Truyện ngắn: Nhớ biển

Gia Nghĩa, tháng 5 năm 2014| 23/05/2014 08:58

Cùng tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Đoàn nên tôi và Yến có dịp để quen nhau. Nhưng kể ra thì cũng lạ, cứ như là có duyên với nhau ấy, ngay từ buổi đầu, chúng tôi được xếp vào cùng tổ, được ngồi bên nhau, lại còn hợp ý nhau trong các buổi thảo luận hay tổ chức các trò chơi tập thể nữa chứ.

ADQuảng cáo

Thế là trong nhóm “phòng không”, tôi và Yến sớm thân với nhau. Một chiều rảnh rang, chúng tôi rủ nhau ra bến tàu hóng gió. Tiếng là bến tàu, nhưng đây chỉ là một cầu tàu nhỏ xây nhô ra mép nước, cho con tàu ghé lại đưa, đón những hành khách ở thị trấn này ra đảo hoặc ngược lại. Mỗi ngày chỉ có một chuyến đi, về; nên nơi đây chủ yếu là bến cho thuyền đánh cá của ngư dân về trú ngụ. Vì thế, vào buổi tối, ở đây cũng khá yên bình.

Minh họa Ngọc Tâm

Đứng trên bến tàu, đón ngọn gió từ biển lồng lộng thổi vào, xua đi cái không khí nóng nực, ngột ngạt ban ngày; tôi cảm thấy khoan khoái lạ thường. Bên tôi, Yến chỉ tay về hướng Đông, nói:

- Quê em ở ngoài xa kia; ngoài đảo ấy.

Tôi nhìn theo hướng tay Yến, chỉ thấy những đốm sáng như những ngọn đèn nối nhau thành một hàng ngang, nên hỏi lại:

- Ở nơi có ánh đèn kia à?

Yến:

- Không, đấy chỉ là đèn của những thuyền câu mực thôi. Đảo còn ở phía sau những ngọn đèn ấy. À! Em quên, đảo cách xa chỗ mình đứng đây cả mấy chục cây số, anh làm sao thấy được.

Tôi hỏi lại:

- Thế sao em lại thấy.

Yến cười khúc khích, trả lời thật lãng mạn:

- Thế mà em “nhìn” thấy đấy. Vì đảo là quê hương của em thì ở xa mấy em cũng thấy. Hôm nào rảnh, anh về thăm đảo cùng em nghen…

Yến sinh ra và lớn lên ở đảo. Học hết phổ thông, em xin vào học nghề ở một lớp trung cấp nghề do Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp thị trấn phối hợp với Trường Cao đẳng nghề tỉnh tổ chức. Khi gặp tôi, Yến đang là Bí thư Chi đoàn lớp học và tham gia Ban chấp hành đoàn của Liên Chi đoàn cơ sở Hợp tác xã. Nghề mà em đang được học là sử dụng nguyên liệu cây cỏ ở vùng ngập mặn, nhiễm mặn như cói, cỏ lác để đan thành những tấm thảm, hay những vật gia dụng phục vụ tiêu dùng trong nước hoặc xuất khẩu. Yến bảo, đây là nghề khá phù hợp với lao động nữ nên nhiều người vào học. Có nhiều người học xong rồi ở lại gắn bó với Hợp tác xã luôn…

Sau đợt tập huấn, vì Yến còn học nghề thêm một thời gian nữa, nên thi thoảng tôi vẫn về thị trấn để gặp gỡ, dẫn nhau đi chơi và nói với nhau những câu chuyện không đầu không cuối về quê hương, bạn bè, xã hội và cả những dự định tương lai… Tôi đã hẹn với Yến sẽ sắp xếp thời gian phù hợp để ra thăm đảo quê em… Và dịp ấy cũng được thực hiện khi Yến kết thúc học kỳ; tôi thì tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần…

Tôi về thị trấn như đã hẹn. Yến cũng chờ sẵn. Chúng tôi xuống tàu. Ồn ào, lộn xộn một lúc rồi cũng ổn định. Đến giờ, con tàu rúc lên ba tiếng còi hơi “U hụ! U hụ! U hụ hu hù…” rồi từ từ rời bến. Yến bảo, tàu thủy chạy chậm hơn ô tô nhiều, nên từ thị trấn ra đảo phải mất khoảng hai tiếng. Với tôi thì cũng không sao. Đi chơi mà. Với lại như thế, tôi lại có dịp ngắm nhìn trời, nước nhiều hơn. Dân miền núi lần đầu tiên đi “xe nước” nên thấy cái gì cũng lạ, cũng muốn tìm hiểu, khám phá….Bến tàu trên đảo cũng được xây dựng với qui mô nhỏ, đơn sơ như bến trong đất liền. Từ bến tàu về nhà Yến khoảng hơn cây số, nhưng dường như không có đường mà chỉ là một dải cát có nhiều vết bàn chân hằn trên đó, mặc nhiên đánh dấu là lối đi lại. Tôi để ý thấy hai bên lối đi là những ngôi nhà xây thấp, mái được giằng néo bằng những cây đà, chắc là để phòng chống gió lốc… Cạnh những ngôi nhà này là những cây dừa thân đều nghiêng nghiêng, hướng ngọn về phía Đông, như để che chắn giông gió, giúp cho vùng quê này thêm vững chãi. Điều khiến tôi tò mò, ngạc nhiên là ở đây, giữa nhà này với nhà kia đều… không có tường rào. Giải đáp thắc mắc đầu tiên của tôi, Yến bảo: Ở đây, mọi người chung sống với nhau như một gia đình. Nhà này với nhà kia không có sự ngăn cách. Thậm chí tối, đi ngủ, nhiều nhà không đóng cửa. Nhà có cửa, nhưng  chỉ đóng cửa khi phải chắn gió thôi…

Ba của Yến có màu da đen dòn, chắc nịch và ít nói, nhưng khi nói thì lại cứ oang oang như là quát. Có lẽ ông cũng như những người đàn ông ở đây đã quen cách “ăn sóng, nói gió” nơi biển khơi rồi. Ông mới về cách đây vài hôm sau hai tuần theo thuyền ra khơi; nay lại đang cùng các thành viên ở Tổ hợp tác đánh cá chuẩn bị thuyền, lưới, thực phẩm cho một chuyến đi mới. Trước lúc đi ra bến, ổng dặn mẹ Yến: “Nhà có khách, bà chuẩn bị thêm ít mồi, lát nữa tôi mời mấy anh em trong thuyền lại nhậu chơi.”. Tôi nhã ý muốn đi theo xem; nhưng ổng bảo: “Công việc bọn chú đang làm gấp gáp và bề bộn lắm. Nếu cháu muốn đi xem, lát bảo các em đưa đi…”

Yến cáo bận với lý do tế nhị là phải ở nhà phụ má việc nội trợ, nên sai thằng em trai đang học lớp tám đưa tôi đi thăm đảo. Cu cậu cũng có vẻ khoái chí vì được giao việc làm “hướng dẫn viên du lịch” nên cứ líu ríu kể những chuyện nghe được, đọc được ở đâu đó khi dẫn tôi đến thăm Đền thờ Cá Ông; Đền thờ Thành hoàng làng; Nghĩa địa mộ gió, cảng cá…

Bữa cơm tối tại nhà Yến khá nhiều thực phẩm của biển như sò, tôm, mực, cá; song có hai món làm tôi chú ý. Một là món canh khoai môn thì được những người ở đảo… ăn nhiều. Hai là món nộm bằng những sợi như bún, màu vàng, giòn, hơi tanh, nhưng tôi ăn thấy rất ngon miệng. Biết tôi chú ý, Yến mách nhỏ: Ở đảo toàn đất nhiễm mặn, không trồng được rau xanh, chỉ có cây khoai môn là sống được, nhưng cũng không nhiều. Thường thì khi nhà có việc, hay có khách quí mới có “món rau” này. Còn những sợi vàng trong món nộm mà tôi thấy ngon miệng ấy là rau câu, một loài lưỡng sinh sống ở biển… Sau vài tuần rượu, mấy bác, mấy chú bạn ngư phủ của ba Yến hỏi:

ADQuảng cáo

- Cháu Yến vào đất liền học, hành thành nghề, rồi liệu có về đảo nữa không?

Yến trả lời vẻ tự tin, quyết đoán:

- Dạ! Cháu về chứ ạ!

Một người trong số họ quay sang phía tôi, hỏi:

- Cháu ở đất liền ra, thấy cuộc sống ở đảo thế nào? Hay là cháu về làm rể của đảo này đi? Bọn chú làm mai cho…

Tôi còn đang ngượng nghịu, chưa tìm được câu trả lời thế nào cho thỏa đáng thì ba Yến đã nâng ly rượu lên mời mọi người:

- Nào chúng ta “dzô” một trăm phần trăm chúc cho chuyến đi tới trời yên, biển lặng, gặp luồng để khi về cá đầy thuyền nào.

Mọi người đều hưởng ứng lời mời ấy, rồi chuyển sang những câu chuyện liên quan đến thuyền, lưới, đánh bắt cá và cả những hiểm nguy từ thiên tai, nhân tai gây nên đối với những người làm nghề cá nơi khơi xa…
Sáng hôm sau, Yến kêu tôi dậy sớm để ra bến tiễn đoàn thuyền đánh cá ra khơi. Mới sớm mà ở đây đã có rất đông người. Họ là vợ, con, cháu, là hàng xóm, láng giềng của những người ra khơi bữa đó. Trước mắt chúng tôi là những chiếc thuyền nối nhau phăm phăm tiến về hướng Đông. Trên thuyền có những người đàn ông vạm vỡ giơ tay chào tạm biệt người thân. Và trên nóc mỗi con thuyền là lá cờ đỏ sao vàng, phấp phới bay trên nền trời hồng của buổi bình minh… Thuyền đi xa rồi, quay lại với những người trên bờ, tôi chợt nhận thấy ra trên khuôn mặt vài người phụ nữ có những giọt nước mắt rơi…

Học nghề xong, Yến được Hợp tác xã nhận vào làm việc, nhưng em từ chối, mà đề xuất một phương án đề nghị Hợp tác xã hỗ trợ để em về đảo thành lập một cơ sở sản xuất ở đó. Theo đó, cơ sở này sẽ trồng cói, khai thác cỏ lác tại chỗ để làm hàng thủ công mỹ nghệ theo mẫu và nhập cho Hợp tác xã. Nghe Yến trình bày, Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã đồng ý và hứa hỗ trợ em thực hiện phương án này.

Hôm Yến về đảo, tôi xuống tiễn. Đứng bên nhau ở bến, đợi tàu, Yến bảo:

- Em sinh ra ở đấy, quen rồi, không thể sống xa được.

Tôi hỏi:

- Thế còn tình cảm của hai đứa mình?

Yến bịn rịn trả lời:

- Anh rất có ý nghĩa với em. Nhưng trước mắt, em vẫn về với đảo để lo sự nghiệp và ước vọng của em…

Xa nhau nhưng thi thoảng vẫn nhận được thông tin của nhau. Yến cho biết dự án của em khá thành công. Cơ sở dệt thảm ở đảo đã tạo việc làm cho vài chục thanh nữ địa phương. Biết tin thế, tôi cũng mừng, dự định hôm nào có dịp, lại ra đảo…

Những ngày đầu hè này, biển có động. Một cơn cuồng phong từ phương Bắc tràn xuống, đã và đang gây tác động xấu, làm thiệt hại đến công việc của ngư dân… Bất giác, tôi lại nhớ kỷ niệm hôm nào đã có dịp may được gặp, được nghe những câu chuyện, được ra tận bến cá của làng đảo tiễn những người đánh cá ra khơi. Họ ra khơi đâu chỉ đơn thuần là chuyện mưu sinh, mà còn làm một việc thiêng liêng cao cả là góp phần bảo vệ chủ quyền biển cả của Tổ quốc…

Tôi chợt hiểu ra, Yến về đảo là có lý sâu sắc của em.

Và thế là trong lòng tôi lại cồn cào nhớ về em...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Nhớ biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO