Truyện ngắn: Hoa chữ

17/01/2020 08:52

Tác giả: Lê Champa

ADQuảng cáo

Góc phố đông, hàng thông già xù xì, già nua trong ngọn gió tàn chiều cuối năm. Tết tràn vào dòng người, dòng đời, cuồng quay, vội vã. Trái ngược với cảnh xô bồ ấy, Mộc Thi vẫn vậy, ung dung, thư thái từng nét bút trên vuông giấy đỏ. Ông đồ nghèo thu hết tâm, đức vào những con chữ mang phúc cho đời. Thị xã miền sơn cước heo hắt nắng hanh buồn. Gia Nghĩa lạnh, con đường lạnh, liêu xiêu dáng mai vàng e ấp đợi xuân sang. Năm nào cũng vậy, cứ gần tết là người ta thấy một ông đồ với áo dài, khăn đóng đứng cho chữ phía cuối con phố có đông người qua. Tiền kiếm được chẳng bao nhiêu, nhưng đó là xuân, là tết, là nguyện cầu và ước vọng nên chàng trai trẻ như cố níu lại nét thanh tao truyền thống của người Việt và hồn Việt trên cao nguyên M’nông.

Minh họa: Ngọc Tâm

Năm nay Mộc Thi cũng xin nghỉ phép sớm ở cơ quan để đóng vai ông đồ cho chữ. Người xin chữ cũng tăng dần theo từng năm, đa dạng thành phần. Mỗi lần cho chữ là cái tâm luôn giữ sáng không bị cám dỗ bởi vật chất tầm thường, tinh thần mạnh mẽ không bị ảnh hưởng bởi những xô bồ nơi chợ búa, nét bút phải phóng khoáng, bay bổng gửi khát vọng vào đời nên Mộc Thi ít khi để ý đến xung quanh, cứ mải miết vào những con chữ cho đến một buổi chiều … ô cửa sổ căn nhà góc phố nơi anh đứng cho chữ bỗng mở toang.

Thiếu nữ M’nông với đôi mắt mở to, làn da rám nắng, dáng cao gầy, mảnh khảnh, mái tóc rối tung bay trong gió nhìn những con chữ đắm đuối. Trái tim Mộc Thi bổng như bị điện giật, nhảy múa, những khô héo của cơm áo đời thường tan biến, tâm hồn bấy lâu lạnh lẽo của ông đồ trẻ tuổi mở ra những ô cửa đầu tiên. Nét bút run rẩy, chữ cho thiếu đi sự tự tin, phóng khoáng. Ông đồ trẻ viết lại, rồi lại viết lại, con chữ cứ im lìm, khô khốc thiếu sức sống, thiếu hồn cốt, thiếu sự thanh tao nho nhã. Không được rồi, tranh chữ của ông đồ bị cái bộn rộn của cuộc sống chi phối, khởi bút lúng túng, hành bút vụng dại, thu bút hụt hẫng, chới với. Mộc Thi xin lỗi khách hàng của mình, quấy quá vì mệt, vì không muốn những bức tranh chữ của mình mắc lỗi. Cái thú vui tao nhã nhưng cầu kỳ là vậy, mười cái đẹp nhưng chỉ vướng một lỗi nhỏ là coi như hỏng. Mộc Thi thu dọn nghiên bút, xếp lại dụng cụ định ra về thì cô bé đã xuống rất gần khẽ hỏi:

- Thầy nghỉ sớm vậy à?

- Tôi hơi mệt bạn ạ!

Một thoáng bối rối không thể che giấu sau cặp kính cận, ông đồ vụng dại trả lời cô bé.

- Thưa thầy! Em là sinh viên văn khoa được nghỉ tết muốn học thầy thư pháp được không ạ!

Dáng vẻ cầu khẩn thiết tha của cô bé làm Mộc Thi không khỏi bất ngờ. Giữa cao nguyên lộng gió, giữa bản sắc thiên nhiên hoang dã, giữa chốn xa vắng những nét văn hóa đặc trưng mấy nghìn năm được một cô bé người M’nông yêu thích tranh chữ, yêu thích tài hoa của người viết, yêu thích cái đẹp riêng biệt của người Việt, hồn Việt làm chàng ngẩn ngơ đến vụng dại.

Tết cổ truyền của người M’nông rất khác biệt, dường như quanh năm có tết, tết theo mùa lúa mới, tết theo con nước lên, con nước xuống. Tết đơn giản là ngày lễ hội, ngày gặp gỡ, vui chơi. Vì vậy họ ít cầu kỳ và không có màu sắc tâm linh hay cầu may. Người Việt yêu tranh chữ bởi họ gửi gắm vào đó ước mơ, mong muốn, khát vọng trong năm mới. Mộc Thi bất ngờ chính vì vậy, người biết viết thư pháp không có nhiều, người thấy được cái đẹp, cái hay của “hoa chữ” trong thư pháp càng hiếm. Người chịu khó tìm đọc, học và duy trì nét văn hóa thư pháp của dân tộc trong ngày tết thì dường như rất ít. Vậy mà lại có người tìm anh để học viết thư pháp, đặc biệt hơn đó lại là một cô sinh viên văn khoa người M’nông trên đại ngàn cao nguyên.
Mộc Thi từ tốn nói với cô bé:

ADQuảng cáo

- Thư pháp không khó em ạ! Nhưng phải nhẫn nại và kiên trì.

- Vâng! Đó không chỉ là chữ mà là hoa của cuộc đời mà thầy. Mà đã là hoa của cuộc đời, hoa của con người thì phải kết tinh bằng mồ hôi, bằng công sức, bằng sự chuyên cần và chăm chỉ phải không ạ!

Mộc Thi cảm thấy vui sướng vì có người chia sẻ những đam mê. Con người với cơm áo gạo tiền làm họ bệ rạc và bê tha, đôi lúc còn chà đạp lên các giá trị đạo đức để sống, để tồn tại. Vì vậy không một đất nước, một dân tộc, một quốc gia nào không tìm cách duy trì các giá trị tinh thần để bổ sung vào đời sống xã hội và dường như càng giàu có, càng phát triển thì người ta lại càng đầu tư để duy trì văn hóa cổ truyền một cách mạnh mẽ hơn.

- Em được nghỉ tết lâu không? Mộc Thi hỏi.

- Dạ, em được nghỉ 2 tuần ạ!

- Thời gian ngắn như vậy thì tôi chỉ có thể chỉ cho bạn những vấn đề cơ bản thôi nhé! Sau đó bạn mua sách và tự tìm hiểu thêm.

- Vâng ạ! Em cũng mua sách rồi nhưng không được học những vấn đề cơ bản  nên chưa viết được.

- Vậy thì hôm nào chúng ta có thể bắt đầu? Chàng vui vẻ hỏi lại cô bé.

- Dạ! Ngay ngày hôm nay được không thầy?

Thế là sau buổi tối được chỉ dạy những điều căn bản nhất, người ta thấy cứ sáng sáng hai thầy trò một nam một nữ, một chính một phụ líu ríu như đôi chim nơi góc phố thị cùng cho chữ những người qua đường. Tết đến gần, sắc xuân ùa về, nắng vàng rải nhẹ trên nền trời trong vắt, hàng thông già ven đường rung rinh đón gió sớm. Mai vàng, đào thắm, cúc đại đóa rực rỡ tô thắm con phố nhỏ. Những ô chữ trên vuông giấy đỏ đẹp một cách kỳ lạ. Vẻ xưa cũ u hoài được thay màu mới, cảm xúc mới. Con chữ như biết nhảy múa, ca hát, biết đồng vọng từ xa xăm nơi hồn thiêng của tổ tiên dựng nước và giữ nước, biết chúc phúc người trẻ, chúc thọ người già, biết che chở, nâng đỡ em nhỏ. Hạnh phúc ngập tràn đến với ông đồ trẻ, Mộc Thi cười tỏa nắng. Con chữ của anh đã thành hoa, thành hương sắc dâng cho đời. Cô sinh viên người M’nông cũng vậy, nụ cười luôn thắm đỏ trên môi. Cô hân hoan vui sướng vì được học chữ thư pháp của người Kinh, được làm những điều đam mê. Chữ cũng là hồn cốt của người đồng bào M’nông. Chữ viết thành cái nương, cái rẫy, chữ viết thành hoa thành bướm, chữ viết thành khúc hát, thành nhịp chiêng, nhịp trống, thành hồi kèn trên đỉnh Nâm Nung báo với giàng vụ mùa bội thu.

Tiếng chiêng nhà rông phía cuối con phố nhỏ ngân vang, gọi xuân khai, gọi thông linh đất trời. Năm mới về, ông đồ Mộc Thi cũng bồi hồi như trẻ dại. Trái tim chàng mở cửa đón xuân sang, đón nắng ấm, đón nồng nàn từ cuộc sống. Tay trong tay, ông đồ trẻ và cô sinh viên văn khoa bước vào nhà rông với bon làng, với già bản, với những chàng trai cô gái M’nông tay trong tay đoàn viên, ca hát bên bếp lửa rực hồng. Họ nguyện cầu về hạnh phúc, về lứa đôi, về những “Hoa chữ” tỏa ngát hương sắc cuộc đời.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Hoa chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO