“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!”

Nguyễn Hiền| 08/04/2019 08:44

Trên sân khấu là hơn 10 bạn học sinh vừa bước lên để nhận quà của nhà tài trợ thì tiếng nhạc cũng vang lên du dương, cả sân trường đồng thanh hòa chung lời ca: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”.

ADQuảng cáo

Không gian sân trường trầm hẳn xuống, chỉ nghe tiếng nhạc như tiếng lòng của mỗi học sinh đang cất lên, chia sẻ với những người bạn của mình. Vài bạn giơ tay gạt giọt nước mắt đang lăn xuống trên gò má. Đó là hình ảnh hết sức xúc động tại Chương trình tặng xe đạp “Tiếp bước chân em đến trường” do Hội từ thiện Hà Nội tài trợ được tổ chức tại Trường THCS Trần Phú ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) mới đây.

Mỗi chiếc xe đạp được trao tặng đã giúp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn rút ngắn được khoảng cách đến trường

Trong dịp này, 100 học sinh của thị xã Gia Nghĩa và các huyện Tuy Đức, Krông Nô đã được nhận mỗi em một chiếc xe đạp. Đó là cả ước mơ của mỗi em bấy lâu nay, bởi các em đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; có em phải đi bộ cả gần chục cây số để đến trường; có em đã từng có ý định bỏ học vì đường đến trường quá xa.

Để có những suất học bổng hay chiếc xe đạp “tiếp bước chân em đến trường”, các đơn vị như Phòng Giáo dục-Đào tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Gia Nghĩa đã có nhiều nỗ lực trong việc kêu gọi, kết nối với các nhà tài trợ.

ADQuảng cáo

Bà Trần Thị Tâm, thành viên của Hội từ thiện Hà Nội tâm sự: “Biết được học sinh ở Đắk Nông khó khăn, nhiều em phải nghỉ học giữa chừng nên lần này đoàn chúng tôi quyết định về đây, mong góp một phần giúp cho các em rút ngắn khoảng cách đến trường. Khi chia sẻ, cho đi, chúng tôi được nhận lại rất nhiều, đó là cảm giác hạnh phúc vì biết việc làm của mình thật sự có ý nghĩa với các em”. 

Việc tổ chức chương trình kêu gọi giúp đỡ học sinh mắc bệnh hiểm nghèo tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) vào đầu năm học vừa qua cũng đã lan tỏa được tình yêu thương và chia sẻ của nhiều tấm lòng. Điều đọng lại trong lòng mọi người nhất chính là những giọt nước mắt pha lẫn niềm vui, hạnh phúc của những phụ huynh, học sinh mắc bệnh hiểm nghèo. Số tiền được hỗ trợ rất ý nghĩa với mỗi em nhưng hơn trên hết là cảm giác nhận được sự yêu thương, quan tâm của thầy cô, bạn bè và cộng đồng để có động lực tiếp tục vươn lên.

Niềm xúc động của cả người nhận và người trao tặng làm tôi nhớ đến rất nhiều hoạt động ý nghĩa khác của cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục. Điển hình như bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Gia Nghĩa từng tự bỏ tiền để mua bảo hiểm y tế cho học sinh nghèo. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trường mầm non Hoa Hồng ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) mở lớp dạy miễn phí cho trẻ chuyên biệt. Cô giáo Huỳnh Thị Thùy Dung, Trường tiểu học Võ Thị Sáu ở xã Đắk Nang (Krông Nô) tổ chức kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ học sinh nghèo đến trường, từ quần áo, sách vở, bút mực đến các bữa ăn, xây dựng nhà bếp, tặng xe đạp...

Theo thống kê của ngành Giáo dục, khác với những năm trước, gần đây, tỷ lệ học sinh nghỉ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn rất ít. Một trong những điều làm nên kết quả đó phải kể đến việc quan tâm, hỗ trợ kịp thời của giáo viên, nhà trường, các tổ chức, ban ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Hầu hết các trường đều có những hoạt động thiết thực, hỗ trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học do hoàn cảnh khó khăn.

Tôi còn nhớ mãi tâm sự của bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Gia Nghĩa: “Dạy học không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng mà còn giúp học sinh có tấm lòng nhân hậu, sống biết chia sẻ. Và từ những hoạt động từ thiện, trao học bổng, nuôi heo đất... chính là cách giáo dục trẻ gần nhất, thiết thực nhất. Cũng nhờ được hỗ trợ, nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã có thêm động lực đến trường và học tập tốt hơn”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO