Truyện ngắn: Từ những điều giản dị

23/09/2020 20:43

Tác giả: Đào Thu Hà

ADQuảng cáo

Vừa sắp mấy bộ quần áo vào chiếc ba lô bộ đội đã cũ, bạc phếch dấu vết thời gian, bà Hoa vừa thủ thỉ:

- Sẵn dịp này ông cứ ở lại nhà thằng Phúc chơi mấy hôm, chả mấy khi có dịp ông ạ. Mà sáng mai đi sớm, sao ông không ngủ sớm đi còn lúi húi ghi chép gì đấy?

Ông Y Đen ngừng tay, ngước nhìn vợ:

- Tôi đang ghi danh sách các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trong buôn để mấy nữa có đoàn tình nguyện về phát quà trung thu. Mai cháu Thắng - Bí thư đoàn xã qua tôi đưa cho cháu luôn kẻo sợ đi mấy ngày về không kịp.

Ông dừng lại, với tay rót một ly nước lá. Thứ lá mướp đắng rừng phơi khô này, uống có vị đăng đắng nhưng thơm dịu và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Uống hết ly nước, ông mới thủng thẳng:

- Còn chuyện ở lại nhà thằng Phúc thì cứ để tôi dự xong đại hội rồi tính.

- Ông ngủ sớm đi để mai còn đi, tận hơn một trăm cây số chứ không gần đâu ông ạ. Mà cũng khuya rồi đấy.

Minh họa: Ngọc Khai

Đúng là đã khuya lắm rồi. Đêm tĩnh mịch, chỉ có tiếng côn trùng rả rích và tiếng mưa gõ nhẹ trên mái tôn. Mưa không to lắm nhưng dầm dề mấy ngày nay do ảnh hưởng của cơn bão ở khu vực miền Trung. Bà nghe tiếng mưa, chép miệng:

- May mà tháng trước đổ được con đường bê tông đoạn ra xã chứ không thì mưa mấy ngày thế này lại lầy lội, trẻ con đi học cũng khổ, người lớn đi làm cũng khổ ông nhỉ.

- Cũng là nhờ mọi người đồng lòng nên mới đổ được con đường chứ không thì phải chịu cảnh đi lại khó khăn thêm một thời gian nữa. Tôi bán mất mấy con lợn ủng hộ thêm vào tiền làm đường, bà có tiếc không?
Bà Hoa khẽ cười:

- Bây giờ mà có tiếc thì còn lấy lại được nữa không mà ông hỏi? Nói vậy chứ tiếc thì tôi đã chả cho ông bán. Mình già rồi, sống được bao nhiêu nữa đâu. Với làm đường thì mình cũng đi, chả thiệt đi đâu mà tiếc.

Ông trở mình:

- Tự nhiên tôi thấy hồi hộp, khó ngủ quá bà ạ.

- Sao mà hồi hộp hả ông? Bao nhiêu năm tôi có mấy khi thấy ông lo lắng, hồi hộp đâu.

- Tôi thấy bảo đại hội to lắm. Đại hội thi đua yêu nước của cả tỉnh cơ mà. Tôi nghe mấy anh chị trên xã bảo tuyên dương toàn những người giỏi, làm được biết bao việc cho dân, cho nước nên tự nhiên tôi thấy lo lo. Mình đã làm được gì nhiều đâu, chỉ mấy việc be bé trong bon, trong làng thôi mà tuyên dương mình rồi còn mời mình lên giao lưu, nói chuyện nữa nên tôi thấy ngại ngại, xấu hổ bà ạ.

Bà Hoa động viên chồng:

- Thì ông cứ bình thường mà nói thôi. Hỏi ông điều gì ông cứ thật thà kể lại là được. Rồi ông chịu khó xem những người khác đã làm được những gì rồi về học tập lại.

Thấy ông im lặng không đáp, bà khẽ kéo chăn đắp cho ông.

- Mưa lạnh, ông đắp chăn cho ấm. Ông cố ngủ đi một tí cho khỏe ông ạ. Không sáng mai lại dậy muộn, xe lại phải chờ mình thì phiền.

Ông nghe lời bà, nhắm mắt lại. Nhưng ông chẳng thể nào ngủ được. Hồi hộp, xúc động, cả một chút vui sướng khi những điều mình làm được nhìn nhận, khuyến khích. Những cảm xúc ấy trộn lẫn lại khiến tâm trí ông trôi theo những ký ức từ ngày trai trẻ.

ADQuảng cáo

Ông là một đứa trẻ người dân tộc mồ côi từ nhỏ, được bộ đội Cụ Hồ cưu mang, nuôi nấng. Lớn lên, ông trở thành một người lính, tham gia chiến đấu ở Khe Sanh -  Quảng Trị, rồi tham gia chiến dịch Tây Nguyên. Gần ngày chiến thắng của dân tộc thì ông bị thương vào mắt, được gửi ra Bắc điều dưỡng. Tại đây, ông gặp bà, một nữ điều dưỡng hiền lành, nết na. Bà từng là một thanh niên xung phong nên giữa ông bà ngoài sự chăm sóc, lo lắng của trách nhiệm giữa điều dưỡng và thương bệnh binh còn thêm tình đồng chí, đồng đội. Cảm mến nhau, bà đã vượt qua sự ngăn cấm của gia đình, những lời dị nghị của mọi người xung quanh để đến với ông. Ngày bà mang thai đứa con đầu lòng, trong ông rộn ràng bao niềm hạnh phúc. Nhưng đứa bé không kịp cất tiếng khóc chào đời đã ra đi mãi mãi ngay khi được sinh ra. Những đứa con sau của ông bà cũng thế. Chạy chữa, khám khắp nơi, ông bà nhận được tin cả hai người cùng nhiễm chất độc da cam do những năm tháng chiến tranh để lại. Đau buồn, ông bà về Tây Nguyên để gượng lên mà sống, mà nương tựa vào nhau đi qua những chìm nổi của phận người.

Trở lại quê nhà nơi mình đã sinh ra và lớn lên, nhìn những đứa trẻ xung quanh thiếu ăn, thiếu mặc, đói rét, lòng ông quặn thắt. Vợ ông cũng vậy. Vốn là một người phụ nữ nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn, lại luôn khát khao được làm mẹ, bà đã bàn với ông giúp đỡ những đứa trẻ đó. Ông bà cũng chẳng khá giả gì nhưng còn có ít tiền trợ cấp của ông, hai ông bà lại chịu khó, chăm chỉ nên cũng có mấy sào rẫy trồng cà phê, xen với các giống cây ngắn ngày. Ông bà chắt chiu từng củ khoai, hạt bắp để nuôi những đứa trẻ nghèo ấy. Có đứa ở với ông bà vài tháng đến khi bố mẹ bớt khó khăn thì đón về. Có đứa ở với ông bà đến tận lúc lớn, dựng vợ gả chồng. Chúng thương ông bà như cha mẹ ruột, líu lo bên ông bà cả ngày. Căn nhà của ông bà rộn rã tiếng cười trẻ con. Bởi vậy, dẫu có vất vả, dẫu phải nhịn ăn nhịn mặc để nuôi những đứa trẻ không may mắn ấy, ông bà vẫn thấy hạnh phúc. Bây giờ cuộc sống đã bớt khó khăn, vất vả nhưng vẫn còn những đứa trẻ cần được giúp đỡ. Ông bà vẫn dang tay đón chúng về chăm sóc. Ông bà bảo nhau, khi nào mà không thể làm được nữa mới thôi.

Phúc, đứa con trai mà ông bà thương yêu như máu mủ, ruột thịt của mình là đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi ngay ngoài ngõ trong một đêm mưa lớn. Ông bà đặt tên là Phúc với ý nghĩa nó như điều hạnh phúc mà ông trời ban cho ông bà và mong muốn nó sẽ luôn được hạnh phúc. Gần ba chục năm rồi, không thấy ai quay lại tìm nó. Ông vẫn đau đáu niềm mong mỏi có một ngày tìm được gốc rễ cho nó. Con người ta sống phải có gốc gác như cây có cội, sông suối có nguồn. Bởi vậy, năm thằng Phúc tốt nghiệp đại học, ông đã nói sự thật với nó. Nó buồn nhưng nhanh chóng vực lại được ngay. Nó bảo:

- Dù bố mẹ đẻ có quay về tìm con hay không thì con cũng vẫn là con của bố mẹ.

Nghĩ đến thằng Phúc, ông bất giác mỉm cười. Cái thằng vừa hiền, vừa ngoan lại chịu khó. Nó học giỏi nên thi đậu đại học, học xong thì về tỉnh làm rồi cưới vợ, sinh con. Vợ chồng nó cũng giục ông bà lên ở với chúng nó để vui vầy tuổi già nhưng ông bà không chịu. Ông bà đâu bỏ được cái buôn dẫu còn nghèo khó mà thắm đượm biết bao nghĩa tình này. Được cái thằng Phúc cũng là đứa hiểu chuyện. Như cái hồi ông bà hiến đất để xây trường mầm non cho đám trẻ, ông gọi nó về. Ông bảo mấy sào đất đấy ông tính sau này ông bà về trời rồi thì cho nó nhưng giờ thấy các cháu không có chỗ để học, đi lại cực quá, nhiều đứa bỏ học giữa chừng theo bố mẹ lên nương, lên rẫy, nheo nhóc, khổ sở nên ông tính hiến đất làm trường. Nó đồng ý ngay. Nó bảo đất của ông bà, ông bà muốn làm gì là quyền của ông bà, mà làm việc tốt thì nó ủng hộ. Hồi ông hiến đất xây trường, báo đài cũng về đưa tin. Lần đầu lên ti vi, ông ngại ngùng, chả biết nói gì thế mà ngày phát sóng cả buôn kéo đến xem, vui vui là.

Rồi ông lại nhớ cái đợt mấy thanh niên trong buôn quậy phá, không chịu làm ăn. Ông sợ chúng nó nghe theo lời người xấu xúi giục mà làm những điều ác nên đến nhà khuyên bảo. Nói một lần chẳng ăn thua, hai lần, rồi ba lần. Có đứa bảo ông:

- Chúng tôi có muốn thế này đâu, nhưng không có việc làm, làm rẫy thì trồng cái gì cũng rớt giá.

Ông buồn, gọi điện tâm sự với con. Nó về mở lớp tập huấn về cây trồng, chăn nuôi, giới thiệu các lớp học nghề. May mấy đứa thanh niên ấy cũng biết nghĩ thương bố mẹ nên chịu khó đi học, tìm hiểu rồi lo làm ăn. Không giàu nhưng cũng bớt vất vả, bớt lêu lổng. Cũng còn một, hai đứa lười lao động, biếng nhác không chịu nghe lời khuyên của bố mẹ, của người thân, bên chính quyền cũng nhờ ông theo dõi để kịp thời báo cáo, ngăn chặn cái xấu. Ông được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng buôn cả chục năm nay nên cũng thuận lợi. Bà con cũng thương, hiểu và chia sẻ nên vơi bớt đi phần nào những khó khăn.

Nhớ con, ông quay sang hỏi bà:

- Bà ngủ chưa?

Bà cũng khẽ trở mình:

- Tự nhiên tôi cũng không ngủ được ông ạ. Có việc gì thế ông?

- Bà nhớ bỏ ít lá bép, đọt mây với ít cá khô để mang lên cho thằng Phúc nhé. Nó thích ăn mấy món này.

- Tôi nhớ rồi. Tôi bỏ sẵn rồi, sáng mai ông chỉ việc cầm đi thôi. Mai mấy giờ chú Thắng đón ông?

- Năm rưỡi bà ạ. Chú ấy qua chở tôi lên huyện rồi đi chung xe với đoàn của huyện luôn. Tôi thấy bảo có cả những cháu mới mười tám, đôi mươi cũng được tuyên dương. Tuổi trẻ tài cao bà nhỉ.

Bà cười thành tiếng:

- Thì yêu nước có cấm số tuổi đâu. Ông không nhớ chuyện Thánh Gióng mới ba tuổi mà đã đánh giặc Ân đấy à?

- Các cháu bây giờ giỏi thật bà nhỉ. Hôm nọ tôi xem truyền hình VTV1 ấy, thấy một cháu học sinh cấp 3 được hỏi bảo là “yêu nước từ những điều giản dị, làm những điều giản dị” mà tôi thấy đúng quá. Tôi ít học nhưng nghe thấy dễ hiểu, thấy vui bà ạ.

Bà nhẹ nhàng:

- Ông đúng là, già rồi mà cứ như trẻ con. Phải làm bằng những việc cụ thể chứ chả nhẽ lại đứng lên mà hô to à. Việc to việc nhỏ, giản dị hay lớn lao, miễn cứ làm tốt, giúp ích gia đình, cho mọi người là được. Thôi ông nghỉ đi một tí để sáng dậy còn đi. Trời sắp sáng rồi đấy!

Đêm yên tĩnh, có tiếng gà gáy sáng vọng lại. Ông nhắm mắt, tìm vào giấc ngủ. Những lời nói của bà, của cháu học sinh phỏng vấn trên ti vi cứ ngân nga trong đầu ông. Và ông thấy mình như bồng bềnh trôi trong vườn hoa được nảy nở từ lòng tốt, từ những điều giản dị nhưng đẹp đẽ của con người...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Từ những điều giản dị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO