Luôn nhủ lòng phải cố gắng hơn để bám trường, bám lớp!

Nguyễn Hiền| 18/11/2019 09:47

Giáo viên ở các trường thuộc vùng sâu, vùng xa vẫn luôn thiệt thòi hơn ở các vùng trung tâm về nhu cầu hưởng thụ đời sống vật chất và tinh thần. Đặc biệt, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của cán bộ, giáo viên còn rất tạm bợ, thiếu thốn nhưng trên hết vẫn là tấm lòng vì học sinh thân yêu.

ADQuảng cáo

Nơi ở tạm bợ

Điểm trường Đắk Snao 1 của Trường mầm non Hoa Pơ Lang ở xã Đắk R’măng (Đắk Glong) nằm lọt trong vùng rừng núi - nơi định cư của đồng bào Mông từ nhiều năm qua. Nơi vùng đất nghèo khó ấy, điểm trường như một niềm hy vọng của con em nơi đây về một tương lai không bị “đói chữ” như bố mẹ chúng. Hy vọng ấy được đồng bào gửi trọn ở những cô giáo trẻ.

Khu nhà công vụ của giáo viên tại điểm trường Đắk Snao 1, xã Đắk R'măng đã xuống cấp

Trách nhiệm lớn lao là thế, nhưng điều kiện ăn ở của những giáo viên nơi đây lại rất tạm bợ. Dãy nhà nội trú có 5 phòng đã cũ kỹ, mỗi phòng chỉ khoảng 9m2 là nơi sinh hoạt nhiều năm nay của 5 gia đình giáo viên trẻ. Cô giáo Ngô Thị Thanh có một con nhỏ, phải nhờ bà nội đến ở trông cháu. Vậy là phòng ở vốn đã hẹp lại càng thêm chật chội. Căn phòng chỉ đủ kê một chiếc giường, một tủ quần áo, một chiếc võng và một lối đi lại vừa đủ chỗ trải thêm một tấm nệm để ngủ buổi tối.

Theo cô giáo Thanh, khi đến ở, các cô giáo làm thêm một chái bếp phía sau để nấu ăn, giặt giũ. Vậy mà khu nhà bếp tạm bợ đó gần như đã gãy hết ván lát, để lộ những hố sâu, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Cô Thanh tâm sự: Tôi cũng nhiều lần sửa lại nhưng vì quá cũ nên ngày càng hư hỏng nhiều. Trước đây đi dạy còn có lương, từ khi bị cắt hợp đồng thì không còn được chi trả lương nữa nên kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào thu nhập đi làm thuê của chồng. Vừa nuôi mẹ vừa con nhỏ, đủ thứ chi phí hàng ngày nên gia đình không có khả năng để sửa lại cho tươm tất. Hầu hết các gia đình giáo viên ở đây đều như vậy nhiều năm nay.

Cả gia đình giáo viên sinh hoạt trong phòng chỉ 9 m2 ở điểm trường Đắk Snao 1, xã Đắk R'măng

ADQuảng cáo

Vẫn kiên trì bám lớp

Bốn thầy, cô giáo ở điểm trường bản Đoàn Kết thuộc Trường tiểu học Vừ A Dính, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) cũng gặp rất khó khăn. Hàng ngày phải vượt chặng đường bùn lầy để đến lớp, giáo viên tại điểm trường còn sống trong điều kiện khó khăn, tạm bợ. Nơi ở của giáo viên là các phòng cấp 4 phủ màu đất đỏ nhưng cũng chỉ đủ để kê các vật dụng cần thiết và một chiếc bàn cũ để soạn giáo án.

Khu nhà bếp được làm bằng bạt của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà ở điểm trường bản Đoàn Kết, xã Đắk Ngo

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên tại điểm trường mở cánh cửa gọi là nhà bếp nhưng chỉ được thưng bằng mấy tấm gỗ và bạt màu xanh. Mặc dù đã được bày gọn gàng nhưng nền đất và tường bao bằng bạt cũng không che hết được sự tạm bợ. Phía sau ngay nhà bếp là phòng tắm và nhà vệ sinh cũng được che chắn xung quanh bằng những tấm bạt cũ mà người dân thường dùng hái cà phê.

Cô giáo Hà tâm sự: Vì nhà xa, đường đi lại khó khăn nên gần như giáo viên phải ở lại, ít khi được về nhà. Mỗi năm tôi chỉ về nhà một lần, vào mùa mưa thì gần như không về được mà phải cắm bản. Đối với giáo viên nữ thì lại càng vất vả hơn nhiều. Vì phần lớn là học sinh dân tộc thiểu số nên quá trình dạy giáo viên cũng rất khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, nhất là đối với khối lớp 1. Đi chợ cũng rất xa và khó mua thực phẩm nên giáo viên ở đây có thói quen tích trữ mì gói, cá khô... Nhiều khi thấy cũng tủi thân vì tuổi thanh xuân gần như dành phần lớn ở nơi đây. Nhưng cứ nghĩ đến những ánh mắt ngây thơ của học trò, tôi và các đồng nghiệp lại luôn nhủ lòng phải cố gắng hơn để bám trường, bám lớp!

Dù muôn vàn khó khăn, giáo viên điểm trường bản Đoàn Kết, xã Đắk Ngo vẫn kiên trì bám trường, bám lớp

Có thể nói, trong điều kiện khó khăn chung, hiện nay tại nhiều điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, giáo viên đều sinh hoạt trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn, tạm bợ. Khó khăn là vậy nhưng phần lớn giáo viên vì yêu nghề, mến trẻ vẫn kiên trì bám trường, bám lớp. Vì vậy, việc thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên về tinh thần của ngành Giáo dục các cấp là điều cần thiết để tiếp thêm động lực, nhiệt huyết cho giáo viên nơi vùng sâu, vùng xa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luôn nhủ lòng phải cố gắng hơn để bám trường, bám lớp!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO