Truyện ngắn: Về lại với buôn làng

Trương Thanh Liêm| 23/06/2016 10:20

Trăng rằm vành vạnh trong veo. Bình rượu cần được mang ra giữa nhà Rông. Những chiếc cần cong vút như mời gọi dân làng nếm men say của ngày vui đoàn tụ. Xa xa, dãy núi miền biên giới sừng sững trong đêm lạnh dưới những làn sương mỏng, tạo bầu không khí thật nhẹ nhàng, thư thái, tĩnh lặng.

ADQuảng cáo

Phía sau nhà Rông, ánh lửa cháy bập bùng tạo những khoảng sáng, chốc chốc lại bùng lên với những vệt sáng in lên vạt rừng nguyên sinh hùng vĩ. Tiếng người nói râm ran không dứt. Tiếng cồng chiêng gõ nhịp vang xa. Những tốp trai làng nhảy múa bên cạnh những cô gái với nụ cười luôn nở trên môi. Đêm nay làng Ka Ruyn tổ chức lễ trở về của 9 người con lầm lạc sau hơn một năm vượt biên đi tìm vùng "đất hứa".

Minh họa: Ngọc Tâm

- Đêm nay trăng sáng, buôn làng ta đón 9 đứa con lầm lạc quay về. Giàng sẽ tha thứ cho chúng. Buôn làng ta sẽ tha thứ cho chúng. Chúng lại về đây với buôn, với dân làng để trồng khoai, cà phê, cao su, tỉa bắp như ngày nào. Dân làng có đồng ý không? Tiếng già làng Y Bơn vang lên giữa nhà Rông.

- Đồng ý. Hàng trăm tiếng hô kèm tiếng cồng chiêng lại vang lên như rung chuyển cả núi đồi.

- Bắt 9 thằng đó mang rượu ra đây tạ lỗi. Mà phải uống cho say nghe. Tiếng bà Siu Blao trêu chọc.

- Hoan hô… hoan hô… Cả rừng người thốt lên ủng hộ.

- Tôi xin đại diện anh em tạ lỗi với Giàng, với chính quyền, công an, già làng vì cái đầu ngu quá, ham tiền, ham đô la nên mới bị bọn xấu nó dụ dỗ. Nay tụi tui biết lỗi quay về xin hứa sẽ không làm vậy nữa. Tiếng Y Liêu đang nói bỗng chùng xuống với cặp mắt đỏ hoe. Phía sau anh là 8 người đàn ông im lặng, mặt cúi gầm vì xấu hổ, hối hận.

Tiếng cồng chiêng lại vang lên, những điệu múa rộn ràng lại được tiếp tục.

Ngồi cạnh bếp lửa cháy bập bùng, Trung tá Quang trầm tư, biên giới ngày càng căng thẳng; bọn phản động hết trò bạo động gây án nay lại chuyển sang lôi kéo, dụ dỗ, kích động dân làng chống đối, không hợp tác với chính quyền. Đã vậy, chúng còn dụ dỗ nhiều trai làng vượt biên trái phép... Đâu đã vậy, bọn mua bán ma túy thường xuyên qua lại vùng biên này để hoạt động ngày càng táo tợn. Đồn biên phòng do anh chỉ huy luôn phải đề cao cảnh giác.

- Cán bộ làm gì mà ngồi “ thừ” ra đó vậy ? Tiếng Y Liêu hỏi nhỏ.

- Không có gì, tôi đang nghĩ đến chuyện vay vốn cho mấy anh làm ăn.

Y Liêu im lặng nhìn thật sâu vào khuôn mặt, vào đôi mắt của người sĩ quan biên phòng với lòng ân hận và kính trọng vô ngần. Đây. Cái người mà bọn xấu vu khống là có “ngải” để trù ếm buôn làng, cái người có “ma” trong mình để mang đến bao dịch bệnh hiểm nghèo, chết chóc, đau thương  cho dân làng đây sao? Họ vẫn là con người như bao nhiêu người khác, thậm chí còn tốt hơn người khác rất nhiều. Vậy mà có lần tin lời thầy mo gian ác, chính Y Liêu đã dùng súng săn phục kích định bắn chết người cán bộ này đây. May mà lần đó anh bắn trượt rồi quăng súng chạy thục mạng vô rừng.

Hôm sau mò về nhà, Y Liêu chợt giật mình đứng như trời trồng khi nhìn thấy Trung tá Quang đang ngồi vỗ tay bắt nhịp cho con mình nhảy múa. Y Liêu chột dạ. Chuyện gì đây? Liệu ông ta có biết mình là người giết hụt ông đêm qua ở bìa suối.

- Y Liêu đi chơi mới về phải không? Có vui không. Mùa này làm nương có nhiều không ? Trung tá Quang hỏi khẽ.

- Tôi… tôi đi… đi uống rượu về…mà cán bộ tới đây có chuyện gì? Y Liêu run rẩy, lắp bắp không nói nên lời.

- Không có gì. Tôi nhặt được khẩu súng kíp bên suối, thấy báng súng có khắc tên Y Liêu. Bây giờ giữ súng trong nhà là phạm luật đó. Y Liêu đem giao nộp lại cho chính quyền nhé.

Y Liêu cảm giác ông ta đã biết hết mọi chuyện. Nhưng sao công an, chính quyền không bắt mình bỏ tù ? Họ còn chần chừ gì nữa ?

ADQuảng cáo

Đêm đó, Y Liêu không ngủ. Không ngủ vì lo sợ, vì thắc mắc. Tiếng gà rừng đã gáy sáng mấy lần nhưng anh không tài nào chợp mắt.

- Y Liêu. Y Liêu. Mày thức dậy đi!

- Ai kêu tao?

- Y Cơn đây. Mở cửa cho tao vô. Lẹ đi.

Cánh cửa nhà sàn mở ra. Y Cơn nhanh chóng lách người bước vào với vẻ khẩn trương, vội vã rồi nói gấp:
- Công an sắp tới bắt mày vì cái chuyện giết hụt ông biên phòng, phải trốn đi thôi. Nếu không nó đem mày ra xử bắn tại buôn làng đó.

- Mà trốn đi đâu bây giờ? Y Liêu hỏi.

- Trốn qua biên giới rồi họ đưa mình qua Thái Lan rồi sang Mỹ để có nhiều tiền, vàng, đô la, súng đạn, muốn gì lại không có. Y Cơn thúc giục.

Chần chừ một lát, Y Liêu bước đến cạnh buồng ngủ nhìn mặt vợ con với tâm trạng hốt hoảng rồi băng đi trong đêm vắng. Tại bìa rừng còn có bảy người khác cùng buôn đang chuẩn bị vượt biên như anh, như Y Cơn theo hướng dẫn của một tốp người che kín mặt mày, súng máy lăm lăm trên tay. Y Liêu chợt giật mình ngần ngại. Linh tính như mách bảo anh những nguy hiểm trên đường nhưng tất cả đã muộn màng.

Hơn hai tháng băng rừng gian khổ, đói khát, bệnh tật, tất cả cũng đã đến trại tập trung ven biên giới Campuchia – Thái Lan. Mọi ảo ảnh về một thiên đường tươi sáng đã tắt lịm phũ phàng và cay đắng. Họ trở thành những người lao động khổ sai không hơn không kém. Ngày làm quần quật với bao công việc nặng nhọc nguy hiểm, ăn uống kham khổ nên nhiều người lâm bệnh. Không một ai dám nói nửa lời vì họ hiểu rằng chỉ một lời nói, một cử chỉ biểu hiện phản đối, chán chường đồng nghĩa là hứng chịu đòn roi tra tấn, có khi đánh đổi cả sinh mạng của chính mình.

Một năm trời cay đắng và lặng lẽ trôi qua. Họ quyết định trốn về Việt Nam.

- Tụi mày suy nghĩ kỹ chưa? Một là thoát, hai là chết ở xứ lạ. Y Liêu hỏi cả nhóm.

- Chết cũng trốn. Ở đây rồi cũng chết. Người không ra người. Thú không ra thú. Có chết cũng ưng cái bụng. Y Cơn đáp lại.

Cuộc đào thoát diễn ra bất ngờ. Cuối buổi lao động, cả bọn đã quật ngã mấy tên lính canh rồi cướp súng chạy băng băng vô rừng mặc cho tiếng súng nổ, tiếng hò hét truy đuổi phía sau cứ vang lên. Lại hơn hai tháng cắt rừng theo lối cũ, ngày nghỉ lén lút xin lương thực của bà con miền núi, đêm lại mò mẫm tìm về nơi xuất phát. Giàng đã không bỏ họ. Tất cả đã về tới núi rừng thân yêu của mình. Mà đâu ai dám bén mảng tới chính quyền, tới công an để đầu thú. Họ sợ.

Đêm đó, Y Liêu quyết định mò về nhà mình với tâm trạng bồn chồn, lo sợ. Qua khe cửa, anh thấy vợ mình đang ôm con ngủ thật ngon. Phía sau là chiếc truyền hình còn rất mới. Lạ. Nhà mình có điện rồi sao? Phía dưới nhà sàn là những bao ngô, những bao lúa, cà phê minh chứng cho một vụ mùa bội thu. Mình có mơ chăng? Không có đàn ông sao nhà mình có nhiều ngô, cà phê, lúa đến như vậy. Sau này anh mới nghe vợ kể tất cả có được là nhờ sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng do Trung tá Quang chỉ huy. Y Liêu nghẹn lời. Lại là cái người mà anh giết hụt. Vậy mà…

Y Liêu và những người lầm lỡ quyết định ra đầu thú. Càng ngạc nhiên vì không một ai bị xử bắn, bị tù đày như bọn xấu tuyên truyền. Chỉ có những nụ cười độ lượng, tha thứ, sẻ chia. Núi rừng đã mở lòng đón người lạc lối quay về.

Trong ánh lửa bập bùng, trong điệu múa của trai gái buôn làng, trong đôi mắt sáng ngời của Trung tá Quang đang thân thiện nhìn anh.

Y Liêu bật khóc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Về lại với buôn làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO