Bảo tồn, phát huy những giá trị của hang động núi lửa

Nhóm P.V| 25/11/2022 08:53

Là một trong số những nhà khoa học nhiều năm gắn bó với khảo cổ học tại Hang động núi lửa Krông Nô thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho rằng, Đắk Nông cần bảo tồn, phát huy những giá trị từ hang động núi lửa.

ADQuảng cáo

Những giá trị khoa học

Năm 2018, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học về hang động núi lửa ở Tây Nguyên. Trong quá trình tìm kiếm tại hang C6, nhóm nghiên cứu phát hiện ra xương cốt giống xương người nên thông báo với PGS.TS Nguyễn Lân Cường. Ông Cường kể: “Chiếc xương đó giống xương chày của người nên chúng tôi mừng lắm. Thế nhưng, sau khi xem xét kỹ, đó chỉ là xương của con hươu. Chúng tôi tiếp tục ở lại hang C6.1 thêm một thời gian, từ đó phát hiện ra một chiếc răng người cùng một ngôi mộ trẻ em tại khu vực này”.

Đây cũng là lần đầu tiên, các nhà khoa học phát hiện có di cốt người trong các hang động ở khu vực Tây Nguyên. Bởi theo lý giải, với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu khu vực Tây Nguyên, xương người thường bị phân hủy. Sau khi phát hiện ra xương cốt của người, khó khăn lớn nhất là việc xác định chủng tộc, bởi “tài liệu” chỉ là một chiếc răng và di cốt của trẻ em. Chính vì điều này mà một năm sau phát hiện dấu vết người tiền sử, ông Cường cùng Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam… tiếp tục khai quật một số khu vực bên trong hang động và phát hiện ra 10 bộ di cốt khác.

Đồ họa: Thanh Hằng

“Trong số 10 bộ di cốt này thì có một bộ còn đầy đủ cả xương sọ, xương chi, cao khoảng 1m83 và được đánh giá là bộ di cốt đẹp nhất. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề nghị dựng lại hình ảnh 3D từ bộ xương này, đặt lại vào khu vực phát hiện di cốt để giới khoa học, người dân, du khách nước ngoài có thể tới chiêm ngưỡng, tham quan, tìm hiểu”, PGS.TS Nguyễn Lân Cường thông tin.

Lý giải vì sao người tiền sử lại lựa chọn việc sinh sống trong hang động núi lửa, ông Cường cho rằng, các hang động núi lửa được hình thành từ hàng ngàn năm trước. Tuy nhiên, khoảng 6.000 năm trước, miệng núi lửa cũ sập xuống, hình thành một cửa hang thứ sinh. Người tiền sử đi qua cửa hang thứ sinh để vào bên trong, sinh sống.

ADQuảng cáo

“Chúng ta có thể cảm nhận rõ ràng, nhiệt độ bên ngoài hang rất nóng nhưng khi vào bên trong lại rất mát mẻ nên có lẽ người tiền sử chọn cách vào bên trong hang để sinh sống. Trong quá trình sinh hoạt bên trong hang, họ bắt ốc ngoài suối để ăn và bỏ lại vỏ xung quanh. Chính canxi trong ốc làm xương người cứng lại và làm chất đất biến đổi để cho đến ngày nay, giới nghiên cứu có được những hiện vật, di vật quý báu, phục vụ nghiên cứu khoa học”- PGS.TS Nguyễn Lân Cường nhận định.

Các nhà khoa học đã phục dựng di cốt người được chôn kiểu bó gối tại Hang động núi lửa Krông Nô

Bảo tồn và phát triển du lịch

“Chúng ta cần hiểu rằng, để nghiên cứu về một nền văn hóa thì cần phải biết, chủ nhân của nền văn hóa ấy là ai ? Chắc chắn trong thời gian tới, cùng với việc tìm hiểu các hang động núi lửa, kết hợp với sự phát triển của khoa học, chúng ta có thể biết họ là ai, đến từ đâu?”, PGS.TS Nguyễn Lân Cường nhấn mạnh.

Nhiều lần đến với Đắk Nông, PGS.TS Nguyễn Lân Cường đều có những cảm nhận khác về vùng đất này. Theo nhà nghiên cứu, không chỉ có hệ thống hang động núi lửa, Đắk Nông còn có nhiều dòng thác rất đẹp, giàu tiềm năng du lịch. Hiện tại, một số khu vực đã khai thác du lịch, nhưng vẫn chưa thực sự bài bản, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, đặc biệt là cơ sở vật chất, giao thông đi lại.

Cũng vì thế, để bảo tồn hệ thống hang động núi lửa và để thế giới công nhận, thì Đắk Nông cần bảo tồn, bảo đảm được sự tự nhiên, nguyên vẹn của hang động núi lửa. Song song với đó, Đắk Nông cũng cần phải có biện pháp khai thác du lịch phù hợp, hạn chế tối đa sự tác động của con người tới các hiện vật và vẻ tự nhiên vốn có.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn, phát huy những giá trị của hang động núi lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO