Cần có sự thống nhất trong kêu gọi, vận động giúp đỡ đồng bào các tỉnh miền Trung

Hoàng Hoài thực hiện| 23/10/2020 09:08

Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có nhiều hoạt động thiết thực để chung tay, hỗ trợ đồng bào miền Trung đang chống chọi với lũ lụt. Để hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thanh, TUV, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh.

ADQuảng cáo

Ông Phạm Thanh, TUV, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh

PV: Hướng về miền Trung, hiện nay nhiều cá nhân, tổ chức kêu gọi, vận động, triển khai nhiều hoạt động từ thiện. Ủy ban MTTQVN tỉnh đánh giá hoạt động này như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Thanh: Thời gian vừa qua, mưa lớn gây ra bão lũ, kèm theo sạt lở đất xảy ra liên tục tại các tỉnh miền Trung, làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước, người dân, hậu quả để lại rất nặng nề. Trước đau thương mất mát của đồng bào miền Trung, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra kêu gọi vận động để hỗ trợ bà con về nhu yếu phẩm, tiền mặt, quần áo…

Đến nay, nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã trực tiếp đến các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt để kịp thời trao các phần quà đến bà con. Những việc làm này cho thấy, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc ta luôn được phát huy, nhất là trong những lúc khó khăn, hoạn nạn nhất.

Phát huy tinh thần này, hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở đã phát huy tối đa vai trò của mình trong việc vận động, quyên góp nhằm giúp đỡ đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống.

PV: Thưa ông, với việc ai cũng có thể đứng ra kêu gọi, tổ chức cứu trợ, chắc chắn sẽ dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề liên quan, không kiểm soát được. Ở góc độ này, Mặt trận có đánh giá ra sao?

Ông Phạm Thanh: Như chúng ta đã biết, hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người dân lúc khó khăn là xuất phát từ tấm lòng của mỗi người. Tuy nhiên, việc vận động, cứu trợ tự phát như thời gian qua cũng có những hạn chế nhất định như khó kiểm soát được số tiền vận động, người dân tại vùng bị thiên tai khó tiếp cận nguồn cứu trợ hoặc có nơi được nhiều và có nơi bà con không nhận được.

ADQuảng cáo

Không những vậy, nó còn gây khó khăn cho chính quyền sở tại trong việc điều phối nguồn hỗ trợ. Chưa kể, các đoàn tự phát đi cứu trợ không nắm bắt được tình hình mưa lũ tại các địa phương nên rất có thể sẽ gặp những rủi ro không lường trước, hoặc có những đối tượng xấu lợi dụng việc vận động quyên góp để trục lợi…

Vì vậy, tôi nghĩ, các cá nhân, tổ chức nên có sự thống nhất giữa các đầu mối vận động và có sự phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương nơi vùng bị thiên tai để mọi người dân bị ảnh hưởng đều nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ kịp thời nhất.

PV: Để có sự thống nhất trong việc kêu gọi vận động, tổ chức cứu trợ, thì cần phải làm gì, thưa ông?

Ông Phạm Thanh: Để có sự thống nhất trong việc kêu gọi vận động, với vai trò nhiệm vụ của mình, Ủy ban MTTQVN tỉnh rất mong các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện, cá nhân khi triển khai thực hiện các hoạt động cứu trợ hãy thông qua hệ thống Mặt trận làm đầu mối.

Qua đó, mọi người dân bị ảnh hưởng kịp thời được nhận cứu trợ cũng như chính quyền địa phương sở tại có thể điều phối nguồn hàng, tiền nhằm bảo đảm  tính công bằng.

Điều đáng mừng, tính đến thời điểm này, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tiếp nhận được trên 500 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung từ các cơ quan, đơn vị, người dân trong tỉnh đóng góp.

Với tinh thần tất cả vì đồng bào miền Trung ruột thịt, Ủy ban MTTQVN tỉnh tiếp tục kêu gọi Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hãy phát huy truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc hướng về đồng bào các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ gây ra bằng những nghĩa cử cao đẹp, hành động thiết thực, góp phần động viên, xoa dịu bớt nỗi đau mất mát, sớm vượt qua những khó khăn để ổn định cuộc sống.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có sự thống nhất trong kêu gọi, vận động giúp đỡ đồng bào các tỉnh miền Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO