Truyện ngắn: Người trở về

Vũ Kim Liên| 03/11/2016 09:17

Làng Đại hôm nay xôn xao hẳn lên. Dân trong ngõ, ngoài chùa kháo nhau kéo đến đầy sân, đầy nhà khi hay tin cha tôi trở về.

ADQuảng cáo

Gần bốn mươi năm trước, cha tôi nằm trong đội hình tình nguyện xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước rồi bỗng dưng thất lạc không rõ tung tích. Mẹ lấy ngày đất nước giải phóng làm ngày giỗ cha. Ông mỉm cười sau khung kính phóng lại từ tấm ảnh duy nhất chụp chung với các bạn đồng ngũ cùng lên đường ra trận năm ấy - ngự trên bàn thờ gia đình cũng bấy nhiêu năm...

Ngay chính tôi lúc đầu cũng không tin người đàn ông râu quai nón, nói giọng nằng nặng, trong nhà kia là cha của mình. Ông hầu như chỉ gật đầu đáp lại những lời chào hỏi của bà con cô bác. Ông ít nói, không hiểu vì chất giọng đầy âm vực thổ ngữ hay vì ông ngại ngần khi phải tiếp xúc với rất nhiều người. Mẹ tôi đi ra, đi vào tíu tít mời chào và đỡ lời khi có người lại gần thăm hỏi cha tôi. Trông mẹ như trẻ ra. Bao năm nay, mẹ cất giấu nụ cười vào trong gan ruột, cứ âm thầm làm lụng nuôi con. Mẹ thường xuyên thắp hương cho cha nhưng hình như trong lòng bà không tin là cha tôi đã mất vì ngoài tờ giấy báo tử gửi về địa phương thì không có thêm bất cứ thông tin nào về cha tôi từ phía những người trở về. Gia đình tôi vẫn có ý ngóng trông tin tức về ông, vẫn không nguôi hy vọng nhưng cha cứ bặt vô âm tín. Vậy mà, hôm nay cha đã trở về như người về từ thế giới khác.

Bác Chiến – người anh họ xa của cha tôi tập tễnh chiếc chân giả dắt tay ông giới thiệu với từng người. Gương mặt cha lúc thì ngơ ngác, lúc lại ầng ậc nước. Hình như cha đang cố nhớ lại hình ảnh của từng người hồi mới chia tay... Sau mỗi lời giới thiệu của bác Chiến, cha tôi lại gõ gõ cái tẩu thuốc lên đầu rồi ông khà khà vỗ thật mạnh vào vai người mà ông đã nhận ra.

***

Cha tôi và bác Chiến cùng nhập ngũ một đợt. Họ được điều động đến vùng Tây Nguyên và Nam Lào chiến đấu ở đó. Hai anh em đều bị thương trong hai trận đánh khác nhau. Bác Chiến bị thương nặng hơn phải chuyển ra Bắc rồi phục viên. Cha tôi ở lại và được điều vào một đơn vị coi kho giữa bạt ngàn Trường Sơn hùng vĩ...

Người cùng về với cha tôi có cái tên rất lạ Yrăk. Anh có nước da nâu rắn rỏi, mái tóc xoăn tự nhiên đen như gỗ mun càng tôn lên vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc mà hết sức mạnh mẽ, kiên cường của người Tây Nguyên. Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa cha tôi và gia đình anh Yrăk hiện về qua những ký ức ngắt quãng của cha tôi:

ADQuảng cáo

"Lúc ấy là đầu mùa khô năm 1971. Tổ có 3 người, bảo vệ cả một hệ thống kho lương thực dự trữ cho bộ đội giữa rừng sâu. Nhiệm vụ hết sức bí mật, ai biết việc người nấy, không được phép tiết lộ thông tin. Đơn vị nằm mãi trong rừng sâu, phải đi thật xa mới tìm được nguồn nước. Hôm ấy đến lượt tôi và Hùng đi lấy nước. Vừa xuống suối lấy được mấy bi đông và mấy ống nước khoác lên vai thì gặp một tốp địch đang phục kích phía bên kia. Quân địch đông hơn, vừa bắn như vãi đạn vừa ào lên hòng bắt sống hai chúng tôi. Hai chúng tôi cùng hô nhau vừa đánh trả vừa rút lui về hướng bí mật, cách xa kho hàng. Đang chạy, bỗng thấy Hùng  khựng lại, chúi về phía trước, tôi ý thức ngay rằng bạn mình đã bị thương. Biết là dắt díu nhau sẽ hy sinh vô ích, Hùng đẩy tôi ngã nhào xuống khe núi còn mình lăn sang hướng khác và dùng súng bắn về phía quân thù, kéo sự chú ý của địch về phía mình. Tôi lăn xuống một hốc đá đầy dây leo chằng chịt, mơ hồ nghe tiếng súng nổ từ phía xa... Vài ngày trôi qua, tôi bắt đầu tỉnh dậy và lần mò về nơi đã xảy ra cuộc đụng độ. Cắn chặt môi ghìm cơn đau, tôi vạch từng cành lá, rẽ từng hốc cây, bụi cỏ để tìm người đồng đội với hy vọng  tìm được xác nếu Hùng  hy sinh. Và tôi đã thấy Hùng ngay dưới gốc cây xà nu cổ thụ. Trên ngực Hùng có mảnh giấy ghi dòng chữ “Bộ đội Bắc Việt hãy nhìn đây!” được chèn bởi một viên đá to. Tôi gấp nhỏ tờ giấy nhét sâu vào gấu áo và bắt đầu bới đất để mai táng Hùng. Một mình giữa rừng sâu lê lết, ẩn náu tránh kẻ thù làm tôi mất phương hướng. Lê mãi, lê mãi, tôi đến được khu rẫy bỏ hoang và gục xuống mê man.

...Tôi mở mắt khi có ai đó đập  mạnh vào vai mình. Tôi nhận ra có hai vợ chồng người Ê đê. Hai người hỏi gì tôi cũng lắc đầu, chỉ biết chỉ chiếc áo đang mặc trên người và cố ý giải thích cho họ hiểu mình là bộ đội Cụ Hồ. Họ mang tôi về buôn sắc thuốc cho uống, chữa  vết thương. Một thời gian thì vết thương lành nhưng do bị thương ở vùng đầu nặng nên trí nhớ của tôi đã suy giảm nhiều. Thi thoảng lên cơn động kinh, cầm mảnh giấy rồi la hét om sòm, miệng không ngớt gọi Hùng ơi! Hùng ơi!...

Vợ chồng người Ê đê nuôi tôi lần lượt qua hết mùa rẫy này đến mùa rẫy khác, từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Nhiều lần Yrắk (con của vợ chồng người Ê đê) cùng tôi đi tìm mà không thấy cánh rừng nơi đơn vị đóng quân. Càng không thể tìm được nơi đã an táng Hùng trong điều kiện chiến tranh khốc liệt. Trong tim tôi luôn canh cánh lời hẹn trở lại đón Hùng ngày nào".

***

... Nhiều lần cùng đoàn cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, bác Chiến thường  để ý và liên hệ với những nơi đoàn dừng chân để hỏi thăm tin tức về cha tôi xem ông được an táng nơi đâu nhưng không một ai hay biết. Tình cờ, một hôm bác xem truyền hình phát phóng sự về một người thương binh làm giàu bằng nghị lực kiên cường nhưng do không nhớ quê quán, số hiệu đơn vị chiến đấu, không giấy tờ tùy thân chỉ giữ duy nhất một tờ giấy nhặt được trên người đồng đội lúc hy sinh chứng minh ông là bộ đội từng chiến đấu ở Tây Nguyên, hiện làm con nuôi của một gia đình người Ê đê. Như có linh tính mách bảo, bác vội ghi lại địa chỉ của người thương binh  và nhanh chóng thu xếp chuyến vào Tây Nguyên. Bác đem theo tấm ảnh hồi mới nhập ngũ, trong đó có cha tôi. Nhìn tấm ảnh cùng những lời tâm sự của bác Chiến, trí nhớ của cha dần tỉnh thức. Giờ ông ngồi đó, trầm ngâm không phải do ông ngại bởi cách phát âm của mình mà bởi cha tôi đang quá đỗi xúc động. Ông đang nhớ chú Hùng và lại lẩm bẩm: Hùng ơi! Hùng ơi!

Nhờ sự tận tình của cha con Yrăk, cha tôi đã tìm lại được nơi mai táng chú Hùng rồi đưa chú về an nghỉ tại một nghĩa trang liệt sĩ và đăng tin tìm thân nhân cho chú Hùng trên ti vi mong có ai đó nhận ra để chú sớm được trở về quê nhà. Hàng ngày những đứa con của Yrăk cùng ông vui chơi. Căn nhà của cha tôi luôn sực nức hương thơm của hoa, quả bốn mùa. Màu đỏ của trái cà phê, màu vàng của hoa dã quỳ… mang lại cho cha tôi sự thanh thản đến lạ lùng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Người trở về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO