Bài toán việc làm cho lao động hậu Covid-19 (kỳ 2): Sức ép giải quyết việc làm tại chỗ

Thanh Hằng| 05/10/2021 09:32

Trong bối cảnh địa phương chỉ giải quyết được một phần nhỏ công ăn việc làm tại chỗ, nhiều người lao động trên địa bàn tỉnh phải mày mò, tìm kiếm việc làm tại các tỉnh, thành phía Nam là điều không thể tránh khỏi.

ADQuảng cáo

Chật vật kiếm việc làm

Hai năm trước, bà Phạm Thị Đán ở thôn Nhà Đèn, xã Ea Pô (Cư Jút) bắt đầu công việc chăm sóc người già cho một gia đình tại TP. HCM. Công việc kéo dài gần 10 giờ mỗi ngày với mức lương 10 triệu đồng/tháng, nhưng số tiền bà Đán được lĩnh chỉ là 8 triệu đồng.

Bà Đán cho biết, sau khi con cái đã trưởng thành, bà nghĩ tới việc xuống TP. HCM để kiếm một công việc tự nuôi sống bản thân. Nhờ người quen giới thiệu, bà biết đến trung tâm môi giới việc làm, có trụ sở tại quận 10 (TP. HCM) và làm việc trong suốt 2 năm qua.

Nhiều lao động tự tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội do chưa tiếp cận được “kênh” thông tin chính thống

Mỗi lần nhận việc từ trung tâm, bà Đán lại tìm kiếm một căn nhà trọ gần nơi mình làm, để ở. Hàng tháng, chủ nhà sẽ trả lương cho bà thông qua trung tâm môi giới nhưng trung tâm này đều giữ lại 20% lương của bà, với lý do đó là tiền môi giới việc làm và tiền “giữ chân”.

“Suốt thời gian qua, chúng tôi chỉ giao nhận việc qua điện thoại chứ không ký hợp đồng lao động. Cũng vì không có hợp đồng lao động nên khi ốm đau, tôi phải tự bỏ tiền túi để đi bệnh viện. Lần này, dù biết tôi về quê tránh dịch nhưng họ quyết không trả số tiền lương còn lại. Gần một tháng cách ly, tôi phải liên tục gọi điện cho trung tâm trình bày hoàn cảnh của gia đình, họ mới trả được một ít”, bà Đán nói.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Dùng, ở thôn Tân Phú, xã Đắk R'moan (Gia Nghĩa) tự mình xuống TP.HCM để phụ việc cho một quán ăn. Sáu năm đi làm thuê ở thành phố lớn nhất nước nhưng chị Dùng chưa từng ký kết một bản hợp đồng lao động nào mà chỉ tự giao kết miệng với chủ quán.

Nói về lý do phải rời quê để đi làm thuê, chị Dùng cho biết, năm 2015, gia đình thuộc diện phải thu hồi đất để làm dự án. Cả nhà 4 người, trong đó có 2 đứa con nhỏ đang độ tuổi đi học, chị buộc phải tìm một công việc để nuôi con. Được một người quen ngoài quê Thanh Hóa giới thiệu, chị Dùng bắt đầu công việc phụ quán ăn từ đó đến nay.

“Công việc vất vả, mỗi ngày phải làm việc từ sáng sớm đến khi tối muộn, lương chỉ được 6 triệu đồng. Cũng vì ngày trước ít học, bây giờ chúng tôi chỉ biết làm những việc đơn giản như vậy. Bản thân tôi cũng muốn ở lại quê làm ăn, nhưng nếu không có nghề thì cũng chẳng ai nhận, chỉ trông chờ vào vài sào đất rẫy thì cả nhà 4 người không đủ sống”, chị Dùng nói.

Chia sẻ về nguyện vọng của mình, bà Đán và chị Dùng đều cho biết, hiện nay mong muốn duy nhất là tìm được một nghề nghiệp phù hợp ngay tại quê nhà. Tuy nhiên, bản thân họ lại không biết phải đến đâu để được hỗ trợ tìm việc.

Nhiều lao động phải tìm kiếm một việc làm tạm sau khi thất nghiệp

Kết nối việc làm còn ít

Mặc dù hiện nay, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có trung tâm hỗ trợ, giới thiệu việc làm dành cho nông dân, thanh niên hoặc phụ nữ, nhưng trên thực tế, phần lớn người lao động lại tìm được việc làm thông qua sự giới thiệu của người quen hoặc đơn vị môi giới.

ADQuảng cáo

Cũng vì lẽ đó, dù phải làm việc vất vả, với đồng lương ít ỏi nhưng những quyền lợi tối thiểu của người lao động lại không được đơn vị sử dụng lao động bảo đảm. Thậm chí, nhiều lao động phổ thông, lao động sinh sống khu vực nông thôn, vùng núi phải trả tiền để có được một công việc như mong muốn.

Một phần nguyên nhân khiến người dân chưa tìm đến những địa chỉ cung ứng việc làm uy tín là vị trí địa lý cách trở, dẫn đến tình trạng thiếu thông tin về các tổ chức, đơn vị hỗ trợ việc làm. Tuy nhiên, phần lớn lại xuất phát từ tâm lý muốn có việc sớm hoặc bị vẽ vời về chế độ đãi ngộ hấp dẫn nên nhiều người chọn cách “đi đường tắt”.

Ông Bùi Ngọc Hoa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Nông cho biết, nhu cầu tìm việc làm của người lao động tại tỉnh khá lớn, đặc biệt là lao động nông thôn, học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Song thực trạng kết nối việc làm của tỉnh còn nhiều khó khăn và nhu cầu tuyển dụng lao động tại tỉnh cũng không lớn.

“Một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn, họ chỉ tuyển dụng những lao động đã qua đào tạo, trong khi đa số lao động của địa phương là lao động phổ thông. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, bình quân mỗi năm cũng chỉ tuyển dụng khoảng 500- 600 người, số còn lại được trung tâm giới thiệu việc làm hoặc tự đi tìm việc tại các tỉnh, thành khác”, ông Bùi Ngọc Hoa chia sẻ khái quát.

Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Nông, mỗi năm đơn vị tổ chức khoảng 20 phiên giao dịch việc làm xuống cơ sở. Tuy nhiên, các phiên giao dịch cũng phụ thuộc nhiều vào kinh phí của địa phương.

Để tiết kiệm chi phí, khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, Trung tâm cùng doanh nghiệp xuống cơ sở để trao đổi với người lao động. Thông qua hướng dẫn của Trung tâm, hai bên tự thỏa thuận để giao kết hợp đồng lao động.

Trong thời gian gần đây, lượng người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Nông giải quyết bảo hiểm thất nghiệp tăng cao

Sức ép lớn cho địa phương

Qua thống kê, rà soát sơ bộ, trong thời gian bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, có hơn 10.000 người lao động từ các tỉnh phía Nam trở về tỉnh Đắk Nông do mất việc hoặc nghỉ việc để phòng, chống dịch. Trong số này, nhiều nhất vẫn là lao động phổ thông, làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM. 

Từ đầu tháng 8 tới nay, mỗi ngày số lượng lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Nông giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng đáng kể. Bên cạnh việc giải quyết chế độ bảo hiểm, Trung tâm đều lưu lại thông tin của người lao động để phục vụ việc hỗ trợ tìm kiếm việc làm sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông thông tin thêm, hàng năm, nhu cầu giải quyết việc làm của tỉnh là khoảng 18.000 lượt lao động nhưng thực tế kinh tế - xã hội của tỉnh chỉ đáp ứng hơn 50%. Số còn lại đi làm việc ngoại tỉnh, tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hàng ngàn lao động phải trở về địa phương. Nhu cầu người lao động tìm kiếm việc làm có xu hướng gia tăng nhưng thị trường lao động của tỉnh hiện chỉ đáp ứng được một phần, gây sức ép không nhỏ cho địa phương trong công tác giải quyết việc làm trong thời gian tới.

“Để giúp những lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, ngoài sự hỗ trợ từ Nghị quyết 68/NQ-CP, các đơn vị khẩn trương rà soát, nắm bắt nhu cầu của họ. Trước mắt, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ sở, trung tâm việc làm, UBND các xã, thị trấn tổ chức các phiên tư vấn, giao dịch việc làm để hỗ trợ người lao động”, ông Trịnh Công Phái, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐTB-XH) cho hay.

>> Kỳ 3: Cần những giải pháp dài hơi

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài toán việc làm cho lao động hậu Covid-19 (kỳ 2): Sức ép giải quyết việc làm tại chỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO