Khi khấm khá phải biết hỗ trợ, giúp đỡ người khó khăn hơn!

Thanh Nga| 21/05/2019 09:52

Chị Lê Thị Nhường ở thôn Sơn Thượng, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của xã. Với bản tính cần cù, chịu khó, ham tìm tòi, học hỏi, chuyện làm kinh tế của chị ngày càng hiệu quả, không những xóa được nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

ADQuảng cáo

Chị Lê Thị Nhường (bên trái) luôn tìm tòi hướng phát triển kinh tế và gắn bó mật thiết với nông dân

Năm 1987, chị Nhường từ quê hương Hà Tĩnh cùng gia đình vào lập nghiệp tại xã Đắk Gằn với vốn liếng ít ỏi, chỉ mua được ít đất để gọi là “cắm dùi”. Nhưng rồi, vừa chăm chỉ làm rẫy vừa mua bán nông sản, dần dần kinh tế gia đình phát triển và đến năm 2003 mở đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản.

Chị Nhường chia sẻ: “Trong quá trình lao động, gia đình tích góp có được 4 ha đất rẫy và phát triển sản xuất bằng cách lấy ngắn nuôi dài. Tôi được Hội nông dân xã tạo điều kiện vay vốn để khởi sự ban đầu, sau đó tích lũy dần và khi có nguồn vốn kha khá thì mở đại lý, phát triển kinh doanh. Tôi còn liên kết với công ty có uy tín để chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư vật tư nông nghiệp cho nông dân để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đại lý còn tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với phương châm đôi bên cùng có lợi”.

Theo chị Nhường, hiện nay, đại lý của chị có trên 1.500 hộ nông dân là bạn hàng thân thiết. Để có nguồn vật tư nông nghiệp ổn định, bảo đảm chất lượng, chị chọn những công ty, doanh nghiệp có sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Nông dân có vật tư chất lượng đầu tư cho sản xuất thì đại lý cũng mua được sản phẩm tốt cung ứng cho đối tác.

ADQuảng cáo

Hàng năm, chị Nhường tạo việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng. Doanh thu mỗi năm của gia đình đạt hàng tỷ đồng, nộp thuế trên 200 triệu đồng. Trên địa bàn xã Đắk Gằn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn. Giai đoạn 2013-2018, chị Nhường hỗ trợ 54 hộ khó khăn, hộ neo đơn vay vốn phát triển sản xuất từ 10-20 triệu đồng không lấy lãi. Một số hộ đời sống quá khó khăn thì chị sẵn sàng xóa nợ.  

Bên cạnh đó, chị còn cho trên 1.500 hộ vay vật tư không tính lãi với trên 2.000 tấn phân bón các loại, trị giá trên 20 tỷ đồng để đầu tư cho sản xuất. Chị còn phối hợp với cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp tổ chức 12 buổi tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng với trên 1.500 lượt hội viên, nông dân tham gia. Chị cũng tích cực tham gia công tác đền ơn, đáp nghĩa đã đóng góp, ủng hộ trên 200 triệu đồng cho các hoạt động từ thiện xã hội ở địa phương.

Là nông dân năng động, có kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, chị Nhường luôn tìm tòi hướng đi mới để phát triển kinh tế. Cuối tháng 4 vừa qua, chị Nhường bắt tay thử nghiệm chế biến cà phê bột nguyên chất để cung ứng thị trường.

Chị Nhường chia sẻ: “Làm nông nghiệp bên cạnh sản xuất ra sản phẩm sạch thì cần hướng tới chế biến mới nâng cao hiệu quả kinh tế. Xuất phát từ nhu cầu của thị trường về sản phẩm cà phê bột có chất lượng cao, tôi đang thí điểm và hy vọng thành công. Bên cạnh đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản, khi mình khó khăn thì được đoàn thể, bà con giúp đỡ, nên khi khấm khá phải biết hỗ trợ, giúp đỡ người khó khăn hơn, thế mới tròn đạo lý ở đời”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi khấm khá phải biết hỗ trợ, giúp đỡ người khó khăn hơn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO