Cần có hành động mạnh mẽ hơn nữa của cả cộng đồng, xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS

Ngô Đồng thực hiện| 29/11/2019 09:06

Nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019, phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Ndong Brưm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông về kết quả phòng, chống cũng như tình hình HIV/AIDS hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

ADQuảng cáo

Bác sĩ Ndong Brưm

PV: Xin ông cho biết tình hình nhiễm HIV/AIDS ở tỉnh ta hiện nay?

BS Ndong Brưm: Tính đến ngày 30/9/2019, Đắk Nông có 7 huyện, thị xã và 69/71 xã/phường/thị trấn đã ghi nhận lũy tích 689 người nhiễm HIV; trong đó, có 368 trường hợp chuyển sang AIDS và 219 trường hợp tử vong do AIDS.

Tình hình nhiễm HIV hiện đang ở giai đoạn tập trung. Số trường hợp nhiễm HIV mới có xu hướng giảm theo từng năm. Số trường hợp tử vong do AIDS cũng có xu hướng giảm nhẹ từ 5-10% hàng năm.

Qua thống kê cho thấy, nam giới nhiễm HIV cao gấp  2 đến 3 lần nữ giới. Tỷ lệ người nhiễm HIV được phát hiện lây truyền qua đường tình dục ngày càng gia tăng, trong khi lây truyền qua đường máu có xu hướng giảm. Độ tuổi nhiễm HIV/AIDS tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi lao động từ 20 đến 39 tuổi, tỷ lệ chiếm trên 70%.

PV: Được biết năm 2019, Đắk Nông đã bắt đầu triển khai điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV theo nguồn bảo hiểm y tế, đồng thời thanh toán qua bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS khi thực hiện các dịch vụ khám. Theo ông, chính sách này có ý nghĩa như thế nào cho bệnh nhân trong điều trị?

BS Ndong Brưm: Hoạt động mở rộng, bảo đảm chất lượng điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng vi rút (ARV) đã được triển khai trong phạm vi toàn tỉnh với số bệnh nhân đang được điều trị là 289 người, chiếm tỷ lệ trên 94%.

Đặc biệt, từ năm 2019, tỉnh đã bắt đầu triển khai điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV qua nguồn BHYT, đồng thời thanh toán qua BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS khi thực hiện các dịch vụ khám, xét nghiệm như công thức máu, chức năng gan, tải lượng vi rút... Đến nay, độ bao phủ BHYT trong bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV trên địa bàn toàn tỉnh đạt 100% (không tính các bệnh nhân là phạm nhân).

Trước đây, nguồn thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS chủ yếu do nguồn viện trợ quốc tế (do trên phân bổ cho các tỉnh). Vài năm gần đây và hiện nay, nguồn viện trợ thuốc ARV đã bị cắt giảm. Hơn nữa, bệnh nhân điều trị ARV phải uống thuốc suốt đời (ngày nào cũng phải uống). Vì vậy, việc triển khai điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV qua nguồn BHYT là một chính sách bền vững, bảo đảm nguồn thuốc ARV cho bệnh nhân, tránh tình trạng kháng thuốc và thất bại điều trị.

PV: Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của Tháng hành động năm 2019?

BS Ndong Brưm: Năm 2019, Chương trình của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS đã phát động mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Tháng hành động năm 2019 tại Việt Nam tập trung vào chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS!”, mục đích nhằm huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS, góp phần đạt được mục tiêu mà Chương trình của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS đã đề ra.

ADQuảng cáo

Ngoài tổ chức lễ phát động, diễu hành đồng loạt vào ngày 1/12, các địa phương, các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng đẩy mạnh các đợt chiến dịch giáo dục truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động về phòng, chống đại dịch HIV/AIDS, nhất là cộng đồng không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Tuyên truyền phòng, chống ma túy hiệu quả cũng góp phần hạn chế tình trạng nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Ảnh: Hội thi tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống và cai nghiện ma túy trong thanh thiếu niên do Tỉnh đoàn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức. Ảnh: Đặng Hiền

PV: Theo ông, trong quá trình triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS, Đắk Nông còn gặp những khó khăn, trở ngại gì, giải pháp tiếp tục ra sao?

 BS Ndong Brưm: Có thể nói, thực tế công cuộc phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, đại dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát vì vẫn còn nhiều người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tỷ lệ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục có xu hướng gia tăng. Tình trạng lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) cũng đã được ghi nhận cùng với sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp.

Nhiều người nhiễm HIV vẫn chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Họ sẽ có thể “vô tình” là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng. Họ cũng không được tiếp cận các dịch vụ điều trị ARV sớm để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, góp phần giảm lây truyền HIV ra cộng đồng.

Kinh phí để triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ngày càng bị cắt giảm. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng vẫn còn. Vì vậy, nhiều người được chẩn đoán nhiễm HIV vẫn chưa tham gia điều trị ARV.

Trước tình hình đó, ngành chức năng cũng sẽ có những giải pháp khắc phục khó khăn để hướng tới mục tiêu kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Cụ thể, cùng với đẩy mạnh truyền thông để các cấp ủy, chính quyền các cấp, mỗi người dân tiếp tục nâng cao nhận thức trong phòng, chống HIV/AIDS, toàn tỉnh tăng cường phối hợp liên ngành công tác truyền thông, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng.

Hoạt động xét nghiệm tiếp tục mở rộng song hành với đẩy mạnh công tác giám sát và quản lý bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn, nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone). Cơ chế tài chính bền vững cho lĩnh vực hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cần tiếp tục bảo đảm.

Cùng với cả nước, Đắk Nông phấn đấu thực hiện cam kết đạt được mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020. Tuy nhiên, cam kết thôi là không đủ mà cần phải có hành động mạnh mẽ hơn nữa của lãnh đạo, người dân và của cả cộng đồng, xã hội trong việc phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, chương trình phòng, chống HIV/AIDS cần phải có những điều chỉnh thích hợp với tình hình mới để đạt được mục tiêu 90-90-90.

Nếu đạt được mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác; người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh.

Khi mục tiêu 90-90-90 đạt được vào năm 2020 sẽ tạo đà để có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.  

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có hành động mạnh mẽ hơn nữa của cả cộng đồng, xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO