Truyện ngắn: Hội ngộ

Đỗ Xuân Thu| 20/07/2017 10:02

Tôi có chuyến đi rất quan trọng tới miền đất Tổ cội nguồn Phú Thọ để làm nhiệm vụ cao cả người cha của mình. Đó là đi thăm “cho biết cửa biết nhà” người yêu của thằng con trai tôi. Điều đó cũng có nghĩa là tiếp tục cuộc tìm hiểu của con tôi về cái sự lấy vợ của nó. “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Các cụ đã dạy rồi. Không biết nhà người ta thế nào sao lấy con gái họ, làm thông gia với họ được?

ADQuảng cáo

Chuyến xe buýt khá đông. Cha con tôi đi từ bến “gốc” nên có chỗ ngồi khá đẹp. Việt Trì đây rồi! Thành phố thay đổi đẹp quá! Chẳng như ngày xưa, những năm tám mươi của thế kỷ trước. Bây giờ phố xá dọc ngang như ô bàn cờ. Đường rộng thênh thang, sạch sẽ, nhà tầng, siêu thị mọc lên hiện đại. Người xe tấp nập tưng bừng. Công viên, hồ nước đẹp như mơ. Tôi thật sự ngỡ ngàng. Chốc chốc, xe buýt lại dừng đón trả khách. Tranh thủ, tôi hướng tầm mắt ra ngoài ngắm phố xá.

“Chị về đâu đấy?”. Tiếng phụ xe hỏi người khách vừa lên cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. “Tôi về chợ Ma”, chị ta trả lời. Anh phụ xe xé vé thu tiền. Tôi giật mình. Cái từ “chợ Ma” bỗng chốc bừng lên trong đầu tôi, đánh thức kỷ niệm đã ngủ yên bấy lâu nay của tôi.

***

Ngày đó, mùa hè năm 1979, sau khi đưa thương binh từ biên giới về tuyến sau, tôi tranh thủ tạt qua nhà thăm bố mẹ. Từ lúc nhập ngũ đến lúc đó tôi đã về nhà lần nào đâu. Huấn luyện xong, chiến tranh biên giới xảy ra, tôi cùng đơn vị lên luôn chốt biên cương. Chiến trận liên miên, chúng tôi bù đầu quần nhau với giặc. Thấy tôi về, ngoài việc mừng tôi khỏe mạnh rắn rỏi ra, bố mẹ tôi cứ hỏi dồn “sao biên giới đang ác liệt thế mà con lại về?”. Tôi nói đi nói lại mấy lần về nhiệm vụ của tôi là đưa thương binh về tuyến sau chữa trị, nhân thể đó tranh thủ ghé thăm nhà. Thế mà bố tôi vẫn cứ bán tín bán nghi. Ông giục tôi nhanh chóng trở lại đơn vị chiến đấu.

Tàu kéo còi, chuyển bánh. Không khí chiến tranh khiến khách đi tàu hỏa cũng khác. Ai cũng có vẻ trầm tư, vội vã. Toa tàu tôi ngồi quá nửa là lính. Ba lô, súng ống lỉnh kỉnh. Đủ các đơn vị. May mắn cho tôi được ngồi cùng ghế với một cô gái. Nàng chừng khoảng hai mươi, hai mốt tuổi gì đó. Gương mặt khả ái, nước da trắng hồng. Mái tóc bồng bềnh ngang vai. Đôi mắt nàng phải nói là rất đẹp, đúng kiểu mắt bồ câu. Tôi chào nàng và khẽ dịch vào lựa chỗ cho nàng ngồi. Lí nhí cảm ơn tôi, nàng đưa ánh mắt nhìn tôi rồi vội nhìn xuống chân có vẻ khá ngượng ngập. Tôi giúp nàng định đưa cái túi lên gác. Nàng ra hiệu không cần rồi dịch nó vào gầm ghế, ngay sát chân mình. Chắc nàng nghĩ để đó an toàn hơn. Yên vị đâu đấy, nàng mở sách ra đọc. Tôi liếc vội bìa sách. “Sông Đông êm đềm”. Đúng cuốn tiểu thuyết mà tôi thích.

Cả toa chỉ còn tôi và nàng thức. Tôi hết nhìn cảnh quan bên đường lại ngắm trộm nàng. Tôi muốn bắt chuyện với nàng quá mà không biết mở miệng thế nào. Bỗng tôi thấy trong người nôn nao. Mắt tôi hoa lên. Bụng quặn đau dữ dội. Mặt tôi tái mét. Muốn gọi cô gái quá mà tôi không tài nào mở miệng được. Tôi lả đi gục đầu về phía nàng. Quyển sách đang đọc trên tay nàng rơi xuống. Thấy mặt tôi tái mét, trán vã mồ hôi, nàng thất sắc. “Trời ơi! Anh bị cảm rồi! Có người bị cảm các bác ơi!”.

Cả toa tàu bỗng chốc nhốn nháo. Mấy chiến sĩ chạy đến bên tôi. Cô gái vội xua tay nói: “Mọi người tản bớt ra đi cho anh ấy dễ thở. Đừng tập trung đông quá không tốt đâu”. Nàng đỡ đầu tôi. Tôi lả đi trong tay nàng. “Anh nào kéo giúp em cái túi du lịch trong gầm ghế ra cái. Đấy, cái túi ấy đấy. Lấy cho em lọ dầu gió trong đó”. Nàng vừa đỡ đầu tôi vừa nói với một chiến sĩ. Sau rồi, nàng bảo một người khác ôm tôi thay nàng. Nàng lục cái túi của mình. Bên trong túi toàn là thuốc tây và một số dụng cụ y tế. Rồi nàng xoa dầu gió khắp người tôi, day huyệt cho tôi. Khi người tôi nóng lên, nàng lại lấy xi lanh tiêm cho tôi một mũi thuốc gì đó. Khá lâu sau, người tôi đã có vẻ dễ chịu. Nàng lấy thêm cốc nước nóng cho ít mật ong vào pha. “Anh uống cốc nước này nữa là ổn. Chắc đuối sức quá đây mà”. Tôi ngoan ngoãn nhấp từng ngụm nước ấm của nàng và thều thào nói: “Cảm ơn em nhiều lắm. Mấy…mấy ngày nay…anh mệt quá”.

Đúng là cả tuần nay theo thương binh, lên xuống tàu xe, lại tranh thủ về nhà khiến người tôi rã rượi. Trưa nay, ăn vội ăn vàng để đi nên mới thế. Tôi gục xuống ghế cạnh nàng rồi đổ về phía nàng lúc nào không hay. Nàng cũng cứ để nguyên vậy cho tôi ngủ.

ADQuảng cáo

“Đoàn tàu chuẩn bị vào ga thị xã Phú Thọ. Hành khách nào xuống ga này cần chú ý kiểm tra lại hành lý của mình và ra đúng cửa quy định. Trân trọng thông báo”. Chiếc loa góc toa tàu chợt vang lên. Tôi choàng tỉnh giấc. Cô gái cũng lay tôi. “Anh gì ơi! Dậy. Em xuống ga này rồi!”. Nghe vậy, người tôi hụt hẫng. Nàng đỡ đầu tôi, nâng tôi ngồi dậy. Tôi làm ra vẻ ngượng ngập. “Xin lỗi! Tôi…mệt quá!”. “Dạ. Không sao anh. Anh khỏe là em mừng rồi”. Vừa nói, nàng vừa vấn lại tóc, chỉnh trang lại quần áo, với cái túi du lịch. Tàu dừng. Đèn bật sáng. Nàng đưa tôi thêm mấy vỉ thuốc bổ nữa, dặn tôi về đơn vị uống thêm cho lại sức. Tôi ngơ ngác: “Thế em xuống ga này thật à?”. “Vâng. Chia tay anh nhé!”. Nàng nheo mắt mỉm cười mà lòng tôi tan nát. Nào đã nói được gì với nhau đâu? Ú ớ một lúc tôi mới mở được miệng: “Em về đâu? Nếu anh muốn tìm em thì hỏi thế nào?”. Nàng cười tươi: “Anh cứ đi tàu đến ga này, hỏi về chợ Ma là sẽ tới”. Thôi chết rồi! Tôi quên cả hỏi tên nàng. Đang định lao đuổi theo thì đoàn tàu chuyển bánh. Hình ảnh cô gái giúp tôi trên tàu cứ ám ảnh tôi suốt mấy năm quân ngũ.

Năm 1985, tôi ra quân. Việc đầu tiên là tôi tìm em. Đúng lời chỉ dẫn đêm ấy, tôi tìm tới chợ Ma. Hỏi thăm, mô tả mãi, ai cũng lắc đầu. Mãi rồi cũng có người nhận ra bảo cái cô ấy buôn thuốc tây ở chợ này đã lấy chồng từ hai năm nay rồi. Nhà chồng đâu cách đây hơn chục cây số cơ.

Tôi lần theo chỉ dẫn tiếp tục cuộc kiếm tìm. Đến nơi, không phải người tôi cần gặp. Ngao ngán, tôi tay trắng trở về quê. Rồi tôi lấy vợ, sinh con và tảo tần với cuộc sống mưu sinh như bao người khác. Nay tự nhiên có người nhắc đến chợ Ma khiến lòng tôi khuấy động nao nao. Dứt khoát, chuyến đi này, xong việc chính, tôi sẽ tìm lại nàng một lần nữa. Chí ít thì cũng xem cuộc sống người ta thế nào, cảm ơn người ta lấy một câu chứ.

***

Nhà người yêu con trai tôi ở chân một quả đồi sum suê cây trái. Không khí thật yên bình. Mẹ con Hằng ra tận ngõ đón bố con tôi. Bố Hằng đứng đợi ở cửa. Họ vồn vã chào hỏi, bắt chặt tay tôi. Tôi thoáng sững người khi nhìn mẹ Hằng. Dáng vẻ quen lắm. Hơn năm mươi tuổi nhưng bà ấy vẫn giữ được nét đẹp của thời con gái. Đặc biệt đôi mắt thì… Hình như bà ấy cũng thoáng chút ngỡ ngàng.

Yên vị nước nôi đâu đấy, tôi lựa lời tìm hiểu gia cảnh họ. Ông thông gia tương lai của tôi là thương binh. Đã chiến đấu ở biên giới phía Bắc cùng thời với tôi. Hai chúng tôi cởi mở hòa đồng với nhau luôn. Chuyện trò như pháo nổ. Ôn lại một thời khói lửa. Nhắc nhớ trận đánh nọ, chiến trường kia. Tôi khéo léo kể lại những chuyến đưa thương binh theo tàu hỏa về tuyến sau, đặc biệt nhấn mạnh chuyến tôi bị cảm, được một người con gái có cái túi du lịch thuốc tây cứu chữa trong đêm. Rồi tôi đã đi tìm người ấy ở chợ Ma như thế nào…

“Ôi! Thế ra ông là anh bộ đội đi tàu đêm ấy à? Chính em có cái túi thuốc tây ấy đây!”. Bà mẹ Hằng reo lên. Tôi tròn mắt. “Thảo nào. Ngay từ lúc vào đây tôi cứ ngờ ngợ. Thì ra là bà. Thế mà bao năm, tôi đi tìm để cảm ơn bà một câu nữa mà không gặp”. Quên cả ông chồng bà ngồi đấy, tôi đứng dậy chạy tới cầm hai tay bà lắc lắc. “Em vẫn như ngày xưa”. Mẹ Hằng cũng vồn vã cười tươi. Con trai tôi và cháu Hằng đến bên cũng nói cười rối rít. Tôi vẫn cứ nắm tay mẹ Hằng và miệng thì huyên thuyên đủ chuyện. Rồi, tôi chợt tỉnh nhớ ra vị trí hiện tại của mình, luống cuống rụt tay về. “Xin lỗi ông, tôi vui quá! Gặp lại ân nhân cứu mình mà”. Tôi nói với ông thông gia tương lai. “Không có gì đâu ông ạ. Quả đất xoay tròn. Thế là vui rồi. Giờ chúng ta là bạn, là thông gia với nhau rồi còn gì”. Ông ấy hể hả nói.

Thế là tôi đã toại nguyện sau bao nhiêu năm tìm kiếm người ở chợ Ma. Chuyện dạm hỏi cho con trai tôi chưa đả động gì mà như đã xong rồi. Tất cả chúng tôi chẳng còn rào cản nào nữa. Không khí ấm cúng vui vẻ tràn ngập khắp căn nhà.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Hội ngộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO