Bon Bu Sốp giữ vững danh hiệu văn hóa

Mỹ Hằng| 02/01/2018 10:29

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vươn lên trong lao động sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Mạ ở bon Bu Sốp, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) có nhiều thay đổi.

ADQuảng cáo

Bon Bu Sốp hiện có 138 hộ với hơn 500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mạ sinh sống. Trước đây, do dân trí thấp, tập quán canh tác còn lạc hậu nên đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Nắm bắt thực tế đó, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể tăng cường vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp cũng như  tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Sau khi tiếp cận nguồn thông tin, kiến thức sản xuất, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào vườn rẫy nên mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Bon Bu Sốp ngày càng khởi sắc, đường sá, nhà cửa khang trang

Theo ông K’Hà, Trưởng bon Bu Sốp, thấy được hiệu quả của các gia đình đi tiên phong, bà con trong bon đã chuyển từ trồng sắn sang trồng các loại cây chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao như cà phê, tiêu... Hiện tại, toàn bon có 150 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, có 103 ha cà phê, 36 ha điều, 3 ha cao su, cùng một số loại cây ngắn ngày khác.

Bà con bon Bu Sốp sử dụng máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất, thu nhập

ADQuảng cáo

Đơn cử như gia đình anh Y Manh trước đây là một trong những hộ nghèo của bon nhưng hiện nay cuộc sống đã thay đổi đáng kể. Với 2 ha cà phê, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, năm nào cũng thu về hơn 7 tấn nhân, trừ tất cả chi phí, gia đình anh có thu nhập hơn 200 triệu đồng. Ngoài việc xây được nhà ở khang trang, anh còn mua sắm thêm các trang thiết bị hiện đại, phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Anh Y Manh phấn khởi: “Trước đây, tôi cũng chỉ biết trồng sắn, nên hiệu quả kinh tế không cao mà còn làm cho đất bạc màu. Vì vậy, được sự khuyến khích, hỗ trợ của chính quyền địa phương, tôi đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng cà phê, nên cuộc sống  mới có được như ngày hôm nay”. Tương tự, gia đình chị H’Grum, anh K’Khiêm... cũng đều có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

100% hộ dân trong bon Bu Sốp được sử dụng nước sạch và điện lưới quốc gia

Đi đôi với việc phát triển kinh tế, bà con cũng chú trọng đến việc gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. Hiện tại, bon đã thành lập được đội văn nghệ dân gian và phối hợp khôi phục các lễ hội truyền thống như lễ cúng bến nước, lễ sum họp cộng đồng… Các nghề thủ công như đan lát, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần được gìn giữ, phát huy. Đặc biệt, trên cơ sở thực hiện các tiêu chí của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bà con cũng đã xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu mê tín dị đoan, khi ốm đau đều đến trạm y tế để khám chữa bệnh, chứ không tổ chức cúng bái như trước.

Trong sinh hoạt đời thường, đồng bào cũng chú ý đến việc gìn giữ vệ sinh chung. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông đã được xóa bỏ. Đến nay, bon Bu Sốp không còn hộ nào phải chịu cảnh nhà cửa dột nát và tất cả đều được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch để sinh hoạt. Số hộ khá giàu trong bon ngày càng tăng, hộ nghèo giảm còn 26 hộ theo tiêu chí mới và không có hộ đói. 80% gia đình đạt danh hiệu văn hóa và trong nhiều năm liền bon Bu Sốp luôn giữ vững danh hiệu bon văn hóa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bon Bu Sốp giữ vững danh hiệu văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO