“Bức tranh” dạy nghề cho lao động nông thôn (Kỳ 2): “Điểm sáng” Đắk Glong

Thanh Nga| 18/08/2016 09:38

Trung tâm dạy nghề huyện Đắk Glong được xem là một “điểm sáng” khi biết tổ chức dạy nghề gắn với nhu cầu thực tế của người học và định hướng phát triển kinh tế, xã hội.

ADQuảng cáo

Ra nghị quyết về đào tạo nghề lao động nông thôn

Đắk Glong là huyện nghèo, với đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, trên 67%. Số lao động có tay nghề rất ít. Trước thực tế này, tháng 7/2012, Đảng bộ huyện Đắk Glong đã ban hành Nghị quyết tăng cường lãnh đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. UBND huyện xây dựng “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2012- 2015 và định hướng đến năm 2020”.

Trung tâm dạy nghề huyện Đắk Glong tổ chức dạy nghề chăn nuôi - thú y cho người dân ngay chuồng trại

Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện chủ trương đào tạo nghề đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo nhanh và bền vững. Giai đoạn 2012-2015, toàn huyện đã dạy nghề cho 1.738 lao động nông thôn về trình độ sơ cấp nghề, vượt 6,6% chỉ tiêu giao. Trong đó, Trung tâm dạy nghề huyện Đắk Glong đào tạo được 1.350 người, với trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ thuộc diện chuyển nghề do thu hồi đất canh tác.

Theo kết quả rà soát của huyện Đắk Glong, nếu cuối năm 2011, tỷ lệ lao động có trình độ đã qua các hình thức đào tạo chỉ chiếm 14,5% thì sau 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết về công tác đào tạo nghề đã nâng lên trên 19%. Chất lượng đào tạo nghề được chính quyền địa phương, người tham gia học nghề đánh giá thiết thực, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và tiêu chí xây dựng  nông thôn mới.

Linh động trong tổ chức dạy nghề

ADQuảng cáo

Không có trụ sở khang trang như trung tâm dạy nghề ở các huyện, nhưng cách thức tổ chức linh động của Trung tâm dạy nghề huyện Đắk Glong đã đem lại hiệu quả cao. Với 80% dân số sản xuất nông nghiệp, Trung tâm chú trọng mở nhiều lớp dạy nghề nông nghiệp gắn với nông dân và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Giai đoạn 2012-2015, Trung tâm mở được 56 lớp dạy nghề, trong đó có tới 32 lớp về chăn nuôi - thú y, trồng trọt - bảo vệ thực vật, sửa chữa máy nông nghiệp, dệt thổ cẩm cho gần 1.000 nông dân.  

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Đắk Glong cho biết, hàng năm, qua khảo sát từ các xã cho thấy, nông dân muốn học nghề về nông nghiệp, nên Trung tâm tổ chức đào tạo lưu động tại các thôn, bon và nơi sản xuất như trang trại, vườn cây. Từ năm 2012-2016 này, được huyện bố trí 973 triệu đồng, Trung tâm tổ chức lớp học sớm ngay từ những tháng đầu năm, không phải chờ kinh phí của tỉnh phân bổ.  Nông dân thu hoạch mùa màng xong là Trung tâm chọn mở lớp, nên việc dạy và học đều thuận lợi. Cách dạy của Trung tâm đó là lý thuyết gắn với thực hành bằng cách “cầm tay, chỉ việc”. Giáo viên xuống tận vườn, tận ruộng, tận chuồng chỉ cho bà con cách chăm sóc, phòng, chữa bệnh trực tiếp nên nông dân dễ hiểu, dễ áp dụng.

Chuyển dịch cơ cấu đào tạo nghề

Sự định hướng và quan tâm sâu sắc, cộng với cách tổ chức dạy nghề đúng hướng của huyện Đắk Glong đã mang lại hiệu quả. Nông dân được học nghề nông nghiệp đều phát huy hiệu quả, áp dụng vào nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi và tạo việc làm thêm, tăng thu nhập.

Giai đoạn 2016-2020, huyện đặt mục tiêu đào tạo khoảng 3.000 lao động nông thôn; trong đó 1.200 người học các nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp, 1.800 người học các nghề phi nông nghiệp. Huyện phấn đấu chuyển dịch dần cơ cấu đào tạo, với khoảng 40% lao động học các nghề để phục vụ sản xuất nông nghiệp và khoảng 60% lao động học các nghề để chuyển đổi ngành nghề tại chỗ, cung ứng cho các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động và các ngành sản xuất phi nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn thì Trung tâm dạy nghề huyện Đắk Glong tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước để nâng cao nhận thức của chính quyền cơ sở và người dân về lĩnh vực dạy nghề, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới của từng xã. Hiện nay, những nghề phi nông nghiệp như điện dân dụng, tin học văn phòng, dệt thổ cẩm được đào tạo chủ yếu giúp nông dân nâng cao dân trí, giữ gìn nghề truyền thống và phục vụ sửa chữa trong gia đình chứ chưa sống được bằng nghề. Vì vậy, huyện đang liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để tạo việc làm cho các học viên học nghề dệt thổ cẩm và tìm đầu ra cho sản phẩm trong du lịch. Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp ở trong và ngoài tỉnh để giới thiệu việc làm cho người dân đã học nghề phi nông nghiệp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bức tranh” dạy nghề cho lao động nông thôn (Kỳ 2): “Điểm sáng” Đắk Glong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO