Cẩn trọng khi dùng cồn, dung dịch sát khuẩn để phòng dịch

Phạm Khánh| 09/08/2020 13:30

Để phòng, chống dịch Covid -2019, nhiều người dân đã tìm mua các loại dung dịch rửa tay sát khuẩn. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, không ít người mua cồn về để vệ sinh chân tay, dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc.

ADQuảng cáo

Ông Dương Đức Đồng ở xã Nghĩa Thắng (Đắk R'lấp) cho biết: “Khi dịch Covid-19 xảy ra, người dân trên địa bàn lo lắng, tìm mua các loại dung dịch sát khuẩn về rửa tay. Những người hiểu biết thì mua đúng loại, còn những người không biết thì chạy đi mua cồn y tế, thậm chí cồn công nghiệp là loại có thể dùng để nướng thực phẩm khô. Hầu hết các trường hợp sử dụng loại cồn này thường sơ ý nên dẫn đến cháy, gây bỏng tay”.

Có những trường hợp sử dụng cồn bị tai nạn là do sơ ý bật lửa hút thuốc lá nên bị bắt lửa dẫn đến cháy. Cũng có những trường hợp là phụ nữ, sau khi đi ra ngoài về, dùng cồn rửa tay rồi bật bếp gas, hay bật lửa nhóm bếp củi nên bị lửa bén vào tay gây ra bỏng.

Một trường hợp sau khi mua cồn, gel sát khuẩn để gần bếp nấu ăn nên rất dễ xảy ra cháy

Chị Hoàng Thị Hương ở xã Nâm N’dir (Krông Nô) cho hay: “Qua tìm hiểu, tôi được biết, ngoài việc dùng khẩu trang, tránh tiếp xúc nơi đông người, mỗi lần đi đâu về nhà đều phải vệ sinh tay chân để phòng tránh Covid. Nhưng do không tìm hiểu kỹ, nghe nói cồn có tác dụng sát khuẩn nên tôi ra các tiệm thuốc tây mua một chai cồn y tế về dùng. Đi làm về, tôi rửa tay bằng cồn, rồi vội vã lo cơm nước cho chồng con. Khi vừa bật bếp gas lên, lửa bén luôn vào tay, nhưng rất may có chiếc khăn ẩm ướt bên cạnh, tôi kịp thời trùm lên tay, nên chỉ bị bỏng nhẹ”.

ADQuảng cáo

Không những vậy, có một số trường hợp để xảy những vụ hỏa hoạn, gây thiệt hại về người và tài sản do dùng cồn để rửa tay. Bởi, có những người khi mua cồn về, do chủ quan nên để gần các thiết bị dễ phóng hỏa như bếp gas, hệ thống điện, các thiết bị điện tử.

Qua tìm hiểu, cồn y tế có có thành phần cồn từ 70-96 độ. Cùng với cồn y tế, hiện nay trên thị trường có khoảng 20 loại dung dịch rửa tay dạng xịt hoặc gel sát khuẩn. Trong các loại dung dịch này đều có thành phần cồn (eathanol) với khoảng 60-75 độ cồn, nên rất dễ bắt nhiệt dễ sinh cháy dưới tác động trực tiếp của nhiệt độ, hoặc gần tia lửa.

Theo bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, sử dụng cồn, hay các dạng dung dịch sát khuẩn đều có tác dụng sát khuẩn, phòng chống được lây nhiễm về Covid-19. Do sự tiện lợi của các loại dung dịch này, các cơ quan, tổ chức thường sử dụng để cán bộ, viên chức, người lao động, người dân rửa tay trước khi vào công sở làm việc, liên hệ công tác. Ngành Y tế cũng sử dụng cồn để sát khuẩn trên một vùng, thôn, bon, khu vực rộng khi không thể dùng xà phòng tẩy rửa bằng nước.

Tuy nhiên, đối với hộ gia đình, cá nhân, khi đi ra ngoài về nhà nên dùng xà phòng diệt khuẩn để rửa tay, không nhất thiết phải dùng các dung dịch sát khuẩn. Trong trường hợp dùng dung dịch sát khuẩn có chất cồn, người dân cần chú ý bảo quản, cất nơi an toàn, tránh trường hợp cháy nổ”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng khi dùng cồn, dung dịch sát khuẩn để phòng dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO