“Phiên chợ không đồng” ấm lòng người nghèo vùng sâu

Phạm Khánh| 01/10/2019 09:33

Chỉ cầm phiếu trên tay, người dân nghèo ở một số vùng sâu, vùng xa mua được các vật dụng, thực phẩm mình mong muốn mà không cần bỏ tiền. Hình thức trao quà bằng cách tổ chức những “phiên chợ không đồng” đã giúp người nghèo ấm lòng hơn, vơi bớt những vất vả lo toan trong cuộc sống.

ADQuảng cáo

Đi “chợ” bằng 5 tờ phiếu

Gia đình anh K’Mát ở thôn 2, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) đi “phiên chợ không đồng” với trên tay cầm 5 tờ phiếu bằng giấy có các màu khác nhau. Phiếu màu đỏ, anh được “mua” quần áo; màu xanh được khám bệnh; màu tím được mì tôm, đường sữa, bánh kẹo; màu vàng là gạo, mắm muối; màu trắng là chiếc xe đạp. Mỗi phiếu như vậy, anh không phải bỏ ra một đồng nào để mua, đó là do đơn vị trao quà phát trước đó cho anh. Đến với những “phiên chợ không đồng”, anh chỉ cần đưa phiếu ra cho những người phụ trách là chọn được những thứ đồ mình mong muốn.

Con của anh K’Mát ở thôn 2, được các bác sĩ khám, chữa bệnh miễn phí từ "Phiên chợ không đồng"

Hôm nay, với một phiếu màu đỏ, anh chọn được 5 bộ quần áo vừa kích cỡ cho vợ, mấy đứa con và bản thân. Anh lần lượt đến điểm khám bệnh, chìa phiếu ra, những người trong gia đình được kiểm tra sức khỏe, khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí. Sau khi khám bệnh, cả gia đình anh lại cầm phiếu đến từng địa điểm lấy 10 kg gạo, mì tôm, đường sữa, bánh kẹo và mắm muối, chiếc xe đạp cho con đi học. Kết thúc buổi đi “chợ”, gia đình anh có đầy đủ các thứ cần thiết, vừa ý và vui vẻ ra về.

Anh K’Mát cho biết: “Hôm nay không cần tiền mà gia đình mình vẫn có những thứ vật dụng, thực phẩm vừa ý. Nếu ra những điểm mua sắm tương tự chắc chắn vợ chồng mình ít nhất cũng phải tốn vài triệu đồng chứ không hề ít. Mình rất biết ơn những nhà tài trợ đến tặng quà bằng cách này, giúp cho những gia đình nghèo giải quyết được một số khó khăn, vất vả”.

Còn H’Dơi ở thôn 3 cũng cho hay: “Trước đây, cũng có những đoàn từ thiện đến tặng quần áo, nhưng thường gói sẵn nên khi mang về nhà, cái thì rộng, cái thì chật, nên không dùng được. Lâu nay, gia đình có ý định mua cho con một cái xe đạp để khỏi đi bộ đến trường, nhưng không có điều kiện, nay được tặng, mình rất phấn khởi. Vui hơn nữa, được các bác sĩ khám, được cấp thuốc miễn phí, mình biết rõ được tình hình sức khỏe bệnh tật, để chăm sóc bản thân”.

Đó cũng là niềm vui chung của nhiều bà con ở xã Đắk R’măng khi được tham gia “Phiên chợ không đồng” do Trung tâm Phát triển khoa học & Công nghệ trẻ Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức ở xã Đắk R’măng mới đây. Những đợt tặng quà được tổ chức theo hình thức phiên chợ thật sự đã tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân khi tham gia. Những món quà dù nhiều hay ít, đều thể hiện tình yêu thương, sự chia sẻ những vất vả cuộc sống của những người dân ở mọi miền đất nước dành cho người dân nghèo ở Đắk Nông. Và hơn thế, người được nhận quà có thêm động lực, quyết tâm phát triển kinh tế, làm giàu cho chính bản thân, thoát khỏi đói nghèo.

ADQuảng cáo

Chỉ cần có phiếu, chị H’Dơi có được gạo, mì tôm, dầu ăn và các nhu yếu phẩm khác

Điều hạnh phúc nhất là thấy bà con phấn khởi

Để tổ chức một “phiên chợ không đồng” cho người dân nghèo tại một xã như Đắk R’măng là không hề đơn giản. Đơn vị tổ chức phải chọn địa điểm, cử người lên khảo sát địa hình, lấy thông tin về số hộ nghèo, chụp ảnh, quay phim về đời sống vất vả của người dân. Sau đó, họ lên kế hoạch chi tiết tổ chức các hoạt động, dự kiến thời gian, phần quà, đối tượng cần giúp đỡ. Bởi một lẽ, những hình ảnh, kế hoạch, hình thức tổ chức, đối tượng nhận chính là cơ sở để các đơn vị huy động được kinh phí tài trợ của các tổ chức, cá nhân, chứ không hề đơn giản đến xin là được.

Sau khi hoàn thành những phần công việc trên, đơn vị tổ chức huy động hàng chục, thậm chí hàng trăm người tham gia để dăng tải trên mạng xã hội, đến trực tiếp kêu gọi hỗ trợ tiền bạc, quà tặng. Việc tổ chức một phiên chợ không đồng mang tính quy mô lớn, kinh phí nhiều nên phải kêu gọi sự ủng hộ của rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân. Thời gian huy động tiền có khi phải vài tháng mới đủ kinh phí.

Sau khi tìm hiểu thực tế, đơn vị chọn Đắk R’măng để phối hợp với địa phương tổ chức vì nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đợt tổ chức lần này, kinh phí mà Trung tâm huy động mua quà tặng cho người dân là hơn 500 triệu đồng. Còn công sức, tiền bạc thuê xe đi lại là do Trung tâm huy động đội ngũ y, bác sĩ của các bệnh viện, sinh viên các trường đại học tham gia, cũng như tự bỏ tiền để lo liệu. Điều hạnh phúc nhất của đơn vị, các thành viên tham gia là thấy bà con vui, phấn khởi, ưng ý với những món quà được tặng.

Ông Trần Đức Sự, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học & Công nghệ trẻ Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh

Đối với những doanh nghiệp cho quà như mì tôm, gạo, bánh kẹo, đường sữa, người huy động lại phải thuê xe, chở về tập kết, rồi gói từng phần quà đầy đủ mọi thứ. Công đoạn này phải có rất nhiều người tham gia, và cũng phải mất hàng tuần mới xong. Còn quà tặng là quần áo, lại càng mất nhiều thời gian hơn cho đơn vị tổ chức. Ngoài thời gian gom quần áo, các thành viên lại phải phân loại cũ, mới, những đồ bị đứt chỉ, khuy, nút, khóa bị hư hỏng cần phải may lại lành lặn, hoặc thay thế. Sau những công việc này, các thành viên lại phải giặt giũ cho sạch, rồi phân loại từng kích cỡ để người dân chọn được dễ dàng.

Chị Nguyễn Thị Hạnh Hoa, thành viên đoàn từ thiện cho biết: “Mỗi lần tổ chức tặng quà theo hình thức này, chúng tôi gom góp được hàng nghìn bộ quần áo cũ có, mới có, nên buộc phải phận loại, giặt giũ, tẩy trắng các vết ố. Những lần như vậy, ít nhất 30 bạn cùng tham gia, mỗi người một công việc cụ thể mới bắt kịp được thời gian, đáp ứng được tiến độ. Ở thành phố mặt bằng hẹp nên việc phơi quần áo gặp khó khăn, nếu phơi không khô, quần áo dễ bị mốc, nhất là áo màu trắng”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Phiên chợ không đồng” ấm lòng người nghèo vùng sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO