Truyện ngắn: Nhớ lời Bác dạy

04/06/2021 07:29

Tác giả: Bùi Việt Phương

ADQuảng cáo

Lúa trên cánh đồng đã vàng. Từng đàn chim sẻ tíu tít gọi nhau về trên làng quê yên bình. Nhìn ông Nam đem bộ quân phục phơi dưới nắng, bà Hiền mỉm cười. Mấy chục năm sống bên nhau, bà rất trân trọng sự cẩn thận, chu đáo của chồng. Mặc dù là người gánh vác việc lớn, là trụ cột gia đình nhưng ông luôn tự làm những công việc dù là nhỏ nhất để đỡ đần vợ con. Bà khe khẽ nhắc chồng:

- Ông nhớ ngày kỉ niệm chưa đấy? Liệu mà chuẩn bị đầy đủ thuốc men, mình có tuổi rồi.

Ông Nam nhìn bà hiền cười:

- Bà cứ lo xa, sao tôi có thể quên được?

- Thì tôi cứ nhắc ông vậy. Mỗi năm mỗi tuổi người già hay nhớ nhớ quên quên.

- Với tôi, mỗi năm chỉ có hai bận. Một là theo anh chị em cựu chiến binh về thăm quê Bác. Hai là về Trường Yên (Yên Mông) thăm lại đất cũ.

Bà Hiền nở nụ cười hiền hậu nhìn chồng rồi nhắc khéo:

- Mới đó mà gần 60 năm rồi đấy ông nhỉ? Thế ông còn nhớ ngày xưa ông gặp tôi ở đâu không đấy?

- Bà nói cứ như vợ chồng mình còn trẻ lắm ấy, con cháu nghe được nó cười cho. Tôi gặp bà ở hội nghị cán bộ đoàn tiêu biểu của tỉnh chứ ở đâu? Lúc đó bà là nữ bí thư đoàn giỏi, còn tôi là anh bộ đội từ chiến trường trở về cũng mới tham gia công tác đoàn ở địa phương. Nhìn bà hồi ấy nổi bật nhất hội nghị với mái tóc dài và giọng hát dân ca.

Minh họa: Ngọc Tâm

Câu chuyện của hai vợ chồng ông Nam bị ngắt quãng bởi tiếng chó sủa, ngoài cổng có một người khách lạ. Họ là hai phóng viên từ thành phố về. Hai bạn trẻ mở lời:

- Chúng cháu phải dùng chiến thuật bí mật, bất ngờ không hẹn trước thì mới gặp được bác trai đấy ạ!

Bà Hiền vừa rót nước vừa phân trần:

- Thực ra, các cháu không quản về đây với gia đình là quý hóa lắm. Có điều là hai bác thấy mình cũng chưa làm được gì nhiều để được đưa vào bài báo như một điển hình. Các cháu thấy ngoài xã hội còn nhiều người làm giàu giỏi hơn, có mô hình sản xuất kinh doanh hiện đại, tiên tiến hơn. Hai bác đây chỉ loanh quanh trồng trọt chăn nuôi truyền thống.

Cô phóng viên nhẹ nhàng đón chén nước từ tay bà Hiền và nhỏ nhẹ:

- Hai bác quả là rất khiêm tốn. Như bác Nam nhà mình, tuy là thương binh nhưng khi trở về địa phương lại đi đầu trong phong trào làm kinh tế giỏi, vừa tận tình giúp đỡ đồng đội vượt khó thoát nghèo là tấm gương đáng quý lắm ạ.

Hai ông bà chưa kịp lên tiếng thì cậu phóng viên nhìn chằm chằm vào ông Nam và hỏi:

- Bác ơi, cháu nhìn bác cứ thấy quen quen bác ạ, có phải ngày trước bác cũng học Trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình không ạ?

ADQuảng cáo

- Sao cháu biết? (ông Nam bất ngờ)

- Dạ, tại vì cháu thấy trong tấm ảnh của bố cháu có một người giống bác. Tuy có nhiều sự thay đổi về tuổi tác nhưng đôi mắt và cái nốt ruồi thì vẫn đúng thế ạ. Bố cháu tên Hùng…

- Thôi đúng rồi, con bố Hùng phải không? Nhờ những tháng năm được học dưới mái trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình mà bác với bố cháu được học tập, rèn luyện và nhất là được gặp Bác Hồ. Ngày đấy chúng tôi cùng được học ở Phân hiệu III của trường, vừa học, vừa làm, vừa rèn luyện tinh thần cách mạng xây dựng CNXH.

Ông Nam bắt đầu kể trong niềm xúc động. Đó là ngày 17/8/1962, toàn thể cán bộ giáo viên và học sinh của trường được vinh dự đón Bác. Sau này khi đã trở thành chiến sĩ giải phóng quân rồi trở về làm công tác địa phương, ông vẫn nhớ mãi câu nói của Người năm đó: "Phải học tập tốt, lao động tốt. Cố gắng mãi, tiến bộ mãi”. Sau này có người bảo ông, là cựu chiến binh có lương, lại bị thương, sức khỏe không tốt, ông cứ ngồi đó mà hưởng, việc gì chạy đôn chạy đáo, mất ăn mất ngủ mà lo tìm giống cây, tìm con giống nuôi trồng làm gì cho khổ? Đã thế còn lo việc thiên hạ, cuộc sống này làm sao hết người nghèo mà sức ông sao lo nổi.

- Đấy, cháu xem, người ta chưa hiểu hết ý nghĩa của câu nói “Cố gắng mãi, tiến bộ mãi” của Bác Hồ đâu. Chính bác trong một lần cùng người đó về thăm làng sen quê Bác Hồ, bác đã chỉ cho họ thấy vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta ra đi tìm đường cứu nước từ một làng quê nghèo như thế nào? Thế mà Bác đã tìm thấy con đường đem lại tư do, độc lập, hòa bình cho cả dân tộc. Phải cố gắng, cố gắng cả cuộc đời cháu ạ. Đó cũng là khát vọng của tuổi trẻ.

Hai bạn phóng viên trẻ chăm chú ghi chép và lắng nghe câu chuyện của ông Nam. Khi được biết họ đang viết bài để tham dự cuộc thi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ông trầm ngâm:

- Thật ra, lời của Bác sâu sắc, có tư tưởng cao nhưng theo bác cũng rất đơn giản, dễ hiểu. Vì cả đời, Người cũng chỉ có một cái đích là đem lại hạnh phúc cho Nhân dân Việt Nam và hòa bình trên thế giới. Để dân mình hạnh phúc thì tất cả chúng ta cùng phải cố gắng.

Đang trò chuyện bỗng ông Nam nhận được một cuộc gọi điện thoại:

- Thế ông đi đâu mà cả tháng nay tôi không tìm được?

- Chết, có chuyện gì vậy, hay trại gà nhà ông thế nào?

- Ông về đây mà giải quyết. Từ lúc thấy gà nhà tôi xuất chuồng, bà con trong thôn ngày nào cũng sang tìm tôi, họ hỏi thăm. Tôi thì chỉ biết làm theo ông. Thế là họ nằng nặc đòi tôi lên rước ông về đây. Đấy, ai cũng muốn thoát nghèo bền vững.

Nói chuyện hồi lâu ông Nam quay sang nói với mọi người:

- Đấy các cháu thấy chưa. Đất nước được giải phóng nhưng cuộc chiến xóa đói, giảm nghèo cũng rất quan trọng. Bác luôn tâm niệm, cứ học theo Bác Hồ, sống giản dị, luôn chia sẻ với mọi người. Mình là anh bộ đội, thời bình thì cùng giúp nhau, trước hết là lo cho gia đình, sau là giúp đỡ người nghèo khó.

Ngừng lại giây lát, ông Nam trầm tư:

- Mình già rồi, sức lực có hạn, chỉ muốn làm sao giúp được nhiều người, như thế mới hạnh phúc. Nhớ mãi cái hôm Bác về thăm trường, Bác nói chuyện với thầy cô, học sinh, cán bộ nhân viên. Lúc ấy, chúng tôi ở Phân hiệu III  được ngồi gần nhất. Lời Bác Hồ nói với chúng tôi mà còn truyền đến các thế hệ mai sau. Tôi nghĩ, nếu mỗi người cùng nỗ lực, quê hương sẽ giàu đẹp.

Hai bạn trẻ chăm chú ghi chép những điều ông Nam chia sẻ. Trước khi ra về, cậu phóng viên còn ngoái lại nói với vợ chồng ông Nam:

- Hôm nào, cháu mời hai bác qua nhà cháu chơi với bố mẹ cháu. Thế hệ chúng cháu tuy không được gặp Bác Hồ, không được sống trong những năm chống Mỹ oanh liệt ấy nhưng vẫn được cảm nhận tinh thần, tư tưởng ấy từ thế hệ cha anh mình.

Ông Nam nhìn theo hai phóng viên trẻ, lòng dâng lên một tình cảm đặc biệt. Ông tin vào thế hệ trẻ đang nối tiếp thế hệ đi trước thực hiện ước vọng của Bác Hồ xây dựng quê hương đất nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Nhớ lời Bác dạy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO