Cần kiểm tra việc hành nghề của “bà lang” Bùi Thị Cưng

Gia Bình| 16/03/2017 10:10

Thời gian gần đây, cứ đến ngày 16-17 âm lịch hàng tháng là hàng trăm bệnh nhân từ các nơi trên địa bàn tỉnh tập trung về nhà bà Nguyễn Thị Hoa ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) để được “bà lang” Bùi Thị Cưng đến từ An Giang chữa trị. Hiệu quả của việc chữa bệnh này như thế nào và thành phần của các loại thuốc ra sao hiện chưa có sự kiểm định của cơ quan chức năng.

ADQuảng cáo

Đau đâu chích đó

Có mặt tại phòng khám này vào một buổi chiều, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy hàng trăm người đang ngồi xếp hàng để được khám, chữa bệnh. Gọi là phòng khám, nhưng cũng chỉ rộng gần 20m2, chỉ đủ để đặt chiếc phản và một bàn bắt mạch. Xung quanh ngôi nhà chứa rất nhiều bao vôi, phân bón dùng cho việc chăm sóc vườn rẫy, trông rất nhếch nhác. Tất cả các loại thuốc đều để ngổn ngang trên bàn.

Bà Cưng chữa bệnh bằng phương pháp thủy châm

Theo quan sát, sau khi bắt mạch, “bà lang” hỏi bệnh nhân đau gì, đau ở đâu, đau bao lâu, rồi ghi thông tin bệnh tật trên một tờ giấy nhỏ và sang ghế ngồi chờ. Cũng chỉ 3 chai thuốc (không biết loại gì) có màu trắng, nhưng dù đau vai gáy, thoát vị đĩa đệm, đau lưng hay rối loạn tiền đình, nhức mỏi, thoái hóa khớp… đều được bà Cưng dùng thuốc đó để chích cho bệnh nhân.

Sau công đoạn chích, các bệnh nhân đều ra bàn bên cạnh để được cấp thuốc nam miễn phí. Theo quan sát, trên mỗi bao bì thuốc đều có ghi thông tin địa chỉ là Phòng Chẩn trị Đông Y ấp Phú Hòa, huyện Phú Bửu, tỉnh An Giang - Thuốc thừa kế gia truyền. Các loại thuốc này uống và sử dụng trong 2 ngày và đều được phân phát cho mọi người mang về nhà uống. Mỗi bệnh nhân ngày chích 2 lần (sáng - chiều) và chích trong hai ngày 16-17 âm lịch.

Người dân sợ nhưng vẫn thử

Các bệnh nhân đến đây đều có độ tuổi từ 30-70 tuổi. Theo một số người thì khi đến điều trị ở đây, họ cảm thấy sợ, nhưng nghe nhiều người chuyền tai nhau chữa trị miễn phí, bệnh gì cũng khỏi, thậm chí bị ung thư giai đoạn cuối bệnh viện trả về, bà Cưng đều chữa khỏi nên “liều” xem thử.

Rất nhiều bệnh nhân chờ để được "bà lang" Cưng khám chữa bệnh

ADQuảng cáo

Đang ngồi chờ để đến lượt, bác Phạm Hữu Phúc ở Gia Nghĩa cho biết: “Tôi bị thoái hóa cột sống nhiều năm nay, đi không được, dù đã chữa trị nhiều nơi, nhưng không hề thuyên giảm. Đau lắm nên khi nghe thông tin “bà lang” chữa trị được “bách bệnh” nên tôi đến để chữa xem thế nào. Mặc dù vẫn cảm thấy sợ, nhưng người ta chích được thì mình cũng chích, biết đâu hết bệnh thì sao”.

Chị Bùi Thị Bích Trang cũng cho biết: “Tôi bị hen suyễn, viêm mũi, đau lưng nên cũng đi đến chữa trị để xem như thế nào. Đây là lần đầu tiên tôi chữa trị nên vẫn cảm thấy lo sợ, cũng không biết họ chích loại thuốc gì vào người của mình nữa”. Còn chị Đặng Thị Mỹ cho hay: “Nghe mọi người kháo nhau “bà lang” chữa được “bách bệnh” nên tôi đi thử xem sao, biết đâu lại lành, nhưng vẫn thấy lo lo thế nào”.

Một bịch thuốc to như thế này được bà Cưng chỉ định sử dụng trong 2 ngày

Bà Cưng là ai?

Qua tìm hiểu được biết, phòng khám từ thiện này hoạt động đã được 3 tháng nay và địa điểm này là do bà Nguyễn Thị Hoa cho mượn nhà miễn phí. Bà Cưng tên thật là Bùi Thị Cưng, quê ở An Giang và hành nghề đông y đã gần 10 năm.

Theo lời bà Cưng thì bà sinh ra trong gia đình có truyền thống làm thuốc Nam nên được cha truyền cho các “bí kíp” chữa bệnh cứu người. Còn các mạch, huyệt thì bà đi theo học ở các trường lớp để biết thêm. Tất cả các loại thuốc bà đang dùng để chữa bệnh đều là thảo dược được bà cùng sư huynh (người bắt mạch) lên rừng hái để về bào chế, chưng cất, được Bộ Y tế kiểm định (?).

Rất nhiều bệnh nhân khắp nơi trên cả nước do bà chữa bệnh đều thuyên giảm, bớt bệnh, thậm chí bệnh viện trả về vẫn sống sót. Mỗi tỉnh, thành đi qua, bà đều ở lại 2 ngày để khám chữa bệnh cho người dân có nhu cầu. Nói là miễn phí, nhưng các  bệnh nhân sau khi điều trị đều để lại cho bà từ vài trăm đến vài triệu đồng, thậm chí cả chục triệu đồng.

Có thể thấy, việc chữa bệnh cứu người là một việc làm tốt. Nhưng lai lịch, hoạt động hành nghề y của bà Cưng rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng địa phương, nhằm tìm hiểu, kiểm tra chặt chẽ, không để người dân “tiền mất tật mang”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần kiểm tra việc hành nghề của “bà lang” Bùi Thị Cưng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO