Bà lang người Thái chữa bệnh cứu người

Phan Tuấn| 27/02/2017 09:59

Bằng bài thuốc Nam gia truyền, bà Lò Thị Tiếng, dân tộc Thái, ở thôn Đắk Tân, xã Nam Xuân (Krông Nô) đã cứu sống nhiều bệnh nhân bị bỏng và ngộ độc thuốc trừ sâu. Điều đáng nói hơn, bài thuốc gia truyền và việc trị bệnh của bà đã được ngành chức năng công nhận, cấp phép.

ADQuảng cáo

Bà Tiếng (bên phải) tự tay lựa chọn các loại thảo dược để chữa bệnh cho người dân

Nghề gia truyền

Vào một buổi chiều muộn, chúng tôi băng qua những cánh đồng, ngọn đồi hoang vu tìm đến được nhà bà Tiếng. Càng đến gần nhà, chúng tôi nghe thấy tiếng nhiều người cười nói râm ran. Trước sân, một nhóm người đang tập trung chặt nhỏ các thân cây. Phía sau là dãy nhà cấp 4 là nơi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân của bà Tiếng. Qua quan sát, khoảng 30 giường bệnh trong nhà đều có bệnh nhân nằm điều trị.

Trò chuyện với bà Tiếng, chúng tôi được biết, quê bà ở xã Yên Khương, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa). Năm 1997, bà cùng chồng con di cư vào huyện Krông Nô lập nghiệp. Do được tiếp xúc, học nghề bốc thuốc Nam từ người cha là một lương y có tiếng, nên khi tới Đắk Nông, bà mở cơ sở hành nghề khám chữa bệnh từ đó cho đến nay.

Trong cuộc đời làm nghề, bà Tiếng không nhớ nổi đã cứu sống được bao nhiêu người. Tuy nhiên, người mà bà Tiếng ấn tượng nhất là chị Đinh Thị Ph. một người dân ở cùng thôn. Ngày đó, trong cơn giận dữ người chồng suốt ngày say xỉn, không đoái hoài gì đến gia đình, chị Ph. đã “mất khôn” uống nguyên chai thuốc trừ sâu để tìm đến cái chết. Người nhà đã mang chị Ph. ra bệnh viện huyện súc ruột, tạm thời thoát khỏi cơn mê man bất tỉnh, nhưng thể trạng vẫn bị kiệt quệ, miệng thâm đen lở loét, da dẻ xanh xao...

Sau 1 tuần điều trị, nhưng sức khỏe chị Ph. vẫn không được cải thiện, bệnh viện  thông báo với người nhà là nên đưa chị về nhà và sớm lo hậu sự. Ngày đưa chị về nhà, bà con hàng xóm đến rất đông để thăm chị Ph. như để từ biệt chị lần cuối, trong số có cả bà Tiếng.

Tuy nhiên, khác với mọi người chỉ biết an ủi, chia buồn, bà Tiếng mạnh dạn bước lại bên chị Ph. và hỏi lớn "Mày còn muốn sống nữa không?". Thấy chị Ph. gật đầu, bà Tiếng chạy vội về nhà, rồi quay lại, mang theo nhiều đùm lá và sắc thuốc cho chị Ph. uống. Cứ uống vào, chị lại nôn hết mọi thứ trong người. Ngoài uống thuốc, bà Tiếng còn cho chị Ph. ngậm và đắp thuốc lên người. 10 ngày sau, miệng chị Ph. đã hết thâm, da dẻ hồng hào hẳn ra... và 1 tháng sau, chị Ph đã khỏe mạnh trở lại.

ADQuảng cáo

Từ "cõi chết trở về", chị Ph. được chồng con thương yêu, chia sẻ, cùng nhau vun đắp xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc. Mặc dù là người cứu mạng sống, nhưng bà Tiếng chỉ nhận của vợ chồng chị Ph. 1 con gà và lít rượu. Mang ơn cứu mạng của bà, vợ chồng chị Ph. đã nhận bà làm mẹ nuôi và gọi là “mẹ Tiếng”.

Theo người nhà của bà Tiếng thì căn nhà nhỏ của gia đình không lúc nào không có bệnh nhân nằm điều trị. Như dịp tết năm nay, có tới 7 gia đình nữa cùng ăn tết ở đây vì tình trạng bệnh nặng, không thể về nhà. Nhiều năm qua, câu chuyện về bà lang người dân tộc Thái cứu người và bài thuốc “cải tử hoàn sinh” đã được nhiều người biết đến.

Bà Tiếng cho biết: “Cha tôi có tài bốc thuốc, kết hợp nhiều loại cây trên núi với nhau và chữa lành được nhiều loại bệnh như: dạ dày, gai cột sống, viêm gan... Từ năm 12 tuổi, tôi đã mê mẩn các phương pháp cứu người của cha và tự nguyện theo ông lên núi hái thuốc về chữa bệnh cho dân làng. Lâu ngày, tôi cũng đã lĩnh hội được cách nhận diện các loại lá thuốc, biết được công dụng của từng loại để áp dụng chữa đúng bệnh”.

Được công nhận, cấp phép

Tiếng lành đồn xa, không chỉ có người dân quanh vùng mà người từ khắp các tỉnh, thành kéo đến nhờ bà chữa bệnh rất nhiều. Theo thống kê của gia đình, từ năm 1997 đến nay, bà lang Tiếng đã điều trị khoảng 8.000 bệnh nhân trên khắp mọi miền đất nước. Mừng nhất là phần lớn các bệnh nhân được bà Tiếng chữa trị thành công sau này đều sống khỏe mạnh, không để lại di chứng...

Nhiều ngày tá túc tại nhà bà Tiếng để chăm sóc chồng, chị Nguyễn Thị Đ. ở TP. Tuy Hòa  (Phú Yên) tâm sự: “Vì mâu thuẫn gia đình, chồng tôi quẫn bách nên uống thuốc trừ cỏ tự tử và đã nhập viện cấp cứu, nhưng bị trả về vì không còn khả năng cứu chữa. Nghe người mách bảo về bài thuốc của bà Tiếng nên tôi tức tốc bắt xe đưa chồng tìm đến với niềm hy vọng “còn nước, còn tát”. Sau hơn 10 ngày mê man bất tỉnh, hôm nay anh đã tỉnh táo, có thể tự mình vận động. Đến giờ phút này, tôi mới tin chồng mình đã được cứu sống”.

Liệu trình chữa trị của bà Tiếng kéo dài từ 1-4 tháng, với phương pháp điều trị chủ yếu là uống, ngậm, kết hợp đắp thuốc từ một số loại cây rừng. Điều cảm kích nhất là các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn khi đến đây đều được bà Tiếng điều trị hoàn toàn miễn phí. Cũng từ đó, chuyện bà lang người Thái cứu sống bệnh nhân khiến mọi người khâm phục.

Việc làm của bà Lò Thị Tiếng không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà còn góp phần lưu truyền, gìn giữ phương pháp khám, chữa bệnh cổ truyền. Trước những giá trị, lợi ích do hoạt động này mang lại, sau khi xem xét, thẩm định, ngày 7/7/2015, Sở Y tế đã chính thức đồng ý, cấp quyết định công nhận bài thuốc gia truyền và cho phép cơ sở chữa bệnh của bà Lò Thị Tiếng hoạt động. Theo đó, bà Tiếng được hành nghề khám, chữa bệnh y dược cổ truyền với hai bài thuốc nổi tiếng là “Hà châu thang” và “Hồ huyết thang” để điều trị cho những người bị bỏng và ngộ độc thuốc trừ sâu theo quy định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà lang người Thái chữa bệnh cứu người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO