Buôn Nui hôm nay

Bài, ảnh: Đặng Hiền| 21/01/2019 09:48

Là buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đầu tiên của huyện đạt danh hiệu buôn văn hóa, thời gian qua, người dân buôn Nui, xã Tâm Thắng (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) luôn đoàn kết, gắn bó, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa.

ADQuảng cáo

Lưu giữ truyền thống văn hóa

Mặc dù đã 60 tuổi nhưng bà H’Wai vẫn ngày ngày ngồi bên khung cửi để dệt nên những tấm thổ cẩm đầy màu sắc. Mỗi tấm thổ cẩm đều thể hiện các hình ảnh của đất, trời và con người Tây Nguyên, được kết hợp hài hòa, tạo nên nét đẹp hòa quyện với thiên nhiên.

Hơn 40 năm qua, bà H’Wai vẫn ngày ngày dệt thổ cẩm và truyền dạy nghề cho con cháu trong buôn

Để tạo thành một sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh mất rất nhiều thời gian, đơn giản nhất cũng mất cả tuần, có họa tiết phức tạp thì phải mất đến vài tháng. Gần 40 năm qua, bà H’Wai không nhớ nổi mình đã dệt bao nhiêu cái chăn, váy, áo, khăn, khố… Không chỉ dệt thổ cẩm, bà còn truyền dạy lại nghề cho 2 người con gái của mình cũng như tham gia giảng dạy tại các lớp dệt thổ cẩm cho thế hệ sau của buôn làng.

Bà H’Wai chia sẻ: “Ai muốn học thì già dạy thôi. Trang phục thổ cẩm là nét đặc trưng văn hóa của đồng bào Ê đê, mình phải truyền lại cho con cháu biết để lưu giữ và phát huy truyền thống của dân tộc”.

Học nghề từ mẹ, chị H’Nguyên (SN 1982) nay đã biết dệt thổ cẩm một cách thành thạo. Cùng lứa của chị H’Nguyên, những chị em trẻ trong buôn Nui cũng tiếp nối truyền thống, học và tự tay dệt nên những sản phẩm thổ cẩm của riêng mình. Hiện trong buôn Nui có hơn 20 nhà còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Thời gian qua, tại buôn Nui đã mở 2 lớp dạy dệt thổ cẩm truyền thống với hơn 60 chị em trong buôn theo học.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống đan lát, từ nhỏ, Y Kha (15 tuổi) đã được ông nội và cha của mình truyền dạy nghề đan lát truyền thống của dân tộc. Học đan lát, Y Kha đã tự tay làm ra những sản phẩm sinh hoạt gia đình cho những người dân trong buôn. Với nghề đan lát và đôi tay khéo léo, Y Kha còn đạt giải tại các cuộc thi đan lát do tỉnh, huyện tổ chức.

ADQuảng cáo

Buôn Nui là một trong những buôn làng còn bảo tồn, lưu giữ nhiều nghề truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc Ê đê cũng như nỗ lực truyền dạy cho con cháu biết dệt thổ cẩm, cách đánh cồng chiêng, hát Aray, chế tác và sử dụng các nhạc cụ dân tộc như đàn Brố, đàn Goong, Chinh Kram…

Xây dựng buôn làng giàu mạnh

Được sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của Trung ương, địa phương, cùng sự nỗ lực của bà con, cơ sở vật chất, hạ tầng trong buôn đã dần được cải thiện. Những con đường đất mòn đã dần được mở rộng, bê tông hóa. Điện không chỉ thắp sáng trong mỗi gia đình mà còn chiếu sáng cả nhiều tuyến đường trong buôn.

Với cà phê là cây trồng chủ lực, nhiều hộ gia đình đã vươn lên phát triển kinh tế, xây nhà cửa khang trang

Người dân buôn Nui cũng cần cù, chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Tập quán canh tác cũ dần được xóa, bỏ, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đời sống nhân dân được nâng lên, bộ mặt làng buôn đã có nhiều thay đổi. Những ngôi nhà xây khang trang, rộng rãi tiếp nối nhau mọc lên, thay thế cho những căn nhà gỗ tạm bợ trước đây.

Canh tác hơn 3 ha cà phê và hoa màu, gia đình chị H’Duyên và anh Y’Lênh có nguồn thu ổn định từ nhiều năm nay. Ngoài tích lũy, xây được căn nhà khang trang, anh chị còn tích góp cho con gái H’Lốc (SN 1998) đi du học ở Nhật Bản từ hơn 2 năm nay. H’Lốc là người trẻ duy nhất của buôn Nui đi du học nước ngoài.

“H’Lốc đi học theo diện vừa học vừa làm nên gia đình không phải lo chi phí ăn học nhiều. Ra nước ngoài học, chỉ mong H’Lốc mở mang được kiến thức, mang những cái hay, cái đẹp về với buôn Nui này”, bà H’Nai-bà ngoại H’Lốc chia sẻ.

Anh Y Uyn Êban, Trưởng buôn Nui cho biết: “Buôn Nui hiện có 278 hộ, 1.479 khẩu và hiện chỉ còn 14 hộ nghèo (giảm 13 hộ nghèo so với năm 2017). Toàn buôn có hơn 20% số hộ có điều kiện kinh tế khá giả, nhiều hộ có xe gắn máy, xe máy cày và máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ sự chung sức, đồng lòng, từ năm 2005 đến nay, buôn Nui luôn giữ vững danh hiệu buôn văn hóa, với trên 80% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buôn Nui hôm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO