Trường Xuân, người dân đóng góp công của làm cầu kiên cố

Phạm Khánh| 22/04/2019 09:29

Không ít lần có người bị rơi xuống suối mỗi lần đi qua cầu tạm, mới đây, các hộ dân tại thôn 6, xã Trường Xuân (Đắk Song) đã tự nguyện đóng góp công của để xây dựng cây cầu bằng sắt, bảo đảm an toàn, thuận tiện trong đi lại, vận chuyển nông sản.

ADQuảng cáo

Cầu thôn 6, xã Trường Xuân được làm từ kinh phí, ngày công do người dân tự nguyện đóng góp

Trước đây, cầu tạm bắc qua suối ở thôn 6 được làm bằng gỗ phục vụ cho 20 gia đình đang sinh sống và 10 hộ dân có đất canh tác thường xuyên đi lại. Cứ mỗi mùa mưa, nước dâng cao, chảy xiết, cầu lại bị cuốn trôi. Mỗi lần cầu gặp sự cố, hoạt động sản xuất cũng bị ngưng trệ, nhiều em học sinh bậc tiểu học cũng phải nghỉ học 4-5 ngày. Bởi, phải chờ nước rút, người dân mới sửa chữa, khắc phục, khi đó mới đi được.

Ngoài những lần bị nước cuốn trôi, do lâu ngày, ván gỗ bị mục ruỗng, rất nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Có lần, một người dân trong thôn khi đang chở cà phê qua cầu, ván gỗ gãy nên cả xe và người rơi xuống suối. Nguy hiểm nhất, cầu không có lan can bảo vệ, có trường hợp khi lên cầu, trả về số 1, ga mạnh, tay lái mất thăng bằng, cả xe và người đều rơi xuống dòng nước đang chảy mạnh. Rất may, những vụ tai nạn đều được người dân phát hiện, kịp thời cứu vớt nên không thiệt hại về người.

Chị Lê Thị Hải, một người dân trong thôn cho hay: “Mỗi khi đi qua cầu, nhất là vào mùa mưa, người dân rất bất an, lo lắng, bởi đã xảy ra các vụ tai nạn. Hơn thế, cầu không chắc chắn gây rất nhiều cản trở trong việc đi lại, vận chuyển nông sản, tình trạng này kéo dài hơn 20 năm nay rồi”.

ADQuảng cáo

Khi thấy những mối nguy từ chiếc cầu, nỗi lo nơm nớp của người dân mỗi khi lưu thông, 10 hộ dân sống tại địa bàn đã tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công để làm lại chiếc cầu bằng sắt. Vì kinh phí ít ỏi, không có điều kiện thuê kỹ sư thiết kế, nên bà con phải tự tìm hiểu từ những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực làm cầu đường, làm sao cho cầu bảo đảm độ an toàn.

Sau khi tìm hiểu về kỹ thuật, các hộ dân lên kế hoạch, dự trù kinh phí khoảng 80 triệu đồng mua vật liệu để thi công. Cây cầu có độ dài hơn 15 m, rộng 1,5 m chủ yếu được làm bằng thép không rỉ. Phía 2 đầu mố cầu đều được đổ bê tông, cốt thép, ở giữa được đóng 2 trụ thép với độ sâu hơn 4 m và đế cầu được đổ bê tông bằng xi măng chuyên dụng trong môi trường ngập nước.

Anh Đào Quốc Lâm cho biết: “Khi làm, bà con trong thôn ai cũng nhiệt tình. Mọi người đều thống nhất phương châm người có của, kẻ có công, không so đo tính toán thiệt hơn, bởi nhiều gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn”.

Anh Nguyễn Trọng Hãnh cũng bày tỏ: “Cái quan trọng nhất, từ khi cầu được làm xong, mọi người đều vui vẻ, phấn khởi, an tâm và đoàn kết hơn. Cầu được làm vững chắc, kiên cố, có hành lang bảo vệ nên bà con yên tâm, thoải mái vận chuyển nông sản, không phải lo lắng sập cầu như trước đây. Đồng thời, nhiều cháu nhỏ không phải nghỉ học gián đoạn vào mùa mưa, mỗi khi cầu sập”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Xuân, người dân đóng góp công của làm cầu kiên cố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO