Cẩn thận, đừng lạm dụng thực phẩm chức năng

Vũ Trang| 19/12/2016 11:17

Cuộc sống ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp của người dân, nhất là giới trẻ ngày càng tăng. Tuy nhiên, những kiến thức, hiểu biết mơ hồ về giá trị thực sự của các loại thực phẩm chức năng (TPCN) đã khiến không ít người rơi vào “ma trận”.

ADQuảng cáo

Hiện nay trên thị trường, các loại TPCN được “săn lùng” nhiều nhất vẫn là các sản phẩm hỗ trợ làm đẹp như collagen, sữa ong chúa, viên uống trắng da, thực phẩm kích thích mọc tóc, thực phẩm giảm cân... Để quảng cáo cho các sản phẩm của mình, mỗi nhãn hiệu đã không ngại đưa ra những lời quảng cáo “trên trời”.

Các bạn trẻ cần tỉnh táo khi lựa chọn và sử dụng TPCN. (Ảnh mang tính chất minh họa)

Tại một cửa hàng mỹ phẩm ở phường Nghĩa Thành (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), nhiều mặt hàng TPCN được bày bán chung với các loại mỹ phẩm. Trong vai khách hàng, khi chúng tôi hỏi mua TPCN làm trắng da, chủ cửa hàng giới thiệu rất nhiều sản phẩm dạng viên uống với nhiều nguồn gốc xuất xứ như: Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Pháp… Giá của những sản phẩm này cũng rất đa dạng từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.

Tại một cửa hàng mỹ phẩm khác ở chợ Gia Nghĩa, một số người đến tìm mua TPCN giúp mọc tóc. Chủ cửa hàng giới thiệu loại thực phẩm dạng viên uống có nhãn hiệu Hair Tonic. “Loại này kết hợp 8 loại thảo dược, giúp tóc mọc nhanh, dày, mỗi tháng mọc từ 4-5cm. Ngoài ra, sản phẩm này cũng ngăn rụng tóc rất tốt”, chủ cửa hàng giới thiệu. Không chỉ có thực phẩm kích thích mọc tóc, cửa hàng còn bán rất nhiều loại TPCN như sữa ong chúa, nhau thai cừu, collagen...

Không chỉ được bán tại các cửa hàng, các loại TPCN này còn được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa và một cái “nhấp chuột”, hàng chục trang facebook, zalo... rao bán các loại TPCN giúp làm đẹp hiện lên với rất nhiều thông tin quảng cáo, hình ảnh sinh động... Trước những lời giới thiệu “có cánh”, nhiều người đã không ngại chi tiền sẵn sàng chọn mua cho mình những sản phẩm phù hợp và chờ đợi “công hiệu vàng”.  

ADQuảng cáo

Vì mơ hồ, không hiểu biết, bị lạc giữa “ma trận” của các loại quảng cáo nên không ít người đã chuốc lấy những hậu quả khôn lường cho sức khỏe của bản thân. Trường hợp của chị Nguyễn Lê Nhã Vy ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) là một ví dụ. Với mong muốn giảm cân nhanh, không cần luyện tập thể dục, thể thao hay ăn kiêng, Vy đã tìm mua TPCN giảm cân cấp tốc trên một trang mạng xã hội. Sau một thời gian sử dụng, Vy giảm cảm giác thèm ăn, giảm khả năng tập trung vào công việc và rất hay quên.

Mới đây, sau khi bị ngất trong giờ làm việc, Vy được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Kết quả, bác sĩ chẩn đoán Vy bị hạ đường huyết. Các bác sĩ cũng giải thích, lượng đường trong máu xuống thấp, hoạt động của các tế bào thần kinh bị rối loạn vì thiếu nguồn cung cấp năng lượng, nếu không phát hiện sớm, bệnh nhân có thể bị hôn mê, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng... Sau lần đó, Vy không còn nghĩ đến việc giảm cân cấp tốc thông qua các loại TPCN nữa.

Cũng theo các bác sĩ thì hiện nay, một số nam giới có xu hướng sử dụng các loại TPCN để tăng cường cơ bắp. Một vài trường hợp phải nhập viện điều trị vì tác dụng phụ của các loại TPCN này. Cụ thể, trong một số loại TPCN giúp tăng cường cơ bắp có những thành phần làm cho quá trình hấp thụ canxi của cơ thể giảm mạnh, gây ra các vấn đề về loãng xương, viêm xương khớp. Trong một số trường hợp, các loại TPCN này làm cho lượng mỡ trong máu không ổn định, dẫn đến các cơn đau tim. Các bệnh đường tiêu hóa cũng xuất hiện do tình trạng mất nước....

Các ngành chức năng cũng khuyến cáo, không phải tất cả các loại TPCN đều có hại. Nhiều khi, TPCN rất cần để hỗ trợ, bổ sung các dưỡng chất cần thiết. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá mức sẽ gây nên những tác dụng phụ khó lường. Người tiêu dùng cần tỉnh táo khi lựa chọn và sử dụng TPCN, không nên nghe đồn thổi, quảng cáo “cường điệu hóa”, phải hiểu đúng để sử dụng đúng, qua đó bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình.

Qua các đợt thanh, kiểm tra của các ngành chức năng về việc sản xuất, kinh doanh TPCN trên địa bàn, tỷ lệ các cơ sở vi phạm khá cao từ 50-70%. Ngoài các vi phạm về thủ tục hành chính, tại nhiều cơ sở, hợp đồng cung cấp các mặt hàng TPCN chưa phù hợp, nhiều loại TPCN vi phạm về nhãn hiệu, công dụng; một số sản phẩm vẫn sản xuất và bày bán khi Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm đã hết hiệu lực...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn thận, đừng lạm dụng thực phẩm chức năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO