Truyện ngắn: Niềm vui thầm lặng

09/07/2020 09:27

Tác giả Đào Thu Hà

ADQuảng cáo

Đêm đã khuya mà chị Vân vẫn chưa thể nào ngủ được. Bên cạnh chị, con bé Mai đã ngủ say từ lúc nào, tiếng thở đều đều của nó phả vào má chị. Niềm vui từ những câu chuyện con bé kể khiến lòng chị thao thức. Con bé nói mớ gì đó không nghe rõ. Chị khẽ mỉm cười. Con bé thật vô tư. Mới ríu rít kể cho chị nghe đủ thứ chuyện, quay qua quay lại đã ngủ say rồi. Chắc hẳn hành trình trên chuyến xe đò qua những đoạn đèo ngoằn ngoèo, những con dốc thoai thoải gần cả ngày trời đã khiến nó mệt mỏi. Chẳng thể ngờ cái con bé ngày nào còn khóc rấm rứt với chị vì bố mẹ bắt nghỉ học để lấy chồng đã sắp trở thành một nữ hộ sinh.

Mới đó mà chị đã gắn bó với cái xã nhỏ heo hút của một huyện được “xếp loại” nghèo nhất tỉnh này cũng đã gần ba chục năm rồi. Từ lúc chị còn là cô sinh viên mới ra trường, hăm hở lên đường với ước mơ được truyền dạy kiến thức cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa, chẳng thể quên được cảm giác ngày đầu tiên bước chân đến trường, ngôi trường bằng tre nứa, được mấy phòng học đứng trơ trọi trên một khoảng đất trống bụi mù vì nắng và gió. Nhưng bụi cũng còn đỡ hơn cảm giác lớp đất dẻo quánh lại vì mưa. Và cái cảm giác buồn lê thê kéo dài suốt mùa mưa khiến người ta muốn... khóc lên mà chẳng thể nào khóc nổi đã khiến nhiều thầy cô không thể trụ nổi với ngôi trường, với mảnh đất này. Vậy mà cô giáo Vân - cô giáo trẻ ngày đầu lên lớp đứng ngơ ngác, nửa khóc nửa cười vì thấy học sinh đi học địu thêm em, nói thứ tiếng mà cô giáo không hiểu đã trụ lại được, đã gắn bó và coi mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình.

Minh họa: Ngọc Tâm

Con bé Mai vòng tay ôm chị. Nó mới tốt nghiệp xong đã có quyết định về làm ở trạm y tế xã. Lúc chiều, vừa vào đến nhà, nó đã tíu tít khoe với chị:

- Con về nhà cất đồ, xin phép bố mẹ xong một cái là lên khoe với cô ngay. Con sắp về trạm y tế xã làm hộ sinh. Cô mừng không cô?

Từ lúc chị giúp nó được tiếp tục đi học, chị đã coi nó như đứa con gái bé bỏng của mình. Chị sinh được hai đứa con trai. Hai đứa con trai của chị ngoan hiền, lễ phép và học giỏi, nền nếp từ nhỏ. Tuy vậy, chị vẫn mong có một đứa con gái để thủ thỉ, tâm tình. Mai là học sinh của chị. Con bé có khuôn mặt khá xinh, ngoan ngoãn và học giỏi, đặc biệt là môn Văn. Năm lớp 8 nó từng đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Năm lớp 9 thì chị là giáo viên chủ nhiệm lớp con bé. Dù học ở một ngôi trường vùng sâu, vùng xa nhưng sức học của con bé có thể đậu vào trường cấp III chuyên của tỉnh. Một thời gian, chị thấy con bé có vẻ trầm lặng, ít nói. Đôi khi trong giờ học, chị thấy mắt nó hoe đỏ. Chị hỏi thì con bé chỉ lắc đầu không nói. Cho đến một ngày, nó gửi cho chị một lá thư xin nghỉ học. Mẹ nó sinh em bé thứ bảy, nhà nghèo, đông con nheo nhóc, bố mẹ không cho con bé đi học nữa mà bắt nó về lấy chồng. Hai đứa em kế Mai học lớp 7 và lớp 6 cũng đã nghỉ học từ năm trước.

Chị tìm xuống nhà con bé. Đó là căn nhà gỗ nhỏ đã xuống cấp nằm trong một ngôi làng buồn tẻ với mấy chục nếp nhà thưa thớt. Cư dân trong làng là người đồng bào phía bắc di cư vào. Nhà nào cũng nghèo và đông con. Người mẹ của Mai còn trẻ mà nhìn như người đã gần năm mươi, sức khỏe yếu ớt vì đẻ nhiều. Mấy đứa em Mai người ngợm bẩn thỉu những đất cát, thấy người lạ đến thì tròn xoe mắt nhìn. Người mẹ nói với chị bằng cái giọng lơ lớ, bé tí như sợ người chồng nghe thấy:

ADQuảng cáo

- Không thích đẻ nhiều đâu nhưng phải đẻ được con trai. Biết con Mai nó học giỏi nhưng bố nó bảo con gái học nhiều rồi cũng lấy chồng. Nó nghỉ học để còn dành tiền nuôi em trai nó.

Bố của Mai, một người đàn ông cao gầy, đôi vai hơi khòng xuống vì làm lụng vất vả có vẻ buồn bã:

- Không đẻ được con trai ra đường không dám nhìn mặt ai, con Mai nó học giỏi nhất cái làng này, mừng lắm, vui lắm nhưng mẹ nó đẻ được em trai rồi, nó phải nghỉ học để làm mà nuôi em thôi cô giáo ạ.

Chị nghe bố mẹ Mai nói thấy còn có hy vọng. Ít nhất, bố Mai không phải người đàn ông rượu chè, bê tha mà là người chịu khó lao động. Chẳng qua vì đông con nên cái nghèo đeo đẳng. Chị vận động, thuyết phục bố mẹ Mai cho Mai đi học tiếp. Hôm nay chưa thuyết phục được thì hôm sau chị lại đến. Chị thuyết phục bố mẹ Mai bằng những thành tích Mai đã đạt được. Thuyết phục rằng con bé còn nhỏ, nếu ép nó lấy chồng là vi phạm pháp luật. Cứ thế, mưa dầm thấm lâu, Mai được trở lại trường học sau lời hứa của chị rằng sẽ xin miễn học phí và “tài trợ” tiền ăn ở của Mai.

Chị trở thành cộng tác viên dân số từ ấy. Nhìn thấy những đứa trẻ nheo nhóc ở ngôi làng của Mai đã khiến chị trăn trở và suy nghĩ rất nhiều. Phải làm thế nào để những đứa trẻ ấy không phải bỏ học giữa chừng, không phải lấy chồng, lấy vợ khi còn chưa qua cái tuổi trẻ con. Ngày đi dạy, cuối tuần lại đến từng nhà vận động. Thời gian đầu, người dân đâu nghe chị nói. Họ bảo, nhiều con là nhiều của, nhà đông con mới có người làm. Rồi “trời sinh voi sinh cỏ”, con họ họ nuôi không cần cô giáo phải lo lắng. Rồi những lời xì xầm chị “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” khiến chị chạnh lòng. Có những lúc chị muốn bỏ cuộc. Nhưng nhìn ánh mắt của những đứa trẻ, nhìn thành tích học tập của Mai, những lời động viên, thấu hiểu của chồng, hai đứa con trai lại tự lập, tự bảo ban nhau học hành, giúp đỡ mẹ đã tiếp thêm động lực cho chị. Chị đi xin từng phần quà, từng suất học bổng cho học sinh trong làng. Ở đâu có vốn vay cho bà con phát triển sản xuất, chị lại đi tìm hiểu, giúp đỡ bà con làm hồ sơ để vay. Đời sống của một vài hộ dân khá dần lên, đã đủ ăn, đủ mặc, mọi người bắt đầu tin và nghe chị nói. Con bé Mai phụ giúp chị nhiều. Là chị cả trong gia đình đông con nên con bé nhạy cảm và biết ý tứ từ sớm. Học xong cấp II, Mai không thi trường chuyên mà chọn học ngay tại trường cấp III dân tộc nội trú của huyện để đỡ tiền ăn ở, học phí. Cuối tuần nào không về nhà, nó lại qua thăm, nấu cơm, tâm sự cùng chị. Có những ngày cuối tuần nó đi “làm công tác dân số” cùng chị. Chị xin được quần áo, sách vở, đồ dùng cho những đứa trẻ, những hộ gia đình nghèo, nó phụ chị soạn sửa mang đi tặng. Lên cấp III, nó chọn theo học khối tự nhiên. Học hết cấp III, nó không thi đại học mà học trường cao đẳng y tế. Nó bảo học cao đẳng để nhanh ra trường, nhanh có việc làm, về quê giúp lại mọi người. Con bé học y tế để giúp những bà mẹ như mẹ nó, dì nó, chị nó và những người bạn ở ngôi làng nghèo của nó đỡ gặp nguy hiểm mỗi khi sinh nở:

- Con muốn tiếp tục công việc của cô, vận động người dân sinh đẻ có kế hoạch. Đẻ nhiều con khổ quá cô ạ.

Chị tin con bé sẽ làm được, sẽ làm tốt hơn chị. Con bé có chuyên môn, có lòng nhiệt tình và có cả thực tế từ cuộc đời của nó, của gia đình nó. Nó am hiểu cả phong tục, tập quán của người dân. Vài năm nữa chị sẽ đến tuổi về hưu, sẽ dành toàn bộ thời gian cho công việc “dân số”. Lúc ấy, chị lại là “phụ tá” đặc biệt cho cô học trò nhỏ, đứa con gái nuôi mà chị yêu quý. Chị sẽ viết những vở kịch, làm những bài thơ tuyên truyền. Diễn viên thì đã có chồng chị - anh mới về hưu hồi đầu năm và là người có năng khiếu văn nghệ, có chị, có các cô giáo trong trường và có cả những học trò cũ của chị vì mến cô giáo mà giúp đỡ.

Đêm đã khuya lắm, chị dần chìm vào giấc ngủ. Con bé Mai trở mình. Ngoài vườn, đóa hoa đêm lặng lẽ tỏa hương./.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Niềm vui thầm lặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO