Bộ trưởng y tế hết lòng vì chiến sĩ, nhân dân

Vũ Hà| 27/02/2017 09:51

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cùng với hàng vạn thanh niên lên đường vào Nam sát cánh cùng nhân dân miền Nam đánh Mỹ, hàng vạn cán bộ các ngành, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước xung phong đi chiến trường miền Nam “đi B”, để trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong số ấy, có một vị Bộ trưởng dân sự. Đó là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Bộ trưởng Bộ Y tế.

ADQuảng cáo

Tượng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đặt tại khuôn viên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TPHCM. Ảnh: Báo SGGP

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sinh ngày 7/5/1909 trong một gia đình trí thức yêu nước tại Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1928, sau khi đỗ Tú tài Đông Dương, Phạm Ngọc Thạch được vào học Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Học xong năm thứ tư, Phạm Ngọc Thạch được sang Pháp học tiếp và đã nhận bằng tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa loại xuất sắc (năm 1934). Phạm Ngọc Thạch được giữ lại trường làm trợ giảng tại Trường Y khoa Paris.

Cuối năm 1936, bác sĩ Thạch đột ngột từ bỏ tất cả để trở về nước mở phòng mạch tư tại Sài Gòn chuyên trị bệnh lao phổi – một trong “tứ chứng nan y” thời đó.

Những năm 1936-1939, phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở miền Nam lên cao, bác sĩ Thạch đã đến với phong trào, được giác ngộ và từng bước tham gia cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Tháng 3/1945, ông được kết nạp vào Đảng và được giao thành lập tổ chức Thanh niên Tiền phong Nam Bộ và trở thành vị thủ lĩnh rất có uy tín của tổ chức này. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, ông đã được Chính phủ lâm thời và Bác Hồ cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên. Sau đó, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế. Đến năm 1958 ông lại tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế.

ADQuảng cáo

Ngành Y tế có hệ thống y tế từ trung ương xuống thôn bản là công lao cực kỳ to lớn của Bộ trưởng Thạch. Ông phát động phong trào quần chúng nhân dân tham gia công tác vệ sinh phòng bệnh, với các chiến dịch: “Ba sạch”, “Hố xí hai ngăn”, “Bốn diệt”, “Sạch làng tốt ruộng”. Dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Thạch, sau 10 năm hòa bình lập lại (1954-1964), trên miền Bắc, dịch bệnh đã bị đẩy lùi, tỷ lệ chết giảm nhanh chóng, tuổi thọ người dân tăng lên, mạng lưới y tế nông thôn phát triển rộng khắp, đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo tăng lên nhiều. Khi chiến tranh phá hoại của Mỹ nổ ra trên miền Bắc, Bộ trưởng Thạch đã đề ra nhiều giải pháp chuyển hướng công tác y tế thời bình sang thời chiến.

Trước tình hình kẻ địch đánh phá ngày càng ác liệt, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch nhiều lần tha thiết xin Trung ương, Bác Hồ vào chiến trường miền Nam trực tiếp khảo sát tình hình, từ đó đề xuất các giải pháp giúp nâng cao công tác y tế. Sau cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân năm 1968, Bác Hồ và Trung ương mới đồng ý, nhưng chỉ cho ông đi 6 tháng. Ngày 30/8/1968, đoàn của bác sĩ Thạch đã đặt chân đến chiến khu “R”, ở Tây Ninh, nơi Trung ương Cục miền Nam đóng.

Ở chiến khu, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch thường đội mũ tai bèo, mặc quần áo bà ba, đi dép lốp cao su, cổ quấn chiếc khăn rằn như một nông dân Nam Bộ say sưa miệt mài với công việc. Do làm việc với cường độ cao, điều kiện chiến trường kham khổ, Bộ trưởng Thạch đã lâm bệnh nặng. Tổ chức quyết định đưa ông trở ra Bắc để điều trị, nhưng ông nhất quyết ở lại. Tất cả các bác sĩ giỏi nhất tại “R” tập trung chữa trị cho ông nhưng vẫn không qua khỏi. Ông trút hơi thở cuối cùng ngày 7/11/1968, ở tuổi 59. Trước lúc nhắm mắt, ông nói: “Được phục vụ chiến sĩ, nhân dân ở miền Nam là diễm phúc của tôi”. Nhận hung tin Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch mất, Bác Hồ đã đau đớn ngồi lặng đi một lúc.   

Ông được tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1958), được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật (đợt đầu năm 1996).

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng y tế hết lòng vì chiến sĩ, nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO