Truyện ngắn: Hai người lính

27/07/2018 10:30

Tác giả Xanh Nguyên

ADQuảng cáo

“…Bài ca tôi không quên tôi không quên, những người đã ngã/Bài ca tôi không quên tôi không quên, gởi trọn đời cho tất cả…”. Bài hát với âm điệu và ca từ thống thiết đang vang lên từ chiếc radio đã cũ đặt trên bàn. Chiếc radio được ông Bạ đem từ chiến trường trở về như một kỉ vật trong suốt đời lính gian khổ mà oai hùng của mình. Đôi mắt ông mờ nhòe, một dòng nước mắt ứa ra, lăn xuống hai hõm má nhăn nheo bởi sự xô đẩy của thời gian đã dài dằng dặc. Hẳn ông đang rất nhớ về những người đồng đội của mình. Những người đã nằm lại trên chiến trường để cho đất nước được độc lập. Ông may mắn được trở về, được chứng kiến sự đổi thay của đất nước như hiện tại. Ngoài tuổi lục tuần, người thương binh ấy vẫn tự dặn mình sống một cuộc đời trọn đạo sao cho xứng đáng với những người đồng đội đã khuất.

- Nội ơi, nội ơi nội! Tín vừa đi vừa gọi từ ngoài ngõ vọng vào nhà, giọng đầy phấn khởi. Ông Bạ vẫn còn trầm tư, miên man theo những ca từ của bài hát về một thời khói lửa đang du dương. Nghe tiếng Tín gọi dồn ba, bốn lần, ông quay đi cất giấu sự bùi ngùi, nhớ thương vào lòng, hướng về cháu nội với giọng ôn tồn:

- Tín vừa trên thành phố về đó hả cháu? Tín tươi rói:

- Cháu có quà cho nội đây ạ! Cháu nghĩ là nội sẽ rất vui. Đôi mắt già nua của ông Bạ hướng về Tín bằng sự tò mò chưa từng có. Ông cười:

- Quà gì mà khiến nội vui thì nhanh đưa ra đây nào!

- Không nội ạ. Quà này không phải là vật chất. Quà này là một con người bằng xương bằng thịt. Nội sẽ được nhìn thấy ngay thôi. Nói rồi, Tín bước vội ra ngõ, đẩy chiếc xe lăn có người đàn ông tóc đã hoa râm ngồi trên xe từ từ vào sân.

- Ông Bạ ơi, ông Bạ!

- Ai gọi đấy! Ông Bạ nhổm dậy khỏi ghế, một tay chống nạng nâng chiếc chân trái đã bị mất hẳn bàn chân, chân phải làm trụ, từng bước tiến dần ra sân. Ông nhìn về phía người đàn ông ngồi trên xe lăn và quá đỗi ngạc nhiên:

- Kìa… ai giống như Nhu xứ Thanh đúng không?

- Đích thị là tôi đây, Bạ miền đất võ! Ông Bạ sung sướng bước vội lại gần người đồng đội cũ đã cùng kinh qua đạn lửa hơn 40 năm trước, tay bắt mặt mừng, rưng rưng như thể đây không phải là sự thật:

- Có phải thực là ông không? Ông vẫn còn sống? Thế mà tôi cứ nghĩ, ông đã nằm lại trên chiến trường Tây Nguyên năm đó rồi.

- Ai mà biết được hở ông. Tôi và ông vẫn may mắn hơn rất nhiều những người đồng đội khác. Này, thằng Chánh, thằng Thiên ở Quảng Nam hi sinh đúng vào hôm mở màn chiến dịch. Thằng Long Quảng Bình bị bom dội trúng người giữa những ngày ác liệt nhất. Rồi thằng Tính Kon Tum hi sinh trước giải phóng một ngày. Tôi may mắn sống sót nhưng bị mất cả hai chân và một tay trái đúng ngày giải phóng... Ông Nhu kể lại chi tiết sự mất mát của từng đồng đội và bản thân mình cứ như chuyện vừa mới diễn ra hôm qua. Ông Bạ bồi hồi:

- Còn tôi thì bị mảnh bom xé toạc một bàn chân, sau đó được xuất ngũ về quê cuối năm 1973. Ngày chiến thắng, tôi có hỏi thăm trong số những người trở về nhưng họ đều bảo không gặp người nào ở tiểu đội mình. Tôi đinh ninh nghĩ, mọi người đều hi sinh hết rồi. Ai ngờ… vẫn còn được gặp lại ông. Vậy là tiểu đội mình vẫn sót lại hai ông lính già này. Ông Bạ và ông Nhu mải miết lật lại trong kí ức nóng hổi tất cả những kỉ niệm một thời cùng sống và chiến đấu với đồng đội. Nụ cười, nước mắt, niềm vui, nỗi buồn hòa lẫn trong giọng kể lúc hào hùng, khi lại trầm lắng; khi rộn ràng, lúc lại thủ thỉ. Những câu chuyện một thời được hai người lính già thuật lại khiến Tín càng nghe càng xúc động, tự hào, chỉ biết im lặng lắng tai nghe từng câu từng chữ. Cho đến khi sực nhớ ra vì sao lại có được cuộc gặp gỡ bất ngờ với ông Bạ, ông Nhu mới vui vẻ trở lại:

- Ấy, cũng nhờ thằng cháu Tín của ông cả đấy. Nếu không gặp cậu ấy, chắc tôi và ông có khi theo đồng đội về với đất mẹ rồi mới hay mình còn được sống ở trên đời. Ông Bạ nhìn Tín, tò mò:

ADQuảng cáo

- Tại sao cháu biết ông Nhu là đồng đội cũ của ông vậy? Tín hào hứng kể:

- Trong hành trình về nguồn, cơ quan báo của chúng cháu có dịp về xứ Thanh để hỗ trợ những gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Đến nhà ông Nhu, nghe ông kể chuyện thời chiến, cháu mới nhớ lại câu chuyện của ông nội đã từng kể về tên của một người đồng đội cùng đơn vị quê ở Thanh Hóa đã hy sinh. Cháu hỏi ông Nhu về tên của những người đồng đội cùng đơn vị thì nghe ông nhắc đến tên ông nội. Đoán biết chắc ông Nhu chính là đồng đội của ông nên cháu mới gặng hỏi thêm. Thì ra đúng là như thế. Và cháu đã mang đến cho hai ông món quà bất ngờ này.

- Ông có thằng cháu nội thật giỏi giang. Giá như… Ông Nhu giọng nghẹn lại đứt quãng, chưa nói hết câu thì ông Bạ đã vội hỏi:

- Thế giờ vợ con ông thế nào?

- Vợ tôi, bà ấy đau bệnh luôn. Còn con thì… Dường như đoán biết được nỗi lòng của đồng đội trong sự ngập ngừng, ông Bạ cũng im lặng.

- Sau khi bị thương, tôi về quê sống phụ thuộc vào gia đình. Tự hứa sẽ không bao giờ gắn bó đời mình với bất kì người phụ nữ nào vì không muốn họ khổ. Nhưng bà nhà tôi khi đó cũng là một thương binh ở cùng xóm, vì thương tôi nên nguyện cả đời gắn bó, chăm sóc cho tôi. Bà ấy bảo chẳng cần mâm cao cỗ đầy, chẳng cần cheo cưới hay của hồi môn gì, miễn sao cho bà ấy về chung một nhà để ngày ngày chăm sóc tôi là được. Thế nên chúng tôi gắn bó với nhau. Những tưởng ông trời thương cho mụn con cho vui cửa vui nhà. Ai ngờ, cuộc đời trớ trêu khi tôi biết mình không có cơ hội được làm cha… Nhưng mà thôi ông ạ. Được trở về đã là hạnh phúc rồi. Tôi không oán trách số phận. Cuộc sống của vợ chồng tôi hiện tại tuy khó khăn nhưng vẫn ổn. Chúng tôi thấy như thế là đủ rồi. Bữa cơm rau dưa nhưng nghĩa tình vợ chồng trước sau như một với tôi thế là còn may mắn hơn bao mảnh đời bất hạnh khác. Ông Bạ lắng nghe câu chuyện của người đồng đội cũ, đôi mắt ông buồn thăm thẳm nhìn vào khoảng xa xăm ngoài sân trống vắng. Ông không biết nói gì để động viên đồng đội của mình lúc này. Ông chỉ biết nắm chặt lấy bàn tay còn lại của ông Nhu. Cả hai cứ thế im lặng. Cái im lặng của sự thấu cảm, sẻ chia. Cái im lặng dường như chỉ có những người lính đã từng chiến đấu với nhau mới hiểu hết sự tàn khốc của chiến tranh, những mất mát không thể nào bù đắp dù đã là chuyện của dĩ vãng.

Minh họa: Minh Thùy

Ông Bạ may mắn hơn ông Nhu vì có được đứa con trai duy nhất. Khi sinh con, vợ ông vì mất máu nhiều quá nên đã qua đời. Một mình ông bế con đi xin sữa khắp nơi, thằng bé ban đầu cứ khóc thét lên vì thiếu hơi mẹ nhưng nhờ sự cưu mang của bà con lối xóm, nó vẫn lớn lên khỏe mạnh như một điều kì diệu. Con trai ông trưởng thành, lấy vợ rồi lập nghiệp ở thành phố. Nhiều lần, con cháu năn nỉ ông lên thành phố ở, sống hưởng phúc để con cháu phụng dưỡng tuổi già, vậy mà ông cứ thích ở dưới quê. Ông bảo sống ở quê quen rồi. Vả lại, nơi này đã từng lưu giữ rất nhiều kỉ niệm của vợ chồng ông và những người dân xóm nghèo nặng nghĩa nặng tình. Ông coi quá khứ chính là điểm tựa để bản thân có thêm động lực sống, được giúp đỡ mọi người như là một cách trả ơn cuộc đời hiện tại. Hàng ngày, ông vẫn là một thương binh gương mẫu, thầm lặng giúp những đứa trẻ nghèo được biết đến con chữ, dạy chúng biết sống thiện, sống có ích cho xã hội khi lớn lên. Ông kể với ông Nhu về công việc mỗi ngày của mình là được ngồi tỉ mẩn chỉ cho mấy đứa nhỏ học bài, dạy cho chúng hiểu về cách làm người qua những câu chuyện thời chiến, những câu chuyện tốt đời đẹp đạo trong đời thường.

- Ông ơi ông, chiều nay ông vẫn dạy chúng cháu học chứ ạ? Ba, bốn đứa trẻ trạc 6 đến 10 tuổi đen nhẻm, tíu tít từ ngõ chạy vào đứng quanh ông Bạ,  tranh nhau hỏi.

- Được rồi… được rồi! Không những dạy mà ông sẽ còn kể cho các cháu nghe câu chuyện kì diệu của ông và ông Nhu nữa. Bọn trẻ nghe vậy háo hức lắm. Chúng nhìn ông Nhu bằng cặp mắt tò mò như muốn được ông Bạ kể ngay tức thì. Nhưng nghe ông Bạ nói vậy, chúng đành chấp nhận rồi chào hai ông ra về. Ông Bạ nhìn chăm chăm vào đôi mắt của ông Nhu, cười:

- Ông nhất định phải ở lại đây chơi thật lâu với tôi đấy. Tôi còn muốn cùng ông đi viếng những người đồng đội cũ, thông báo cho họ biết chúng ta đã gặp nhau sau mấy chục năm xa cách. Ông Nhu gật đầu:

- Phải rồi. Tôi cũng nghĩ vậy.

Hơn 40 năm, thời gian có thể tàn phá và làm phôi pha tất cả những gì thuộc về quá khứ. Nó cũng làm cho đất nước thay da đổi thịt. Nhưng dấu tích chiến tranh trên da thịt người lính dẫu có thành thẹo thì vẫn không thể nào quên được. Hiện tại, những con người giàu nghị lực ấy vẫn mạnh mẽ, can trường sống giữa cuộc đời để góp phần tô điểm thêm cho xã hội ngày một tốt đẹp. Trong dòng suy nghĩ của Tín bỗng chảy về những ý nghĩ miên man.

Trời đã đổ bóng, hai người đàn ông, hai người lính già vẫn đang say sưa kể lại những chiến công một thời trong niềm háo hức, khâm phục và tự hào của Tín và những đứa trẻ xóm nghèo. Và giai điệu khúc hát “Bài ca không quên” trong chiếc radio của ông Bạ lại vang lên bi hùng…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Hai người lính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO