Tuyện ngắn: Tiếp nối truyền thống

29/07/2021 10:42

Tác giả: Hoài Anh

ADQuảng cáo

- Sầu riêng thơm ngon đây? Ai sầu riêng thơm ngon không ạ.

Mạnh cầm hộp sầu riêng khui sẵn, vừa nói vừa làm vài động tác pha trò khiến ai ở trong chốt cũng bật cười.

- Hôm nay, cậu Mạnh ra sớm thế, lại có sầu riêng béo ngậy thế này à. Bác Cường tổ trưởng tổ dân phố vui vẻ nói.

- Dạ, hôm cháu mang khẩu trang và kính chắn giọt bắn biếu chốt. Nghe các chị bảo sầu riêng Tây Nguyên đang vào mùa, thèm quá mà chẳng được ăn. Tiện trong khu rẫy cháu có vài chục cây sầu riêng đang độ chín, cháu đi lấy biếu các chị. Cháu để dành mấy trái, khui sẵn để trưa các chú, anh chị nghỉ trưa ăn tráng miệng cho vui ạ. Mạnh hồ hởi giải thích.

- Cảm ơn cậu, lúc thì đem cho nước uống, lúc thì cho gạo, lúc cho trái cây ăn thế này thì vui quá.

- Có gì đâu bác, toàn trái cây vườn nhà, bà con xung quanh xóm cháu đưa. Cháu thay mặt mọi người mang đến ủng hộ. Các bác ở ngoài này mưa nắng trực chốt không kể ngày đêm, vất vả. Cháu nghỉ làm cũng chỉ ở nhà, ăn rồi ngủ có việc gì đâu ạ.

Minh họa: Ngọc Tâm

Mạnh là thợ sửa xe. Từ ngày có Chỉ thị 16, phong tỏa toàn thành phố, Mạnh đóng cửa tiệm rồi ở nhà thực hiện nghiêm quy định. Mấy ngày gần đây, thấy một số nơi ở thành phố mở các gian hàng 0 đồng hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Mạnh kết nối trong câu lạc bộ xe kêu gọi đóng góp mua các nhu yếu phẩm gửi tại một số gian hàng 0 đồng. Số tiền ủng hộ thêm, Mạnh mua đồ bảo hộ thiết yếu đem trao cho một số chốt kiểm dịch. Biết việc Mạnh làm, nhiều bà con trong xóm có đồ muốn ủng hộ đều mang đến để ở sân. Nhiều lúc Mạnh còn chẳng biết đồ của ai mang tới. Nhiều người cũng bảo không cần phải ghi tên, ghi sổ làm gì, vì lúc khó khăn dịch bệnh, ủng hộ nhau cái tâm là chính không cần phải ghi danh. Có lần, Mạnh nhận được một tin nhắn trên messenger. Họ nhờ Mạnh liên hệ địa điểm giao củ, quả. Nghe kể, khi giao hàng tới, mọi người muốn biết tên, địa chỉ để cảm ơn nhưng người đó chỉ trả lời gọn lỏn “ai khó khăn đến lấy” và cứ vậy rồi đi.

Những ngày giãn cách, không bị cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền và những cuộc vui đêm muộn với bạn bè, Mạnh nhận ra được nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống. Có những thứ, Mạnh tưởng sẽ không còn trong guồng quay mà tiền quan trọng hơn tất cả. Nhưng Mạnh đã sai, Mạnh đã được thấy, ở đâu đó vẫn còn tình thương giữa người với người, sự sẻ chia, đùm bọc, có những việc làm tốt lặng lẽ chẳng phô trương. Qua mạng xã hội và báo chí, Mạnh cũng đã đọc được rất nhiều những câu chuyện cảm động trong đại dịch như câu chuyện “đập heo” góp tiền chống dịch ủng hộ quỹ phòng chống Covid - 19 của các em học sinh. Số tiền các em ủng hộ là tiền tiết kiệm trong dịp tết và tiền được người thân khen thưởng vì có thành tích tốt trong học tập. Trong thời gian đang được nghỉ hè, nghe các phương tiện thông tin đại chúng nói về việc phòng, chống dịch còn nhiều khó khăn nên các em đã nảy sinh ý định sẽ ủng hộ bằng tiền tiết kiệm. Các em đã trao đổi với gia đình và được mọi người đồng ý. Các em nhỏ mà đã có tinh thần rất tốt. Mạnh cảm thấy ấm lòng và lạc quan hơn…

- Khi đất nước rơi vào khó khăn, sự đồng lòng là quan trọng nhất. Tiếng bác Cường cắt ngang dòng suy nghĩ của Mạnh.

- Vâng, cháu cũng nghĩ như bác ạ. Mạnh trả lời.

- Thế hệ các cháu cũng đang làm rất tốt. Đó là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam chúng ta cháu ạ. Ngày bác còn nhỏ, bác đã được nghe bố mẹ kể lại, năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, đặc biệt là những khó khăn về kinh tế, tài chính. Quốc khố gần như trống rỗng, kinh tế kiệt quệ, Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp, ngân quỹ Chính phủ chỉ vẻn vẹn có 1,25 triệu đồng Đông Dương, nhưng trong đó có tới 580 ngàn đồng rách nát đang chờ tiêu hủy, các khoản nợ của chính phủ bù nhìn, tay sai để lại lên đến 564 triệu đồng… Những khó khăn tài chính càng thêm chất chồng khi quân Tưởng ép chúng ta sử dụng tiền Quan kim, Quốc tệ. Đáp ứng đòi hỏi cấp bách của lịch sử, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra chủ trương tổ chức “Tuần lễ vàng” động viên Nhân dân tình nguyện ủng hộ xây dựng “Quỹ độc lập”. Chỉ trong 1 tuần, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước đã ủng hộ cho “Quỹ độc lập” khá nhiều vàng, bạc, tiền Đông Dương. Ở nơi cực Bắc của Tổ quốc, vua Mèo Vương Chí Xình (Đồng Văn, Hà Giang) đã ủng hộ 9 cân vàng và 2,2 triệu đồng bạc trắng. Tại cố đô Huế, Nam Phương Hoàng Hậu (Vợ của cựu hoàng Bảo Đại - khi đó là cố vấn Vĩnh Thuỵ) đã ủng hộ hàng chục chiếc nhẫn, hoa tai, vòng vàng quý, nêu gương cho Nhân dân Huế ủng hộ 420 lạng vàng. Bà Thềm, công chúa Chăm (Ninh Thuận) ủng hộ 1 mũ vàng, 1 quả na, 1 quả khế, 1 nải chuối vàng và cả chiếc mục vàng của dòng họ vua Chăm... “Tuần lễ vàng” đã nhận được sự ủng hộ sôi nổi trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Không chỉ có người giàu mà gần như mỗi gia đình dù ít, dù nhiều cũng tham gia ủng hộ xây dựng “Quỹ độc lập”, người đôi bông tai, nhà 1-2 con bò… Bác nhớ con số quyên góp được là 20 triệu tiền đồng và 370 kg vàng cơ đấy. Truyền thống ấy càng tỏa sáng mỗi khi đất nước chúng ta gặp khó khăn như chiến tranh, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh… Trong cuộc chiến chống Covid-19, sự đồng lòng của Nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên. Bác mong các cháu tiếp tục phát huy truyền thống này nhé.

- Dạ bác. Gần đây, cháu xem trên ti vi cập nhật liên tục số tiền ủng hộ “Qũy vắc xin” phòng chống Covid – 19, số tiền đang ngày càng tăng thêm bác ạ. Cháu cũng đã tự nguyện chuyển qua tài khoản của quỹ rồi. Câu lạc bộ của chúng cháu vẫn tiếp tục nhận được tiền quyên góp của các thành viên và một số mạnh thường quân, cháu sẽ đem lên quỹ phòng chống dịch Covid – 19 của thành phố ủng hộ. Mong giặc này nhanh qua để bác cháu mình được nhìn mặt nhau nói chuyện, không phải nhìn qua lớp khẩu trang và đứng cách xa thế này nữa ạ.

ADQuảng cáo

- Cậu đúng thế hệ 4.0 có khác nhỉ. Nhanh nhẹn lắm.

- Có gì đâu bác. Bác và mọi người ở chốt cũng giữ gìn sức khỏe, giữ bình yên cho mọi người ạ. Cháu nghe nói làm nhiệm vụ ở đây cũng gặp nhiều phiền toái lắm phải không bác. Nhiều người dân vẫn còn chủ quan, lơ là dịch bệnh khiến các bác vất vả.

- Ừ, làm gì, ở đâu cũng phải có khó khăn, nhưng không có chuyện gì là không giải quyết được cháu ạ. Đấy lại một trường hợp ra đường không có lý do chính đáng rồi kia. Nói xong, ông Cường vội vàng bước về phía bàn làm việc.

- Bác Cường ơi, chú này không đeo khẩu trang, đi men theo bờ hồ trốn chốt kiếm soát để lên phía trên chợ. May mà người dân thấy gọi điện báo cáo công an rồi dẫn về đây khai báo y tế chú ạ. Lan, đoàn viên thanh niên tham gia trực chốt báo cáo với ông Cường.

Ông Cường nhìn khuôn mặt đỏ gay thì nhận ra Hòa, người có tiếng ở tổ dân phố hay rượu chè.

- Cậu Hòa đi đâu mà lại trốn chốt kiểm dịch. Thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16, người dân ra đường phải có lý do chính đáng. Cậu chắc hẳn không có lý do chính đáng gì mà lại còn trốn tránh chốt kiểm dịch. Cậu sẽ bị phạt. Ông Cường nghiêm khắc.

- Phạt cái gì mà phạt, tôi chẳng cần đếch lý do gì cả. Tôi không cần gì phải đeo khẩu trang. Tôi uống rượu, vi rút chết hết rồi. Hòa lè nhè trả lời ông.

- Cậu nói như vậy không được. Khi ra nơi công cộng mọi người dân đều bắt buộc phải đeo khẩu trang. Đang trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, mỗi người dân cần nêu cao ý thức. Cậu phạm 2 tội là không đeo khẩu trang và ra ngoài đường không có lý do.

- Tôi không có lỗi gì cả, ai dám xử phạt tôi nào, ông dám ư? Vừa dứt lời, Hòa nhặt nửa viên gạch ném về phía ông Cường. May mà ông né kịp, viên gạch chỉ sượt qua vai.

- Bác Cường, bác có sao không ạ? Mạnh hốt hoảng.

- Bác không sao, chuyện chống đối và có những lời khó nghe, các bác đã gặp rồi. Người dân mình, nhiều người chấp hành tốt lắm nhưng đôi khi cũng gặp trường hợp như vậy.

Thấy có gây rối, công an phường đã mời Hòa về trụ sở làm việc. Chốt tạm thời yên ắng. Cũng vừa lúc đến giờ ăn trưa, đường sá vắng tanh không bóng người qua lại. Từng người ăn vội phần cơm vừa được các cô giáo thuộc phòng giáo dục của thành phố nấu miễn phí phát phục vụ các chốt làm nhiệm vụ.

Mạnh đã từng thấy các tình nguyện viên với chiếc xe gắn máy, không kể nắng mưa thất thường, đi khắp các ngả đường chuyển những phần cơm nghĩa tình làm ấm lòng những người ngày đêm cùng cả nước đẩy lùi dịch Covid – 19. Mạnh xin phép mọi người ra về, trong lòng tràn ngập niềm tin, vừa đi, vừa hát “Kẻ thù nào ta không chiến thắng/Triệu người ngày đêm đang cố gắng/Một vòng tay nối trọn Việt Nam/Việt Nam hỡi, Việt Nam ơi, cùng đoàn kết đánh bay corona…”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyện ngắn: Tiếp nối truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO