Bạo lực gia đình gây tổn thương nặng nề

Bài, ảnh: Thanh Nga| 08/10/2018 09:40

Qua 10 năm triển khai thi hành luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cho thấy, mặc dù các cấp, các ngành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền và xử lý những trường hợp vi phạm nhưng xem ra BLGĐ vẫn là vấn đề khá nhức nhối, đang hiện hữu trong các gia đình.

ADQuảng cáo

Cán bộ tuyên truyền cho gia đình trẻ ở bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) hiểu quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình

Chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm"

Theo đánh giá, những con số thống kê nói trên thực ra chỉ là một "phần nổi trong tảng băng chìm”, bởi nhiều người bị bạo lực không mạnh dạn lên tiếng tố cáo người gây bạo lực. Tư tưởng này âm ỉ và người bị bạo lực phải chịu nhiều thiệt thòi.

Chị C (xin giấu tên) ở Gia Nghĩa, nhiều năm nay day dứt giữa việc ly hôn hay cứ tiếp tục phải chịu những trận đòn từ chồng và chưa một lần báo với chính quyền địa phương. Vốn là một phụ nữ chăm chỉ, giỏi giang trong việc làm ăn nhưng chị lại “bất lực” chịu cảnh thường xuyên bị chồng đánh đập. Con trai của chị hiện đang học tiểu học nhưng trở nên hoảng sợ khi nhiều lần chứng kiến bố quát tháo, đánh đập mẹ thâm mặt, chảy máu... Cháu sợ đến nỗi chỉ cần mỗi khi thấy bố về nhà, nồng nặc mùi rượu và quát tháo là chạy sang nhà hàng xóm trốn dù đó là buổi trưa hay buổi khuya.

Chị C tâm sự: "Nhiều lúc tôi cũng nghĩ đến việc ly hôn nhưng chưa “dứt" ra được vì thương các con phải chia cắt tình cảm anh em và nghĩ thiếu vắng tình cảm của bố hoặc mẹ. Tôi nhiều lần đã thuyết phục chồng nhưng nếu tình trạng kéo dài thì có lẽ bản thân cũng phải ly hôn".

Chị K ở một huyện tâm sự, nhiều lần bị chồng đánh đập, xúc phạm nhưng chưa một lần tố cáo lên các cấp, các ngành. Chị K kể:  "Lúc mới lập gia đình, chồng của tôi cũng chăm chỉ làm ăn nhưng khi có của ăn, của để thì sinh ra nhiều tật. Sau 5 năm chung sống, kinh tế vững vàng hơn thì chồng lại ham chơi bời, cờ bạc, bồ bịch, rượu chè nên thường xuyên đánh đập tôi. Tôi đã từng sống ly thân nhưng sau đó chồng hứa này hứa kia nên bỏ qua và cũng cần thêm thời gian để nhìn nhận về hôn nhân, nếu sửa được thì tốt còn không thì chắc cũng phải ly hôn".

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ nhưng chủ yếu do nhận thức của một bộ phận người dân về vị trí, vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc còn hạn chế. Vấn nạn BLGĐ diễn ra ở cả thành thị, nơi dân trí cao và cả ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cấp chính quyền một số địa phương đã có quan tâm nhưng chưa thực sự phát huy hết vai trò lãnh đạo, chưa chỉ đạo sâu sát, quyết liệt trong một số vấn đề như tảo hôn, ly hôn, sống thử, sống chung không kết hôn trên địa bàn…

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường nên giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới… đang có biểu hiện xuống cấp. Các loại tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu bia, mại dâm đang xâm nhập vào một số hộ gia đình cũng dẫn đến BLGĐ.

Nhiều vụ gây hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống BLGĐ. Qua đó, nhận thức của người dân được nâng lên, tình hình BLGĐ từng bước được kiềm chế.

Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra nhiều vụ BLGĐ gây hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng cả về vật chất lẫn tinh thần; có những vụ gây tàn phế, thậm chí là thiệt mạng. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm pháp luật về BLGĐ chủ yếu là nhắc nhở, góp ý tại cộng đồng, còn những vụ việc có tính chất nghiêm trọng mới xét xử hình sự.

Theo thống kê của Công an tỉnh, từ tháng 7/2008 đến hết tháng 5/2018, lực lượng công an tỉnh đã khởi tố điều tra, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân các cấp truy tố 23 vụ với 23 bị can liên quan đến BLGĐ; đồng thời xử lý hành chính 51 vụ, 60 người và chủ động phát hiện, hòa giải 14 vụ liên quan đến BLGĐ chưa đến mức phải xử lý hình sự. Hành vi BLGĐ bị xử lý chủ yếu là bạo lực về thể chất, ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, làm tổn thương tới sức khỏe, tính mạng. Nguyên nhân chủ yếu của BLGĐ là do mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày giữa các thành viên trong gia đình.

Thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh cho thấy, trong 10 năm qua, toàn tỉnh xảy ra 6.976 vụ án hôn nhân và gia đình do nguyên nhân từ BLGĐ; trong đó có 6.906 vụ ly hôn và 1.382 vụ ly hôn có nguyên nhân từ BLGĐ. Ngoài ra, hàng năm ngành y tế cũng khám, chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân bị BLGĐ chủ yếu là bạo lực tinh thần và bạo lực thân thể.

Từ những con số cho thấy, BLGĐ đã gây tổn thương nặng nề, thậm chí gây ra tội ác cho chính người thân trong gia đình mình. Rõ ràng, nếu mỗi thành viên trong gia đình có đủ tình yêu thương và nhận thức đúng đắn về trách nhiệm trong việc xây dựng, bảo vệ gia đình thì sẽ không xảy ra BLGĐ. Từ những vụ việc đau lòng và những con số về BLGĐ đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh để mỗi người và toàn xã hội nâng cao ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trong 10 năm qua, qua thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1.838 vụ BLGĐ; trong đó, 1.745 người gây bạo lực là nam giới chiếm gần 95% số vụ. BLGĐ xảy ra chủ yếu là bạo lực thân thể, có tới 993 vụ, chiếm 54%; bạo lực tinh thần 620 vụ chiếm trên 33%; bạo lực kinh tế 141 vụ, chiếm gần 8%; bạo lực tình dục 84 vụ, chiếm trên 4%. Nạn nhân bị bạo lực chủ yếu là nữ giới 1.532 vụ, chiếm trên 83%; nam giới 93 vụ chiếm trên 5%. Độ tuổi nạn nhân bị BLGĐ dưới 16 tuổi 135 vụ; nữ đủ 60 tuổi trở lên 78 vụ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạo lực gia đình gây tổn thương nặng nề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO