Truyện ngắn: Tình già

28/09/2018 09:43

Tác giả: Đào Thu Hà

ADQuảng cáo

Ảnh minh họa

Ông bà đã cố tình chọn góc khuất nhất của một quán nhỏ có không khí yên tĩnh, phù hợp với những người lớn tuổi mà vẫn không tránh được những ánh mắt tò mò. Cũng phải! Thường thì vào quán là những ông bạn già tri kỉ đi thành một nhóm, ngồi bàn luận chuyện chính trị, chuyện thời sự hay hàn huyên, ôn lại những kỷ niệm xưa cũ. Họa hoằn lắm mới có một vài người trẻ chán chường, mệt mỏi với những bon chen,  xô bồ của cuộc sống, trốn vào một góc quán, nhìn xuống cái ngõ nhỏ bình dị, lơ đãng suy ngẫm về cuộc đời. Còn khách là một ông già đi cùng một bà già như thế này thì tuyệt nhiên chưa từng có. Nhận thấy những ánh mắt tò mò của mọi người xung quanh, bà ngượng ngùng, khẽ bảo ông:

- Mình về thôi ông. Xung  quanh người ta nhìn, tôi thấy ngại quá.

Ông trấn an bà:

- Mình ngồi nói chuyện bình thường chứ có làm gì khuất tất đâu mà bà phải ngại. Bây giờ mà bà đứng dậy đi về người ta lại càng nghĩ sai đấy!

Thấy ông nói cũng có lý, bà im lặng không đòi về nữa. Ông gọi phục vụ lại, kêu một tách cà phê cho ông và một tách trà cho bà. Bà cản:

- Ông có tuổi rồi. Hạn chế uống cà phê đi. Không tốt đâu.

Ông cười, đôi mắt hấp háy sau cặp kính trắng:

- Bà nói cũng phải. Thôi chú em cho một ấm trà và hai cái chén nhỏ đi.

Ông rót trà ra chén cho bà rồi cho ông. Một làn khói dịu lan tỏa. Ông nhấp một hớp nhỏ, thư thái tận hưởng. Bà dịu dàng:

- Dạo này bên nhà ông sao rồi?

Nét thư thái trên khuôn mặt ông biến mất. Ông nhắm nghiền mắt, mệt mỏi lắc đầu:

- Chúng nó cứ họp hành lên, họp hành xuống. Chung quy cũng chỉ vì cái nhà thôi chứ chúng nó có nghĩ gì cho tôi đâu.

Bà khẽ thở dài. Ông an ủi bà:

- Bà yên tâm, tôi sẽ tác động dần dần. Chắc rồi chúng nó cũng hiểu ra thôi.

Ông và bà là thanh mai trúc mã từ nhỏ. Nhà bà và nhà ông ở cùng một khu phố. Bà kém ông hai tuổi. Ông bà hồn nhiên bên nhau cả thời thơ ấu, cùng học, cùng chơi. Lớn lên, ông là một chàng trai khỏe mạnh, cường tráng, còn bà cũng trở thành cô thiếu nữ dịu dàng, xinh đẹp nhất khu phố. Hai người đã thề non hẹn biển, nguyện kết tóc se tơ. Nhưng gia đình ông không đồng ý vì cha bà mất sớm, nhà bà chỉ có một mẹ một con, không môn đăng hộ đối với nhà ông. Buồn vì tình yêu đầu tan vỡ, bà bán nhà, xin lên vùng cao công tác rồi đón mẹ theo. Kể từ đó cho đến khi nghỉ hưu, mẹ già đau yếu, bà mới đưa mẹ trở về.

Còn ông, sau khi bà đi, ông ngơ ngẩn một thời gian. Mãi đến bốn năm sau, vì sức ép gia đình ông kết hôn và sinh được ba người con, hai trai, một gái. Vợ ông là một người phụ nữ đảm đang, hiền dịu. Bà biết trong lòng ông luôn vương vấn bóng hình của người xưa cũ nhưng không hề trách móc, than thở một lời. Thật không may, khi ba đứa con con nhỏ dại, thằng lớn mới lên mười còn con út vừa tròn hai tuổi thì bà mất sau một trận ốm nặng. Trước khi mất, bà cầm tay ông dặn dò:

- Anh cố tìm chị ấy về, nhờ chị ấy chăm sóc ba đứa thay em.

ADQuảng cáo

Ông đã dò la tin tức của bà suốt mấy năm trời nhưng càng tìm lại càng như "bóng chim tăm cá". Rồi phần vì đường sá xa xôi, phần vì ba đứa con nhỏ dại, ông thôi không tìm bà nữa. Ông cũng không lấy vợ vì sợ cảnh "mẹ ghẻ con chồng", các con chịu thiệt thòi và cũng vì không muốn lấy ai khác ngoài bà. Vì sự ép buộc của gia đình, ông đã phản bội bà một lần, ông không muốn thêm một lần nữa phản bội bà.

Một mình gà trống nuôi con, đồng lương giáo viên eo hẹp, ngoài giờ dạy ông còn nhận làm hàng mã, dán hộp, kể cả phụ hồ để có tiền nuôi các con ăn học. Được cái, các con ông cũng ngoan ngoãn, biết nỗi vất vả của bố nên đều chăm ngoan, chịu khó học hành và có nghề nghiệp ổn định.

Phần bà, bà cũng từng kết hôn với một đồng nghiệp cùng trường. Nhưng kết hôn hơn chục năm mà bà không có con, hai người đã ly dị để ông đi tìm hạnh phúc mới. Nghĩ mình số phận hẩm hiu, bà ở vậy nuôi mẹ già. Mấy năm trước, mẹ bà ốm nặng, bà chiều theo ý nguyện đưa mẹ về thuê căn nhà cũ sinh sống. Bà cụ chống chọi với bệnh tật tuổi già, mới mất cách đây hơn một năm.

Khi bà trở về thì các con ông đã kết hôn, ra ở riêng hết. Chỉ còn một mình ông sống trong ngôi nhà cũ bố mẹ để lại. Xót xa cho tình cảnh của bà, cũng là chút tình xưa và tình cảm hàng xóm láng giềng, ông thường xuyên sang động viên bà. Thấy ông ở một mình, lọ mọ từng bữa ăn, có gì ăn nấy, lắm hôm còn bỏ cả bữa, bà đi chợ rồi nấu cơm giúp ông. Từ hôm có bà, bếp núc nhà ông gọn gàng, ấm cúng hẳn lên. Ông cảm thấy mình trẻ ra, yêu đời hơn. Ông thấy bà cũng vậy. Trong mắt ông, bà lại là cô gái đẹp nhất khu phố năm nào. Ông quyết định đưa bà về sống chung, chăm sóc, nương tựa nhau lúc tuổi già. Lúc đầu, nghe ông "đề nghị", bà ngượng ngùng:

- Tôi với ông già rồi, làm vậy hàng phố người ta chê cười, không hay đâu ông ạ.

Ông dùng mọi lý lẽ thuyết phục mãi bà mới xuôi xuôi và đồng ý. Vậy mà ông không ngờ, ba đứa con mà ông đã hi sinh cả tuổi thanh xuân để nuôi nấng, chăm sóc lại ra sức phản đối kịch liệt. Thằng con cả là công an kinh tế thủ thỉ với bố:

- Bố già rồi, có cháu nội cháu ngoại hết cả rồi mà còn lấy vợ người ta cười cho. Với lại con còn mặt mũi nào mà nhìn anh em trong cơ quan nữa.

Ông cố nén cơn bực bội:

- Tôi không cần quan tâm người ta nói gì. Chẳng nhẽ tôi hi sinh cả một đời rồi, giờ sống vì mình một lần mà cũng không được sao?

Anh con thứ là giám đốc một công ty, quen quát tháo nhân viên thì hùng hổ:

- Không được là không được! Người ta nói bố già rồi còn trở chứng, chúng con còn mặt mũi nào mà ngẩng lên nhìn thiên hạ nữa?

Tác động với bố không được, cô con út hiện đang là nhân viên của một ngân hàng lớn đến nhà bà xỉa xói, ầm ĩ cả khu phố:

- Bà già rồi mà còn quyến rũ bố tôi. Hay bà định nhòm ngó cái nhà này?

Đau đớn và nhục nhã, bà ốm gần một tháng. Bà tránh mặt ông. Nhưng ông vẫn kiên trì, ở bên cạnh bà, chăm sóc bà. Dần dần, cơn giận của bà cũng nguôi ngoai. Nhưng bà không bao giờ bước chân vào nhà ông nữa. Hai ông bà tìm đến cái quán nhỏ yên tĩnh này để hàn huyên, quan tâm đến nhau, tránh những ánh mắt tò mò, soi mói của hàng phố, tránh những khó chịu, hằn học của con cái.

Vậy mà không hiểu sao lũ con ông cũng biết được. Một buổi sáng, khi hai ông bà vừa mới vào quán, còn chưa kịp gọi trà như mọi khi thì đứa con gái của ông cùng một đám người nữa hùng hổ kéo vào. Nó  mắng nhiếc bà trước những tiếng xì xầm bàn tán, trước những ánh mắt tò mò, dò xét của bàn dân thiên hạ, nào là bà già rồi mà còn đi quyến rũ cha, ông  của người khác. Đã sống vậy được bao nhiêu năm rồi còn không cố cho trót. Rằng thì bà là loại người hám tiền, nhòm ngó vào cái nhà của ông chứ có thương yêu gì… Uất ức với lũ con, ông ngã vật xuống, không nói được lời nào.

Ông ốm nằm viện đúng một tháng thì mất, không để lại lời trăn trối nào. Những ngày ông nằm trong viện, bà nén sự tủi hờn, giận dữ với những đứa con ông để chăm sóc cho ông. Lũ con ông phần vì hiểu được vì quá tức giận với chúng mà đổ bệnh, phần vì bận công việc không chăm sóc ông chu đáo được nên cũng không dám phản đối gì nữa. Ngày ông mất, ông cũng không nhìn đến mặt con mà chỉ cầm tay bà, ứa nước mắt. Ông mất mà mắt vẫn mở trừng trừng, không có cách nào vuốt xuống được. Mãi đến khi ba đứa con ông phải xin lỗi bà, hứa với ông sẽ thay ông chăm sóc bà trong những ngày tuổi già thì ông mới thanh thản nhắm mắt.

Ông  mất được đúng một trăm ngày thì bà cũng theo ông. Tối hôm trước, bà sang nhà thắp hương cho ông rồi thanh thản ra đi trong giấc ngủ. Hàng phố biết chuyện, chép miệng:

- Ông ấy đưa bà theo đấy. Thôi cũng coi như ông bà cuối cùng cũng được đoàn tụ.

Bà không có con, cũng không còn họ hàng thân thích. Lũ con ông giữ lời hứa với bố, đứng ra tổ chức ma chay chu đáo cho bà và xin phép được bốc bát hương của bà về thờ cùng bố mẹ chúng. Trong khói hương bảng lảng, khuôn mặt ông và bà và cả mẹ chúng trong tấm di ảnh khẽ mỉm cười…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Tình già
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO