Truyện ngắn: Đôi bạn

Hoàng Thanh| 11/08/2017 10:43

Ông An xếp đồ đạc vào chiếc ba lô đã cũ, sờn, buộc vào yên xe máy rồi ngoái đầu dặn vợ:

ADQuảng cáo

- Đợt này tôi và ông Thành đi dễ đến cả tuần mới về, bà sang nhà bác Thành gái mà trò chuyện, cơm nước cho đỡ buồn.

Ảnh minh họa

Bà Xuân ái ngại nhìn chồng, nhỏ nhẹ:

- Ông đã có tuổi rồi, đi xa cẩn thận đấy, ông xem kỹ hành lý đã đem theo thuốc thang chưa. Mà hai ông cũng đừng tiết kiệm nhé, cố gắng ăn uống cho đầy đủ vào.

Bà Xuân dứt lời thì ông Thành cũng vào đến sân, trên vai đeo chiếc ba lô, quần áo gọn gàng. Ông Thành giục:

- Chúng ta khởi hành thôi kẻo muộn. Bà Xuân cho chúng tôi bó nhang để khi ghé Nghĩa trang liệt sĩ, thắp cho các anh phù hộ chuyến đi của chúng tôi thành công.

Trời lất phất mưa, hai ông lên xe gắn máy chậm rãi rời nhà hướng về Nghĩa trang liệt sĩ.

***

Ông Thành và ông An là đôi bạn khá đặc biệt, cùng ở thị xã Gia Nghĩa nhưng họ mới gặp nhau hơn chục năm nay. Năm 1973 họ là hai người ở hai chiến tuyến. Năm đó, ông An là Thiếu úy trẻ vừa mới tốt nghiệp Đại học võ bị Đà Lạt, làm phó đồn Đắk Trung ở huyện Đắk Song. Còn ông Thành là lính trinh sát của sư đoàn cơ động hoạt động ở chiến trường Nam Tây Nguyên. Đầu năm 1973 để chia lửa cho chiến trường Quảng Trị, quân ta đã triển khai kế hoạch tấn công nhiều tiền đồn ở các chiến trường, nhất là Tây Nguyên. Đồn Đắk Trung có vị trí rất đặc biệt trên quốc lộ 14. Tháng 2/1973, sư đoàn của ông Thành được lệnh tấn công đồn Đắk Trung để bảo vệ tuyến đường huyết mạch nối Nam Tây Nguyên với Đông Nam bộ. Trận đánh diễn ra hơn 1 ngày đêm. Trong trận đánh ấy ông Thành đã giáp mặt viên thiếu úy trẻ. Trong lúc đi trinh sát tiểu đội ông bị phục kích, 6 đồng đội bị thương và tử trận, đúng lúc ông hết đạn thì viên thiếu úy đưa súng ngắn lên nhắm vào ông. Ông Thành tưởng mình sẽ chết nhưng ngạc nhiên sao viên thiếu úy hạ súng để ông và đồng đội còn lại đưa anh em bị thương rút ra.

ADQuảng cáo

Trận đánh không đạt được kết quả như mong đợi. Do hỏa lực địch ở đồn Đắk Trung quá mạnh, sư đoàn ông Thành bị thiệt hại nặng, hơn nửa quân số của sư đoàn bị thương và tử vong. Đáng buồn là anh em không đưa được hết đồng đội đã nằm xuống ra ngoài.

Sau này gặp lại, ông An mới cho ông Thành biết, trận đó quân cách mạng bị chết nhiều, “bên này” phải dùng xe ủi đào hố để chôn chiến sĩ cách mạng tử vong.

***

Sau chiến tranh, ông An đi cải tạo 3 năm rồi định cư ở thị xã Gia Nghĩa. Ông thuộc diện được đi HO sang Mỹ nhưng ông khước từ. Còn ông Thành sau chiến tranh giải ngũ trở về quê hương ở Nam Định sinh sống. Sau này, ông đã đưa gia đình đi kinh tế mới ở Lâm Đồng rồi năm 2005 ông sang Gia Nghĩa lập nghiệp.

Một chiều cuối năm 2009 ông gặp lại ông An. Lần gặp trước 2 ông là những thanh niên trẻ măng, giờ gặp lại ai cũng đã bạc mái đầu. Gặp lại nhau hai ông ôm chầm lấy nhau và kể từ đó họ là đôi bạn thân thiết.

***

Nhắc lại chuyện cũ, ông Thành tâm sự với ông An về nỗi niềm đau đáu muốn tìm đồng đội đã nằm lại trong trận đánh năm ấy. Hai ông tức tốc về lại chiến trường cũ. Sau hơn 40 năm địa hình, địa vật đã thay đổi nhiều, đồn Đắk Trung năm xưa đã không còn dấu tích, toàn bộ là rẫy cà phê ngút ngàn, xác định địa điểm chôn cất năm xưa vô cùng khó khăn. Ông An bỗng lóe lên ý nghĩ, phải tìm những người lính dưới quyền ông ngày xưa đã tham gia chôn chất mới mong tìm được hài cốt các liệt sĩ. Thế rồi ông tìm lại thông tin của những người lính ấy, tìm về quê quán họ. Sau nhiều năm chắp nối thông tin ông cũng có địa chỉ của 3 người. Từ lúc có được thông tin, 2 ông lặn lội đi tìm. Nhưng đáng buồn là một người đã mất, 2 người còn lại thì bị bệnh nặng không thể đi được. Mới đây, ông có được thông tin của một người lính người dân tộc Ê đê ở huyện EaSup (Đắk Lắk) thế là hai ông quyết định lên đường.

***

Sáng sớm, dưới làn mưa lất phất, tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, ông An và ông Thành với bó nhang trên tay lầm rầm khấn: Các anh hãy phù hộ chúng tôi tìm được những người đã nằm lại tại đồn Đắk Trung xưa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Đôi bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO