADQuảng cáo

- Em tặng cô! Hiền đưa hai tay cầm chiếc túi nhỏ xinh về phía Huệ, khuôn mặt cô bé ửng đỏ, vẻ ngượng ngùng. Còn Huệ thì vô cùng ngạc nhiên. Phải mất mấy giây đứng chững lại, cô mới đưa tay ra nhận lấy món quà.

- Sao… sao em lại tặng quà cho cô? Huệ nhìn Hiền, tò mò.

- Em quý cô… nên… tặng cô ạ. Hiền ngượng ngùng đáp lại rồi bước về chỗ ngồi của mình. Ở dãy bàn bên kia, Thùy, bạn của Hiền cười tươi rói, giải thích:

- Hiền quý cô thật đó cô ạ. Mỗi lần đến tiết dạy của cô, bạn đều hồi hộp và mong ngóng. Bạn rất thích học môn của cô. Thấy cô là kiểu gì bạn ấy cũng “Cô Huệ kìa… Cô kìa…!”. Nghe Thùy nói, Huệ càng bất ngờ trước tình cảm đặc biệt mà cô trò nhỏ dành cho mình.

Minh họa: Ngọc Tâm

Huệ dạy Văn ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện đã hơn 10 năm. Hiền đang học lớp 11 tại trung tâm này. Huệ biết đến Hiền, bởi đó là cô học trò kiệm lời, dù cô giáo có gọi đứng lên đọc bài, trả lời hay kiểm tra bài cũ thì cô bé cũng chỉ lắc đầu. Trong suy nghĩ của Huệ, Hiền thực sự khó hiểu. Huệ không chủ nhiệm lớp Hiền nên có lần cũng chỉ kể lại điều mình nhận thấy với giáo viên chủ nhiệm của lớp. Thế rồi, cô biết về Hiền qua lời kể ít ỏi của thầy chủ nhiệm, qua những bài kiểm tra Hiền làm, đặc biệt là những bài liên quan đến vấn đề xã hội.

Món quà cô bé Hiền tặng Huệ là lọ nước hoa nhỏ xinh. Huệ thích nước hoa. Mỗi lần lên lớp, Huệ thường hay xức một chút nước hoa thơm thoảng. “Cô ơi, em là Hiền đây ạ. Em gửi lời mời kết bạn trên facebook với cô từ rất lâu rồi nhưng cô không chấp nhận”. Huệ đọc được dòng tin nhắn của chủ tài khoản facebook “P… H…D...” lạ hoắc. Tính Huệ có hơi nguyên tắc. Không phải ai cô cũng kết bạn, cũng nhận lời kết bạn. Với những nick facebook nào không ghi rõ họ tên, cô càng không để ý.

Huệ chấp nhận kết bạn rồi thử vào trang facebook của Hiền để tìm hiểu. Không một tấm ảnh nào của cô bé được đăng lên. Trên dòng thời gian chỉ toàn là những dòng status mang tâm trạng buồn chán, bi quan; là những video, hình ảnh khá lập dị được chia sẻ lại. Ngay cả ảnh đại diện cũng là một “thần tượng” trong  nhóm nhạc Hàn Quốc. Huệ nhắn tin xin số điện thoại của Hiền rồi gọi nhưng cô bé không bắt máy. Em trả lời Huệ bằng một tin nhắn: “Em thích nhắn tin chứ không thích nói chuyện trực tiếp qua điện thoại”. Huệ hiểu ý học trò nên nhắn lại cho em. Ban đầu em khá rụt rè. Dần dà… mới mở lòng kể về gia đình và bản thân.

Hiền sinh ra trong một gia đình có bốn chị em. Ba mẹ cô bé đều làm nông. Dù gia cảnh không mấy khá giả nhưng ba mẹ Hiền vẫn cố gắng để nuôi bốn chị em Hiền được học hành tử tế. Tuy nhiên, trái với hai chị gái đầu, vừa xinh đẹp lại vừa học giỏi, Hiền và cậu em út lại không như kỳ vọng của ba mẹ. Cậu em út ham chơi, lười học. Còn Hiền, lực học đã bình thường lại thêm gương mặt buồn bã.

ADQuảng cáo

Hiền vốn là cô bé nhanh nhẹn, hoạt bát và lém lỉnh. Ngày còn học cấp 1 đến đầu cấp 2, Hiền chơi hòa đồng với bạn bè, cũng đôi lần bị thầy cô nhắc nhở vì hay nói chuyện, làm việc riêng trong lớp. Nhưng rồi đến những năm cuối cấp hai… cô bé tự nhận thấy mình và mọi người có một khoảng cách rất xa, khó có thể hòa nhập. Hiền dần tạo nên bức tường ngăn cách giữa mình với bạn bè, thầy cô. Về nhà, ba mẹ Hiền thường lấy gương hai chị gái đầu để so sánh, để chì chiết, phê bình, để chỉ ra những khiếm khuyết, những hạn chế của Hiền. Bên nội, bên ngoại, mỗi lần nhìn thấy Hiền đều lắc đầu, nói ý nói tứ. Hàng xóm mỗi khi thấy Hiền thì xì xầm nhỏ to, rằng Hiền chắc không phải là con của ba mẹ, vì nếu là con ruột thì sao có thể khác một trời một vực đến thế được. Dường như chẳng ai muốn nhìn Hiền. Ai cũng lạnh nhạt, rời xa Hiền.

Hiền dần tự ti, mặc cảm về bản thân. Ngoài một buổi lên lớp học, hầu hết thời gian còn lại cô bé tự giam mình trong bốn bức tường của gian phòng chật chội với nỗi buồn của riêng mình. Cô bé giao tiếp với mọi người, với cả thế giới xung quanh bằng sự im lặng. Đó cũng là lí do khiến Hiền có suy nghĩ tiêu cực. Năm cuối lớp 9, cô bé không muốn tham gia thi chuyển cấp. Vì ba mẹ ép buộc nên Hiền miễn cưỡng đi thi lấy lệ. Không đủ điểm vào trường cấp 3 công lập, cô bé lấy đó làm niềm vui khi có lí do chính đáng để nghỉ học.

Khoảng thời gian nghỉ học một năm không vui vẻ, thoải mái như Hiền nghĩ. Suốt ngày Hiền phải vùi mình vào việc nhà, nào quét dọn, cơm nước, giặt giũ..., nhất là tận mắt chứng kiến cảnh ba mẹ cãi vã. Có lần, Hiền nghe mẹ nói với ba trong nước mắt rưng rưng: “Ngày trước, cũng vì gia đình ép buộc tôi mới phải lấy anh, vậy nên giờ mới ra nông nỗi thế này đây!”. Ba Hiền thì rượu vào là lại lè nhè, xẵng giọng, lên mặt chửi rủa, có khi dọa nạt “Có ngày, tao sẽ chém hết lũ chúng mày”. Hiền thương mẹ đã làm lụng vất vả, khổ nhục vì mấy chị em, lại hiếm có ngày không bị ba hành hạ, đánh đập. Hiền ghét ba đến độ chỉ mong ba đi đâu đó thật xa để mấy mẹ con được sống bình yên. Thế nhưng mẹ Hiền chỉ lắc đầu. Mẹ ôm Hiền vào lòng, nói với mấy chị em: “Không có ba, một mình mẹ sẽ không thể lo nổi cho các con”. Bốn chị em Hiền, đứa nào cũng ôm lấy mẹ, sụt sùi khóc. Hiền nghĩ cho mẹ, Hiền nghĩ cho hai chị và em trai, Hiền nghĩ về tương lai của chính mình. Thế rồi Hiền quyết định xin ba mẹ nộp hồ sơ vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên để được đi học lại.

Mỗi lần bước vào lớp Hiền, Huệ đều để ý đến cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ của cô bé. Khuôn mặt em lúc nào cũng buồn bã, chất chứa đầy tâm trạng. Bạn bè trong lớp nhiều khi rỉ tai nhau: “Cái Hiền nó bị tự kỉ hay sao ấy”. Trên lớp, Hiền chẳng khác nào một cái bóng. Cái bóng ấy vẫn đều đặn tới lớp mỗi ngày, vẫn chép bài, làm bài trong im lặng đến sợ hãi.

Một ngày, thầy chủ nhiệm cử Hiền làm tổ trưởng, mục đích của thầy thì ai cũng biết. Ban đầu Hiền không nhận. Nhưng thầy làm gắt, Hiền đành miễn cưỡng nhận lời. Cứ thế, mỗi tuần, Hiền đứng trước lớp duy nhất một lần vào giờ sinh hoạt thứ 7 bằng vài câu báo cáo, nhận xét ngắn gọn về tình hình của tổ. Dù các thành viên trong tổ Hiền có ý kiến phản bác này nọ, Hiền cũng không hề to tiếng, không hề cáu bẳn. Vì cô bé đã ghi chép đầy đủ, cẩn thận những lỗi vi phạm của các bạn trong cuốn sổ theo dõi thầy phát. Và điều quan trọng là, thầy chủ nhiệm rất tin tưởng Hiền.

Suốt năm lớp 10, Hiền không có bạn. Mãi đến đầu năm lớp 11, Thùy và Giao mới lân la nói chuyện làm bạn với Hiền. Hiền tuy có mở lòng nhưng cũng chưa thực sự hòa nhập. Huệ nhận ra, Hiền chẳng khác nào cái cây còn non đã bị thương, cần phải được cảm thông, quan tâm chân thành để có thể hướng về phía ánh sáng mà mạnh mẽ vươn lên.

- Trước khi vào bài mới, cô sẽ kiểm tra bài cũ. Huệ lật cuốn sổ điểm cá nhân, ân cần nhìn 30 gương mặt của lớp và bắt đầu đặt câu hỏi: “Hãy đọc thuộc lòng và nêu khái quát nội dung, nghệ thuật của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Cũng như những lần kiểm tra bài cũ trước, dẫu Huệ đã giao bài về nhà nhưng chẳng có một học sinh nào trả bài như đã hẹn. Huống hồ đây lại là bài văn tế dài, yêu cầu các em đọc thuộc lòng chẳng khác nào đánh đố, thế nhưng Huệ vẫn thử. Bất ngờ có một cánh tay giơ lên. Đó chính là Hiền. Hiền xung phong lên bảng. Cả lớp, ai nấy mắt chữ a, mồm chữ o. Không khí lớp trở nên im ắng tới mức ai cũng có thể nghe được cả nhịp tim mình đang đập thình thịch trong lồng ngực. Hiền đọc… giọng hơi run, hơi vấp một đôi chỗ nhưng em đã đọc hết bài, trả lời hết nội dung Huệ hỏi. Huệ ghi điểm 9 cho Hiền. Huệ dành lời khen tặng cho sự cố gắng của Hiền. Cả lớp thi nhau vỗ tay như để ghi nhận sự thay đổi của Hiền. Những ngày sau đó, Hiền xung phong đọc bài, trả lời câu hỏi và còn lên bảng viết bài… Không chỉ môn Huệ dạy mà các môn khác cũng thế. Sự thay đổi của cô bé khiến cả lớp cùng các thầy cô bộ môn, thầy chủ nhiệm đều quá đỗi ngạc nhiên.

- “Cô ơi, kỳ này em đã đạt học sinh khá! Cảm ơn cô trong thời gian qua đã luôn động viên, cổ vũ em”. Huệ đọc được dòng tin nhắn của Hiền gửi, vừa xúc động vừa vui mừng. Cô không quên nhắn gửi lại lời chúc mừng, động viên, kèm theo hình động với bó hoa tươi thắm để thể hiện tình cảm của mình. Thầy chủ nhiệm của Hiền cũng gọi điện cảm ơn Huệ vì đã góp công giúp Hiền thay đổi, đã cùng thầy đến nhà Hiền, trò chuyện với ba mẹ cô bé. Thầy khoe với Huệ: “Hiền dạo này vui lắm, hòa đồng với bạn bè nữa”. Huệ hạnh phúc vì cô học trò nhỏ đã thực sự thay đổi tích cực.

Buổi sáng cuối tuần, ngắm nhìn những bông hướng dương nơi góc vườn đang khoe sắc vàng tươi trong những ngày cuối đông, lòng Huệ miên man nghĩ về nghề mình đã chọn, cái nghề chẳng đơn giản chỉ có dạy chữ. Từ trong nhà, tiếng chuông điện thoại reo vọng ra cắt ngang ý nghĩ của Huệ. Huệ thong thả bước vào, nhấc máy lên nghe. “Cô ơi! Em là Hiền đây ạ…”. Từ đầu máy bên kia, giọng Hiền từ tốn, trầm ấm, vui vẻ. Huệ cười hạnh phúc. Rồi hai cô trò cứ thế giằng giai…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Cô học trò đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO