Bạo lực học đường - nỗi lo không của riêng ai

Tuệ An| 11/11/2019 10:28

Nhận thức được tầm quan trọng, vai trò của việc giáo dục học sinh trong nhà trường, mới đây, Chi đoàn Tòa án Nhân dân tỉnh phối hợp với Chi đoàn Thanh tra tỉnh và Đoàn Trường THPT Gia Nghĩa tổ chức Chương trình “Đoàn viên thanh niên với pháp luật”, thu hút gần 300 đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia.

ADQuảng cáo

Phiên tòa giả định giúp các em học sinh hiểu biết hơn về pháp luật

Thông qua tổ chức phiên tòa giả định, trọng tâm là xét xử các vụ án hình sự liên quan đến tình trạng bạo lực học đường, chương trình tuyên truyền, phổ biến và nâng cao hiểu biết pháp luật cho đoàn viên, thanh niên và học sinh. Qua đó, các em học sinh được tìm hiểu về pháp luật, các lĩnh vực đời sống xã hội. Các bạn trẻ có dịp thể hiện sự hiểu biết, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống.

Tham gia chương trình, Trần Thị Hồng Nhung, học sinh lớp 11A1 cho biết: Theo em được biết, tình trạng bạo lực học đường diễn ra tại tất cả các trường. Ở trường em cũng vậy, đa phần do những hiểu lầm, bất đồng quan điểm hay ghen tị lẫn nhau nên dẫn đến cãi vã, thậm chí đánh nhau để thể hiện mình. Thông qua chương trình, với phiên tòa giả định hay các phần thi tìm hiểu kiến thức, chúng em được trải nghiệm, nâng cao sự hiểu biết của mình cũng như cách ứng xử trong mối quan hệ bạn bè hàng ngày trên trường trên lớp nhằm tránh nhưng va chạm không đáng có.

Các em học sinh sôi nổi tham gia trả lời câu hỏi về các kiến thức pháp luật, an toàn giao thông và văn hóa đời sống

Thầy Trịnh Duy Cường, Bí thư Đoàn Trường THPT Gia Nghĩa tâm sự: Tình trạng bạo lực học đường hiện nay rất đáng báo động. Không ít các em học sinh đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, cùng với đó là tâm lý không ổn định và với một cái tôi cá nhân quá cao mà không biết sử dụng đúng cách. Vì vậy, chỉ cần những tác động kích thích xấu từ thế giới bên ngoài cũng khiến các em học theo, dẫn đến nhiều vụ đánh nhau không đáng có tại trường học và đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường.

Anh Lê Phú Tiến, Bí thư Chi đoàn Thanh tra tỉnh chia sẻ: Bạo lực học đường đúng là nỗi lo không của riêng ai. Nhận thấy được điều này nên các cơ quan chức năng liên quan trong những năm gần đây quyết liệt vào cuộc, phối hợp với các trường học tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật nhằm đẩy lùi vấn nạn này.

ADQuảng cáo

Bạo lực học đường đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau như từ chính bản thân học sinh, sự quan tâm chăm sóc của các bậc cha mẹ chưa nhiều, phương pháp giáo dục chưa phù hợp với độ tuổi và tâm lý của con em. Cha mẹ thường nặng lời quát tháo con cái cũng dễ dẫn đến tâm lý của các em không được ổn định. Một phần nữa cũng do giáo dục của nhà trường còn nặng về kiến thức văn hóa và đôi khi lãng quên nhiệm vụ giáo dục con người “tiên học lễ, hậu học văn”.

Trao giải cho 5 học sinh xuất sắc nhất tại phần thi Rung chuông vàng

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường không thể không kể đến đó là do ảnh hưởng từ môi trường các ấn phẩm bạo lực như phim ảnh, sách báo, game, đồ chơi mang tính bạo lực... Những hình ảnh này được phát tán công khai trên mạng xã hội, khi trẻ em vị thành niên xem, chơi thì ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý sau này.

Nhà trường cần tích cực chủ động trong việc trao đổi thông tin với gia đình, chính quyền địa phương để có thể nắm bắt tình hình, biểu hiện của học sinh. Các trường học chú trọng rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, giáo dục công dân, trang bị nhận thức đúng đắn cho học sinh về hành động đẹp, tăng cường tinh thần trách nhiệm cũng như ý thức đấu tranh đẩy lùi bạo lực học đường.

Thiết nghĩ, để có thể khắc phục tình trạng bạo lực học đường, không trở thành vấn nạn của xã hội cần có những giải pháp thiết thực hợp lý và thực hiện một cách nghiêm ngặt. Đối với học sinh, sinh viên, cần có ý thức rèn luyện và tìm hiểu, nâng cao ý thức về hành động cũng như hậu quả của những hành động bạo lực đó. Các gia đình cần quan tâm con em mình nhiều hơn nữa, hãy là những người bạn đồng hành của con cái, tránh tạo cho con cái vỏ bọc cứng nhắc vì sẽ tạo tâm lý ỷ lại, dựa dẫm và hưởng thụ.

Ngoài ra, các cấp chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, lực lượng chức năng cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của mình trong các hoạt động phòng ngừa bạo lực học đường.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạo lực học đường - nỗi lo không của riêng ai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO