Truyện ngắn: Về với Tây Nguyên

04/12/2020 09:03

Tác giả: Đào Thu Hà

ADQuảng cáo

Chiếc xe ô tô lướt êm ru trên con đường nhựa làm xong từ vài năm trước. Phương đưa chai nước suối cho Hân, hỏi bạn:

- Cậu uống đi cho đỡ khát. Cậu mệt thì chợp mắt một lúc. Từ đây về đến nhà cũng phải hơn một tiếng nữa cơ.

Hân cầm chai nước, lắc đầu:

- Không sao đâu, mình nôn nao chẳng ngủ được. Từ lúc quyết định đặt vé máy bay về nước là ngày nào cũng trông ngóng rồi.

Phương cười:

- Mình cũng thế, từ lúc nhận được điện thoại cậu báo sắp về, mình đếm từng ngày một ấy. Cả đêm qua cứ chộn rộn, anh Thắng bảo mình cứ y như trẻ con.

- Không ngờ là cậu với anh Thắng lại thành vợ chồng. Ngày xưa đi học, hai người cứ chí chóe suốt, toàn là mình đứng ra giảng hòa.

- Cái duyên cái số mà. Sao cậu về mà không đưa chồng con về luôn?

- Lúc đầu cũng tính thế rồi đấy mà hai bố con lại bận. Suốt ngày chỉ biết vùi đầu vào công việc thôi.

Minh họa: Ngọc Tâm

Hân nhìn ra phía cửa kính. Những khoảng xanh của rừng thông, của những hàng cây, những vạt đồi xanh sắc cà phê và những căn nhà san sát bên nhau trôi qua tạo thành những vệt loang loáng. Tự nhiên Hân thấy mắt mình ươn ướt. Những năm tháng lăn lộn nơi xứ người, những năm tháng cô độc, làm đủ nghề nặng nhọc để sống, để tồn tại ngỡ như đã khiến trái tim Hân trở nên cứng cỏi đến mức chai sạn, chẳng hiểu sao lại trở nên rưng rưng khi đặt chân trở về trên mảnh đất quê hương. Nhất là khi quãng đường trở về nơi Hân đã sinh ra, lớn lên và gắn bó suốt những năm tháng thơ ấu, những năm tháng học trò vô tư, hồn nhiên càng lúc càng được kéo gần lại. Bên cạnh, Phương ríu rít:

- Sao nào? Cậu thấy mọi thứ khác nhiều không? Lát nữa về đến Gia Nghĩa, cậu còn thấy khác nhiều nữa.

- Khác chứ, mình chẳng nhận ra được. Ngay cả con đường mình đang đi đây cũng to rộng và thuận lợi hơn nhiều. Cũng hơn hai chục năm rồi còn gì.

Cả một thời tuổi trẻ đã qua. Bao nhiêu dâu bể của đời người tựa như một cái chớp mắt. Những ký ức tưởng chừng như đã bị thời gian bỏ quên, phủ mờ sau những bộn bề của cuộc sống chợt như ùa về, chầm chậm từng chút một trong Hân, gợi lên trong Hân bao cảm xúc da diết.

Cha mẹ Hân quyết định chọn mảnh đất Tây Nguyên làm nơi lập nghiệp khi mẹ mới mang bầu Hân được vài tháng. Bởi vậy, quê thì ở tận ngoài Bắc nhưng nơi Hân sinh ra, gắn bó hết thời niên thiếu lại là mảnh đất đại ngàn nắng gió, hồn hậu, phóng khoáng mà thắm đượm nghĩa tình. Mẹ kể, ngày mới vào, cả nhà khó khăn lắm, ăn bữa nay, lo bữa mai. Nhiều lúc, mẹ ôm bố khóc đòi về quê vì nhớ nhà, không quen khí hậu, vì cực nhọc. Nhưng rồi sự đùm bọc của người dân bản địa, sự chia sẻ của những con người cùng chung tâm trạng rời xa quê hương đến vùng đất mới lập nghiệp đã níu giữ bước chân người ở lại. Rồi đất không phụ lòng người, những khó khăn cũng qua, những giọt mồ hôi nhỏ xuống đã nảy lên những mầm xanh. Cuộc sống lúc ấy chưa thể gọi là giàu nhưng cũng tạm đủ ăn. Hân đã lớn lên trong sự ấm áp của gia đình, của hàng xóm láng giềng, lớn lên giữa hương đất, hương rừng, hồn nhiên và vô tư như những bông hoa, nhánh lá mọc lên từ bao dung của đất. Ngày còn bé, Phương mơ ước lớn lên sẽ trở thành cô giáo, dạy học ở trường tiểu học gần nhà. Còn Hân, Hân mơ ước sẽ có thật nhiều tiền để xây cầu, làm đường. Ngày bé đi học, đi qua những cây cầu được làm bằng những thân cây ghép lại bắc qua suối, Hân chỉ mơ ước cây cầu gỗ ấy ngay lập tức biến thành một cây cầu bê tông thật to, thật vững chãi. Mùa mưa đi học, đường đất đỏ lầy lội bết dính, Hân ước được đạp xe bon bon trên con đường nhựa giống như con đường ở thành phố mà có lần bố mẹ cho đi chơi. Phương đã trở thành một cô giáo đúng như mơ ước của mình. Còn Hân, ước mơ ngày nhỏ tuy chẳng thể hoàn thành như những điều Hân đã mong muốn khi cha mẹ còn sống, mỗi lần gọi điện về nghe cha mẹ kể việc xây trường, xây lớp, xây nhà ăn, nhà bán trú cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa, Hân đều gửi một chút tấm lòng của mình để ủng hộ. Không nhiều nhưng một phần nào đó giúp Hân thấy lòng mình được vui, giúp Hân nhớ đến giấc ước mơ của những ngày thơ bé mà thấy lòng mình như hồn nhiên trẻ lại.

- Anh Thắng tắt máy lạnh giùm em với. Em muốn mở cửa xe.

Cơn gió ùa vào khi cửa kính ô tô vừa hé. Cơn gió của quê hương, xứ sở. Ngày Hân theo chồng đến một vùng đất khác cách nửa vòng trái đất cũng là một ngày đầy gió. Hân đã bặm môi cố dặn lòng mình đừng khóc. Kể cả những năm tháng đầu tiên xa nhà, xa người thân, Hân cũng không để bất cứ một giọt nước mắt nào rơi xuống. Chồng Hân cũng vậy. Anh làm đủ việc, đủ nghề để có thể lo cho vợ con nơi đất khách. Hân không muốn sự yếu đuối của mình trở thành gánh nặng cho anh. Hân cũng gồng mình lên, cũng tìm việc, cũng làm đủ mọi cách để có thể hòa nhập với thứ ngôn ngữ xa lạ, cách sống xa lạ ở một nơi hoàn toàn mới mẻ. Thế nhưng chập chờn trong những giấc mơ mỗi đêm, Hân vẫn thèm đến quay quắt một cơn gió se lạnh từ sườn đồi phả lên tóc, thèm da diết một ly cà phê đậm vị quê nhà, thèm nhói lòng cái cảm giác cùng bạn bè dạo qua những con dốc thoai thoải trong lòng thị trấn nhỏ yên bình. Tất cả nỗi nhớ ấy Hân đã biến thành động lực để dạy đứa con trai nhỏ học tiếng Việt, học những bài hát, những câu ca dao của đất mẹ. Bởi vậy con trai Hân dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng vẫn có thể nói sõi tiếng Việt, thích ăn các món ăn mang đậm hương vị quê nhà mẹ nấu. Đấy cũng là một niềm hạnh phúc của vợ chồng Hân.

- Cậu có nhận ra được nơi nào không? - Phương hỏi nhỏ.

ADQuảng cáo

Hân lắc đầu:

- Chịu cậu ạ. Thay đổi nhiều quá. Đường nhựa rộng rãi, nhà cao tầng, hàng quán, phố xá thay cho đường đất, nhà tranh rồi, sao mà nhận ra được nữa. Ngày mình đi hãy còn là cái thị trấn nhỏ, giờ lên thành phố rồi cơ mà.

- Ừ, thời gian đúng là chẳng chừa bất cứ điều gì. Mình cứ nhớ mãi cái ngày hai đứa mình còn đi học. Không đến nỗi phải nhịn đói, không có đồ mặc nhưng cả năm chỉ có hai bộ quần áo để thay, rách là thôi. Hai đứa mình mải chơi, rúc cả vào bụi cây, áo vướng gai rách toạc không dám về nhà, làm cả hai nhà hốt hoảng đi tìm, sợ hai đứa có chuyện - Phương vui vẻ nhắc lại chuyện thời thơ ấu.

Anh Thắng cũng góp vui:

- Thế thì đỡ hơn anh. Ngày trước nhà nghèo, anh toàn phải nhịn đói đi học. Có hôm đói lả trong lớp, cô giáo phải mua cho cái bánh mì. Ngày xưa các thầy cô cũng nghèo, nghĩ mà thương cô mãi. Được cái bây giờ đất nước đổi mới, cuộc sống cũng khấm khá hơn nhiều rồi Hân ạ.

Câu chuyện đang hồi rôm rả, Phương nửa đùa nửa thật:

- Mình thấy cậu vẫn giản dị như hồi xưa, đi bao năm rồi vẫn vậy nên cậu vừa ra cửa là vợ chồng mình nhận ra ngay. Giọng cậu cũng vẫn thế. Tớ “khiếp” mấy người đi Tây đi Tàu về, nói một câu thì đệm nửa câu tiếng Anh, tiếng Pháp, rồi suốt ngày chê quê mình thế này thế nọ lắm.

Hân cười:

- Ở đâu mà chả phải “tay làm hàm nhai”. Mình có đi bao nhiêu năm nữa thì cũng vẫn là cái con Hân sinh ra và lớn lên từ hạt gạo, củ khoai, đi học từ những hạt cà phê chắt chiu của cha mẹ đấy thôi chứ có biến thành người khác được đâu. Mình thấy cuộc sống ở đất nước mình bây giờ phát triển nhiều rồi, nhiều người khấm khá.Còn giàu nghèo thì ở đâu cũng có chứ đâu phải mỗi ở đất nước mình mới có. Bao nhiêu năm rồi, mình vẫn thấy chẳng ở đâu bằng xứ sở mình, chẳng ở đâu tình đồng bào được như ở Việt Nam cả.

Năm ấy, cả đất nước còn nghèo khó. Anh Phúc - anh trai Hân thi đỗ đại học đúng lúc cha bị tai nạn gãy chân, bao nhiêu tiền dành dụm mẹ dốc hết ra để điều trị cho cha. Anh định bỏ học đi làm thuê. Nhưng cả xã thương anh học giỏi, là người đầu tiên ở xã đậu đại học nên người góp bơ gạo, người góp ít tiền, người cho vay đóng học phí để anh đi học, chờ khi nào cha khỏe đi làm lại mới phải trả. Anh Phúc chăm chỉ, học xong học kỳ I đã tìm được việc làm thêm để đỡ đần cha mẹ. Đến tận bây giờ, anh vẫn bảo anh có được thành công là nhờ một phần vào sự đùm bọc, cưu mang của những người hàng xóm láng giềng năm ấy. Bởi vậy, dẫu sau này vì công việc, anh định cư ở thành phố và đón bố mẹ lên ở cùng, nhà cửa, đất đai trên này phần bán, phần hiến lại để làm đường, làm trường mầm non thì mỗi năm anh vẫn tranh thủ mấy ngày để trở về thăm lại bà con, lối xóm. Hân về nước mấy ngày cũng quyết định vào thăm lại mảnh đất Tây Nguyên đã cưu mang gia đình mình suốt mấy chục năm, anh gửi Hân mang quà vào tặng các bác, các cô, các chú gần nhà Hân lúc trước. Anh bảo, dẫu có đi đâu, làm gì cũng đừng quên nơi mình đã sinh ra và lớn lên, nơi đã chăt chiu từng hạt lúa, củ khoai nuôi mình khôn lớn và trưởng thành.

- Cậu về chơi được lâu không - Tiếng Phương cắt đứt dòng suy nghĩ của Hân.

- Mình chưa biết nữa. Nhà chỉ có hai anh em mà mỗi người một nơi nên mình tính trở về. Nhưng còn công việc của con trai mình nữa. Mà hai vợ chồng về, để một mình nó bên đó thì lại nhớ. Mình đang thuyết phục nó về đầu tư trong nước. Bây giờ nước mình cũng phát triển, có nhiều cơ hội mà.

- Con trai cậu có gia đình chưa nhỉ?

- Chưa, cái thằng suốt ngày cắm đầu vào công việc thôi. Kêu nó lấy vợ nó lại bảo chỉ thích con gái Việt Nam thôi. Chắc lần này phải thuyết phục nó về rồi giục nó lấy vợ luôn - Nhắc đến con, tự nhiên Hân mỉm cười.
Phương kéo tay Hân chỉ ra ngoài cửa:

- Về đến Gia Nghĩa rồi, cậu nhìn xem.

Dọc hai bên đường vào thành phố cờ hoa, biểu ngữ chăng rực rỡ. Hân theo dõi thời sự nên biết cả tỉnh chuẩn bị có một sự kiện trọng đại. Một giai đoạn mới bắt đầu, hứa hẹn những điều mới, sự phát triển mới và những hi vọng mới.

Hân đưa mắt ra xa. Những ngọn đồi mênh mang hoa vàng bừng lên dưới ánh nắng sớm, rực rỡ và tinh khôi. Hân đưa điện thoại chụp lại, gửi cho con trai. Tự nhiên Hân nghĩ, sao mình không thể trở thành cầu nối để nói về quê hương mình, trước tiên là cho đứa con trai của mình nghe.

Hình như ánh nắng trên tán hoa vàng bừng lên rạng rỡ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Về với Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO